Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Lễ hội NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC TRÊN “ĐẤT VẬT” BẮC GIANG

NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC TRÊN “ĐẤT VẬT” BẮC GIANG

Bắc Giang - miền quê thuộc vùng Kinh Bắc xưa đã hình thành và lưu giữ được những nét văn hoá đặc trưng. Từ làn điệu dân ca quan họ mượt mà làm say đắm lòng người, đến hình ảnh những mái đình, mái chùa cổ kính, rêu phong “Sông Cầu nước chảy lơ thơ, dòng Sông Thương nước chảy đôi dòng”, tất cả như được bừng lên, kết tinh lại trong không khí của những lễ hội mùa xuân. Một trong những nét đẹp ngày xuân trên quê hương Bắc Giang là những hội vật dân tộc.
Từ ngàn đời nay, Vật dân tộc đã trở thành môn gắn bó sâu sắc với người dân Bắc Giang và trở thành trung tâm chú ý của đông đảo khách thập phương khi đến thăm Bắc Giang. Vì thế, nhiều sới vật, hội vật tại nhiều địa phương của Bắc Giang đã trở nên nổi tiếng và trở thành điểm hẹn của hàng ngàn người hâm mộ trong và ngoài tỉnh như: Xuân Cẩm, Đông Lỗ, Mai Đình (Hiệp Hoà); Hợp Đức, Cao Xá, Lam Cốt (Tân Yên)… Ở những nơi đó, đều có những sới vật chuẩn, hàm chứa tính truyền thống. Đó là sới vật hình tròn được đặt trước sân đình hình vuông, đây không phải là sự sắp đặt ngẫu nhiên mà còn có ý nghĩa sâu sắc. Vuông và tròn theo quan niệm của dân tộc ta là 2 hình toàn vẹn và là biểu tượng cho trời đất (trời tròn, đất vuông). Mặt khác, tròn là mặt trời, các đô vật thường là nam biểu hiện cho tính dương. Thông qua đấu vật người ta mong cho dương vượng để có “mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu”. Đồng thời, đấu vật còn là hình thức tôn vinh tinh thần thượng võ ngàn đời của dân tộc. Hoà mình vào những hội vật mùa xuân trên quê hương Bắc Giang mới có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của vật dân tộc thông qua những thủ tục vô cùng độc đáo, không giống bất cứ môn thể thao nào trên thế gian này.

Từ keo vật thờ và những ước nguyện mùa xuân
Để chuẩn bị cho hội vật, khâu quan trọng đầu tiên là lựa chọn 2 đô thực hiện keo vật thờ. Để được chọn Đô vật cho keo vật thờ, Đô vật phải là Đô có tiếng trong vùng, được đông đảo công chúng ghi nhận về tài năng đấu vật. Ngoài ra, Đô vật đó phải có đức độ, có bề dầy thời gian cống hiến công lao cho phong trào vật trong vùng.
Mở đầu hội vật, hai Đô thực hiện keo vật thờ được giới thiệu rất trang trọng về tên tuổi, địa chỉ, thành tích đã đạt được, những sở trường trong thi đấu… Khi tiếng trống chầu vang lên, hai Đô vật “mình trần đóng khố,” chân quỳ vai sánh, hai tay chắp sườn. Hiệu lệnh của trống chầu tiếp tục điểm, hai đô đứng vươn thẳng, hai tay vẫn chắp sườn nghênh diện. Tiếng trống chầu điểm lần thứ ba, họ chắp tay đồng thời khom lưng “bái tổ” theo thế 3 bước tiến lên, 3 bước lùi xuống. Tư thế “bái tổ tam cấp” này có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, ấy là nghi lễ nhằm thông báo với các bậc thần linh thiêng rằng làng mở hội vật, qua đó, truyền đạt ý nguyện của muôn dân trong vùng: Cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, trái cây bội thu, dân sinh cường tráng…

Sau nghi lễ bái tổ, hai Đô thực hiện nghi thức xe đài. Những động tác xe đài được thể hiện rất đa dạng, đi khắp giải đất trên mọi miền tổ quốc, ở vùng nào có vật là ở đó có phong cách xe đài đặc trưng riêng biệt. Ví như ở miền núi thì xe đài tựa như “Hổ phục vồ mồi”; ở những vùng đồng bằng nơi có những làng nghề truyền thống thì xe đài lại rất uyển chuyển như những người “xe tơ dệt vải”; hoặc như ở những vùng ven biển thì xe đài lại là những động tác như thể chèo thuyền “lúc khoan, lúc mau” hay như làn sóng “lúc hiền, lúc dữ”. Riêng vùng Kinh Bắc xưa và Bắc Giang ngày nay, thì có phong cách xe đài chung, đó là những thế “ đại bàng tung cánh, sư tử vờn cầu”; hay hiền hoà và uốn lượn như “dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ”, “ dòng sông Thương nước chảy đôi dòng”…
Nghi thức xe đài được hoàn tất, keo vật thờ chính thức diễn ra, những miếng đánh trong keo vật thờ được thể hiện rất chậm, người xem cảm nhận được như từng nhịp thở: Đâu là miếng bốc, đâu là miếng gồng; hay bất chợt đây là miếng mói, đó là miếng sườn … Tất cả được 2 Đô biểu diễn nhịp nhàng và đẹp mắt. Cái hay của keo vật thờ chính là ở chỗ có thể giới thiệu cho người xem hiểu được phương pháp tấn công và thủ pháp chống đỡ để rồi phản công. Những người dự khán keo vật thờ đều vô cùng cảm kích trước tài năng của cả 2 Đô vật. Để rồi trong tâm thầm bất phân định: Không biết Đô nào đáng thua, Đô nào đáng thắng đây. Thế nhưng, lệ của keo vật thờ thật là khéo léo, khi kết thúc keo vật cả 2 Đô cùng phải thua “lấm lưng trắng bụng”. Sau đó, là những tiếng hò reo tán thưởng vang lừng. Cùng với ý nghĩa tâm linh sâu sắc, keo vật thờ tồn tại trong các hội vật ở Bắc Giang như là một hình mẫu, là chiếc cầu nối cho vẻ đẹp truyền thống ngàn đời.
Đến hình ảnh cụ cầm chầu và trống vật gọi xuân
Bên cạnh việc lựa chọn 2 Đô thực hiện keo vật thờ, Ban tổ chức hội vật còn phải thực hiện khâu quan trọng khác là lựa chọn người cầm chầu (cầm trịch - trọng tài). Người được lựa chọn là người có tuổi, có vai vế trong vùng, am hiểu sâu sắc về vật dân tộc và đặc biệt phải là người được mọi người tin yêu, kính trọng … Khi ban tổ chức lựa chọn và giới thiệu người cầm chầu thì các Đô vật và tất cả khán giả đều lễ phép gọi là cụ cầm chầu. Tìm hiểu về tiếng trống chầu của cụ cầm chầu mới thấy cái hay, cái đẹp được gắn chặt với môn thể thao vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Tiếng trống có nhịp điệu rất đơn giản “Tùng…tùng…tùng…” được gọi là tiếng trống “tam nhịp” 2 mau, 1 thưa kết nối nhau. Chính từ những nhịp trống đó, cụ cầm chầu điều khiển được toàn bộ, từ thủ tục chuẩn bị thi đấu đến cục diện trận đấu. Đây là những nhịp trống rất đặc biệt và ở mỗi “lò” vật trên quê hương Bắc Giang lại có những nhịp trống riêng biệt. Người am hiểu về vật dân tộc thì chỉ cần nghe hiệu lệnh trống se đài là biết ngay đô vật đến từ “lò” vật nào và đô vật đang thực hiện động tác se đài như thế nào. Khi trận đấu vật chính thức diễn ra, thì tiếng trống “tam nhịp” kết nối nhau rất nhẹ nhàng, đều nhịp ứng với 2 đô vật đang vờn nhau để tìm miếng đánh. Tiếp đến, tiếng trống sẽ thay đổi theo nhịp tăng dần, mang tính khích lệ, đó là lúc 2 đô vật đang ở tư thế giằng co nhau. Khi 2 đô đã ở tư thế rất gay cấn, tiếng trống sẽ được thúc dồn với nhịp độ nhanh gọi là “liên chi hồ điệp”. Kế tiếp theo những nhịp trống đó thường là tiếng “cắc” gọi là ra tang, tức là cụ cầm chầu đánh vào tang trống. Khi ấy, nhất thiết 2 Đô phải dừng trận đấu để cụ cầm chầu phân xử theo đúng luật lệ của vật dân tộc. Cái hay của những nhịp trống trong trận đấu vật đó là nó được thay đổi, biến hoá theo cục diện của trận đấu. Vì thế mà có hình ảnh cả vòng người cứ chen nhau vây quanh sới vật, những ai ở vòng trong thì được tận mắt chứng kiến từng miếng đánh, còn những người ở vòng ngoài đành phải vểnh tai nghe tiếng trống để tưởng tượng về từng miếng đánh. Như thế mới biết tiếng trống vật của cụ cầm chầu có hồn như thế nào, chỉ cần nghe là mọi người đã có thể thưởng thức trận đấu vật bằng thính giác và trí tưởng tượng.
Những vùng quê trên đất Bắc Giang lại rộn rã tiếng trống vật mỗi khi mùa xuân về. Xuân này, xin mời quý khách thập phương hãy về với quê hương Bắc Giang để được tận mắt chứng kiến những nét đẹp trên vùng quê được mệnh danh là “đật vật ” xứ Bắc nhé./. 
Phí Trường Giang
Ngày cập nhật: 15/12/2015 Lượt xem: 3144