Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Đẩy mạnh liên kết hợp tác đa và song phương nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch

Đẩy mạnh liên kết hợp tác đa và song phương nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch

Trong hầu hết các lĩnh vực sự liên kết phù hợp luôn là tạo một động lực thúc đẩy phát triển chung của ngành. Du lịch không nằm ngoài phạm trù đó, thậm chí sự liên kết đa chiều trong du lịch còn tạo ra sự bức phá nhanh cho sự phát triển tăng trưởng của ngành.
Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương sẽ giúp các bên cùng phát huy lợi thế của mình để phát triển du lịch. Các địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch. Sự liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch, sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp sẽ tạo sự đồng bộ trong việc thu hút khách, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, làm tăng thêm sức hấp dẫn và giá trị của thương hiệu, sản phẩm, hiệu quả kinh doanh. Các mối liên kết này sẽ là nhân tố đảm bảo hình thành nên yếu tố chất lượng cao, đảm bảo sự phát triển lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, việc liên kết giữa các vùng, các địa phương cần có tạo ra sự liên kết đa phương, song phương giữa các bên tạo ra xu hướng liên kết hợp tác phù hợp và hiệu quả.

Không gian quảng bá của tỉnh Bắc Giang tại Hội Nghị Liên kết  TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc
Liên kết tua tuyến giữa các địa phương
Liên kết trong việc xây dựng phát triển sản phẩm du lịch và kết nối tua tuyến giữa các địa phương, trước tiên từng địa phương điểm đến phải định vị sản phẩm du lịch của mình là gì? Tạo sự khác biệt riêng có của địa phương trong chuỗi sản phẩm du lịch liên kết từ đó mới có thể tạo ra hệ thống chuỗi sản phẩm phù hợp đặc trưng hấp dẫn du khách để phát huy hiệu quả của sự liên kết. Bên cạnh đó, để kết nối được tua tuyến giữa các địa phương cần có lân cận về khoảng cách địa lý và có nét đặc trưng riêng trong sự tương đồng tương đối về loại hình sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách từ đó tạo ra sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền không dừng lại tại điểm du lịch mà mở rộng thành những sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng, miền có những nét tương đồng chung như: du lịch vùng Tây Bắc, Tây Nguyên hoặc kết nối di sản miền Trung, kết nối sản phẩm du lịch vùng Đông Bắc….

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang tham quan gian quảng bá của Bắc Giang tại Hội Nghị Liên kết  giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Đông Bắc
Liên kết trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch
 Nhằm tạo sức mạnh lan toả rộng của việc quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương và cả vùng thì đẩy mạnh được liên kết vùng cần coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhờ quảng bá chung nên các tỉnh đã tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến, đồng thời tiết kiệm được chi phí. Một số hoạt động liên kết trong quảng bá xúc tiến có thể được thực hiện như: Xuất bản tập gấp, bản đồ du lịch vùng; thực hiện các clip, phim du lịch chung cho các tỉnh liên kết. Xây dựng gian trưng bày chung của các tỉnh tại các hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, hoặc tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá chung cho toàn vùng. Các tỉnh trong chuỗi liên kết có thể tổ chức chung hoạt động khảo sát, đưa các đoàn Famtrip trong và ngoài nước đến khảo sát chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương và sản phẩm liên kết giữa các tỉnh.
Liên kết trong các hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch
Sự kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ: liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí; liên kết trong xây dựng điểm đến, xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến. Các doanh nghiệp du lịch cần đa dạng hoá sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh của khu vực; xây dựng các sản phẩm cũng như các dịch vụ du lịch phù hợp để kết nối với các nguồn khách…

Phóng viên phỏng vấn Giám đốc  Doanh nghiệp Lữ hành Tre Việt Bắc Giang tại sự kiện liên kết
Du lịch Bắc Giang xác định cần đẩy mạnh sự liên kết với các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, tiếp đó tạo đà thúc đẩy sự liên kết mang tầm quy mô lớn hơn với nhiều tỉnh phía Bắc. Bắc Giang và Quảng Ninh, liên kết để phát triển điểm đến Yên Tử. Bắc Giang và Thái Nguyên, hai tỉnh giáp ranh có nhiều di tích lịch sử cách mạng, ngoài việc khai thác các điểm đến hiện tại, hai địa phương có thể liên kết khai thác tour du lịch về nguồn “Từ ATK Hiệp Hòa đến ATK Tỉn Keo - Phú Đình”. Hải Dương và Bắc Giang, hai tỉnh đều nổi tiếng với sản phẩm vải thiều. Bên cạnh đó hai địa phương còn có những điểm du lịch khá tương đồng, có thể liên kết tạo chuỗi điểm đến mang tính văn hóa tâm linh: Đền Kiếp Bạc, Thiền viên Trúc lâm - Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, Khu du lịch Suối Mỡ... Đây là chuỗi điểm đến có khoảng cách gần, tính tâm linh cao, dễ thu hút du khách thành tâm tín ngưỡng. 
Trong thời gian tiếp theo để tăng cường sự liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp du lịch Bắc Giang cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh lân cận theo các hướng: Xây dựng thương hiệu chung, cùng khai thác giữa Bắc Giang và các tỉnh liên kết (Bắc Giang - Quảng Ninh, đường về non thiêng Yên Tử; Từ ATK Hiệp Hòa đến ATK Tỉn Keo - Phú Đình; Từ cây vải Tổ đến vùng vải thiều lớn nhất Việt Nam); Liên kết xây dựng các sản phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch chung. Xuất bản tập gấp du lịch, làm phim quảng bá các tỉnh liên kết. Xây dựng gian trưng bày chung của các tỉnh tại các hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức các đoàn famtrip trong và ngoài nước đến khảo sát, tuyên truyền, tạo hình ảnh về sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm liên kết giữa các tỉnh; Liên kết doanh nghiệp du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch chung./.
 Hà Bộ
Ngày cập nhật: 07/12/2020 Lượt xem: 524