Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Du lịch Bắc Giang cần phải làm gì để thu hút các nhà đầu tư

Du lịch Bắc Giang cần phải làm gì để thu hút các nhà đầu tư

Năm 2016 là năm đầu của chương trình phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2016-2020. Nhìn lại giai đoạn 2010-2015 chúng ta đã làm được một số công việc rất đáng khích lệ, góp phần không nhỏ trong bước đầu thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, cụ thể như: Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015; Thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh; Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2011-2015; Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2020; Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang; Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2010-2020; Quy hoạch xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích và danh thắng Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang...; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm định hướng tìm bước đi đúng đắn cho sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh; ký kết liên kết, hợp tác với các tỉnh liền kề để kết nối tour, tuyến khai thác thế mạnh của từng địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn... Hiện nay, một số dự án lớn đang trong gian đoạn hoàn thiện sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới như trục đường 293 từ thành phố Bắc Giang lên đến Đồng Thông huyện Sơn Động, đây là tuyến đường huyết mạch xuyên suốt các khu điểm du lịch sinh thái gắn với tâm linh của tỉnh Bắc Giang; hệ thống cáp treo, chùa Hạ, Trung, Thượng-Sơn Động, Thiền viện Trúc lâm Phượng hoàng, dự án sân Golf-Yên Dũng, nâng cấp, xây mới một số hạng mục công trình tại suối Mỡ-Lục Nam, công viên Hoàng Hoa Thám- Tp Bắc Giang...

Du lịch Bắc Giang chưa thực sự phát triển đâu phải do tài nguyên của chúng ta kém hấp dẫn, đâu phải con người Bắc Giang không giàu lòng mến khách. Qua phân tích, nguyên nhân có thể hiểu rằng chúng ta chưa tìm ra được một hướng đi đúng cho một sự phát triển bền vững. Trên thực tế muốn phát triển một lĩnh vực nào đó người ta phải có sự đầu tư, việc định hướng, xác định mục tiêu là điều cần thiết và hết sức quan trọng. Du lịch Bắc Giang cũng vậy, chúng ta cần định hướng cho sự phát triển ổn định, lâu dài, đầu tư phải trọng điểm, có điểm nhấn để có sự lan tỏa. Phát triển sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đặc biệt ưu tiên chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng, hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch kết nối với các tỉnh, vùng, miền, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có những tài nguyên du lịch lớn như Tp Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng… kết hợp chặt chẽ giữa di tích, danh thắng với các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe.
Qua nhận xét, đánh giá của các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế, sau những chuyến đi khảo sát thực tế và tham dự các hội thảo, hội nghị do tỉnh Bắc Giang tổ chức, đa số đều khẳng định Bắc Giang là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa-lịch sử, văn hóa-tâm linh, sinh thái-nghỉ dưỡng. Nếu so với các tỉnh lân cận, tài nguyên du lịch Bắc Giang có rất nhiều điểm nổi trội, hấp dẫn hơn, đặc biệt là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, nhiều di sản đã được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, cùng với những làng nghề thủ công truyền thống, luôn mang đến những nét độc đáo của một vùng đồng bằng trung du miền núi, đây chính là những điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với những nguồn tài nguyên phong phú như vậy, để những điểm du lịch đó có đủ tầm hấp dẫn, thu hút du khách đến với Bắc Giang, chúng ta cần có sự đầu tư để bảo vệ, gìn giữ và khai thác, biến những tài nguyên thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng, phong phú, đa dạng đem lại doanh thu to lớn cho nguồn ngân sách của địa phương.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nguồn ngân sách của tỉnh còn rất hạn hẹp, ngân sách chủ yếu ưu tiên cho một số lĩnh vực quan trọng trước mắt của tỉnh, việc đầu tư cho phát triển du lịch trong tỉnh cũng là cả một vấn đề nan giải, khó khăn vì đầu tư cho du lịch là phải đầu tư dài hơi, nguồn tài chính dồi dào, thời gian khai thác không thể tính bằng năm. Muốn khai thác chúng ta phải có sự đầu tư, mà đầu tư cho phát triển du lịch không thể cóp nhặt lấy ngắn nuôi dài, hiện nay đời sống xã hội ngày càng phát triển nhu cầu của khách du lịch đòi hỏi ngày càng cao các dịch vụ luôn phải hoàn hảo, đảm bảo chất lượng. Do vậy để đầu tư cho du lịch Bắc Giang phát triển không thể tính bằng nguồn ngân sách của nhà nước được, có chăng tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước tới các khu điểm du lịch hoặc hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, và người dân những địa phương tại các khu điểm du lịch đi khảo sát, tập huấn nghiệp vụ kinh doanh du lịch. Còn việc đầu tư xây dựng những công trình, kiến trúc, những dịch vụ để khai thác kinh doanh phục vụ khách du lịch là phần việc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. 

Vậy để các nhà đầu tư đến với du lịch Bắc Giang chúng ta cần có những giải pháp gì để có được nguồn kinh phí đến từ các tổ chức, các nhân, các doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước?
Trước hết những cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần tham mưu cho tỉnh những quyết sách nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, những khó khăn, bất cập, như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa luôn là vấn đề nan giải, cản chân nhiều nhà đầu tư đến với du lịch Bắc Giang đó là điều quan trọng mà chúng ta cần phải có các giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, cụ thể, chi tiết rõ ràng rành mạch, mục nào được ưu tiên, mục nào không, các khoản lệ phí giảm, tăng cũng phải công bố, thực hiện theo lộ trình từng giai đoạn. Tỉnh chỉ đạo bằng văn bản đến các cơ quan ban ngành liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu.
Ưu tiên nguồn ngân sách cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là Sở VHTTDL để tổ chức các chương trình khảo sát thực tế tại một số khu điểm du lịch nổi trội của tỉnh, sau đó tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm với các chủ đề trong tâm như “Đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Bắc Giang”; “ Du lịch Bắc Giang đầu tư và phát triển”; “Bắc Giang khởi đầu cho sự đầu tư và phát triển du lịch” “Đầu tư, Xây dựng, Khai thác, Phát triển Du lịch Bắc Giang” …trong các cuộc hội thảo cần có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo tỉnh(chủ trì), đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan, báo đài từ trung ương đến địa phương. Khách mời tham dự phải là đại diện các tổ chức, các nhân, các doanh nhân, doanh nghiệp gọi chung là “các nhà đầu tư” , điều đặc biệt quan trọng là phải làm sao mời được các nhà đầu tư hiện đã và đang có những công trình đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch tại các tỉnh, trong và ngoài nước, ví dụ điển hình như công trình chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình, Thiền viện Tây Thiên tỉnh Vĩnh Phúc, Thiền viện Cái Bầu, chùa Ba Vàng, công viên giải trí Hoàng Gia, Tuần Châu tỉnh Quảng Ninh, Thiên đường Bảo Sơn Tp Hà Nội, khu du lịch Đại Nam tỉnh Bình Dương, Suối Tiên TP Hồ Chí Minh, Đầm long, Khoang Xanh, Ao Vua, Công viên nước Hồ Tây-Hà Nội, Vinpearland-Nhà Trang, Phú Quốc, Hồ Núi Cốc-Thái Nguyên …
Hiện nay, ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu việc tìm kiếm các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch Bắc Giang cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên chúng ta vẫn có nhiều phương án để mời gọi, điều quan trọng là chúng ta phải có được chính sách thật hợp lý và có những giải pháp đồng bộ thì mới có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cụ thể như: Cần đẩy mạnh cải cách hành chính: Tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các giấy phép, các quy định không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian thành lập doanh nghiệp và chi phí tham gia thị trường; Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa” về đầu tư và cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng, bổ sung và công bố công khai các quy hoạch phát triển ngành, vùng kinh tế, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển đô thị, các quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị để chủ động thu hút đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trạm điện hệ thống nước sạch, viễn thông liên lạc...đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nhất là mặt bằng các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch để chủ động mời, đón các nhà đầu tư vào tỉnh. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch: Sau khi quy hoạch được phê duyệt, cần công khai hoá quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, tuyên truyền, thu hút sự chú ý của toàn dân, của các nhà đầu tư để huy động tham gia thực hiện quy hoạch. Triển khai, cụ thể hóa quy hoạch qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chi tiết khác. Giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch. Cuối mỗi kỳ quy hoạch (năm 2020, 2025) tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng thời kỳ, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác tăng cường công tác đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời trợ giúp, tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho các doanh nghiệp, nhất là về thủ tục thẩm định phê duyệt dự án, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất. Từng bước xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ đời sống như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí...để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút, giữ chân du khách; tiếp tục xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, kiên quyết xử lý các hoạt động làm ảnh hưởng bất lợi đến thương hiệu du lịch Bắc Giang. Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, tạo điều kiện phối hợp như Công an, Sở Giao thông vận Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư…
Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư như hiện nay cần phải có hệ thống biện pháp huy động vốn một cách tích cực, tập trung vào các nguồn vốn chủ yếu sau: Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà tập trung cho cho các công trình hạ tầng quan trọng phục vụ du lịch như: Đầu tư điển hình, trọng điểm, điểm nhấn tại các điểm du lịch nổi trội cùng các công trình trọng điểm như giao thông, thuỷ lợi và công trình phúc lợi như trạm y tế, trường học, công viên, hệ thống công sở... Để nâng cao nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế trên địa bàn huyện trên cơ sở tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, cũng rất cần tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong công tác vận động, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn của mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, trường học, hệ thống công sở..., bao gồm cả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ không hoàn lại của các Tổ chức phi chính phủ (NGO). Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu trên địa bàn các huyện như chương trình xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân qua các chương trình phát triển du lịch. Đối với nguồn vốn từ các doanh nghiệp: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình du lịch lớn, mở mang các dịch vụ đi kèm trên địa bàn các huyện, xây dựng hạ tầng các cụm làng nghề và thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mở mang các nghề mới phục vụ khách du lịch.
Thiết nghĩ với những giải pháp cụ thể, chính sách thiết thực như đã nêu trên được triển khai, nghiêm túc thực hiện, chắc chắn trong thời gian tới Du lịch Bắc Giang sẽ có những công trình phục vụ du lịch được đầu tư quy mô lớn tương xứng với tiềm năng sẵn có của mình, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới và phát triển chung của toàn tỉnh Bắc Giang.
Trần Anh Tuấn 
Ngày cập nhật: 26/10/2016 Lượt xem: 737