Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo nhân lực du lịch (Phần 1)

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo nhân lực du lịch (Phần 1)

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trong du lịch, chuyển đổi số là thay đổi cách đi du lịch, cách làm du lịch, cách kinh doanh du lịch, cách quản lý du lịch nhờ dữ liệu và công nghệ số. Trong vài năm qua, cụm từ “chuyển đổi số trong du lịch” đã được nhắc đến nhiều hơn và ngày càng nhiều hơn. Sức lan tỏa mạnh mẽ của Công nghiệp 4.0 với sự ra đời của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, blockchain, thực tế ảo (VR)… đang tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó từng bước thay thế phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động trong môi trường số và ngành du lịch cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số, hay nói cách khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn, là giải pháp tối ưu đối với nhiều doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong đại dịch COVID-19.

(Ảnh minh họa)

1. Đăt vấn đề

Du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh chóng nhất trên thế giới. Du lịch cũng là một ngành công nghiệp kiếm có được ngoại hối mà không cần xuất khẩu của cải, hàng hóa của quốc gia.

Theo các sáng kiến Chuyển đổi số trên Diễn đàn kinh tế thế giới, Chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025. Chuyển đổi số sẽ cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngành nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong xã hội. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, văn bản đã được ban hành về việc chủ động tiếp cận và tham gia CMCN 4.0, trong đó nêu rõ giải pháp ưu tiên phát triển du lịch thông minh, du lịch số.

Sự phát triển của các công nghệ đóng một vài trò rất lớn trong việc mang lại các trải nghiệm du lịch mới mẻ, hấp dẫn và tiện lợi đối với khách du lịch. Đặc biệt, các công nghệ về AR (Augmented Reality - Thực tế tăng cường), VR (Virtual Reality - Thực tế ảo) thực sự mang lại những đột phá lớn về việc trải nghiệm tại các địa điểm du lịch cho du khách. Trên cơ sở nghiên cứu các công nghệ nêu trên, nhóm đề tài sẽ đề xuất áp dụng các công nghệ này vào hệ sinh thái du lịch để xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện và tập trung mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018.

2. Vai trò của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế

Du lịch chiếm hơn 10% GDP toàn cầu vào năm 2019 và trị giá gần 9 nghìn tỷ USD, là ngành phát triển nhanh thứ hai về thu hút FDI và là ngành tạo việc làm lớn thứ hai. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới đạt 1,5 tỷ vào năm 2019, tăng 4% so với năm 2018 và ngành du lịch đã có sự tăng trưởng liên tục trong 8 năm qua. Doanh số du lịch số tăng 11,7% trong năm 2016 lên gần 613 tỷ USD và ước tính đạt 855 tỷ USD đến năm 2021.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2015-2019, du lịch Việt Nam phát triển đột phá: Lượt khách quốc tế đã tăng 2,3 lần (từ 7,9 triệu lên 18 triệu), đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đây là tốc độ tăng rất cao so với mức tăng bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2011-2015 và là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO); Lượt khách nội địa đã tăng gần 1,5 lần (từ 57 triệu lượt lên 85 triệu), tăng bình quân 10,5%/năm; Tổng thu du lịch tăng 2,1 lần (từ 355 nghìn tỷ lên 755 nghìn tỷ đồng); Đóng góp trực tiếp của du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP): năm 2015 là 6,3%, đến năm 2019 là 9,2%; Giai đoạn 2015-2019, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ 75/141 nền kinh tế năm 2015 lên 67/136 năm 2017 và 63/140 năm 2019.

Tuy nhiên, trong năm 2020-2021, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế cả năm 2020 giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD), tức là khoảng 61% so với năm 2019. Năm 2021, Việt Nam không đón khách du lịch quốc tế, chỉ cho phép nhập cảnh đối với chuyên gia và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp dự án, 10 tháng đầu năm năm 2021 là 125,1 nghìn lượt người, giảm 96,7% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa cũng gần như “đóng băng” do cả nước liên tục phải đối phó với các đợt dịch bùng phát, đặc biệt là đợt dịch từ tháng 7 năm 2021.

3. Chuyển đổi số - Giải pháp sống còn của ngành Du lịch toàn cầu

3.1. Chuyển đổi số trong du lịch là gì?

Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “Chuyển đổi số” lại trở nên phổ biến và quen thuộc đối với tất cả công dân toàn cầu, cũng như tác động, chi phối đến tất cả các ngành nghề kinh tế như hiện nay. Vậy chuyển đổi số là gì? Chuyển đổi số đã và đang tác động đến ngành du lịch thế giới như thế nào?

Trên thế giới, đã có nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra các khái niệm khác nhau về chuyển đổi số. Tuy nhiên, khái niệm ngắn gọn, súc tích mà Gartner - một công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ của Mỹ đưa ra, đó là: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.

Trong thực tế, đã ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp du lịch không kịp thích ứng với công nghệ mới đã phải đóng cửa ngay cả khi đại dịch chưa diễn ra, tiêu biểu nhất là Thomas Cook - Tập đoàn lữ hành và cũng là một đế chế du lịch lâu đời nhất của Anh. Tập đoàn này đã sụp đổ vào tháng 9/2019 sau 178 năm tồn tại với món nợ lên đến 2,1 tỉ USD  mà một trong những nguyên nhân chính khiến “ông tổ” của ngành du lịch Anh phải phá sản là các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến mà nổi bật là Đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent - OTA).

Trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu đã đẩy ngành du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 sụt giảm 73,9% so với năm 2019, bằng thời điểm cách đây 30 năm và sẽ phải mất từ 2,5 đến 4 năm để lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2021 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu khi lượng khách quốc tế ghi nhận trong 7 tháng đầu năm giảm tới 80% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, trong 2 năm 2020-2021, sự sụt giảm của ngành du lịch toàn cầu gây tổn thất tới 4,8 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới.

Tình cảnh ngặt nghèo của du lịch trong đại dịch đã buộc các cường quốc về du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ, đồng thời giải đáp các bài toán đau đầu về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, điểm đến, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn... Mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến, điển hình là sự bùng nổ của các ông lớn: Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook... Hàng loạt các loại hình du lịch ứng dụng công nghệ số ra đời...

Những lợi ích của việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp du lịch có lẽ không phải bàn cãi, đó là: Góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp (mô hình vận hành, quản lý hiện đại, chuyên nghiệp; đổi mới bộ máy nhân sự; tăng cường liên kết giữa các bộ phận); xây dựng được cơ sở dữ liệu (khách hàng, sản phẩm…); tiếp cận khách hàng, thị trường từ xa; nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm chi phí vận hành; gia tăng trải nghiệm cho khách hàng; tăng doanh thu và lợi nhuận… Như vậy, chuyển đổi số hay nói cách khác là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong trong phát triển du lịch là một trong những yếu tố sống còn, buộc chính phủ các nước và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải lưu tâm, nếu không muốn bị tụt hậu, thậm chí xóa sổ khỏi thị trường du lịch.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ một thẻ quốc gia (Ảnh minh họa. Nguồn: TITC)

3.2. Vai trò của chuyển đổi số

Có thể hiểu, chuyển đổi số là tổng thể công nghệ số hóa dữ liệu và ứng dụng dữ liệu dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Công nghệ ở đây được hiểu là một hệ thống, trong đó có trang thiết bị kỹ thuật số, có các chương trình kỹ thuật số, có dữ liệu đầu vào ở dạng số, có con người, có phương thức tổ chức hoạt động… liên kết, tác động qua lại lẫn nhau và cho kết quả đầu ra những sản phẩm có hiệu suất lớn về giá trị sản xuất.

Về vị trí, có thể thấy chuyển đổi số là nội dung cơ bản trong trụ cột kỹ thuật số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, khái niệm chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, lan tỏa trên toàn xã hội. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo khảo sát năm 2018 của IDC, chuyển đổi số đã trở thành chiến lược của các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó 90% doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi số, 30% lãnh đạo doanh nghiệp xem chuyển đổi số là vấn đề sống còn.

Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước giúp xây dựng nên những cơ sở dữ liệu từ giá trị thực (biến đổi giá trị nghe, nhìn, cảm nhận được từ thế giới thực) sang dạng số (dạng điện toán được lưu trữ trên máy tính), nên rất thuận lợi cho việc quản lý, khai thác sử dụng. Dữ liệu số hóa đã trở thành tài sản của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Dữ liệu ngành càng được bổ sung, liên kết, tích hợp với nhau đã giảm được nhiều kinh phí xây dựng dữ liệu đơn lẻ, không đồng bộ như trước đây.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước không những giải quyết công việc hiện tại hiệu quả mà quan trọng hơn là hoạch định được tầm nhìn chiến lược để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có hiệu quả nhất. Thay đổi phương thức quản lý của các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng đơn giản về cơ cấu, logic, kế thừa và hiệu quả về hoạt động, hội nhập với quốc tế. Tạo ra những thay đổi lớn trong chuỗi giá trị hàng hóa và cung ứng sản phẩm; tự động hóa nâng cao hiệu suất công việc, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, gia tăng mạnh mẽ giá trị sản xuất, chất lượng dịch vụ công.

3.3. Vai trò của chuyển đổi số trong du lịch

Với sự xuất hiện của chuyển đổi kỹ thuật số, các hoạt động trong ngành công nghiệp du lịch đã tạo ra một sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin và dịch vụ mà các đại lý du lịch cung cấp. Cụ thể, sự tồn tại và phổ biến của việc sử dụng Internet, cũng như sự phát triển phần mềm du lịch, đã xóa tan thách thức về mặt địa lý, cho phép các công ty và khách hàng tương tác với nhau chỉ qua một màn hình. Với sự hỗ trợ của quá trình số hóa, các đại lý du lịch đã tận dụng để thực hiện các giao dịch và công bố chi tiết thông tin trong từng giai đoạn của chuyến đi, cho phép khách hàng nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị xuất phát. Nhiều mong muốn của khách hàng được đáp ứng thông qua việc so sánh giữa các đại lý và kiểm tra phản hồi từ những người dùng trước hay các tính năng quan trọng như đặt vé, đặt chỗ ở, hoặc thậm chí yêu cầu một chuyến tham quan ảo đến điểm đến mong muốn của họ.

Nhu cầu và cách đưa ra quyết định của các khách hàng của ngành du lịch và lữ hành thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Và với cách tiếp cận truyền thống họ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các công ty muốn phát triển mạnh cần phải cung cấp các điểm đến một cách linh hoạt để đáp ứng du khách của họ và phong phú thông tin trên nhiều nền tảng đặc biệt là trên các trang mạng xã hội để khách hàng có thể chia sẻ và khám phá.

Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, sự phát triển ngành du lịch đã bị chững lại. Kết quả là, tầm quan trọng và nhu cầu về chuyển đổi số tăng cao. Chủ các doanh nghiệp du lịch đã và đang thực hiện các giải pháp khác nhau để điều chỉnh sự hiện diện của họ trên các nền tảng kỹ thuật số và cung cấp những trải nghiệm kỹ thuật số. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Có thể nói, mỗi một khách hàng du lịch hiện đã được hỗ trợ đầy đủ thông qua các ứng dụng, tài khoản nhà cung cấp dịch vụ tạo lập với nhiều tính năng hiện đại. Dù khách hàng chọn hãng hàng không, dịch vụ vận tải biển, hoặc nhiều loại chỗ ở như khách sạn hoặc căn hộ, thì khi áp dụng các công nghệ số hiện đại cũng tạo ra sự khác biệt của mỗi chuyến đi. Có thể nhận thấy bất kỳ công ty du lịch nào ngày nay cũng đang cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng thông qua các nền tảng kỹ thuật số hiện đại.

Cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và khách sạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch. Trong số các giải pháp công nghệ cao đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, có thể kể đến một số giải pháp giúp ngành du lịch phục hồi ngay khi kết thúc giãn cách và kinh doanh vận tải quốc tế và trong nước được mở cửa. Như vậy, chuyển đổi số chắc chắn là yếu tố bắt buộc đối với các công ty du lịch muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay. Tuy nhiên, những xu hướng số hóa này chỉ mang lại lợi ích khi doanh nghiệp của họ tương tác thường xuyên và nhất quán với khách hàng, lắng nghe họ và cố gắng hiểu nhu cầu của họ để liên tục cung cấp cho họ trải nghiệm tuyệt vời. 

Theo TCDL

Ngày cập nhật: 03/08/2022 Lượt xem: 621