Ứng dụng Du lịch Việt Nam hỗ trợ du lịch tìm kiếm, chọn lựa các điểm đến an toàn cùng các tính năng như đặt vé, thanh toán điện tử, bản đồ số, đặt phòng...
6. Du lịch Việt Nam chuyển đổi số trong bối cảnh mới
Câu chuyện chuyển đổi số của Du lịch Việt Nam đã được tính đến từ lâu với việc Chính phủ ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, ban hành theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch về doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch; kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ trung ương đến cơ sở... Hiện có một số ứng dụng trong quản lý, điều hành, thống kê, cơ sở dữ liệu, truyền thông về du lịch Việt Nam; các ứng dụng tăng cường tiện ích và trải nghiệm hoạt động rất hiệu quả. 100% cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã có website du lịch.
Trong vài năm trở lại đây, việc áp dụng công nghệ vào công tác quảng bá tiếp thị, đặt tour, đặt phòng khách sạn ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam nhằm thích nghi linh hoạt với dịch bệnh. Những thống kê trong đại dịch cũng cho thấy những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp du lịch khi chuyển đổi số đón đầu thời kỳ "bình thường mới" sau đại dịch. Theo đánh giá của Outbox Consulting - Công ty chuyên cung cấp các giải pháp nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu cho ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam đưa ra trong báo cáo: “Xu hướng Du lịch Việt Nam 2021”, công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách có lại tự tin khi đi du lịch trong năm 2021. Outbox Consulting dẫn kết quả cuộc khảo sát của Censuswide cho thấy, hơn 4/5 khách du lịch cho biết công nghệ sẽ giúp họ tự tin đi du lịch trong 12 tháng tới. Bên cạnh đó, thanh toán không chạm (thí dụ như Apple hoặc Google Pay, PayPal và Venmo) sẽ làm tăng sự tự tin của du khách để thực hiện các chuyến đi.
Ở quy mô quốc gia, ngành du lịch đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích, nổi bật nhất có thể kể đến app "Du lịch Việt Nam an toàn" - một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn... kể cả việc du khách có thể gửi ngay phản ánh tới Tổng cục Du lịch. Đặc biệt, công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số ngày càng được đẩy mạnh với các dự án như: Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam; "Việt Nam: Đi để yêu!" trên Youtube, nền tảng tiện ích Trang vàng Du lịch Việt Nam...
Trong đó, dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam ra mắt đầu năm 2021 đã đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture - nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới, nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, văn hóa, lịch sử các quốc gia.
Ở cấp địa phương, nhiều tỉnh, thành nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, do vậy đã nhanh nhạy làm mới cách tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm tiến cận và đáp ứng nhu cầu du khách.
Trong nhiều năm qua, Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng nền tảng công nghệ để phát triển du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch, truyền thông quảng bá theo xu hướng hiện đại. Từ năm 2015 đến năm 2017, Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch 5 ngôn ngữ, triển khai ứng dụng (App) Danang FantasticCity, triển khai Chatbot - trợ lý ảo tương tác với du khách cùng với tận dụng lợi thế của mạng xã hội Facebook, Instagram, YouTube… để quảng bá du lịch.
Nhằm từng bước phục hồi du lịch sau đại dịch, Sở Du lịchThành phố Đà Nẵng vừa trình làng ứng dụng VR360 mang thông điệp “Một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com với nhiều tính năng ưu việt. Đây là công nghệ thực tế ảo giúp dẫn đường cho du khách trải nghiệm tour khám phá Đà Nẵng kèm thuyết minh tự động, hình ảnh mãn nhãn, âm thanh sống động, cùng trợ giúp từ trợ lý ảo của Trung tâm Hỗ trợ du khách. Đặc biệt, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng vừa ký kết hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số với Tập đoàn Viettel, trong đó, Viettel sẽ hỗ trợ du lịch Đà Nẵng phát triển hệ sinh thái số với giải pháp thẻ du lịch thông minh, sàn thương mại du lịch và triển lãm du lịch ảo.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương tỏ ra năng động bậc nhất trong việc chuyển đổi số để thu hút khách trong bối cảnh dịch bệnh. Trong năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã tổ chức các triển lãm, trưng bày trực tuyến để thu hút khách, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify; Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám sản xuất các clip kể câu chuyện lịch sử về các danh nhân gắn bó với trường Quốc Tử Giám… Gần đây nhất, sau một thời gian thử nghiệm, cuối tháng 8/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).
Vào cuối năm 2020, lần đầu tiên tại Tây Bắc, một tour du lịch ảo đã được thực hiện tại Mộc Châu (Sơn La). Các bộ ảnh và video 360 (VR 360) về điểm tham quan du lịch Mộc Châu, các cơ sở dịch vụ tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã cho du khách cái nhìn toàn cảnh, không bị giới hạn không gian. Người xem sẽ dễ dàng di chuyển khắp nơi, thậm chí nghe thấy âm thanh tiếng thác chảy, suối reo, chim kêu và tiếng của hướng dẫn viên thuyết minh...
Tại Quảng Bình, từ năm 2015, Sơn Đoòng đã thực hiện dự án đưa hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Đến khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng khắp toàn cầu, mọi người không thể đi du lịch thì Sơn Đoòng 360 độ đã trở thành tour du lịch thực tế ảo hấp dẫn nhất. Năm 2020, tờ báo The Guardian (Anh) đã đưa cảnh quan hùng vĩ của Sơn Đoòng vào top 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới.
Mới đây, UBND thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh, phục vụ quản lý và điều hành phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, trong đó có nhiều tính năng để hỗ trợ phát triển du lịch nhờ công nghệ. Cụ thể, trung tâm này sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ 3D cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch ảo đối với những điểm du lịch do thị xã Sa Pa trực tiếp quản lý, để phục vụ người dân, du khách và doanh nghiệp; triển khai phần mềm phản ánh hiện trường cung cấp các kênh tương tác của chính quyền Thị xã với người dân...
Không chỉ các địa phương, điểm đến, mà bản thân các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng rất chủ động trong việc chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian. Chuyển đổi số cũng hỗ trợ đắc lực cho việc giới thiệu, quảng bá, chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành "công nghiệp không khói".
Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn được xếp hạng sao ở Việt Nam đã có website riêng. Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán… Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch như Viettravel, Saigontourist, Thiên Minh Group, Hanoitourist, Benthanhtourist…
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch (Yeudulich.com), Tripi.vn, gotadi.vn, ivivu.com, welcome.vn, datphong24h.vn, travel.com.vn, dulichviet.com.vn, mytour.vn, Fiditour.com, Benthanhtourist.com, datviettour.com, adayroi.com, travelmart.vn,...) chiếm khoảng 20% các giao dịch dịch vụ, còn lại do sàn điện tử nước ngoài thực hiện. Đây là những điểm nhấn quan trọng của các doanh nghiệp du lịch Việt về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.
Nhờ công nghệ thực tế ảo mà nhiều doanh nghiệp dễ dàng phân tích được thị hiếu, thói quen của du khách từng thị trường để có định hướng tiếp cận phù hợp: khách châu Âu thích tìm hiểu gì, ở đâu, ăn món nào…; khách châu Á thích mua gì, chơi đâu, đến vùng khí hậu ra sao…? Quan trọng nữa là kết hợp với nghiên cứu thị trường thực tế để tạo được tệp ‘big data’ (kho dữ liệu) về nhu cầu các hãng lữ hành gửi khách đến Việt Nam… Đặc biệt, chuyển đổi số đã đem đến sự bùng nổ của các sàn giao dịch du lịch trong vài năm trở lại đây. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch cho phép khách hàng chủ động book đặt các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay từ xa, giảm thiểu tối đa thủ tục và tiếp xúc với công ty du lịch, khách sạn hay đại lý máy bay. Năm 2020, dù du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, song nền tảng du lịch trực tuyến ivivu.com vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng truy cập và sản phẩm bán ra…
Theo TCDL