Với bất cứ quốc gia nào trên thế giới thì ẩm thực có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên văn hóa dân tộc. Nó thể hiện trình độ văn hóa của dân tộc qua phép tắc, cách xử sự trong ăn uống… văn hóa ẩm thực là nét đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần của đất nước, của cụm đất nước lớn hơn nữa là của những quốc gia ở châu lục.
Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều rất đỗi ngạc nhiên và hứng thú bởi nét văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú. Nó được tạo nên bởi vùng miền, bởi nguyên liệu chế biến. Và còn một khía cạnh khác là con người tạo ra chúng cũng khác nhau. Những thức uống, món ăn mang đặc trưng riêng biệt nhưng lại hòa chung vào miền di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Cách chọn nguyên liệu, chế biến ẩm thực như thế nào đó là bí quyết, nó là công thức và nó thể hiện văn hóa của mỗi con người trong cái chung mang tính vùng miền. Cùng với nó là cách thưởng thức, đó là sự thể hiện mức độ văn hóa cao hơn của con người. Sự từ tốn, lịch sự, sự cảm nhận được trong chiều sâu của những món ăn cũng là sự thấu hiểu được văn hóa trong ẩm thực. Nó, những món ăn đó chất chứa điều gì, nó chứa đựng thông điệp đối với người thưởng thức, nó truyền tải những tình cảm của người tạo ra món ăn đến người thân, bạn bè và du khách.
Hầu hết ẩm thực Việt Nam bắt nguồn từ cái nôi nguyên liệu, sau đó là sở thích và cả những yếu tố ít ai ngờ đến đó là thời tiết và tâm tính của con người. Như ở miền bắc, con người đằm thắm, khí hậu mát mẻ… thì những món ăn ở đây thanh tao, vị nhạt và ít khi dùng các nguyên liệu làm nồng, làm cay; ở miền nam thức ăn thường được nấu rất ngọt còn ở miền trung, cùng với con người mộc mạc, thời tiết nắng nóng thì các món ăn lại cay nồng nhiều hơn. Đó là chưa kể từ bên trong nội hàm của nó, từ những đơn vị nhỏ của vùng miền lại sản sinh ra những dòng văn hóa ẩm thực khác nhau. Nó riêng biệt nhưng lại có tính tương đồng, điều này là nét đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.
So kiến trúc, với văn hóa phi vật thể… thì văn hóa ẩm thực chiếm vị thế rất lớn trong việc tạo nên hồn cốt dân tộc. Rất nhiều quốc gia phương Đông dùng cơm là thức ăn chính trong mỗi bữa ăn, dùng đũa để lấy thức ăn và nó tạo nên đặc trưng trong bữa ăn, cách ăn của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, đó chính là văn hóa.
Du khách nước ngoài khi đến miền bắc không thể không thưởng thức món thắng cố của người H’Mông hay bát phở giữa lòng Thủ đô Hà Nội, hay món bánh canh cá lóc của miền trung, món lẩu mắm của miền nam… Trong văn hóa ẩm thực phải kể đến xứ Huế, ở đây không những nổi tiếng với món gì cũng ngon mà còn đặc sắc bởi món gì cũng nhỏ. Tức làm chủ yếu để thưởng thức chứ không ăn no, ăn chỉ để thấy được, cảm nhận hết được sự đặc biệt của món ăn, nó luôn giữ dáng dấp của mảnh đất và con người xứ Huế - đất kinh kỳ.
Văn hóa ẩm thực là di sản nghìn đời, nó tạo nên những không gian văn hóa vô cùng thú vị. Ẩm thực chính là nơi thể hiện văn hóa và tham gia đóng góp vào đời sống văn hóa từ xưa đến nay một cách rõ nét nhất, nó thể hiện cung cách, sự xử sự với mình và mọi người. Ở đâu cũng có cái ăn, nó bộc lộ cách nghĩ, cách làm, nết người, lòng nhân ái… và cả những giá trị đạo đức cũng xoay quanh văn hóa ẩm thực. Sự nhường cơm sẻ áo của dân tộc Việt Nam hàng nghìn đời nay là truyền thống quý báu của cả dân tộc khiến bạn bè năm châu biết đến. “Kính trên nhường dưới” là cách xử sự, trong đó có ăn uống là sự biểu hiện giá trị đạo đức, phẩm chất quý của người Việt Nam. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là văn hóa của người Việt trong di sản văn hóa ẩm thực.
Rất nhiều nơi ở đất nước ta đã tạo dựng được lòng tin yêu của bạn bè, du khách quốc tế. Ngoài sự cởi mở, thân thiện, chân thành… của người Việt Nam thì văn hóa ẩm thực ngày nay có vai trò không nhỏ trong việc giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới. Văn hóa ẩm thực là cầu nối vô cùng quan trọng giữa con người Việt Nam với con người và văn hóa thời đại. Trong dòng chảy của di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa ẩm thực là mạch nguồn không bao giờ cạn.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với những biến cố thăng trầm, văn hóa ẩm thực Việt Nam vẫn giữ được những giá trị vốn có của nó, được di dưỡng, bồi đắp và làm mới để phù hợp thời đại. Trong dòng chảy di sản hàng nghìn năm đó, có những món ăn, thức uống vẫn vẹn nguyên như xưa. Đó là sự lưu giữ nét độc đáo của ẩm thực, của cái xưa mang giá trị vượt thời gian.
Nhiều địa phương, quốc gia… đã biết giữ gìn những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, kích thích nó phát triển và làm đòn bẩy để kích cầu du lịch phát triển, giáo dục, giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc. Đó là việc làm hay, có ích và mang lại ý nghĩa thiết thực trên nhiều phương diện.
Theo TCDL