Thông tin du lịch Bắc Giang

Hội chùa Am Vãi

Chùa Am Vãi là ngôi chùa cổ nằm ở gần đỉnh núi của dãy núi Am Ni, bên trái con sông Lục Nam, ở khu vực thị trấn Chũ nhìn sang.
 
Núi này sách Lục Nam địa chí chép rằng:
“Núi Am Ni : ở phía đông bắc xã Nam Điện, cao hơn nghìn trượng. Lên núi nhìn được các đường núi ở bốn xung quanh thuộc Đông Triều và Lạng Giang. Có một giếng đá ở trên đỉnh, nước rất trong ngon lại có chùa cổ. Theo truyền tích, đây là nơi công chúa nhà Trần xuất giá tu hành”.
Núi Am Ni hiện nay sơn phận trải quanh phạm vi các xã Nam Điện, Tân Mộc, Nghĩa Hồ và Tân Lập của huyện Lục Ngạn. Từ thị trấn Chũ nhìn về phía Tây thấy một dãy núi lớn đối ngạn, đỉnh cao nhất chỉ thấy mờ mờ, dường như cây cối xanh tốt quanh năm. Chỗ ấy chính là nơi chùa Am Vãi toạ lạc. Hiện nay ngôi chùa này do dân làng Biềng, xã Nam Dương trông nom, gìn giữ và tu tạo. Mấy năm nay dân làng Biềng mở hội chùa Am Vãi vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Hội mới mở mà lại trên núi cao mà khách trong vùng đã rủ nhau đến rất đông.
Cho tới ngày nay cũng chưa ai rõ hội chùa Am Vãi tổ chức ra là để kỷ niệm ngày dựng chùa, hay ngày giỗ tổ, chi biết rằng cứ đến ngày ấy thì dân làng Biềng lại làm cỗ chay kéo nhau lên núi vào chùa cúng Phật. Mà thực chất trong ngày ấy ở chùa mọi hoạt động của dân thôn, dân xã đều tập trung vào lễ Phật chứ không tổ chức trò vui gì khác. Bởi thế, mỗi người đến hội chùa Am Vãi đều có càm giác là đi dự hội vui xuân. Đến với hội chùa Am Vãi là đến với cảnh đẹp núi rừng, cảnh đẹp của non sông hùng vĩ, sơn thuỷ hữu tình, để biết một miền thắng tích với bao điều kỳ lạ mà sử sách đã ghi.
Hội chùa Am Vãi mở vào cuối xuân , nắng xuân đã nhiều để gọi hè sang. Tiết trời ngày hội vẫn còn mát mẻ mà núi rừng khô tạnh xanh tươi, như giục giã bước chân người đi hội tiến tới.
Núi Am Ni thật đồ sộ. Trên núi cây cối cao ngàn trượng . Trên núi này chủ yếu là đá cát kết, tinh cát trắng trong màu đá xám đỏ. Đá có nhiều loại to nhỏ khác nhau; chỗ vùi trong đất, chỗ nồi lên cao, chỗ thì chống xếp lên nhau rất lạ. Cây cỏ trong núi chủ yếu xanh quanh năm ở dọc các khe các suối, còn hầu hết trên các sườn núi là các loài cây chịu hạn, giống cảnh vẫn thường bầy trong chậu cảnh bon sai.
Truyền tích địa phương kể rằng ở khe suối Hàm Rồng của núi, có hai chị em vào rừng lấy củi, lấy củ. Đói quá, chị mang nồi bắc bếp, cho đá cuội đổ nước vào nồi bảo em rằng: Em cứ đun nồi ấy, để chị đi lấy củ cho vào rồi chị em cùng ăn. Người em đun mãi rồi chết lả bên suối. Chị về thấy vậy, khóc lóc thảm thiết cũng nhảy xuống vực tự tử. Vì thế núi thành tên Vũng chị, Vũng em.
Trước khi vào chùa phải đi qua khu đá có tên là bàn cờ tiên. Khu đá này có tảng đá lớn như ngôi nhà ba gian, chống xếp lên nhau từ bao đời. Có hòn đá bàn cờ rất phẳng. Tương truyền, xưa kia các tiên thường xuống đây đánh cờ vì thế mà có tên là bàn cờ tiên. Cạnh bàn cờ tiên lại có tảng đá rất lớn. Mặt đá bằng phẳng nhưng lõm ở giữa hình giống như một vết chân lớn. Nước thường lưu đọng lại đây. Sử sách thường nói: Nhiều nơi có thần nhân xuất hiện, lưu lại vết chân gọi là vết chân thần. Có lẽ những truyền thuyết ấy chính là để mô tả dấu vết chân trên đúng như ở núi này.
Chùa Am Vãi xưa có các công trình: Tiền đường, Tam bảo, hành lang, nhà tăng ni, bếp, giếng và khu đặt tháp đá. Giếng nước kề bên phải chùa, nước trong và mát chảy quanh năm, nước uống rất ngọt.
Tháp đá ở chùa có hai cây. Một cây đã đổ còn một cây mới được dựng lại. Bên trong có bài vị ghi hàng chữ Hán: “ Trúc Lâm ma hát tát tỳ khưu hoá thân Bồ tát thiền sư vị”. Tháp này người xưa gọi là” Liên hoa Bảo tháp”.
Hội chùa Am Vãi được tổ chức ở đây, người dân địa phương lấy đá kê bếp, bắc nồi đun nước, nấu cơm xôi làm lễ cúng phật. Tại đây người ta kể cho nhau nghe về núi, về cây, về chùa và về cái sự tích của núi. rồi người ta lại dâng hương lễ Phật, cầu cho quốc thái dân an.

Sưu tầm

Ngày cập nhật: 05/11/2014 Lượt xem: 652