Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Lễ hội Kích cầu du lịch Bắc Giang qua các lễ hội truyền thống

Kích cầu du lịch Bắc Giang qua các lễ hội truyền thống

    Trong xã hội đương đại, lễ hội dân gian (lễ hội truyền thống) ngày càng trở thành hoạt động thu hút đông đảo khách du lịch, khách hành hương. Chính những màu sắc đa dạng, nét đặc sắc độc đáo của loại hình văn hoá tín ngưỡng này tạo một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng.

Phần trình diễn hát Quan họ tại lễ hội Bổ Đà
 Lễ hội- mạch nguồn tâm linh
     Lễ hội dân gian là những sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, văn nghệ truyền thống của cộng đồng. Đó là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng và cái trần thế mang lại một sức hút lớn đối với cộng đồng. Trong tâm thức của cộng đồng dân tộc nói chung, không gian lễ hội vừa rất thực, rất đời lại vừa mang sắc màu tâm linh huyền bí; Lễ hội là dịp để cộng đồng tưởng nhớ đến công đức của lớp lớp thế hệ cha ông đi trước với những công lao hiển hách; là dịp con người ta thể hiện nhu cầu tự do tín ngưỡng, chiêm ngưỡng tìm hiểu những nét đẹp truyền thống văn hoá độc đáo của mỗi vùng miền. Qua các dịp lễ hội, bản thân mỗi chúng ta có thể tạo ra và tìm thấy sự đồng cảm, lòng yêu thương lẫn nhau; mọi người thoả sức vui chơi, giải trí tìm ra cho chính mình những cảm xúc thăng hoa khác với cuộc sống đời thường trong không gian vừa “Đời”, vừa “ Linh” đó. Vì những lẽ đó, các lễ hội truyền thống đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn hàng năm.
    Đến với lễ hội du khách muốn đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn, đặc biệt nhu cầu tâm linh một cách bình dị và gần gũi với cuộc sống của cộng đồng. Mặt khác, mỗi lễ hội lại mang sắc thái vùng miền khác nhau nên lại càng hấp dẫn khách du lịch, bởi bản chất của du lịch là tìm đến những thứ mới lạ, hấp dẫn. Lâu nay, lễ hội dân gian vốn đã gắn bó với người dân lại có dịp mở rộng, phát triển hơn nữa về cả hình thức nội dung và tầm ảnh hưởng của nó đến với cộng đồng dân cư. Bởi vậy, lễ hội ngày càng trở thành một nguồn lực quan trọng kích cầu du lịch địa phương; hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của ngành du lịch địa phương góp phần làm bức tranh du lịch của vùng miền thêm phong phú hấp dẫn, đa dạng cho du khách lựa chọn. Trong mối tương tác đó, cũng chính nhờ sự phát triển của du lịch mà các lễ hội dân gian cũng ngày càng được gìn giữ phát huy làm giàu phong phú thêm nét sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán, các giá trị văn hoá từng vùng miền.
Hình ảnh lễ rước tại hội Thổ Hà
 Lễ hội Bắc Giang – sắc màu đa dạng
   Cũng như nhiều vùng quê khác, miền đất Bắc Giang có rất nhiều lễ hội truyền thống với những nét độc đáo, đặc sắc riêng có của con người và vùng đất nơi đây. Với những giá trị và đóng góp to lớn mang những nét độc đáo và đặc sắc riêng có, nhiều lễ hội truyền thống Bắc Giang đã được xếp hạng Di sản phi vật thể văn hoá cấp Quốc Gia. Đó chính là một nguồn lực quan trọng để kích cầu du lịch hay nói cách khác thu hút một lượng khách lớn đến với Bắc Giang hàng năm.
  Lễ hội Thổ Hà
Hội làng Thổ Hà mang đặc trưng của lễ hội vùng Kinh Bắc với những làn điệu quan họ quen thuộc được biểu diễn trên sông, sân đình. Lễ hội làng Thổ Hà diễn ra ngày lễ chính là 21-1 âm lịch. Lễ rước Thành hoàng làng cũng được tổ chức trang trọng, cầu kỳ, chỉ khoảng 300m nhưng lễ rước phải mất hai tiếng, đi cùng lễ rước là những màn múa, trống hội hết sức đặc sắc thu hút đông đảo người dân trong vùng.
  Lễ hội chùa Bổ Đà
Hội chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên được tổ chức từ ngày 16 - 18 tháng hai âm lịch hàng năm tại khu vực núi Bổ Đà. Đây không chỉ là một danh thắng có giá trị văn hoá lịch sử mà còn là nơi hành hương thờ phụng thường xuyên của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, tới kỳ lễ hội hoặc các ngày lễ, ngày nghỉ rất nhiều khách thập phương tới chùa để tham quan cảnh đẹp và tỏ lòng tín ngưỡng, tạo nên không khí lễ hội rất vui vẻ và mang đậm nét văn hoá.
 Lễ hội Yên Thế
 Lễ hội được tổ chức từ ngày 15 đến 17/3 dương lịch hàng năm đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài tỉnh. Lễ hội bắt đầu là bài diễn văn khai hội nói về ý nghĩa của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế và tinh thần của cuộc Khởi nghĩa đời đời bất diệt..., tiếp theo là lễ diễu hành biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất bằng các trò diễn, đóng vai Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân của ông ... khơi lại một thời lịch sử hào hùng của ông cha ta. Lễ hội còn rất nhiều trò vui chơi giải trí như: Võ cổ truyền, vật dân tộc, bắn cung, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay...
Lễ hội Suối Mỡ
   Hàng năm người dân đều tổ chức lễ hội vào ngày 30/3 và 1/4 âm lịch để tưởng nhớ công lao to lớn của công chúa Quế Mỵ Nương- tương truyền là con gái vua Hùng Định Vương, người có công giúp dân khơi nguồn suối lấy nước, khai khẩn đất vùng này. Hội đền suối Mỡ gồm 2 phần: Phần lễ rước của người dân làng Dùm, làng Quỷnh đến các đền trong quần thể suối Mỡ. Phần hội với các cuộc thi bắn cung, võ dân tộc, đi quyền, múa côn, múa kiếm, múa đao,... tối đến ở đền lại biểu diễn hát chầu văn cho khách thập phương thưởng thức.
Hình ảnh lễ hội Yên Thế
Khai thác lễ hội cho phát triển Du lịch 
    Thực tế trong các mùa lễ hội, Bắc Giang đã thu hút hàng vạn lượt khách thập phương về trẩy hội và khám phá nét độc đáo về vùng đất và con người nơi đây. Như vậy, có thể thấy du lịch văn hoá nói chung, du lịch lễ hội nói riêng chính là điểm nhấn hút khách của Du lịch Bắc Giang. Đây là một loại hình du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao và mang tính bền vững; Hơn thế, nó còn đóng vai trò làm đòn bẩy kích cầu cho sự phát triển của nhiều loại hình du lịch khác: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng....Đặc biệt, khai thác lễ hội truyền thống để kích cầu du lịch cũng là một trong những giải pháp góp phần nhằm gìn giữ và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và văn hoá miền quê Bắc Giang nói riêng.
   Để lễ hội truyền thống tiếp tục là một nguồn lực quan trọng có sức hút lớn tạo đà kích cầu cho sự phát triển mang tính bền vững của ngành du lịch tỉnh thì cần có một số hướng giải pháp tích cực hiệu quả như:
    Thứ nhất, cần gìn giữ phát huy được tính đa dạng độc đáo của từng lễ hội dân gian (đa dạng về loại hình, đa dạng thực hành nghi lễ, đa dạng cách biểu đạt văn hoá tinh thần gắn với từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương...) có như vậy mới tạo ra sức hút đối với du khách khám phá trải nghiệm. 
   Thứ hai, quan tâm và củng cố thổi hồn tính linh thiêng trong không gian lễ hội - yếu tố cốt lõi của văn hoá tâm linh và chính yếu tố này là điểm nhấn tạo sự lan toả tâm thức lôi cuốn cộng đồng dân cư đến với lễ hội.
   Thứ ba, cần có sự quản lý hiệu quả chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị quản lý nhà nước với người dân địa phương trong việc trùng tu tôn tạo hệ thống di tích- không gian quan trọng lễ hội, khâu tổ chức lễ hội, hay việc phục hồi làm mới lễ hội... để tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách. 
  Thứ tư, tăng cường đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh lễ hội đến với du khách bằng đa dạng các hình thức khác nhau, đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay thì cần khai thác tốt hiệu quả của việc quảng bá qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
   Thứ năm, để lễ hội có sức hút mang tính bền vững lâu dài không mờ nhạt tạo sự nhàm chán đối với du khách thì cần hạn chế tối đa các tác động ảnh hưởng tiêu cực của cộng đồng dân cư cũng như du khách đến môi trường cảnh quan, môi trường văn hoá, không gian lễ hội./.
 Hà Bộ
ế
Ngày cập nhật: 22/10/2019 Lượt xem: 656