Vốn là một vùng đất cổ, Bắc Giang hiện còn lưu giữu nhiều nét văn hóa truyền thống của các tộc người, đặc biệt nét văn hóa Lễ hội đang được gìn giữ, phát huy và khai thác ở khía cạnh văn hóa du lịch. Nếu có thể mời bạn hãy ít nhất một lần du xuân miền Kinh Bắc- Bắc Giang, nơi có hơn 500 lễ hội được tổ chức hằng năm trong đó chủ yếu vào mùa xuân.
Ở Bắc Giang, hầu như ở làng nào, xã nào cũng có hội. Hội thường được tổ chức vào hai mùa Xuân và mùa Thu. Các hình thức hội cũng hết sức phong phú như: Lễ hội Xương Giang, hội Yên Thế là những lễ hội gắn với các sự kiện lịch sử, Bắc Giang còn có các hình thức hội Chùa, hội Đình, hội Đền là những lễ hội được tổ chức gắn với các di tích lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu như hội chùa Vĩnh Nghiêm, hội chùa Bổ Đà, hội Thổ Hà, hội chùa Kế xã Dĩnh Kế, hội đền Y Sơn xã Hòa Sơn huyện Hiệp Hòa, hội Suối Mỡ xã Nghĩa Phương huyện Lục Nam... Các lễ hội này đều được tổ chức hàng năm với phần nghi thức tế lễ Thần, Phật, Thành hoàng làng hoặc những người anh hùng được tôn vinh và phần hội với nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch...
Hát quan họ sân chùa
Bên cạnh đó, do là miền đất cổ có truyền thống văn hóa lâu đời, lại là nơi cư ngụ của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên Bắc Giang còn có các hội Hát, hội Chợ, hội Chạ. Hội hát và hội Chợ thường được tổ chức vào những ngày mùa xuân khi công việc chưa nhiều bận rộn, tạm gác lại lo toan cuộc sống thường nhật, những người nông dân tụ họp nhau lại giao lưu bằng những lời ca tiếng hát, trao gửi tâm tình. Nếu như người Kinh có hội hát Quan Họ bên mái đình, sân chùa ở các làng Thổ Hà, Giá Sơn hay trong ngày hội chùa Bổ Đà huyện Việt Yên thì đồng bào dân tộc Tày, Cao Lan, Sán Chí ở miền núi có hội hát Sli, Lượn, Schắng cộ, Sình ca được tổ chức vào khoảng tháng 2 âm lịch. Tại các Hội hát người tham gia không chỉ có cư dân trong vùng mà Hội còn thu hút nhiều khách thập phương từ các tỉnh bạn, huyện bạn đến tham dự. Ví như trong Hội hát Sli, Lượn, Sình ca ở Lục Ngạn người của các dân tộc Tày, Sán Chí, Cao Lan sẽ từ các huyện Lục Nam lên, Sơn Động xuống, người ở các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình sẽ cùng đến chung vui làm cho những ngày hội trở thành dịp giao lưu văn hóa, gắn kết tình cảm anh em dân tộc.
Tiết mục văn nghệ tại Ngày hội văn hóa
Các ngày hội Chợ ở Bắc Giang tuy không thu hút được sự quan tâm đông đảo như các phiên chợ ở Lào Cai, Hà Giang nhưng từ lâu cũng đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu đối với một số vùng ở Bắc Giang như: Hội chợ đình Cao Thượng huyện Tân Yên chỉ họp vào sáng sớm mồng hai tết. Đây là phiên chợ mang tính chất trao đổi mua bán hình thức chủ yếu cầu lấy may mắn thuận hòa trong năm. Hay phiên chợ vùng cao Tân Sơn huyện Lục Ngạn họp vào ngày 12 tháng giêng hằng năm. Đây là một phiên chợ đặc biệt bởi chợ phiên ngày 12 tháng giêng đông người hơn nhưng lại có ít hàng hoá. Chợ có sự tham gia của đồng bào Nùng, Tày trong vùng và các tỉnh: Hoà Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn…tới tham dự. Chợ tình Tân Sơn là nơi để hò hẹn trao duyên, gửi gắm tình cảm, tình thương nhớ bằng lời ca tiếng hát. Bắt đầu từ ngày 11 tháng giêng, trên khắp trên các sườn đồi, bờ suối, đều vang lên âm thanh tha thiết của những chiếc kèn môi gọi bạn, những câu Sli, Lượn, Sloonghao…Những chàng trai những cô gái ai cũng diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, độc đáo nhất để đến chợ. Họ hát với nhau tại bất kỳ địa điểm nào có thể hát, mới đầu họ hát với theo từng đoàn để làm quen sau họ bắt đầu hát riêng thành từng cặp, cứ như vậy họ hát cả ngày cả đêm. Từ hội Chợ này nhiều đôi trai gái đã gặp nhau và nên duyên chồng, vợ. Điều đặc biệt nữa ở phiên chợ tình này không chỉ dành cho những người chưa có gia đình, chợ còn là nơi để những người đã có gia đình từng yêu nhau mà không lấy được nhau đến hát với nhau và nhớ lại những câu chuyện đẹp đã đi qua…
Tiết mục văn nghệ tại Ngày hội văn hóa
Không gian Lễ hội ở Bắc Giang đều gắn với các di tích lịch sử-văn hóa như đình, đền, chùa. Phương thức tổ chức đều có sự kết hợp giữa Lễ và Hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng Thành hoàng làng phản ánh những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, văn hóa làng xã của người Việt. Từ bao đời nay, lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Bắc Giang vừa mang tính tâm linh vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy lòng kính trọng đối với tổ tiên, với những vị thánh hiền đã có công với nước với dân, đồng thời phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa mang tính dân gian của đồng bào các dân tộc. Đến với lễ hội, dù dù là già, trẻ, gái trai ai ai cũng có tâm nguyện hướng thiện, giải tỏa những âu lo muộn phiền của cuộc sống và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên./.
Nhật Minh