Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Lễ hội Giêng hai về miền Soong hao

Giêng hai về miền Soong hao

Ở vùng cao Lục Ngạn mỗi độ xuân về là không khí đón xuân lại tưng bừng náo nhiệt. Tục hát soong hao của người Nùng được bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết mùa xuân. Chính hội là ngày 18 tháng hai âm lịch hàng năm. Lễ hội Soong hao Lục Ngạn, năm 2019 vào đúng dịp cuối tuần, ngày 23 tháng 3 dương lịch.

Người Nùng ở Lục Ngạn vẫn có câu hát truyền khẩu “soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui” (hai ta đi chơi xuân hát lượn, không lượn là không vui). Đã từng ở Lục Ngạn những năm 1990 trở về trước, tôi nhớ lại, đi công tác ở các xã vùng cao Lục Ngạn tới đâu cũng gặp sắc màu chàm của bà con dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí. Màu chàm những chiếc khăn trên đầu thiếu nữ, màu chàm những tà áo thướt tha ngày hội. Và càng không thể không nhắc tới điệu soong hao dặt dìu mỗi độ giêng hai. Vào mùa soong hao người Nùng ở Lục Ngạn thường mời người Nùng ở Lạng Sơn cùng các vùng lân cận xuống chơi dự hội. Các bạn hát từ Lạng Sơn về thường đi thành từng đoàn. Đoàn ít cỡ khoảng mười người, đoàn nhiều có khi lên tới vài ba chục người. Mỗi đoàn thường có người già đi theo làm nhiệm vụ giao dịch tổ chức. Các đoàn khách đến trước hội từ một đến hai ngày. Để tỏ lòng mến khách, dân bản thường giữ khách ở chơi vài ngày cùng vui chơi ca hát và thăm hỏi lẫn nhau. Vào hội soong hao, thanh niên dân tộc Nùng hát trong làng, ngoài bản, bên những cánh rừng hoặc ở các chợ trung tâm. Đi hát hội cũng là đi mua sắm các vật dụng gia đình, đi chơi chợ ngày xuân. 
Anh Vi Văn Tà 50 tuổi, thôn Đấp xã Sơn Hải, một trong những nghệ nhân dân gian có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa soong hao kể rằng: 30 năm trước khi còn là lính đóng quân ở Đình Lập, Lộc Bình (Lạng Sơn), dù đang là người lính nhưng câu soong hao gọi bạn mỗi độ xuân về làm náo nức trái tim chàng trai người Nùng. Ngày nghỉ đúng vào dịp chợ phiên, anh lính trẻ Vi Văn Tà hòa vào dòng người, chung vui câu hát tìm bạn ngày xuân. Nhiều bận cậu lính trẻ tìm vào tận bản để hát. Ba năm quân ngũ và cũng bằng ấy năm dự các mùa hội hát Vi Văn Tà đã đưa được cô sơn nữ xứ Lạng đẹp người, đẹp nết về làm dâu vùng Lục Ngạn. Kể lại chuyện cũ anh Tà nói giọng rất vui: 30 năm, giờ chúng tôi đã có bốn mặt con. Dâu rể và các cháu nội ngoại giờ cũng đầy đủ cả, nhưng làn điệu soong hao như vẫn ngấm vào từng đường gân thớ thịt. Cứ nghĩ đến soong hao tôi như thấy mình được trở lại thời trai trẻ. 
Tục hát soong hao của người Nùng, nam nữ phải đối đáp theo các bước: làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn và hẹn hò. Thường thì mọi người vẫn hát những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, phong tục sản xuất, ca ngợi bốn mùa. Qua lời hát, các cặp đôi gửi cho nhau những lời nhắn nhủ yêu thương, ngỏ ý giao duyên kết tình. Mỗi mùa soong hao về lại có biết bao cặp nam nữ nên duyên đôi lứa. Hết hội vùng này lại tới hội vùng kia, bạn soong hao lần lượt mời nhau về dự hội ở địa phương mình. Mở màn cho hội soong hao vùng Lục Ngạn là ngày 12 tháng giêng – ngày chợ phiên Thác Lười (Tân Sơn). Từ Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp và tận bên kia đèo Quao (Lạng Sơn) các chàng trai, cô gái cùng rủ nhau tìm về. Họ say sưa câu hát, từ Thác Lười đến Phong Vân về Tân Hoa, Biển Động, xuôi Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng. Soong hao cứ vui như thế cho đến hết xuân. 
Mùa xuân năm 1996, lần đầu tiên hội hát soong hao được huyện Lục Ngạn tổ chức tại khu du lịch Khuôn Thần. Đây là hội hát nhằm khôi phục lại nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Lục Ngạn. Đến nay đã qua mười bẩy mùa hội, đến hẹn lại lên, soong hao giờ đã trở thành máu thịt của người Lục Ngạn. Cứ mỗi độ xuân về, ngày 18 tháng 2 âm lịch – đúng phiên chợ Chũ, trai gái dân tộc ở các bản làng lại nườm nượp kéo nhau về vui hội. 29 xã, thị trấn của huyện đều cử ra những người hát giỏi, hát hay lên sân khấu trình diễn, đua tài. Tuy hát trên sân khấu, nhưng hình thức giao duyên của soong hao vẫn được thể hiện theo lối hát truyền thống. Hát soong hao có thể theo hình thức đối đáp nhóm nam nữ hoặc một nam một nữ. 
Soong hao đang được gìn giữ và bảo tồn với tất cả những tinh hoa đặc sắc của người Lục Ngạn. Nghệ nhân Vi Văn Tà đã dịch một số lời hát đối đáp nam nữ từ tiếng Nùng sang tiếng Kinh, những lời hát này anh và bạn hát đã từng hát suốt một thời trai trẻ. 
Nam: Anh và em cùng xuống chợ rồi rủ nhau lên đồi tâm sự. 
Cả năm vất vả, đôi ta chỉ có dịp này là thảnh thơi. 
Nữ: Mặt trời khuất sau cánh rừng, đêm xuống rồi anh ơi. 
Anh hãy kéo mặt trời lên đi, em sẽ đi cùng anh vui chơi. 
Nghe anh Tà dịch xong, tôi thấy lời hát đối quả là tế nhị và khéo léo. Cô gái không khước từ lời mời của chàng trai. Nhưng nàng e thẹn, cái e thẹn sơn nữ. Ý cô nói trời tối rồi em phải về nhà kẻo pế - mé (bố - mẹ) mong. Nếu anh kéo được mặt trời đừng khuất sau cánh rừng thì em sẽ ở lại cùng anh vui chơi. Dù biết chàng trai không làm được điều này nhưng cô gái vẫn đố. Đây cũng là lời từ chối ý nhị, nhưng lại như khích lệ chàng trai (dù chàng không kéo được mặt trời) nếu anh có lòng tin, có sức mạnh anh sẽ đến được với em. 
Nhiều khi lời giao duyên của soong hao chuyển tải tình cảm và ước nguyện đôi lứa, lấp lánh tính nhân văn cao đẹp. Trong tình yêu đôi khi sự giàu nghèo vẫn là bức tường ngăn cách các đôi trai gái. Nhưng soong hao thì không. Những chàng trai cô gái quen nhau trong các mùa hội hát đến với nhau bằng sự rung động của con tim.
Nam: Anh nghèo chẳng có gạo, có trâu, cũng chẳng bạc trắng rượu ngon biết lấy gì hỏi em làm vợ. 
Nữ: Anh không có gạo, có trâu cùng bạc trắng, rượu ngon, nhưng có lòng yêu em, em vẫn theo anh về nhà. 
 Chính hội soong hao là ngày 18 tháng hai âm lịch – hội soong hao ngày hội tình yêu của các dân tộc thiểu số vùng cao Lục Ngạn. Câu soong hao say đắm lòng người đang được người Lục Ngạn phục hồi và phát triển. Nét văn hóa đặc sắc này đã trở thành văn hóa phi vật thể quý báu. Cùng với sản phẩm vải thiều, mật ong, mì Chũ – những đặc sản nổi tiếng vùng Lục Ngạn, soong hao đã và đang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút khách du lịch. Mời các bạn về Lục Ngạn – Bắc Giang dịp 18 tháng hai âm lịch hàng năm để đắm mình trong lễ hội của miền soong hao, lễ hội đặc sắc và ấn tượng vùng Đông Bắc. 
Bài: Lê Đức Cương
Ảnh: Bá Đạt 
Ngày cập nhật: 25/03/2019 Lượt xem: 609