Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Làng nghề và Đặc sản XÂY DỰNG HỒ SƠ HÁT THEN ĐỀ NGHỊ ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HOÁ QUỐC GIA

XÂY DỰNG HỒ SƠ HÁT THEN ĐỀ NGHỊ ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HOÁ QUỐC GIA

Mùa xuân gắn với những làn điệu dân ca mượt mà đằm thắm, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Bắc Giang cũng mang trong mình những nét văn hoá độc đáo, mang bản sắc riêng. So với các dân tộc ít người ở Bắc Giang, người Tày và người Nùng có dân số đông hơn, người Nùng khoảng 67.000 người, người Tày xấp xỉ 38.000 người. Vào những năm đầu của thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, người Tày, Nùng di cư từ Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh đến Bắc Giang, tập trung ở 5 huyện: Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Họ sống và định cư độc lập ở các làng bản riêng và có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán riêng. Bản sắc văn hoá âý trải qua nhiều bước thăng trầm vẫn tồn tại trong đời sống văn hoá tinh thần của người Tày, người Nùng đến ngày nay. Đặc biệt những làn điệu dân ca được bảo tồn và phát huy rất tốt như Soong hao, Sli, Lượn, Then...

Đoàn cán bộ bảo tàng tỉnh Bảo tồn nghệ nhân Then tại huyện Lạng Giang


 Then là hình thức sinh hoạt văn hoá tâm linh có từ lâu đời, và đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tày, Nùng.Với những nét độc đáo riêng đó là sự kết hợp hài hoà giữa chất thiêng và chất văn nghệ. Có thể nói Then là hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể có tính nguyên hợp, là hình thức nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, múa, trang phục. Nói cách khác, âm nhạc là điều kiện cần và đủ để giúp Then nhập hồn và thoát hồn, khả năng đó nếu không có âm nhạc Then sẽ không làm được. Việc trở thành ông Then, bà Then không phải do con người ta tự lựa chọn theo sở thích, ý muốn mà chỉ một số người có căn số ma Then nhập vào và trở thành Then. Những người này dù muốn hay không thì trước sau phải xuống Then, tuổi thành Then không cố định, có người xuống Then khi 12, 13 tuổi, cũng có khi 30, 40 tuổi mới thành Then. Các ông Then, bà Then còn lại hiện nay vẫn giữ được đầy đủ nghi lễ của loại hình nghệ thuật dân gian này từ trang phục, đàn tính, nhạc xóc...

Nghi lễ Hát then của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tỉnh Bắc Giang

Về cơ bản có thể chia công việc Then ra thành 4 nội dung:

Then chúc tụng: Khi gia đình có việc vui mừng mà kinh tế khá họ sẽ mời Then đến hát vui văn nghệ. Loại Then này người đến hát Then có thể là thày Then hoặc là những người biết hát Then biểu diễn.

Then bói: Là loại Then có thể biết được tướng số của người khác. Người đến xem phải mang theo một bát gạo, tiền vàng và đặt lễ lên ban thờ. Thày gảy đàn và hát, cứ sau mỗi lời hát thì thày lại quay ra phán một vấn đề gì đó, có thể là về đường đời, công danh, sự nghiệp hay đuờng tình duyên…Cách xem bói này là nét đặc trưng của những nghệ nhân làm Then, khác hẳn với cách xem của các thày thuộc dân tộc khác là họ đã đưa âm nhạc vào khi xem tướng số.

Then cầu yên, giải hạn: Là loại Then tiểu lễ được thực hiện theo yêu cầu của gia chủ, gồm các loại lễ như: chúc phúc, thượng thọ, nối số bắc cầu, kéo dài tuổi thọ, gọi vía trẻ đi lạc, cầu tự, giải phiền muộn…Then cầu yên thường diến ra vào đầu năm với mục đích cầu yên, giải hạn cho cả gia đình trong năm đó. Then giải hạn liên quan đến sự ốm đau, bệnh tật thất thường được làm bất kỳ thời gian nào trong năm.

 Hội Then (lẩu Then): Là loại Then đại lễ do nhiều thày Then tổ chức tại nhà Then để dâng cúng lễ vật cho tổ nghề...

Qua điều tra cho thấy hầu hết các nghệ nhân đều làm các loại Then giống nhau: cầu an, giải hạn, kỳ yên trấn trạch, mừng thọ, cúng mụ, tạ mồ tạ mả, chữa bệnh, xem bói. Thời điểm làm Then diễn ra vào ban ngày hay ban đêm là tuỳ vào việc xem ngày tốt, giờ tốt.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của các dân tộc ít người, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng đề án phát triển phong trào hát Then. Theo đó, toàn bộ những xã có bà con dân tộc Tày, Nùng sinh sống đều được chọn để thành lập một đội văn nghệ quần chúng. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã mở các lớp học hát Then, góp phần khơi dậy phong trào hát Then trong thế hệ trẻ. Hiện nay, phong trào hát then, đàn tính cũng đang được phục hồi và phát huy, nhất là loại hình đặt lời mới cho hát Then như ở Tân Sơn (Lục Ngạn), Hữu Sản, Vĩnh Khương (Sơn Động), Hương Sơn (Lạng Giang), Vô Tranh (Lục Nam), Canh Nâụ (Yên Thế)... Với giá trị nghệ thuật độc đáo, hát Then, đàn tính đã ngày càng khẳng định sức sống, sức truyền cảm của mình, góp phần vào tinh hoa của di sản văn hoá dân tộc.

Hiện nay, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang tiếp tục nghiên cứu về hát Then- đàn tính ở các làng bản, tăng cường công tác tuyên truyền làm cho mọi người hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về loại hình di sản văn hoá phi vật thể này. Làm tốt công tác nghiên cứu, chúng ta sẽ có cách nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng về quy trình hình thành, giữ gìn, trao truyền, tiếp tục sáng tạo kho tàng then ở mỗi làng, mối bản. Từ đó có ứng xử đúng đắn với loại hình di sản văn hoá này.Và mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định ( số 364/QĐ-UBND) thành lập Hội đồng thẩm định Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đó có nghi lễ hát Then. Và nhằm mục đích tiến tới quá trình lập hồ sơ trình Unesco công nhận hát Then, đàn tính là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thân Quang Huy


Ngày cập nhật: 15/09/2014 Lượt xem: 611