Với gần 2.300 di tích, trong đó có 593 di tích đã được xếp hạng, Bắc Giang nổi tiếng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử. Nổi bật là thành cổ Xương Giang (thành phố Bắc Giang); khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) – nơi lưu giữ kho Mộc Bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012; đình, chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi (huyện Lạng Giang)… Bắc Giang còn hấp dẫn du khách bởi nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: khu thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện
Lục Ngạn); rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thác Ba Tia, suối Nước Vàng, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam… Đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá…
Như vậy, Bắc Giang là vùng đất có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, làng nghề… Những năm qua được sự quan tâm của Tỉnh, du lịch Bắc Giang có những chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên, du lịch Bắc Giang còn không ít khó khăn, hạn chế như dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí còn thiếu, cơ sở hạ tầng thấp kém, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng chưa cao, nguồn nhân lực, dịch vụ vận chuyển khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu...
Việc khai thác, sử dụng tiềm năng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa nhiều, năng lực thấp, quy mô nhỏ; dịch vụ vận chuyển khách du lịch chất lượng chưa cao; chưa hình thành được các tour, tuyến có sản phẩm đặc trưng; dịch vụ ăn uống ở các điểm du lịch còn thiếu; chưa có nhiều sản vật mang thương hiệu riêng; hạ tầng du lịch (hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí) còn hạn chế; tần suất xuất hiện thông tin về du lịch Bắc Giang chưa nhiều…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhưng thực tế chỉ có 18 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên, trong đó có 3 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 235 cơ sở lưu trú du lịch với 2.500 phòng nghỉ, trong đó có 8 khách sạn 2 sao và 7 khách sạn 1 sao, chưa có khách sạn nào đạt từ 3 – 5 sao.
- Du lịch văn hóa đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Bắc Giang, đây là loại hình du lịch có tiềm năng lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Bắc Giang có nhiều lễ hội truyền thống, hơn 2 nghìn di tích lịch sử văn hóa, trong đó 116 di tích được xếp hạng quốc gia, cùng nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu được đông đảo du khách biết đến.
Bên cạnh nhu cầu vui chơi, giải trí, khi đặt chân đến một vùng đất, hầu hết du khách đều mong muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa địa phương. một số tour du lịch cho khách quốc tế tới Bắc Giang, điểm đến trong hành trình là chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, Vân Hà. Tuy nhiên, Bắc Giang chưa tạo ra được những dịch vụ du lịch tốt để chào đón du khách. Khảo sát cho thấy, hầu như các tour du lịch trên địa bàn thiếu vắng các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật đưa vào lịch cố định phục vụ du khách, dịch vụ, phục vụ du khách còn thiếu và yếu
- Du lịch với làng nghề truyền thống đang mở ra những cơ hội giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa. Tỉnh ta có số lượng làng nghề thủ công tương đối lớn song để khai thác, đáp ứng cho phát triển du lịch thì vẫn cần một chiến lược dài hơi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 33 làng nghề trong đó 14 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm cùng những nét văn hóa, phong tục tập quán tiêu biểu, độc đáo. Từ điều kiện ấy nếu được đầu tư xây dựng, khai thác tốt sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách bốn phương. Những làng nghề thu hút đông du khách như Thổ Hà, Yên Viên, Tăng Tiến (Việt Yên), Thủ Dương (Lục Ngạn), bánh đa làng Kế (TP. Bắc Giang)… Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, chiêm bái tại những làng nghề này.
Sản phẩm được phơi bày đầy rẫy khắp các ngả đường làng, cùng đó là những công trình kiến trúc cổ kính, những nếp nhà gạch chỉ không trát vữa, đặc biệt hơn đây còn là vùng đất của những làn điệu dân ca quan họ bờ bắc sông Cầu. Hai làng nghề Thổ Hà và Vân Hà (Việt Yên) có vị trí giáp Bắc Ninh, của ngõ thủ đô Hà Nội mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu quy trình sản xuấ gốm, bánh đa nem, Náu rượu. Người dân làng nghề sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống.
Có lịch sử phát triển hàng trăm năm, làng nghề mây tre đan xã Tăng Tiến (Việt Yên) vừa thuận lợi về giao thông lại gần trung tâm TP. Bắc Giang. Mặt khác, không giống như một số làng thủ công nghề ở nước ta đang rơi vào tình trạng ngày càng lụi tàn trước kinh tế thị trường, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến mỗi lúc một phát triển thịnh vượng, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Sản phẩm của làng nghề gồm nhiều chủng loại, từ những đồ dùng sinh hoạt dân dã như thúng, mủng, dần, sàng, rổ, rá cho đến các mặt hàng mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như mành tre, túi sách, quạt trang trí, lồng bàn, lọ hoa…được nhiều du khách ưa chuộng. Du lịch tại các làng nghề phát triển không những là điều kiện để quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân có thêm thu nhập từ các loại hình dịch vụ.
- Cùng với du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề…, du lịch sinh thái đang được nhiều người quan tâm và lựa chọn. Bắc Giang có lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái song thực tế tài nguyên này đang bị bỏ ngỏ.
Hồ Khuôn Thần xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh Trung tâm TT XTDL
Nói đến du lịch sinh thái của Bắc Giang, không thể không nhắc đến hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), đó là điểm đến cuối tuần khá lý thú, được nhiều người lựa chọn, hồ có diện tích khoảng 2.650ha, chiều dài 25km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, đây được xem là máy điều hòa không khí khổng lồ cho miền sơn cước Lục Ngạn. Sóng nước mênh mông gắn với thiên nhiên nguyên sơ, khí hậu trong vùng quanh năm ôn hòa, dịu mát, lại thêm lòng hồ bao la cho cá tôm nhiều là yếu tố hấp dẫn khó có thể bỏ qua khi đi du lịch đến đây. Chính sự vắng vẻ, bình dị và tĩnh lặng ấy đã lôi cuốn ngày càng nhiều du khách tìm đến Cấm Sơn, đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, Lục Ngạn còn hồ Khuôn Thần, có diện tích khoảng 240ha với 5 đảo nhỏ, xung quanh là những thảm thông, keo và các khu vườn vải thiều rộng lớn... đang được đầu tư hạ tầng, dịch vụ… hứa hẹn đem lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách trong tương lai. mặc dù có thế mạnh song do nhiều nguyên nhân, tài nguyên du lịch sinh thái tại Bắc Giang chưa được khai thác hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại từ loại hình du lịch này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hoạt động tại các khu, điểm du lịch sinh thái kém sôi động, chưa thực sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nguyên nhân do thiếu sự đầu tư đồng bộ, cơ sở hạ tầng thấp kém, dịch vụ vui chơi giải trí hạn chế, cộng thêm nhân lực làm du lịch của tỉnh vừa thiếu lại yếu, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng nhu cầu, cả tỉnh chưa có khách sạn ba sao. Đã vậy, hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch chưa được quan tâm xứng đáng…
Trong tương lai, việc ưu tiên đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và điểm dừng chân cho du khách cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Đặc biệt là tiếp tục chú ý bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống.
Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống; tăng cường đào tạo đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn người dân tham gia tìm hiểu về di sản văn hóa của quê hương, từ đó họ sẽ tích cực tuyên truyền cho khách du lịch hiểu về vùng đất, con người Bắc Giang. Để giải quyết được những vấn đề trên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ xây dựng các mô hình văn hóa, giải trí và du lịch cộng đồng, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp dịch vụ...
Thực tế cho thấy, du lịch và văn hóa luôn có sự gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Nếu di sản văn hóa được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm những nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Tóm lại: Là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, Bắc Giang có số lượng di sản văn hóa khá phong phú và đa dạng, trong đó nhiều di sản đã được vinh danh. Đây được xem là những "mỏ vàng" của ngành "công nghiệp không khói" cần được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Căn cứ vào tình hình khảo sát các điểm có thể khai thác về tiềm năng du lịch của Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn ngoài tình hình chung về thuận lợi và khó khăn nêu trên chúng ta nên chú trọng và nhận thức đúng đắn về định hướng phát triển, đầu tư, cho một số loại hình dịch vụ du lịch:
Một là: Về văn hóa ẩm thực và các sản phẩm thủ công của các làng nghề cần khẩn trương chỉ đạo tổ chức, khai thác các sản phẩm truyền thống mà thiên nhiên ưu đãi địa phương chúng ta. Đồng thời với sự cần cù khéo léo đầy kinh nghiệm được hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm thủ công và những nét văn hóa đặc trưng riêng về ẩm thực sẽ là điểm nhấn cho du khách bốn phương khi đến Bắc Giang, như: gốm Thổ Hà, tơ tằm Đạo Ngạn Quang Châu, rượu Vạn Vân, nếp cái hoa vàng Phi Điền, mỳ Trũ, vải thiều, gà đồi Lục Ngạn… và ví dụ như một loại hình “Quà quê” của Khách sạn Hữu Nghị với trên 50 món tươi ngon từ mọi miền được chế biến bởi các đầu bếp giàu kinh nghiệm, lâu năm trong nghề đã làm nổi bật tính đặc trưng, tính dân tộc, tính truyền thống của các làng quê Việt Nam.
Hai là: Về dịch vụ lưu trú cho du khách khi đến Bắc Giang chúng ta cần chú trọng đầu tư theo từng loại hình như : du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh… Để cho đầu tư có hiệu quả đồng thời phù hợp với nguồn tài chính của một tỉnh miền núi thì mỗi loại hình chúng ta cần xem xét để thiết kế cấu trúc đầu tư quy hoạch tổng thể, đảm bảo phong phú thích hợp cho mỗi loại hình và cũng là một điểm nhấn cho du khách.
Ba là: Ngoài những dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ chúng ta phải đồng thời xây dựng hạ tầng như: hệ thống vệ sinh, môi trường biển báo, an ninh đường giao thông cho các khu du lịch; Giáo dục nhân dân địa phương có ý thức bảo vệ môi trường và an ninh cho khách; Đào tạo và xây dựng một đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, hướng dẫn, giới thiệu cho du khách theo từng loại hình thật đa dạng, thật phong phú mà mang phong cách đặc trưng cho từng vùng miền.
Nguyễn Mạnh Hùng
Giám đốc – Công ty CP Hữu Nghị