Để giới thiệu hình ảnh miền đất, con người, quê hương Bắc Giang với những nét độc đáo, đặc trưng và hấp dẫn đến được với du khách trong nước và quốc tế, việc đầu tiên chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với nội dung và hình thức hấp dẫn, ấn tượng. Mặt khác nhằm tạo ra sức thu hút khách du lịch, mở rộng và chiếm ưu thế thị trường chúng ta cần có chiến lược đổi mới trong hoạt động du lịch hướng tới thu hút du khách bởi sự hấp dẫn mới lạ . Đó là một trong những yếu tố cơ bản trong hoạt động du lịch.
Ngoài lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, chúng ta cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm và các dịch vụ tương ứng. Trong đó, việc tạo ấn tượng bằng sự đa dạng, mới lạ, bất ngờ tại điểm đến là yếu tố then chốt giữ chân khách dài ngày và lôi cuốn khách quay lại lần sau. Nhưng để làm được điều này, ngoài đầu tư về hạ tầng, nhân lực, cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội thì sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh du lịch địa phương đặc biệt quan trọng. Mỗi đơn vị mỗi sản phẩm, dịch vụ đặc trưng và phong cách phục vụ riêng, gộp lại thành chuỗi dịch vụ phong phú cho du khách lựa chọn.
Bên cạnh với việc quảng bá thì cần phải có dịch vụ du lịch thật tốt. thật hấp dẫn và ấn tượng. Để khách du lịch biết được dịch vụ du lịch của địa phương mình có tốt hay không tốt, thì phải thông qua tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến, đây không chỉ là một hình thức thu hút khách đến sử dụng hàng hóa mà còn là thu hút khách đến sử dụng và tiêu dùng dịch vụ. Vì đặc điểm này, mà du lịch cần thiết có nhiều loại phương tiện tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến khác nhau, để thể hiện các dịch vụ hàng hóa thông qua các hình thức nghe, nhìn, đọc và cảm quan. Chẳng hạn như: Các phong cảnh, các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch được thể hiện bằng hình ảnh đẹp, sống động trên các tập gấp, phim, ảnh, trên truyền hình, trên mạng Internet...
Bên cạnh đó cần phải làm một số việc cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến, con người vùng Kinh Bắc với khách quốc tế; Thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn tỉnh trong đó tập trung xây dựng phát triển du lịch đường bộ và nghiên cứu phát triển mô hình du lịch đường sông; Triển khai chương trình kích cầu du lịch gắn với thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ trên cơ sở phối hợp đồng bộ các Sở, ngành và các địa phương;
Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp các lĩnh vực vận chuyển, dịch vụ mua sắm, giải trí… nhằm tạo những gói sản phẩm tốt có sức cạnh tranh cao; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm TTXTDL góp phần nâng cao chất lượng quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Tập trung xây dựng một số quầy thông tin du lịch tại một số điểm trong thành phố Bắc Giang và các khu điểm du lịch nổi trội của tỉnh để tăng cường thông tin cho du khách và doanh nghiệp; Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; Tập trung triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ nhân lực ngành du lịch, chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành nghề cụ thể như tiếp tân, buồng, bếp, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch.
Trong thời gian tới cần tập chung đổi mới một số nội dung chủ yếu trong công tác du lịch nhằm tăng cường đẩy mạnh sự phát triển như:
* Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch: Nâng cao chất lượng chuyên mục du lịch trên truyền hình , đài phát thanh trung ương và địa phương; cần thành lập CLB phóng viên du lịch, phát huy vai trò của bản tin Du lịch và trang web của ngành, trên cơ sở không ngừng cải tiến nội dung, mở rộng mạng lưới phát hành; Lập Tổng đài thông tin du lịch phục vụ nhu cầu thông tin du lịch của điểm đến thành phố cho du khách quốc tế và trong nước; Tích cực quảng bá những di sản đã được Unesco và quốc gia công nhận, để tuyên truyền rộng rãi đến công chúng, doanh nghiệp du lịch, báo chí trong và ngoài nước nhằm tạo hiệu ứng quảng bá lan tỏa thương hiệu mới đến khách du lịch trong và ngoài nước; Đẩy mạnh truyền thông quảng bá các loại hình du lịch của tỉnh như: Du lịch tâm linh, mạo hiểm, khám phá, nghiên cứu, nghỉ dưỡng..bằng các phương tiện vận chuyển từ thô sơ như xe ngựa, xe đò, thuyền nan đến tàu thuỷ, ô tô các loại trên đường thủy, đường bộ.
* Xúc tiến du lịch: Cần tổ chức và tham gia các hội chợ tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng như thị trường quốc tế: Đức, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Thị trường nội địa: Các tỉnh tỉnh, thành phố lớn nơi tập trung phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch hình ảnh Việt Nam, hình ảnh Bắc Giang qua các hội thảo, hội nghị.
* Công tác Quy hoạch - Phát triển sản phẩm - Hợp tác phát triển du lịch: Thông qua Đề án Quy hoạch Phát triển Du lịch Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; Tổ chức khảo sát các tuyến đường sông từ Hải Phòng, Quảng Ninh qua Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương về Bắc Giang trên sông Thương và từ mạn Thái Nguyên về qua sông Cầu; Chương trình Dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch: Đẩy mạnh việc phát triển, mở rộng mạng lưới các điểm dịch vụ đạt chuẩn (điểm ăn uống và điểm mua sắm đạt chuẩn) phục vụ du lịch, bảo đảm chất lượng được duy trì và nâng cao sau khi được công nhận. Tăng cường quảng bá, tiếp thị, kết nối các doanh nghiệp của chương trình với doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nhằm tăng lượng du khách đến các điểm mua sắm, ăn uống đạt chuẩn; Chương trình Nghệ thuật phục vụ du khách: Xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách. Theo dõi tình hình hoạt động của các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách để có phương án hỗ trợ và quảng bá như: Hát Quan họ, hát Chèo, hát các điệu dân ca của các dân tộc trong tỉnh.
Để du lịch Bắc Giang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước, hơn bao giờ hết, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp các ngành nhất là lãnh đạo tỉnh, cũng như trách nhiệm đồng hành của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các nhà quản lý. Đặc biệt cần làm tốt và hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến trong hoạt động du lịch, góp phần thu hút du khách, tạo ấn tượng đối với khách du lịch đến với Bắc Giang. Đây là một trong những yếu tố cần thiết tạo đà cho du lịch Bắc Giang “ bay cao, bay xa” trở thành điểm đến hấp dẫn và có sức lôi cuốn mạnh mẽ không chỉ nhờ phong cảnh thiên nhiên hữu tình, phong tục tập quán đặc sắc mà còn bằng chất lượng dịch vụ, sự thân thiện hiếu khách của người dân vùng Kinh Bắc.
Trần Anh Tuấn