Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Bắc Giang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Bắc Giang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Từ chỗ khởi đầu sơ khai, đến nay, trên bản đồ du lịch Bắc Giang đã có những gam màu sáng. Tuy nhiên, để lượng khách đến với Bắc Giang nhiều hơn, doanh thu từ dịch vụ du lịch cao hơn nữa, một trong những vấn đề quan trọng là quan tâm xây dựng các sản phẩm du lịch (SPDL) đặc thù.

Nỗ lực ban đầu 
SPDL đặc thù được hiểu là những sản phẩm được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo, mang những nét riêng, đại diện cho tài nguyên du lịch của địa phương hay một điểm đến du lịch với những dịch vụ làm thỏa mãn nhu cầu của du khách.
Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 cũng đề cập tới việc xây dựng các SPDL có thế mạnh ở 3 loại hình du lịch là: Văn hóa-tâm linh; lịch sử-văn hóa; sinh thái-nghỉ dưỡng; xây dựng thương hiệu Tây Yên Tử, tạo điểm nhấn đối với du lịch Bắc Giang.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 44 của BTV Tỉnh ủy và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh, du lịch Bắc Giang đã có nhiều gam màu tươi sáng. Các khu, điểm dần hình thành SPDL, thu hút du khách như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, sân golf (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Khu Du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, dù mới ở giai đoạn bắt đầu phát triển song lượng du khách đến Bắc Giang ngày càng tăng; năm 2019, đạt hơn 2 triệu lượt, tăng 33% so với năm 2018. Những kết quả về phát triển du lịch ở các địa phương thời gian qua rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, qua đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp làm du lịch, Bắc Giang vẫn chưa có nhiều SPDL đặc thù, hấp dẫn thu hút khách. Phần lớn, khách du lịch ở ngoài tỉnh đi du lịch Bắc Giang trong ngày, tập trung chủ yếu vào đầu xuân, số lưu trú rất ít. Theo thống kê, doanh thu từ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 760 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm 2019. Nhìn vào con số trên cho thấy, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch của tỉnh còn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chính là do nguồn vốn đầu tư làm du lịch còn hạn chế; các khu vui chơi, trải nghiệm, nghỉ dưỡng ở các khu, điểm du lịch trong tỉnh chưa thực sự hấp dẫn, níu kéo du khách, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng tốt nhu cầu. Hạ tầng giao thông bước đầu được quan tâm đầu tư song ở nhiều nơi, đường xá vẫn chật, hẹp; xe ô tô khách lớn ra, vào khó khăn... Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàng Long và đại diện một số công ty lữ hành cho biết, thời gian qua, các đơn vị nhận rất ít hợp đồng tua du lịch trong tỉnh mà chủ yếu đưa khách từ tỉnh Bắc Giang ra các tỉnh, thành phố khác. 

Tạo nét riêng
 Nghị quyết số 44 của BTV Tỉnh ủy cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là phát triển Tây Yên Tử trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh; mở rộng không gian, tôn tạo cảnh quan, phát huy giá trị chùa Vĩnh Nghiêm, đưa du lịch chùa Vĩnh Nghiêm cùng với Tây Yên Tử thành sản phẩm tiêu biểu cho loại hình du lịch văn hóa-tâm linh.
Tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến phát triển du lịch của tỉnh, một số chuyên gia cho rằng, vùng Tây Yên Tử mới ở giai đoạn phát triển nên cần có chiến lược xây dựng SPDL đặc trưng tạo tính khác biệt.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, việc phục dựng các điểm di tích sẽ tạo ra sự khác biệt, hình thành các tua, tuyến trong hành trình du lịch tâm linh sườn Tây Yên Tử. Do đó, cần có sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tư vấn kỹ lưỡng của các chuyên gia trong công tác quy hoạch, trùng tu, phục dựng các di tích gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Ngoài sản phẩm hiện có, Bắc Giang có thể tạo ra các SPDL mới, đặc thù như: Du lịch trái cây ở Lục Ngạn vì đây là huyện có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc (gần 28 nghìn ha) gắn với du lịch sinh thái như hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn hay “du lịch làng nghề” như: Làm mỳ, làm bánh hay “du lịch xanh” với các làng du lịch cộng đồng, khu cảnh quan sinh thái; du lịch đạp xe, du lịch chụp ảnh, du lịch phượt… ở Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển Du lịch tỉnh, trên cơ sở đánh giá tổng kết Nghị quyết số 44 của BTV Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020, BCĐ Phát triển du lịch tỉnh sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những nhóm giải pháp hữu hiệu hơn tạo đà để thúc đẩy du lịch phát triển. Để có những SPDL hấp dẫn du khách, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh đặc biệt quan tâm đó là thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cũng như tăng cường quảng bá; xây dựng, kết nối các tua, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh giao Sở VHTTDL phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện Lục Nam, Sơn Động tổ chức khảo sát tua du lịch “Con đường bộ hành của các Phật Tổ thiền phái Trúc lâm Yên Tử”. Trên cơ sở đó, các chuyên gia làm du lịch sẽ có khảo sát, đánh giá, tư vấn việc phục dựng các di tích để hút khách.
Đối với Khu Du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) cũng đang được doanh nghiệp đầu tư tính toán, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, khác biệt. Năm 2020, nhà đầu tư sẽ khởi công xây dựng công viên phật giáo, hồ sinh thái, thung lũng hoa cùng các khu nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách tham quan.
Được biết, UBND huyện Yên Dũng đã thuê đơn vị tư vấn lập Đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến tháng 5-2020 sẽ được phê duyệt. Với tổng diện tích đất quy hoạch là 40 ha; toàn thể khu di tích được bố cục thành 9 khu vực chính như: Khu nội tự, khu làng cổ bảo tồn, khu chợ chùa, khu chế tác và phiên bản mộc bản, khu học viện Trần Nhân Tông, khu lưu trú tăng ni, phật tử và giảng đường Phật học…
Hy vọng Bắc Giang sẽ có nhiều SPDL đặc thù và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới du khách trong và ngoài nước, qua đó tạo ra điểm nhấn thu hút khách, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh./. 
Công Doanh
Ngày cập nhật: 02/06/2020 Lượt xem: 533