Thổ Hà xưa là một xã thuộc huyện An Việt, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc nay là thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nền kinh tế của Thổ Hà không mang tính chất thuần nông như đại đa số các làng xã Việt Nam trong suốt lịch sử hình thành và tồn tại của mình. Từ xa xưa, Thổ Hà đã định hướng cả ba hoạt động kinh tế: công nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Lễ hội Thổ Hà, một lễ hội cổ truyền có từ bao đời nay, được tồn tại và hình thành trên cơ sở đó. Cùng với di tích lịch sử văn hoá : Đình Thổ Hà, chùa Đoan Minh và từ chỉ làng Thổ Hà, đã tạo nên một không gian rộng mở khiến lễ hội Thổ Hà - một lễ hội dân gian truyền thống với quy mô lớn, nội dung phong phú, hấp dẫn và tính chất độc đáo của nó được du khách gần xa biết đến
Nằm ở địa hình dốc nghiêng từ phía Bắc và phía Đông của tỉnh, làng Thổ Hà nằm ở mạch đồi gò và thung lũng chạy từ nam Yên Thế qua Tân Yên và suốt huyện Việt Yên. Với vị thế địa lý độc đáo, từ đây nhìn lên phía bắc có dãy núi Tiên Lát. Nhìn về phía Nam lại thấy những cánh đồng rộng lớn, mênh mông.
Thổ Hà là một vùng đất nằm trên tả ngạn trong miền trung - hạ lưu sông Cầu nên có lợi thế và giao thông đường thuỷ. Là một mảnh đất được hình thành do phù sa sông bồi tụ, do vậy người dân Thổ Hà có rất ít đất trồng trọt. Điều này đã giải thích vì sao làng Thổ Hà sớm mở mang và duy trì nghề thủ công làm gốm, nấu rượu, mở rộng giao lưu buôn bán và nghề chải lưới, chuyên chở trên sông.
Điều kiện tự nhiên đó là yếu tố quan trọng làm hình thành kiểu kinh tế không thuần nông ở Thổ Hà, sớm tạo nên chí tiến thủ trong đa dạng hoá hoạt động kinh tế của mình, khiến làng Thổ Hà ít bị khép kín như các làng thuần nông ở nước ta trước đây.
Với vị trí trên bến dưới thuyền, nhờ vào đôi bàn tay khéo léo vắt đất để đổi lấy lúa gạo, vì thế từ xưa, Thổ Hà là một trong ba trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng ở nước ta :
“Thổ Hà gánh đất nặn nồi
Vạn Vân nấu rượu cho người ta mua”
Từ nhiều thế kỷ, Thổ Hà chuyên làm nghề sản xuất cang gốm. Sản phẩm gốm Thổ Hà là đồ gốm dân dụng và gia dụng như chum, vại, thống, ang, nồi, điếu bát, tiểu sành, phướng lợn, bình vôi, ấm tích... và một số vật liệu xây dựng. Gốm Thổ Hà không tráng men, nhưng những người thợ, nhất là các ông “sư lò” đã thành công về mặt kỹ thuật là sử dụng khống chế tốt nhiệt độ để tạo nên một lớp men mầu sẫm như da lươn, có độ bền và độ vang rất cao. Ngoài kỹ thuật đánh dát đất thì việc sử dụng bàn xoay là một quy trình quan trọng. Từ xưa, nhân dân vùng Kinh Bắc và nhiều miền quê biết đến Thổ Hà là nhờ những đồ sành , đồ gốm da lươn dân gian rất thông dụng trong đời sống hàng ngày của mọi người.
Mặt hàng gốm Thổ Hà không chỉ nổi tiếng về giá trị sử dụng mà gốm mỹ nghệ Thổ Hà cũng nổi danh khắp chốn xa gần. Những mặt hàng chậu hoa, cây cảnh... thực sự là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu được hình thành nhờ sự tài khéo của con người nơi đây. Thổ Hà là một trong ba thôn của xã Vân Hà có không gian văn hoá đặc trưng của toàn vùng Kinh Bắc. ở Thổ Hà đã sớm có đầy đủ các thiết chế văn hoá tiêu biểu, làm cơ sở cho việc duy trì đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng dân cư nơi đây. Đó chính là các công trình văn hoá tiêu biểu : đình, chùa, đền.
Đình Thổ Hà - một công trình điêu khắc nghệ thuật có quy mô hoành tráng và độc đáo. Đó là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã xếp hạng đình Thổ Hà trong viện bảo tàng Bắc Cổ Đông Dương. Khi cách mạng Tháng 8 thành công, Chính Phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã công nhận đó là di tích lịch sử văn hoá từ năm 1960.
Đình Thổ Hà nằm ngay bên bờ sông Cầu, giữa một cảnh quan thơ mộng với cây đa, bến đò. Đình được xây dựng xong vào năm Bính Dần, niên hiệu Chính Hoà thứ 7 nhưng thực ra việc xây đình là cả một quá trình trong nhiều chục năm. Năm 1685 khởi đầu việc đại tu đình. Năm 1692 tu sửa nốt cửa võng và dựng bia.
Trong đình, trên các bộ phận kiến trúc là các hình trang trí hoa văn với các đề tài rồng, thú, hoa, lá, mây, lửa, nghê, sóc. Đặc biệt hình rồng có nhiều kiểu dáng khác nhau như rồng trườn mình, rồng mẹ cõng rồng con quấn quýt bay lượn. Bên cạnh đó là các bức trạm trồ hình cô gái cưỡi chim phượng, cưỡi đầu rồng...
Trong đình, hiện còn nhiều văn bia ghi lại quá trình xây dựng ngôi đình và thánh tích, tín ngưỡng của dân làng Thổ Hà cũng giống như tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Đó là lòng sùng bái những anh hùng dân tộc, người có công giúp dân dựng làng, lập ấp và những danh nhân văn hoá tiêu biểu.
Chùa Thổ Hà còn có tên là Đoan Minh Tự. Căn cứ vào dòng chữ được ghi trên đồi rồng đá ở cửa chùa có thể coi rằng chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI.
Chùa được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, với quy mô to lớn, hoành tráng. Mỗi khi vào thăm quan chùa, du khách đi theo một con đường gạch được lát thẳng tắp từ tam quan vào gác chuông sau đó tiến vào toà Tam Bảo để chiêm ngưỡng toà phật điện trang nghiêm cổ kính với nhiều thế hệ tượng phật. Qua hai dãy chùa tới động tiên, đây là một kiến trúc đẹp và độc đáo. Động tiên ghi lại hình ảnh từ lúc mới sinh đến khi trưởng thành và quá trình tu hành để đắc đạo của vị phật ngự ở đây. Qua một sân gạch rộng, du khách tới nhà tổ. Nơi đây thờ sư tổ và các vị trụ trì ở chùa này từng có nhiều công lao cộng sức chung lòng với dân để xây dựng chùa Đoan Minh và giữ gìn để ngôi chùa trường tồn mãi với thời gian. Chùa Thổ Hà - Đoan Minh Tự, một công trình văn hoá tiêu biểu, một danh lam cổ tích tuyệt thế qua nhiều thế kỷ vẫn hiển hiện như thách đố với thời gian. Người dân Thổ Hà từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đồng tâm hiệp lực đẻ gìn giữ nó như gìn giữ sự thiêng liêng nhất, với lòng tôn kính nhất. Hiện nay chùa còn giữ được một số tấm bia quý ghi rõ năm xây dựng gác chuông, tạo khánh đá, năm bưng trống và năm hoàn thành mở hội ăn mừng cùng tên tuổi những người tham gia đóng góp xây dựng chùa.
Từ chỉ hiện nay gồm có 2 toà nhà. Toà phía trước gọi là tiền từ gồm 5 gian. Toà thứ hai gồm hai gian gọi là hậu cung (cung cấm). Từ chỉ Thổ Hà được kết cấu theo kiểu con chồng kẻ chàng, không chạm khắc. Trong từ chỉ làng Thổ Hà đặt thờ một pho tượng Khổng Tử bằng đồng và 8 tấm bia đá ghi danh sách những người đỗ đạt qua các kỳ thi của triều đại phong kiến Việt Nam.
Tổng số 5 tấm bia ghi danh sách 70 vị tiên hiền đã đỗ đạt ở các khoa thi. Còn lại 3 tấm bia khác ghi danh sách những người đóng góp tiền của để xây dựng từ chỉ.
Từ chỉ làng Thổ Hà xây dựng nhằm mục đích phát huy truyền thống hiếu học của các thế hệ ông cha và giáo dục cho con cháu hôm nay và mai sau, noi gương tiên tổ trong tu dưỡng và học tập để trở thành những người có ích cho xã hội.
Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng vào 20 tháng 8 (âm lịch), các cụ trong làng lại đem lễ vật ra từ chỉ để tế lễ, tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền bối. Là một làng nhỏ với địa bàn không rộng nhưng từ xưa, ở Thổ Hà có tới 4 ngày hội lớn trong năm. Hội Xuân được tổ chức từ ngày mồng 7 đến ngày 9 tháng Giêng là ngày sinh của Thánh. 22 tháng Giêng là hội thượng nguyên ở chùa Đoan Minh. 22 tháng Hai là ngày hoá của Thánh. Còn hội Thu được tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 10 tháng 8, là hội đình đám.
Những năm gần đây, làng đã nhập 4 ngày này làm một gồm cả hội đình, hội chùa, hội Xuân, hội Thu để tổ chức chính trong 2 ngày : 21 và 22 tháng Giêng âm lịch. Còn những ngày khá chỉ cúng đơn giản như tiết lệ. Thường là 5 năm một lần hay những năm phong đăng hoà cốc, nhân an vật thịnh, những năm làng có việc đại sự (như đúc chuông, trung tu, sửa sang đình...) thì làng mở đại hội. Vào những năm ấy việc chuẩn bị cho hội phải được bàn đinh và cắt cử trước đó hàng tháng trời. Trong thời kỳ phong kiến, việc chuẩn bị cho lễ hội của làng được giao cho các giáp đảm nhiệm, nay làng phân chia cho từng xóm đăng cai.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội gồm rất nhiều thứ. Trước trên là chọn người đủ tiêu chuẩn đóng các vai chính trong đám rước như tổng cờ, tổng kiếm, đỉnh huyền tuyết mao, người mang gươm trường, tam đá...; bầu chọn chủ tế và ban tế; Cắt cử người vào các chân phù giá (vác cờ, khiêng kiệu, hương án...) sau đó là các đội tập dượt. Cuối cùng là các công việc làm vệ sinh, lau chùi các đồ thờ phụng, đồ rước. Toàn bộ những công việc này do làng bầu chọn, cắt cử với sự điều hành của ban tổ chức hội . Chọn người làm chủ tế và ban tế : đó có một ông chánh tế, một độc chúc (đọc văn tế); một thông xướng (giống như người dẫn chương trình), một hoà xướng (cho phép nghỉ ngơi khi xong công việc). Những người trong ban tế đều là những người phu phụ song toàn, tử tôn hưng thịnh. Riêng người chủ tế cần tiêu chuẩn cao hơn. Trước hết, đó là những người đức độ, gia đình song toàn và bản thân có uy tín với dân làng, được mọi người yêu mến, kinh nể. Những người trong ban tế xưa kia thường là những người có chân tư văn.
Cùng với việc chọn bầu người vào ban tế thì việc chọn tổng cờ, tổng kiếm, người mang gươm trường, đỉnh huyền tuyết mao, tam đa cũng là một công việc cần sự thận trọng. Đó phải là những thanh niên cao đẹp vạm vỡ, tuổi từ 30-40, gia đình có nề nếp, vợ chồng song toàn, con cháu đầy đủ.
Bên cạnh đó là việc cắt cử các chân phù giá bao gồm những người vác cờ, bát biểu, khiêng kiệu, khiêng chiêng trống... Tất cả những người này đèu không có tang bụi, trong độ tuổi từ 18 trở lên không có can phạm, can án. Những người này do làng cử. Khi đã tuyển chọn được người cho toàn bộ đám rước thì đồng thời cũng bắt tay vào tập dượt.
Lễ vật cũng phải là một thứ phải chuẩn bị. Những năm làng đại hội, có tổ chức tế bò thì năm ấy giáp đăng cai lại phải vất vả hơn. Bò dùng để tế thần phải là bò đực, vàng tuyền, khoảng 1 tạ trở lên. Giáp (hay thôn) đăng cai tổ chức hội có cơi trầu, nậm rượu ra đình làm lễ báo với thánh. Từ sáng sớm (4 giờ), những người được giáp (thôn) phân công đun nước, mổ bò, mọi hết ruột gan con bò rồi lấy lá đa, lá ruối nhồi căng vào bụng bò như lúc còn sống. Người ta đặt con bò ở tư thế phủ phục, đầu ngóc cao rồi lấy rơm thui cho chúng sạch hết lông. Thui xong, người ta lấy cật nứa làm dao, cạo sạch tro bụi còn lại mầu vàng óng của da bò. Bò thui sạch rồi, lấy tiết sống xoa đều lên mình bò tạo thành mầu vàng tuyền nâu sậm. Người ta đem đặt bò phủ phục trên một chiếc giá bằng tre (giống như chiếc chõng), vẫn giữ nguyên đôi sừng rồi lấy mỡ chài ở trong bụng bò phủ lên đầu, trông xa giống như một chiếc khăn voan trắng.
Khi công việc chuẩn bị cho hội Thổ Hà đã hoàn tất, cũng là lúc lễ hội bắt đầu diễn ra. Ban tế tập trung ở đình từ chiều ngày 21. Tất cả ban tế đều ăn ngủ tại đình và lo đèn nhang, lễ vật để tế Thánh và mời Thánh về dự hội cùng dân làng.
Cùng với việc tế lễ ở đình, ở chùa Đoan Minh, trong lễ hội Thổ Hà năm 2000, việc tổ chức rước kiệu là công việc trọng tâm nhất của lễ hội. Đúng 6 giờ sáng, tất cả những người tham gia đám rước đều tập trung đông đủ tại cửa điếm của xóm 4. Đội hình được dàn đều theo thứ tự :
Xưa kia, đền là nơi thờ thánh, còn đình chỉ là nơi bái vọng, nơi hội họp việc dân. Sau đó đền bị hư hỏng nặng, việc thờ phụng được chuyển tất cả về đình. Vì vậy rước được khởi hành tư miếu của các xóm về đình. Người ta thường tổ chức rước từ 7 giờ sáng. Đám rước tới cửa đình, chánh tế, độc chúc, thông xướng, hoà xướng và toàn bộ các cụ trong ban tế ra đón ở bậc tam cấp trước cửa đình. Các cụ, trong mặc quần áo trắng, giữa là áo dài the, ngoài cùng là áo thụng lam, đội khăn xếp, đi giầy đen đứng thành hai hàng trong nhà tiền tế. Chủ tế là người được bê hòm sắc của thánh, trên hòm sắc phủ 1 tấm vải đỏ, đứng ở bậc tam cấp đón đám rước. Khi tất cả đã yên vị, cuộc tế được bắt đầu và diễn ra chừng 1 giờ sau. Nội dung văn tế ở đây kể về công lao của thánh đối với dân làng; Mời thánh về dự hội cùng dân và cầu xin thánh phù hội cho dân một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhà nhà yên bình, làng xóm vui tươi, người người mạnh giỏi.
Sau khi ban tế làm lễ, các gia đình và khách thập phương tiếp tục tế lễ. Cùng với nó là các hoạt động của phần hội cũng đồng thời được diễn ra. Đó là các trò chơi : chọi gà, đấu vật, cờ tướng, bơi chải, hát quan họ trên thuyền, bơi thuyền bắn vịt và một số hoạt động thể dục thể thao mới như bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông...Thổ Hà được coi là 1 trong 50 làng quan họ gốc . Lễ hội Thổ Hà còn được gọi là hội “đến hẹn lại lên”. Gần đến ngày làng mở hội các liền anh, liền chị quan họ có cơi trầu sang làng Diềm (Quả Cảm - Yên Phong) để xin phép bà chúa quan họ và có lời mời liền anh, liền chị quan họ làng Diềm (nơi kết nghĩa với Thổ Hà) về dự hội và ca hát. Ngoài làng Diềm, quan họ ở nhiều nơi khác cũng đến Thổ Hà cùng vui chơi, dự hội với dân làng trong những ngày đầu xuân. Các cuộc hát được diễn ra suốt ngày đêm. Ban ngày thì hát quan họ ở sân đình, trên thuyền. Ban đêm thì hát quan họ với những tà áo dài mớ ba, mớ bảy cùng các cánh hát quan họ cổ, quan họ cải biên thu hút đông người dự hội và làm nao lòng người. Đây chính là một trong những hoạt động trọng tâm của lễ hội Thổ Hà.
Có người gọi Thổ Hà là “đất văn”. Trong ngày hội, ngoài hát quan họ thì cờ tướng cũng là một môn thi, một trò chơi trí tuệ được nhiều người ham thích. Cờ tướng là một môn nghệ thuật rất trang nhã, nó là một môn thể thao văn hoá rèn luyện tinh thần và trí tuệ của con người một cách cụ thể và bổ ích. Đó chính là một môn thể thao đi đấu bằng trí tuệ của con người. Những bàn cờ được lập nên trong lễ hội đầu xuân đã nâng cờ tướng lên một vị trí khá quan trọng trong nếp sinh hoạt cổ truyền của nhân dân ta.
Tài liệu sưu tầm