Nằm cách Hà nội chừng 50 km về phía Bắc, Bắc Giang là một vùng đất cổ - nơi tích tụ của nhiều tầng văn hóa lâu đời. Với hệ thống di tích dày đặc trải khắp các địa bàn, trong đó có nhiều di sản có giá trị được Unesco công nhận, nhiều di tích quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể…hiện đang được Bắc Giang đầu tư phát huy giá trị để khai thác phục vụ phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.
Theo thống kê, Bắc Giang có khoảng 2.300 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc sắc (trong đó có hơn 500 di tích đã được xếp hạng). Nổi bật là dấu tích thành cổ Xư¬ơng Giang; khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm ( Yên Dũng) - một trung tâm phật giáo thời Trần, nơi còn lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với hơn 3.050 bản hiện đang được trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại; đình, chùa Thổ Hà (Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm...Chùa Vĩnh Nghiêm Dân ca Quan họ và Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại... Đặc biệt, Bắc Giang còn có một hệ thống di tích và danh thắng dọc sườn Tây Yên Tử nằm rải rác tại các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử gắn liền với lịch sử phát triển của thiền phái Trúc Lâm do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập từ cuối thế kỷ XIII....đó là những cơ sở để Bắc Giang phát triển du lịch văn hóa – tín ngưỡng và du lịch cộng đồng.
Nhằm khai thác nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, tỉnh Bắc Giang đã có chủ trương đẩy mạnh khai thác các di tích văn hóa lịch sử, di sản phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Từ chủ trương này, thời gian qua Bắc Giang đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực như: đẩy nhanh công tác quy hoạch, đầu tư tôn tạo di tích, phục hồi các giá trị di sản đồng thời tuyên truyền quảng bá điểm đến, tăng cường công tác xúc tiến liên kết du lịch...
Trong gần 5 năm qua, Bắc Giang đã hoàn thành các quy hoạch như: Bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử, Quy hoạch khu du lịch Suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Am Vãi, di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống những điểm khởi nghĩa Yên Thế... Bằng các nguồn vốn của nhà nước từ Chương trình mục tiêu, đã tiến hành đầu tư tôn tạo các di tích có giá trị như chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, chùa Vĩnh Nghiêm, đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch Suối Mỡ, đường vào chùa Bổ Đà, mở rộng và cải tạo đường tỉnh 293 ( đây được xác định là con đường tâm linh). Đường tỉnh 293 nối từ thành phố Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn huyện Sơn Động và các tuyến nhánh đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Đồng thuộc Tây Yên Tử đã được triển khai thực hiện. Đây là con đường mở ra hướng phát triển thuận lợi cho du lịch Bắc Giang.
Vườn tháp chùa Bổ Đà Bên cạnh đó, Bắc Giang đã tích cực huy động nguồn xã hội hóa của tổ chức, doanh nghiệp cá nhân đóng góp để đầu tư tôn tạo các di tích. Trong đó có các dự án đang được đầu tư xây dựng lớn như thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng( tại Nham Sơn- Yên Dũng), các điểm chùa khu vực Đồng Thông- Tây Yên Tử( xã Tuấn Mậu huyện Sơn Động). Thực hiện các dự án bảo tồn các nét văn hóa cổ truyền thống, các di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, dân ca Quan họ, Ca Trù, dân ca Sán Chí…bảo tồn các lễ hội truyền thống nhất là những lễ hội thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách như lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội Yên Thế, lễ hội Thổ Hà
Cùng với đó công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được quan tâm. Nhiều hội thảo, hội nghị liên kết phát triển du lịch, các cuộc khảo sát du lịch có sự tham gia của đông đảo các đơn vị kinh doanh du lịch, các tỉnh bạn tham gia. Nhờ đó mà du khách sẽ biết đến Bắc Giang với những sản phẩm du lịch độc đáo và những tour du lịch hấp dẫn trong hệ thống các điểm du lịch văn hóa tín ngưỡng lớn như Non thiêng Yên Tử; Côn Sơn- Đền Kiếp Bạc; chùa Vĩnh Nghiêm và thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Hay trong hành trình đến Bắc Giang tuyến du lịch văn hóa Tây Yên Tử với các điểm dừng chân ấn tượng là chùa Vĩnh Nghiêm, khu thắng cảnh Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, chùa Am Vãi và điểm cuối là khu du lịch Đồng Thông và cuối cùng là chùa Đồng Yên Tử - nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm...Các điểm di tích chùa Bổ Đà, đình chùa, làng cổ Thổ Hà, các điểm di tích quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Yên Thế, khu di tích núi Dành hay An toàn Khu II huyện Hiệp Hòa đều đã và đang được bảo tồn, khai thác. Lượng du khách đến các điểm di tích này đang ngày càng tăng lên. Theo thống kê, lượt khách đến Bắc Giang liên tục tăng, trung bình khoảng 25%/ năm, trong đó chủ yếu khách đến các điểm di tích nổi tiếng của tỉnh như khu du lịch Suối Mỡ, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, các điểm khởi nghĩa yên Thế và mặc dù còn đang trong quá trình xây dựng nhưng các điểm Thiền Viện Trúc lâm Phượng Hoàng, khu du lịch Đồng Thông Tây Yên Tử cũng đã có khách đến tham quan.
Để tiếp tục phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, ông Nguyễn Thế Chính- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh cho biết: Thời gian tới tỉnh vẫn tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của nhà nước, nguồn huy động xã hội hóa để trùng tu tôn tạo bảo vệ di tích nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống đồng thời khai thác phát triển du lịch. Tăng cường đạo tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền quảng bá và liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch với các địa phương lân cận; từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Bắc Giang gắn với bảo tồn văn hóa cổ như xây dựng các tour du lịch làng nghề truyền thống, du lịch qua miền Quan họ hay du khảo con đường du lịch Tâm linh Tây Yên Tử ( dọc theo tỉnh lộ 293 đang hoàn thành). Quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là phát triển một cách bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa, hạn chế thấp nhất những tác động xấu của du lịch đến môi trường, gắn với xóa đói, giảm nghèo./.Bài Hà Yến, ảnh Hà Yến, Đăng Lâm