Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Du lịch cộng đồng ở Bắc Giang chưa phát huy được tiềm năng

Du lịch cộng đồng ở Bắc Giang chưa phát huy được tiềm năng

Du lịch cộng đồng hiện đang là một loại hình được nhiều người lựa chọn bởi nó mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ về văn hóa  cộng động tại các vùng đất khác nhau. Tại tỉnh Bắc Giang mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có sự quan tâm về mặt chủ trương, tuy nhiên loại hình du lịch này vẫn chậm phát triển và chưa có được những sản phẩm mang tính đặc trưng hấp dẫn du khách.

 Chủ trương đồng bộ

 Xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ năm 2014 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Căn cứ Nghị quyết của tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có quyết định số 81/ QĐ-UBND ngày 20/01/2014 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2014-2020. Đến năm 2020 UBND tỉnh lại tiếp tục có Kế  hoạch  4359/KH-UBND  ngày  01/10/2020  hỗ  trợ  phát  triển  du lịch  cộng  đồng  giai  đoạn 2021-2025; Quyết định số 2859/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2030. Tại nhiều địa phương sau khi có chủ trương của tỉnh cũng đã ban hành các văn bản, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Như huyện Việt Yên đã có kế hoạch triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, Huyện ủy Sơn Động, Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam… đều đã ban hành các kế hoạch triển khai đồng bộ.

Bản Bắc Hoa ( ảnh Trần Tuấn)

Tài nguyên phong phú

Theo đánh giá, Bắc Giang có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Có trên 20 dân tộc anh em chung sống các dân tộc thiểu số  sống tập trung tại các huyện vùng núi, tạo sự  đa dạng văn hóa, giàu bản sắc các dân tộc,  các điểm đến hấp  dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước. Kiến trúc nhà đặc trưng của các dân tộc hay kiến trúc nhà cổ  còn được bảo tồn tại làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên), nhà cổ của người Nùng tại bản Bắc Hoa( huyện Lục Ngạn); trang phục truyền thống; tập quán, các nét sinh hoạt hàng ngày; các lễ hội trên địa bàn tỉnh còn mang đậm nét văn hóa truyền thống với nhiều trò chơi dân gian, nghệ  thuật dân gian nổi tiếng như hát Quan họ, hát Ca trù, dân ca Sán Chí, hát Soong hao, hát Then; nhiều làng nghề  truyền thống được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay; nhiều loại đặc  sản, món ăn nổi tiếng như: Vải thiều, cam, bưởi, na dai, xôi trứng kiến, bánh đa Kế, nham trám Hoàng Vân, Chè Bản Ven, gà đồi Yên Thế; Mì Chũ… đều là những tiềm năng hấp dẫn thu hút khách du lịch. Có rất nhiều làng bản có đầy đủ các tiềm năng để khai thác được du lịch cộng đồng như: Bản Mậu, xã Tuấn Mậu và thôn Đồng Cao, xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động; Bản Ven và bản Xoan,  xã Xuân Lương, huyện Yên Thế; Làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên; Thôn Cấm Vải, xã  Kiên Lao, khu vực 4 xã lòng hồ  Cấm Sơn, hồ Bầu Lầy thuộc các xã Quý Sơn, Trù Hựu, Kiên Lao, Kiên Thành huyện Lục Ngạn; Bản Khe Nghè, xã  Lục Sơn, huyện Lục Nam.

Biểu diễn văn nghệ ở Khe Rỗ ( Hà Yến)

 Kết quả hạn chế

 Tại điểm du lịch cộng đồng Khe Rỗ,  được thiên nhiên ban tài nguyên phong phú đa dạng như là nơi cư trú của người dân tộc Tày, lại có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với suối, thác, hệ thống động thực vật phong phú của khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ. Tại đây bằng nhiều nguồn kinh phí tỉnh Bắc Giang, huyện Sơn Động cũng đã có một số chính sách kích cầu như bố trí các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc; hỗ trợ người dân có cơ cở vật chất như loa đài, ti vi, chăn ga, gối đệm, hỗ trợ thành lập và đầu tư trang thiết bị cho đội văn nghệ, tổ chức nhiều lượt tập huấn nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm làm du lịch cho người dân. Tuy nhiên đến nay, điểm du lịch này vẫn chưa thực sự phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Khách đến với Khe Rỗ vẫn chủ yếu đi về trong ngày do ở đây vẫn thiếu các dịch vụ, sản phẩm trải nghiệm cần có cho một chuyến đi trải nghiệm qua đêm. Chị Nguyễn Thị Nga- Thành phố Bắc Giang cho biết: Đến Khe Rỗ dù phong cảnh thiên nhiên rất đẹp nhưng chỉ tham quan, tắm suối một ngày là hết, nếu ở lại ngày nữa chúng tôi không biết làm gì. Do đó điểm du lịch này hầu như chưa khai thác được hoạt động lưu trú. Tại đây, mới chỉ có vài hộ dân phục vụ ăn uống và trông xe đơn giản vì vậy mà nguồn thu từ du lịch tại Khe Rỗ không đáng kể.

Vũng Tròn Khe Rỗ

         Còn tại điểm du lịch cộng đồng bản Ven, trong thời gian gần đây đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều du khách, nhất là các đoàn khách gia đình, học sinh đến từ các địa phương lân cận. Tuy nhiên bản Ven cũng chưa có các sản phẩm dịch vụ, các hoạt động trải nghiệm để có thể lưu giữ khách qua một ngày, vì vậy đa số du khách cũng chỉ đi và về trong ngày hầu như chưa có khách lưu trú qua đêm. Doanh thu du lịch ở đây cơ bản cũng chỉ dựa trên dịch vụ ăn uống của du khách.  

Mặc dù có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, lại có vị trí gần thủ đô Hà Nội và các cửa khẩu và trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Bắc Tuy nhiên đến nay sản phẩm du lịch cộng đồng tại Bắc Giang chưa phát triển. Mới chỉ có 2 điểm  hình thành mô hình du lịch cộng đồng (homstay) là khu vực Khe Rỗ, xã An Lạc huyện Sơn Động và bản Ven ở xã Xuân Lương huyện Yên Thế… Theo báo cáo của sở Văn hoá Thể thao và Du lịch dù đã được quan tâm xong trong giai đoạn từ 2014 đến 2021 tỉnh Bắc Giang mới chỉ đầu tư được hơn 1 tỷ đồng cho công tác đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng.  Lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng chỉ đạt khoảng 20.000 khách/ năm trên mỗi điểm.

Bản ven  Yên Thế  ( Hải Yến)

Tại các điểm, loại hình kinh doanh du lịch cộng đồng còn mang tính chất tự phát, chưa hình thành điểm du lịch cộng đồng đặc trưng, có giá trị. Cơ sở vật chất tại các bản, làng phát triển du lịch cộng đồng còn nhiều hạn chế về vấn đề vệ sinh môi trường, giao thông tiếp cận, bãi đỗ xe, biển báo, nước sạch, hệ thống điện chiếu sáng, vệ sinh công cộng và cơ sở vật chất phục vụ du khách (điều kiện phòng ở, các trang thiết bị khác). Việc hỗ trợ, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ kinh doanh, quản lý kinh doanh, đón tiếp, phục vụ du khách du lịch cộng đồng cho người dân đã được triển khai nhưng kết quả còn hạn chế. Mặt khác, các hộ gia đình, HTX làm du lịch trong các điểm du lịch cộng đồng xuất phát kinh tế thấp nên việc đầu tư cho cơ sở vật chất và năng lực nghiệp vụ dịch vụ hạn chế. Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đón tiếp và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Một số ít người dân còn có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước.

Để khắc phục những hạn chế, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng, ngoài việc tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ địa phương, hiện sở VHTTDL đang tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư cho du lịch cộng đồng, cụ thể:   Hỗ trợ công tác quy hoạch, đường giao thông, điện, bãi đỗ xe; cơ sở vật chất phục vụ du lịch: Nhà vệ sinh công cộng, điểm cung cấp thông tin, trưng bày và bán sản phẩm du lịch, các trang thiết bị thiết yếu tại các gia đình để phục vụ khách du lịch; Hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ khách du lịch; Hỗ trợ kinh phí xây dựng sản phẩm du lịch địa phương để đa dạng và làm phong phú các sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách; Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau; Hỗ trợ lãi xuất tiền vay ngân hàng cho các chủ thể tham gia đầu tư kinh doanh du lịch cộng đồng nhằm đạt mục tiêu du lịch cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành một ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh./.

Theo mybacgiang.vn
Ngày cập nhật: 15/08/2022 Lượt xem: 664