Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Lễ hội ĐÌNH HẢ - NƠI TẾ CỜ PHÁT LỆNH CUỘC KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN YÊN THẾ

ĐÌNH HẢ - NƠI TẾ CỜ PHÁT LỆNH CUỘC KHỞI NGHĨA NÔNG DÂN YÊN THẾ

Đình Hả nằm trong quần thể cụm di tích lịch sử đình, chùa Hả thuộc thôn Đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đình Hả cách trung tâm huyện Tân Yên khoảng 7 km về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 22 km về phía Tây Bắc.
Cách đây 138 năm thủ lĩnh Lương Văn Nắm đã tổ chức tập hợp nghĩa quân chống thổ phỉ sau đó tập kích đánh quân Pháp tại Đức Lân, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 16 tháng 3 năm 1884, sau thắng lợi ông kéo quân về đình Hả làm lễ tế cờ. Đây là sự kiện, đánh dấu son mốc lịch sử, phát động cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế kéo dài gần 30 năm (1884-1913) vào nửa cuối của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

 “ Ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là ngày nhân dân địa phương tổ chức mở lễ hội truyền thống dân gian, dâng hương tưởng nhớ các vị thần và tướng quân thủ lĩnh Lương Văn Nắm, hàng nghìn du khách thập phương tìm về dự lễ hội. Đình Hả được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1994 và đến năm 2012 di tích đền Hả được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo truyền thuyết và các nguồn tư liệu lịch sử thì đình, chùa Hả có lịch sử khởi dựng từ thời Lê - Nguyễn vào thế kỷ XVII. Huyện Yên Thế xưa bao gồm cả huyện Tân Yên bây giờ được chia thành 02 vùng là Yên Thế thượng và Yên Thế hạ. Năm 1957, Nghị định số 532-TTg, ngày 06/11/1957 của Thủ tướng Chính phủ chia tách huyện Yên Thế thành 02 huyện là huyện Yên Thế và huyện Tân Yên. Cụm di tích đình, chùa Hả có tổng diện tích là 1,53 ha, đình Hả tên chữ là “ Phúc thọ đình” vốn là đình cổ do nhân dân trong xã Thế Lộc xưa ( nay là xã Tân Trung) gồm các thôn: Thôn Hả, Chấu, Quyên và thôn Đanh hợp sức xây dựng để thờ đức “Cao Sơn, Quý Minh”, phía gian bên trái nhìn từ hướng chính diện được thờ tướng quân thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm). Vào tháng 10 năm 1885, khi quân Pháp đánh lên Yên Thế, giặc pháp xua quân đi tàn phá đốt xóm, làng trong đó đình Hả bị quân Pháp phá, dỡ lấy vật liệu về xây đồn, bốt. Ngôi đình hiện hữu bây giờ được chính thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám khởi dựng lại vào dịp tạm hòa hoãn với quân Pháp.
Đình Hả tọa lạc trên sườn đồi của thôn Đình Hả, nhìn theo hướng chính diện là ngôi chùa Hả nằm cách đó khoảng 80 m. Kiến trúc quy hoạch theo lối “ Tiền Thần, hậu Phật” (đình trước, chùa sau) mang đậm tính truyền thống gắn với đời sống của miền quê vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ ở thế kỷ XVII. Bao quanh cụm di tích là một khu rừng Lim xanh cổ thụ với hàng trăm cây lim có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tạo nên một quần thể tĩnh mịch tôn nghiêm và một không gian mát mẻ.
Chúng tôi đến thăm cụ Lương Văn Niệm 68 tuổi, ở thôn Gia Tiến, xã Tân Trung là trưởng dòng họ Lương đời thứ 5, cháu đời thứ 4 của thủ lĩnh Đề Nắm. Ông Niệm dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa khu Vườn Can, thôn Gia Tiến thắp hương mộ tổ cụ Lương Văn Kình thân sinh ra anh hùng Lương Văn Nắm. Ông Niệm chậm rãi kể: “ Đề Nắm là con duy nhất của cụ tổ Lương Văn Kình ở khu rừng Tràm, làng Gia xưa ( nay là thôn Gia Tiến). Khi lớn lên, bố mất, Đề Nắm cùng mẹ về sống tại xóm Khủa, làng Hả (thôn Đình Hả), không ai biết ngày tháng năm, sinh và ngày mất của cụ Kình và cụ Nắm, mà chỉ nhớ ngày mất của cụ Kình là 20 tháng giêng âm lịch để lấy làm ngày giỗ”. Lặng một lúc, ông Niệm tiếp lời: “ Bố tôi kể lại: Lúc trẻ, Đề Nắm là người có tài trí thông minh, sức khỏe hơn người, tính cách ngang tàng, hào hiệp thương người. Ông hay giúp người yếu, lấy lại công bằng khi bị kẻ mạnh ức hiếp, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Chính vì vậy lũ cường hào ác bá trong vùng ganh ghét và sợ ông, ngược lại ông được nhân dân trong vùng quý mến, tôn trọng. Ông còn được gọi với nhiều cái tên thân thuộc như: Đề Nắm, Đề Hả, Thống Hả”.
Vùng Yên Thế thời bấy giờ, cuối thế kỷ XIX, nạn thổ phỉ, giặc dã, cướp bóc nổi lên như ong ở khắp nơi, nhân dân các làng Hả, Lèo, Mạc cử ông làm thống lĩnh, sau này đồng lòng theo ông đánh giặc chống Tây. Đề Nắm có ý chí lớn, tài cao và mưu lược quân sự. Ông biết tập hợp những nông dân yêu nước, có sức khỏe, ý chí lớn ra nhập nghĩa quân, tổ chức các trận đánh chống lại quân Thanh phỉ và quân Pháp xâm lược. Sau hơn 8 năm tổ chức lãnh đạo, chỉ huy nghĩa quân (1884-1892), Đề Nắm từng nhiều lần làm cho quân Pháp nhiều thất bại, tổn thất nặng nề.
Sau hội nghị tháng 8/1888 tại Dĩnh Thép đã cử ra Bộ Chỉ huy thống nhất, đánh dấu bước chuyển biến về chất của phong trào Yên Thế vào phạm trù Cần Vương góp phần tạo ra sự thay đổi về tính chất của phong trào Yên Thế. Từ nông dân tự phát sang ý thức hệ phong kiến yêu nước, giàu lòng tự tôn dân tộc. Nhờ đó, nghĩa quân Yên Thế đã có thêm sức bật quyết định, họ tiếp tục tấn công vào đồn binh Bỉ Nội, Kép ( 25/9/1888); Úc Sơn (10/12); Lạn Tràng (16/12). Lại có cả một binh sĩ Pháp có tên là Pellét là lính thợ công binh cũng ra nhập vào hàng ngũ của nghĩa quân. Từ tháng 8/1889, thực dân Pháp đã cảm nhận nỗi lo sợ về cách đánh của nghĩa quân Yên Thế, toán chính theo lệnh của Đề Nắm, chiếm đóng tất cả các vùng phía Bắc Tỉnh Đạo, những sào huyệt chính đóng ở làng Dương Sặt và Thế Lộc. Ở đâu người Pháp cũng gặp một đám dân chúng đầy ác cảm, họ trốn chạy khi quân Pháp đến gần hoặc đặt chướng ngại vật khắp nơi trong làng ngăn đường tiến của quân Pháp, các điểm cao bị dân bản xứ chiếm đóng. Để thực hiện ý định tiêu diệt các lực lượng khởi nghĩa đóng tại các làng Dương Sặt (xã Thế Lộc), ngày 21/8/1889, hai viên Chánh quản Dallamgné và Picar đã huy động toàn bộ lính khố xanh ở hai đồn binh Bỉ Nội và Bích Động kéo đến tấn công vào làng Dương Sặt. Chúng đã vấp phải hàng loạt đạn của nghĩa quân quật ngã nhiều tên, đánh bật khi chúng tiến vào ngôi làng đã được phòng thủ kiên cố. Cuối cùng chúng buộc chúng phải rút lui khi được 80 lính của Chánh quản Moutin từ Bắc Ninh tới tăng chi viện. Chỉ huy nhiều trận đánh trả quân Pháp thông minh, táo bạo và hiệu quả của thủ lĩnh Đề Nắm, tên tuổi ông gây được tiếng vang khiến nhân dân khắp vùng ca ngợi.
Với mục đích kiên trì chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do dân tộc. Thủ lĩnh Đề Nắm đã sớm lo việc xây dựng căn cứ đại bản doanh làm mục tiêu bàn đạp, chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và lâu dài. Đó là đồn lũy Khám Nghè, đồn Hố Chuối và các làng chiến đấu Dương Sặt, Thế Lộc, Luộc Hạ và Cao Thượng. Nghĩa quân Đề Nắm xây được lòng tin vững chắc trong thế trận ủng hộ của toàn thể nhân dân trong vùng. Lôi kéo được nhiều binh lính người Việt, trong đó có cả người Pháp đi theo đứng vào hàng ngũ của nghĩa quân chính nghĩa. Qua lửa đạn, tên tuổi của Đề Nắm, Đề Thám, Bá Phức được nhân dân cùng nghĩa quân vô cùng kính trọng và cảm phục, khi nhắc đến tên các ông là kẻ thù khiếp sợ.
Năm 1892, Đề Nắm bị thuộc hạ cấp dưới phản bội, hắn đã sát hại ông bằng thuốc độc. Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) tổ chức Lễ tế cờ tại đình Đông (huyện Việt Yên) ra lệnh tử hình tên này để trả thù cho Đề Nắm. Củng cố lại lực lượng, tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân giương cao ngọn cờ khởi nghĩa đánh đuổi kẻ thù thực dân pháp xâm lược. Những ông Đề, ông Đốc, ông Quản, ông Thống đã hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó là những Cả, những Hai, những Ba vừa gần gũi lại hết sức thân thương với nhân dân hai vùng Yên Thế Thượng và Yên Thế Hạ. Cuộc khởi nghĩa trường kỳ kháng chiến kéo dài suốt 30 năm dài trường kỳ đầy gian khổ như một bản hùng ca bất diệt, sáng chói thể hiện ý chí anh hùng của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, đánh dấu mốc son đỏ ghi sử vàng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIX - XX, trong đình Hả có 02 câu đối được ghi:
Nhân sinh tự cổ thủy vô tử?
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Dịch là: Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh.
Năm 2021, UBND huyện Tân Yên quyết định đầu tư khởi công xây dựng công trình Dự án Đền thờ Lương Văn Nắm và hạng mục phụ trợ với tổng mức kinh phí 20 tỷ đồng( giai đoạn 1, năm 2021- 2022 có mức đầu tư 9,5 tỷ đồng). Đền thờ được thi công xây dựng tại cụm di tích lịch sử đình, chùa Hả, xã Tân Trung với tổng diện tích hơn 2.000m2. Đền được xây dựng lấy theo hướng của đình Hả (hướng Tây Nam), lưng tựa vào sườn đồi, hướng nhìn ra vùng đồng bằng thoáng rộng phía trước, cách đình, chùa Hả khoảng 70 - 80 m. Quy mô khoảng 300m2, mặt bằng hình chữ công, tiền tế với hình thức mái đao 1 tầng mái, tiếp đến là ống muống và Hậu cung xây kiểu hình thức mái đao 1 tầng mái tương tự với tiền tế. Hệ thống nội thất được bổ xung cơ bản như: Ban thờ, án gian, hoành phi câu đối, cửa võng… Dự án hoàn thành góp phần bảo tồn di sản văn hoá lịch sử của quê hương, dân tộc đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho nhân dân địa phương trong vùng. Là điểm thu hút khách đến tham quan, du lịch của du khách thập phương, là công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử của dân tộc, góp phần thúc đẩy thu hút phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới./. 
 Trần Ngọc Sơn
( Hạt Kiểm lâm Tân - Việt - Hòa)
Ngày cập nhật: 08/03/2022 Lượt xem: 1093