Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Lễ hội Trảy hội dịp giêng, hai

Trảy hội dịp giêng, hai

Tỉnh Bắc Giang có hơn 500 lễ hội với rất nhiều đền, đình, chùa, miếu mạo rải rác từ đồng bằng đến miền núi. Nếu đình thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân làng, chùa thờ Phật thì đền là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh.

Bắc Giang có nhiều đền và thường gắn với lễ hội. Trong số các di tích ấy có đền Thề ở thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) và đền Xương Giang (TP Bắc Giang) khá bề thế và quy mô.

Đền Thề thuộc khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, gần với đồn Phồn Xương là bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Theo các tài liệu lịch sử, đền vốn được thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám dựng lên bằng tranh tre, khi xây đắp đồn Phồn Xương mới xây dựng đền mới bằng khung lim, lợp ngói. Năm 1984, nhân kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, UBND tỉnh quyết định mở hội Phồn Xương (lễ hội Yên Thế) để biểu dương truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Hội được tổ chức vào ngày 16/3 Dương lịch hằng năm.

Cũng giống như bao lễ hội khác trong tỉnh, hội Phồn Xương gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ chủ yếu là rước đón truyền thống từ làng Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên lên Phồn Xương, lễ diễu hành của các lực lượng trong toàn huyện, tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và những nghĩa sĩ của ông, các phần tế lễ cầu cho quốc thái dân an, phóng ngư, thả điểu… Thông qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự tri ân của thế hệ hôm nay với trời đất, thần linh, các anh hùng nghĩa sĩ, nghĩa binh, dân binh, những người hy sinh cho đất nước và dân tộc đã một lòng trung thành, sống chết dưới cờ nghĩa của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. 

Đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Sau phần lễ là phần hội sôi động, mở cửa các đình, chùa, di tích đồn lũy, nhà truyền thống, biểu diễn võ thuật, thi bắn cung nỏ, thi đấu cờ người, đu, vật, bóng chuyền, bóng đá… Buổi tối các đoàn nghệ thuật biểu diễn chương trình văn nghệ, diễn tuồng, quan họ… Ngày nay, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế đã được quy hoạch và tôn tạo vừa giữ được dấu vết xưa, vừa tạo ra khung cảnh tôn nghiêm, bề thế thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, tìm hiểu.

Đoàn rước tại lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Ngọc Anh.

Đoàn rước tại lễ hội Xương Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Ngọc Anh.

Đền Xương Giang nằm ngay trung tâm thành cổ Xương Giang thuộc TP Bắc Giang. Theo tài liệu lịch sử, khi giặc Minh phong kiến phương Bắc sang xâm lăng nước ta, vua Lê Lợi đã dấy binh khởi nghĩa. Chính tại Xương Giang đã có cuộc quyết chiến quyết thắng của quân dân ta với giặc và kết quả quân giặc đại bại. Mô tả chiến thắng Xương Giang, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông.

Mùa xuân năm 1427, nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến của quân dân Đại Việt, buộc Vương Thông ở Đông Quan phải đầu hàng, là chiến thắng đỉnh cao và có ý nghĩa quyết định thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo sau 10 năm chiến đấu gian khổ, ngoan cường, chấm dứt 20 năm đô hộ tàn bạo của nhà Minh. Chiến thắng Xương Giang được sử sách ghi lại sánh ngang tầm với những chiến thắng: Bạch Đằng, Ngọc Hồi - Đống Đa, Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mãi mãi trở thành một dấu son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Chính hội Xương Giang vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Đã thành thông lệ, các đoàn rước từ các phường, xã thuộc thành phố và các tổ dân phố của phường Xương Giang tiến về đền Xương Giang. Các đoàn thực hiện nghi lễ rước cờ, gióng trống, chiêng, xe kiệu, lọng và các màn múa dân gian được chuẩn bị công phu, rực rỡ màu sắc nhưng cũng không kém phần trang nghiêm di chuyển về trung tâm lễ hội… Lễ hội cũng là dịp giới thiệu với đông đảo nhân dân, du khách gần xa về mảnh đất Bắc Giang văn hiến, cách mạng, anh hùng, về con người Bắc Giang thân thiện và mến khách.

Bắc Giang có nhiều di tích nổi tiếng với cảnh đẹp và bản sắc văn hoá, lễ hội độc đáo. Giữ gìn và phát huy bản sắc ấy là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Theo Báo Bắc Giang
Lượt xem: 1141