Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Lễ hội Tục ăn chay ngày tết của người Sán Dìu.

Tục ăn chay ngày tết của người Sán Dìu.

Người Sán Dìu ở Bắc Giang có dân số đông, gần 24 vạn người sinh sống và cư trú ở 109 xã, thị trấn thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang. Người Sán Dìu còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc. Là cư dân của nền văn minh lúa nước, người Sán Dìu rất coi trọng lúa, gạo, gà, cá,… cũng như các loại rau, củ, hoa, quả rừng và do trồng trọt. Người Sán Dìu thường dạy con cháu: không Soọng cô không tốt lúa/ không Soọng cô thóc cạn bồ/ không Soọng cô hoa sẽ tàn héo/ không Soọng cô trai gái không thành đôi. Nhưng không chỉ có thế, người Sán Dìu vừa giản dị, dân dã, vừa chứa đựng bao điều sâu xa: Đất, trời, lửa, nước, âm dương – ngũ hành và triết lý nhân sinh sâu sắc.

          Thức ăn chính của người Sán Dìu là gạo (gạo nếp, gạo tẻ). Gạo tẻ nấu cơm, cháo; gạo nếp nấu xôi và làm các loại bánh. Xôi ngũ sắc là món ăn tượng trưng cho triết lý âm dương. Để có món xôi ngũ sắc dùng gạo nếp ngon ngâm với các loại lá, hoa củ truyền thống để có các màu: đỏ, đen, xanh, vàng và màu trắng nguyên thủy của gạo. Có thể xôi riêng từng chõ hoặc dùng lá dong, lá chuối ngăn để khỏi lẫn màu nếu xôi chung một chõ. Sau đó ghép vào một đĩa xôi có đủ năm màu. Mỗi màu có tiếng nói riêng theo quan niệm của người Sán Dìu: màu đen, màu của đất đai trù phú; màu vàng của ước mong no ấm phồn thịnh; màu đỏ tượng trưng cho ước mơ khát vọng; màu xanh tượng trưng cho trời xanh lồng lộng, có sức sống diệu kỳ; màu trắng, màu của tình yêu trắng trong, chung thủy. Chỉ một đĩa xôi nhỏ bé mà chứa đựng cả đất trời và tình người sâu nặng.

          Hàng ngày, người Sán Dìu thường ăn cơm và ăn cháo. Cháo cũng như cơm không thể thiếu đối với họ. Cơm ăn vào hai bữa chính còn cháo ăn và uống thay nước cả ngày.

          Ngày tết, mỗi gia đình đều làm cỗ cúng tổ tiên, mời tổ tiên cùng con cháu đón xuân và cầu mong tổ tiên phù hộ, ban cho con cháu những điều tốt lành. Cúng lúc giao thừa chỉ có một con gà hoặc một miếng thịt lợn, xôi ngũ sắc, các loại hoa quả, rượu nước, trầu cau.

          Sáng ngày mồng một tết, người Sán Dìu có tục ăn chay. Đây là tập quán đặc biệt, chỉ người Sán Dìu mới có. Nếu cháo ngày thường là cháo hoa, cháo loãng không có thịt thì cháo ngày tết có thịt nạc băm nhỏ, gạo tẻ xay thành bột để nấu cháo, khi cháo chín cho thêm hành tươi thái nhỏ. Cả nhà quây quần ăn cháo vui vẻ. Ăn xong, con cháu mừng tuổi cho ông, bà, cha, mẹ. Người già mừng tuổi cho trẻ nhỏ những đồng tiền lẻ. Họ chúc nhau cho người già mạnh khỏe, sống lâu, trẻ nhỏ hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ,… Sau đó mọi người đi chơi và đi chúc tết. Riêng sáng mồng một đàn bà con gái không được ra đường và không được vào nhà ai. Họ ở nhà dọn dẹp và đón tiếp mọi người đến nhà mình chúc tết.

          Sáng ngày mồng 2 tết người Sán Dìu làm cỗ thịnh soạn để đón năm mới và tiếp đón họ hàng, bạn bè thân thiết. Mâm cỗ cúng tổ tiên có thịt gà, thịt lợn chế biến thành nhiều món ăn như các loại giò, nhưng không thể thiếu món thịt thính (Nhoộc trụ chao). Trong nhiều loại bánh nhưng không thể thiếu năm bát bánh trôi nước để cúng tổ tiên và mời khách. Quanh mâm cơm ngày tết mọi người ăn uống vui vẻ và bàn công việc cho một năm mới về làm ăn, về cuộc sống và sinh hoạt trong mỗi gia đình dòng họ và họ chúc tụng nhau những điều may mắn tốt lành. Sau bữa cỗ, họ tổ chức “Soọng cô”:

Tsoọng theo tsếnh cô hô tsin nen

(Hát một bài ca mừng năm mới)

Hô léo tsin nen hô chỉu tsin

(Hát mừng năm mới cùng tổ tiên).

          Và cứ như vậy, từ sau ngày mồng 2 tết ở các làng bản đều tổ chức Soọng cô. Người ta hát như thế với nhau thâu đêm suốt sáng và hát cả mùa xuân.

Ngô Văn Trụ

Ngày cập nhật: 15/09/2014 Lượt xem: 764