Xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có cây Dã hương nghìn tuổi độc nhất vô nhị trên thế giới. Cuối xuân, khi hoa Dã hương bung nở cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội Tiên Lục. Năm nay, lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện gắn với công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận cụm di tích cây Dã hương, đình, đền, chùa xã Tiên Lục là “Điểm du lịch”.
Cụm di tích độc đáo
Tuyến đường từ thị trấn Vôi đến xã Tiên Lục dài khoảng 11 km vừa được nâng cấp trải nhựa rộng rãi, phẳng đẹp đưa đoàn du khách chúng tôi đến tận chân cây Dã hương. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tuấn không giấu niềm vui khi chia sẻ về cây di sản Dã hương gắn với lễ hội Tiên Lục. Cây được xếp hạng Di sản quốc gia và được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, là biểu tượng đặc sắc của thiên nhiên và cảnh quan văn hoá, là linh hồn của xã Tiên Lục... thu hút rất nhiều du khách đến thăm nhờ vẻ đẹp ấn tượng và những nét độc đáo hiếm thấy.
Lễ hội Tiên Lục. |
Nhằm phát huy giá trị cây di sản này cùng với cụm di tích kiến trúc - nghệ thuật (đình, đền, chùa), năm nay Lễ hội Tiên Lục được tổ chức nâng lên thành quy mô cấp huyện gắn với công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận cụm di tích cây Dã hương, đình, đền, chùa xã Tiên Lục là “Điểm du lịch”.
Cụm di tích Tiên Lục đã được Nhà nước công nhận là di tích Kiến trúc-Nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1989, bao gồm: Cây Dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đền Thánh Cả (còn gọi là đền Tiên Lục), đình Thuận Hoà. Các địa điểm này nằm trọn vẹn trong diện tích khoảng 1 km2 với không gian thơ mộng, cảnh sắc thiên nhiên thoáng đãng, núi đồi nhấp nhô đậm chất vùng quê trung du Bắc Bộ.
Trong một không gian vừa cổ kính, vừa tươi mới như vậy, đến với Lễ hội Tiên Lục, du khách được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của Dã hương cổ thụ cao đến 36 m, tán rộng phủ hai sào đất, gốc cây gần chục người ôm mới xuể. Lá cây xanh tốt quanh năm, hương hoa tỏa khắp một vùng. Ngắm những chùm hoa nhỏ màu vàng nhạt bung nở dịu thơm như hoa dạ lan, hít “linh khí” cây cổ thụ và nghe những giai thoại xung quanh cây di sản, tìm hiểu nét văn hóa, tâm linh đặc sắc, du khách sẽ cảm nhận được sản phẩm du lịch độc đáo của vùng quê này.
Cụm di tích Tiên Lục đã được Nhà nước công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1989, gồm: Cây Dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đền Thánh Cả (còn gọi đền Tiên Lục), đình Thuận Hoà. Các địa điểm này nằm trong diện tích khoảng 1 km2 với không gian thơ mộng, cảnh sắc thiên nhiên thoáng đãng, núi đồi nhấp nhô đậm chất vùng quê trung du Bắc Bộ. |
Đình Viễn Sơn toạ lạc trên một sườn đồi thấp kề sát cây Dã hương cổ thụ. Đình được xây dựng vào thế kỷ XVIII (thời Lê), thờ 2 vị thành hoàng làng là Cao Sơn và Quý Minh đã có công trong các cuộc đánh giặc ngoại xâm đem lại sự yên bình cho đất nước. Đình có quy mô không lớn nhưng lại nổi bật về nghệ thuật chạm khắc, công phu kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Chùa Phúc Quang nằm trên đỉnh đồi thông có từ thế kỷ thứ XVIII. Tổng thể ngôi chùa gồm 35 gian làm theo lối kiến trúc "nội công ngoại quốc". Trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng cổ quý giá.
Cùng tọa lạc trên đồi thông là đền Thánh Cả (đền Tiên Lục) nằm cách chùa Phúc Quang khoảng 30m, thờ 2 vị thần Cao Sơn và Quý Minh và có sắc phong do Vua Lê Cảnh Hưng ban tặng. Một điểm đến nữa là đình Thuận Hoà cách đồi thông chừng hơn 100m, kế sát là cây bàng quanh năm tỏa bóng mát. Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, thờ hai vị Cao Sơn - Quý Minh. Hiện nay trong đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị lịch sử.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, được Nhà nước đầu tư 34 tỷ đồng cùng với 2,7 tỷ đồng do nhân dân công đức, đình, đền chùa ở đây đã được trùng tu, tôn tạo. Giao thông đi lại cũng rất thuận lợi; có bãi đỗ xe riêng; sân vận động của xã cũng được nâng cấp tốt hơn.
Đưa Lễ hội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Tiên Lục đã có từ lâu đời cũng là lễ hội mùa xuân cuối cùng của huyện. Ông Nguyễn Huy Lũy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Lạng Giang cho biết: Diễn ra vào các ngày 18, 19 và 20/3 âm lịch hằng năm, điểm nhấn của Lễ hội năm nay chính là trùng với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nên dự báo sẽ thu hút đông đảo du khách. Cùng đó, đây là năm đầu tiên Lễ hội Tiên Lục nâng lên thành quy mô cấp huyện, một số môn thể thao nằm trong Đại hội Thể dục thể thao của huyện sẽ được chọn tổ chức tại đây.
Cây Dã hương nghìn tuổi - biểu tượng của xã Tiên Lục. Ảnh tư liệu |
Theo kế hoạch, lễ hội diễn ra trong 3 ngày, cả buổi tối (29, 30/4 và 1/5) tại các địa điểm thuộc cụm di tích. Phần lễ bao gồm các nghi thức: Rước nước, rước kiệu, múa trống hội (lân sư rồng), dâng hương, tế thần, lễ tế hoàn cung, đi chữ, gieo cầu... Phần hội sẽ bao gồm các trò chơi dân gian truyền thống như: Cướp cầu, đi cầu kiều, bịt mắt bắt dê, bắt vịt; bịt mắt đập niêu; chơi đu; cờ người, cờ tướng. Song song là Đại hội TDTT cấp xã có 9/9 thôn tham gia thi đấu các môn: Bóng đá nam, bóng chuyền hơi nam, bóng chuyền hơi nữ, kéo co, đẩy gậy, cầu lông. Để tăng thêm phần hấp dẫn, tại Lễ hội Tiên Lục cũng diễn ra 3 môn thi đấu thuộc Đại hội TDTT cấp huyện (đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền hơi) với sự tham gia của 21 xã, thị trấn.
Để việc tổ chức Lễ hội Tiên Lục diễn ra thành công, an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, thu hút đông đảo du khách, UBND huyện Lạng Giang chú trọng thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm tốt các yếu tố về môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình diễn ra lễ hội. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá để giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh về những giá trị văn hóa, truyền thống, nét độc đáo của lễ hội, cũng như bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương. Trên cơ sở đó lập hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội Tiên Lục vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Báo Bắc Giang