Năm nay, làng Vân lại mở hội lớn. Hội vật Cầu nước làng Vân- một lễ hội “độc nhất vô nhị” cứ 4 năm một lần lại tổ chức hội lớn. Đây là lễ hội mang đậm đà bản sắc dân tộc, nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp. Ngày nay, cứ mỗi khi làng mở hội thu hút hàng chục ngàn du khách đến tham quan, tìm hiểu. Lễ hội Vật Cầu Nước làng Vân đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thanh Huyền
Để nói về sự độc đáo của hội Vật Cầu Nước làng Vân người xưa ví nếu đi xem hội mà không biết đến Lễ hội Vật Cầu nước làng Vân xã Vân Hà, huyện Việt Yên thì quả là "chưa phải người sành săn hội". Hay còn có "họa" rằng:
"Khánh hạ làng Vân hội vật cầu
Khắp vùng Kinh Bắc chẳng có đâu
Quan quân gắng sức giành cho được
Sân chơi bùn nước họa một màu"
Hay: "Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày hội khỏe vật cầu tháng Tư".
Hội được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Tư âm lịch ( chu kỳ 4 năm 1 lần), tại đền Chính (nơi thờ đức Thánh Tam Giang Trương Hống - Trương Hát). Trước đây được tổ chức từ ngày 22 – 24/4 âm lịch hàng năm tại đền Chính, về sau, để tránh lụt lội, hội vật cầu được tổ chức trong ba ngày 12 – 14/4 âm lịch. Sau mấy thập kỷ bị lãng quên, từ năm 2002 trở lại đây hội vật cầu nước Vân Hà được khôi phục lại, 4 năm một lần mở hội lớn. Và năm nay, năm Nhâm Dần 2022 là năm Lễ hội vật cầu nước làng Vân lại mở hội lớn, mỗi lần mở hội thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Vật Cầu hay cướp Cầu được biết đến như một trò chơi vận động số đông gắn liền với tín ngưỡng cầu may, cầu lộc, cầu tài của người xưa. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai. Đó là niềm mong mỏi hàng đầu của cư dân nông nghiệp. Ở Bắc Giang, nhiều hội làng có tục cướp cầu như hội Hữu Mục, hội làng Lý (Ngọc Lý - Tân Yên), hội Phú Khê (Quế Nham - Tân Yên), hội làng Dĩnh (Việt Ngọc - Tân Yên), hội làng Bừng (Tân Thanh - Lạng Giang)... nhưng duy nhất làng Vân ở xã Vân Hà có vật Cầu Nước.
Tục truyền rằng, khi xưa có vị thân mẫu sinh một lần được 5 người con (4 trai, 1 gái), đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, người con gái tên Mỹ Đạm. 5 người con của bà có dung mạo khác thường, khí chất hiển lộ. Khi đất nước lâm nguy, Triệu Việt Vương rút quân rời bỏ kinh thành về đầm Dạ Trạch lánh nạn, anh em họ Trương liền ra tay giúp nước. Sau khi đại thắng trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen quấy phá, hai bên xung trận với giao ước, ai thắng sẽ được thưởng, ai thua, sẽ phải quy phục. Bọn quỷ đen thua trận, quy hàng các đại tướng. Từ đó trở đi, dân làng Vân mở hội vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và mừng chiến thắng của các Ngài. Các thế hệ người làng Vân đã gìn giữ và lưu truyền điển tích này từ thế kỷ thứ 6 cho tới ngày nay.
Ảnh: TTXTDL
Hội được chuẩn bị khá công phu. Trước khi hội mở 2 ngày, các cụ trong ban Khánh tiết ra mở cửa đền lau chùi đồ thờ, sau đó làm lễ mộc dục (tắm rửa cho Thánh), lễ Phong áo (mặc áo vóc đại hồng cho Thánh) rồi làm lễ An vị và kéo cờ hội. Khu vực sân cầu nơi diễn ra các cuộc đấu vật cũng được dọn dẹp sạch sẽ, rộng chừng 200m2, sau đó có hai hoặc bốn cô gái nết na, chưa chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà. Việc chọn người trong ban tế cũng được tiến hành rất cẩn thận và tuân theo những tiêu chuẩn khắt khe do làng quy định. Đó phải là người phu phụ song toàn, bản thân có uy tín với dân làng, được mọi người yêu mến kính nể. Tất cả không được vướng tang bụi. Riêng Chánh tế là lý trưởng đương thứ, nếu lý trưởng vắng thì phó lý thay. Nếu không may, phó lý năm đó cũng có tang bụi thì dân sẽ cử người cao tuổi nhất có chân trong tư văn hội và đủ các tiêu chuẩn khác do làng đặt ra làm Chánh tế. Ngày nay, Chánh tế được chọn là những người uy tín hoặc chức sắc trong thôn.
Đặc biệt, việc tuyển chọn quân cầu được tiến hành cẩn trọng. Đội cầu gồm 20 quân cầu là những thanh niên được tinh tuyển từ 5 xóm, mỗi xóm 4 người. Đội chính thức sẽ có 16 quân cầu và 4 người dự bị. Thời xưa, các quân cầu sẽ phải giữ mình trong sạch, ăn chay, và kiêng yêu đương, giữ tâm trong sạch, và có khi còn bị cách ly toàn bộ để giữ mình chay tịnh. Số quân cầu này được một ban huấn luyện do làng cử ra dạy cách đi đứng, để tay, cách ngồi, cách chơi cầu...
Sân Đền rộng hơn 200 mét vuông đã được đổ đầy đất bùn. Bùn ở đây được kiểm tra kỹ càng, nước không được quá nhiều (sẽ bị ướt), hoặc quá ít (sẽ bị khô). Nước đổ vào sân Đền cũng phải là nước sông Cầu do từ 4-6 cô gái mặc đồ truyền thống của làng quê Bắc Bộ gánh nước từ sông lên bằng quang gánh cổ truyền, chiếc đòn gánh được chuốt kỹ và chỉ dùng mỗi khi có lễ hội. Thùng nước không phải thùng thông thường mà bằng chum của làng Thổ Hà, loại chum dùng để cất rượu. Hai đầu sân có hai lỗ sâu gần 1m, rộng nửa mét, các đấu thủ ôm cầu đẩy xuống hố sẽ được tính là đội chiến thắng. Quả cầu không phải cầu bình thường, mà là quả cầu nặng khoảng 20kg làm bằng gỗ. Bưng được quả cầu đó và phải bảo vệ, di chuyển, cho vào lỗ trước sự cản phá “ác liệt” của đối phương và trên bãi bùn trơn trượt, quả là một thử thách không hề nhỏ.
Ảnh: TTXTDL
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh.
Đến ngày hội, ban Khánh tiết của làng tổ chức rước sắc từ đền Trung về đền Chính. Đám rước đến đền Chính sẽ làm lễ An vị và lễ Cáo yết để cảm ơn công đức của thánh với dân làng và mời thánh về dự hội. Sau đó, hội vật cầu chính thức diễn ra.
Các quân cầu xếp hàng đôi, đối diện nhau, sau đó, mỗi đội cử ra một cặp đấu vật với nhau xem ai thắng nghĩa là đội đó được giao cầu trước. Trận đấu bắt đầu với sự giao tranh quyết liệt của hai đội. Ai cũng muốn đưa quả cầu vào lỗ của sân đối phương. Nhưng, muốn nhanh cũng phải từ từ. Sân trơn trượt, địch thủ đội bạn khỏe, táo bạo, cướp cầu liên tục. Có lúc muốn bảo vệ cầu phải bưng cả cầu thủ đội mình lên cao. Trận đấu rất hấp dẫn, nhiều kịch tính, trong tiếng trống thúc giục lúc khoan thai, lúc dồn dập.
Trong buổi chiều ngày đầu tiên mở hội, hai đội đại diện cho hai giáp là giáp trên và giáp dưới đã thi đấu nhiều hiệp. Mỗi đội đều thả được một quả cầu vào lỗ cầu bên sân đối phương. Hai ngày tiếp theo lễ hội vẫn tiếp tục diễn ra, hứa hẹn sẽ có những hiệp đấu vô cùng gay cấn của hai bên. Quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ thánh. Lễ xong, quân cầu được lên sân đền Chính uống rượu trận. Họ ngồi xếp bằng trong 4 hàng, hai bên quay mặt và nhau, cỗ trận để ở giữa. Khi có tiếng trống nổi lên ba hồi 9 tiếng, hội vật cầu chính thức diễn ra. Các quân cầu sẽ ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu vừa reo hò và tranh nhau quả cầu để đặt vào lỗ của bên đối phương. Bên nào bỏ được cầu vào lỗ của đối phương trước là thắng. Trong hội vật cầu, vì đền quay mặt về hướng Tây nên hai hướng cầu ở phía Bắc và Nam. Trong khi chơi, nếu bên phía Nam thắng là điều tốt lành cho làng. Năm đó, sẽ mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc.
Những người tham dự lễ hội, chỉ nghe tiếng trống hội dồn dập cũng hồi hộp đến nghẹn thở, kịch tính; thấy tinh thần dân tộc cái thiện thắng cái ác, tinh thần đồng đội như đũa một bó, như tre một bụi. Kết thúc cuộc chơi, các quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ Thánh rồi tất cả ùa ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày trong hội vật cầu./.
Thanh Huyền
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang