Đại dịch COVID-19 tái bùng phát đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực trong đó có du lịch. Trong điều kiện hiện tại, dù đang gặp phải không ít khó khăn, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã và đang tìm những giải pháp vượt khó; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đề ra định hướng phát triển về đào tạo nguồn nhân lực du lịch sau khi đại dịch được kiểm soát.
Khó khăn trong đào tạo
PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Đại dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho công tác đào tạo do thời gian này sinh viên phải học online trong khi các môn học chuyên ngành khách sạn, lữ hành, sự kiện cần sự tương tác, thực hành. Bên cạnh đó, các môn học thực tập bị hoãn lại hoặc không thực hiện được theo đúng tiến trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp trong 2 năm 2020, 2021 không tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành do các công ty du lịch, khách sạn đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động; các sự kiện không được tổ chức...
Chia sẻ thêm về khó khăn trong việc giảng dạy giai đoạn này, PGS.TS. Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Trước tác động của đại dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo về du lịch phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, cơ sở vật chất không đồng bộ, trình độ sử dụng công nghệ thông tin, ý thức và trách nhiệm của người dạy và người học khác nhau nên khó kiểm soát, điều tiết dẫn đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy bị giảm. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập thực tế dẫn tới chỉ đào tạo lý thuyết là chủ yếu nên kỹ năng thực hành của sinh viên bị hạn chế. Ngoài ra, nguồn tuyển sinh cũng bị ảnh hưởng do lo ngại dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc làm khi ra trường.
Chia sẻ về khó khăn tại các trường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tác động của đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi lĩnh vực, mà du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề. Mức độ ảnh hưởng đối với mỗi bậc đào tạo có những khác biệt nhất định, trong đó, việc tổ chức các hoạt động học tập và giảng dạy theo hình thức online đã trở thành phổ biến. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải điều chỉnh chương trình, lộ trình và hình thức đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng; đồng thời, thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, các sinh viên bậc đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng phải dừng các hoạt động thực tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp tại doanh nghiệp, phòng, xưởng thực hành tại trường… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Những giải pháp đồng bộ
Trước những khó khăn do đại dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã nỗ lực tìm ra hướng đi trong công tác đào tạo. Việc áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện các giải pháp thực hiện ứng dụng công nghệ nền tảng vào giáo dục và đào tạo là hướng đi phù hợp trong giai đoạn này. Áp dụng phương pháp “đào tạo số hóa”, các giảng viên luôn phải đa dạng hóa phương thức giảng dạy, tăng cường dùng các video clip minh họa, thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá cho phù hợp. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trên nhiều mặt chuyên môn, phương thức đào tạo; tăng cường thu hút các kỹ sư công nghệ, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch tham gia vàoquá trình đào tạo nhận lực du lịch; đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác hiệu quả mạng xã hội trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, truyền thông phù hợp và giúp định hướng cho giới trẻ…
Bên cạnh đó, tăng cường triển khai, quản lý công tác đào tạo trực tuyến, xây dựng và điều chỉnh các chương trình đào tạo, hướng đến áp dụng giáo án điện tử; đồng thời, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch các địa phương thông qua các công cụ ứng dụng nền tảng để hỗ trợ công tác thực tập, hoạt động đào tạo du lịch và tiếp nhận sinh viên khi ra trường; đổi mới hình thức và phương thức tuyển sinh, chú trọng đưa thông tin và giới thiệu ngành nghề du lịchqua các kênh thông tin và mạng xã hội...
Xác định tình hình dịch bệnh còn kéo dài nên các cơ sở đào tạo cũng chủ động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt mọi hình thức đào tạo cho phù hợp với tình hình mới. Khoa Du lịch học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có hệ thống dạy trực tuyến (e-learning) khá hoàn thiện cho phép đảm bảo tỷ lệ giảng dạy 70% trực tiếp trên lớp học và 30% trực tuyến và cho phép chuyển đổi từ hình thức học tập trực tiếp trên lớp sang trực tuyến khi cần. Các kế hoạch, kịch bản giảng dạy dù trực tuyến hay trực tiếp đều đã được Nhà trường và Khoa linh hoạt áp dụng tùy tình hình của dịch bệnh. Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ nền tảng vào giáo dục và đào tạo tại trường giúp linh hoạt điều chỉnh lịch giảng dạy các môn lý thuyết và thực hành.
Đề xuất những giải pháp trong công tác đào tạo khi bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo du lịch triển khai công tác đào tạo phải tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch của Nhà nước. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chuẩn bị nhân lực, vật lực và các điều kiện đảm bảo an toàn nhất có thể cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Xây dựng các phương án tuyển sinh, tổ chức đào tạo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần chủ động nắm bắt tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để có phương án tốt nhất trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung, đa dạng hóa các loại hình, cấp độ đào tạo; thực hiện tốt cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch; thực hiện tốt việc áp dụng tiêu chuẩn nghề quốc gia trong đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề để người học có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của dịch chuyển lao động lĩnh vực du lịch trong khu vực ASEAN.
Để có những giải pháp đồng bộ, ông Lê Anh Tuấn đề xuất: Các cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch, đánh giá hiện trạng chuyển đổi công việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích, thu hút người lao động du lịch làm việc trở lại. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hiệu quả đối với doanh nghiệp du lịch, người lao động du lịch, giúp cho hệ thống du lịch được phục hồi nhanh chóng sau khi dịch được khống chế. Đồng thời, cần tăng cường năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch, điều chỉnh và mở rộng quy mô đào tạo, linh hoạt trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cường triển khai cơ chế đặc thù trong đào tạo du lịch.