Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Du lịch huyện Hiệp Hòa tiềm năng triển vọng phát triển

Du lịch huyện Hiệp Hòa tiềm năng triển vọng phát triển

Huyện Hiệp Hòa được biết đến là vùng đất cổ chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, tính đến nay, toàn huyện có 20 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 107 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.Đến với mảnh đất Hiệp Hòa du khách sẽ được khám phá trải nghiệm từng điểm đến hấp dẫn, mỗi điểm đến sẽ để lại trong lòng mỗi du khách một ấn tượng kỷ niệm khó quên.
Nhắc đến Hiệp Hòa du khách không thể không đến thăm và chiêm ngưỡng tìm hiểu về hệ thống lăng đá Hiệp Hòa. Hiện nay trên địa bàn huyện có 24 lăng đá cổ (nhiều nhất tỉnh Bắc Giang), trong đó có không ít công trình được các nhà nghiên cứu đánh giá tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê ở Việt Nam.Đặc biệt trong đó có khu Lăng họ Ngọ và Lăng Dinh Hương là 2 khu di tích còn lưu giữ được những di vật bằng đá chạm khắc cầu kỳ, tinh tế, có giá trị nghệ thuật cao. Lăng họ Ngọ (còn gọi là Linh Quang từ) được xây dựng vào năm chính Hòa thứ 18 (1697) ở làng Thái Thọ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa. Đây là nơi lưu giữ di hài của Quận công Ngọ Công Quế, một võ quan nổi tiếng dưới triều vua Lê Hy Tông (1676-1705); Khu lăng Dinh Hương làm bằng đá xanh, được xây dựng vào năm 1729, đây là nơi an nghỉ của vị võ quan thủy binh La Đoan Trực (1688-1749). Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian những công trình kiến trúc độc đáo này vẫn vững trãi, uy nghiêm như minh chứng về sức sống trường tồn của dân tộc.
Cổng lăng Họ Ngọ- ảnh Văn Dương
Hiệp Hòa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng, tiêu biểu trong số đó là khu di tích An toàn khu II là nơi hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1940 – 1945).Trước Cách mạng Tháng Tám nơi đây được chọn là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng.Từ năm 1938 đến 1945, các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh… về đây tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được nhân dân che chở, bảo vệ an toàn. Năm 2012, An toàn khu II được Thủ tướng Chính phủ công nhận 16 xã ATK II của Trung ương ở tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao gồm các xã: Mai Đình, Hương Lâm, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Hoàng Lương... Hiện nay Nhà trưng bày lưu niệm Cách mạng ATKII tại xã Hoàng An vẫn còn lưu giữ các tài liệu, hiện vật, tiêu biểu của phong trào cách mạng ở địa phương. Với những giá trị lịch sử đó hiện nay hệ thống di tích lịch sử An Toàn Khu II đang được UBND tỉnh Bắc Giang tiến hành làm hồ sơ đề nghị Chính Phủ cộng nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Một góc đình Chợ Vân ( ATK II)- ảnh Văn Dương

Trong hệ thống đình làng ở Bắc Giang, Lỗ Hạnh là ngôi đình cổ và đẹp nhất, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc". Đình Lỗ Hạnh thuộc xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, được xây dựng vào thời Mạc ( năm 1576). Đình thờ Cao Sơn Đại Vương và Phượng Duy công chúa. Ngôi đình được xây dựng theo lối hình chữ công. Tòa đại đình với bố cục mặt bằng hình chữ nhật, gồm 5 gian hai chái. Hoa văn chạm khắc đình Lỗ Hạnh sống động, đặc sắc, tiêu biểu trong đó có bức chạm "người chơi đàn đáy. Hình ảnh minh chứng cho sự ra đời phát triển sớm của ca trù ở tỉnh Bắc Giang...Đặc biệt trong đình Lỗ Hạnh còn lưu giữ bộ tranh "Bát tiên" thể hiện 8 nàng tiên đứng trên đài mây dáng điệu tự nhiên ,thanh thoát. Bộ tranh "Bát tiên" không đơn thuần chỉ là một tác phẩm hội hoạ đáng quý, mà còn là một hiện vật giá trị tiêu biểu trong lịch sử sơn mài Việt Nam.. Lễ hội đình Lỗ Hạnh hằng năm vào các ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách. Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc năm 1982 đình Lỗ Hạnh được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đến với mảnh đất Hiệp Hòa một địa chỉ du lịch tâm linh đặc sắc mang đậm văn hóa vùng miền đó là Cụm di tích đền, chùa Y Sơn nằm ở phía Đông của dãy núi Y Sơn, còn có tên gọi khác là đền IA, thuộc xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hoà. Đền Y sơn thờ đức thánh Hùng Linh - người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước. Di tích lịch sử - văn hóa đền Y Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm như: 21 đạo sắc phong của các triều đại, quạt nan bằng ngà voi, voi đá, ngựa đá... Với những giá trị đặc sắc đền được nhà nước cấp Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1994.Chùa Y Sơn hay còn gọi là Ya. Trải bao năm tháng nên dấu ấn ngôi chùa cổ hiện, hiện nay chùa có 18 pho tượng phật đa số bằng gỗ thời Hậu Lê. Ngôi chùa còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một trong những điểm di tích thuộc hệ thống An toàn khu II ở Hiệp Hòa.Với những ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa năm 2018 chùa được Nhà nươc xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.Lễ hội Y Sơn là là một lễ hội lớn trong đócó nét đặc trưng hiếm thấy ở xứ Bắc, diễn ra trong phạm vi rộng, gọi chung là hội vùng Y Sơn. Hội lệ diễn ra ngày 15, 16, 17 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian độc đáo như: Lễ rước ngựa Thần; lễ cuốn quân tập trận... Với giá trị và ý nghĩa độc đáo, lễ hội Y Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015.

Ngoài ra trên địa bàn Huyện Hòa hiện nay có 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tiềm năng, đặc trưng trong đó các các sản phẩm ẩm thực và nông sản truyền thống như: Trám đen, Bánh Chưng, Bưởi, Dưa, Bánh Gio ở các xã Hoàng Vân, Hoàng An, Lương Phong, Đại Thành và HTX Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng đang triển khai đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP. Cùng với vệc xây dựng và phát triển các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng sẽ góp phần quảng bá, nâng tầm sản phẩm, văn hóa, con người gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.Qua đó tạo nên một phần trong chuỗi cung ứng dịch vụ phát triển du lịch của địa phương. Cùng chung tay nỗ lực để đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương. Hiệp Hòa đang tích cực tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến thu hút đầu tư vào các điểm tham quan du lịch đặc biệt như xây dựng hệ thống ấn phẩm; nâng cao trình độ hướng dẫn viên tại điểm; tăng cường tuyên truyền trên báo, đài của địa phương và trung ương gắn với công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích.
Song song cùng với những tiềm năng lợi thế phát triển du lịch, hiện nay Hiệp Hòa đang đẩy mạnh phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị có sự bứt phá mạnh mẽ tạo đà vững chắc để huyện phát triển trong những năm tiếp theo, phấn đấu từng bước trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Tây tỉnh Bắc Giang. Những năm qua huyện còn ưu tiên phát triển hệ thống giao thông như: Tuyến đường vành đai 4 chạy qua địa bàn huyện đã hoàn thành, toàn bộ đường huyện, đường liên xã, thôn, đường tỉnh 296 với đường tỉnh 295 và quốc lộ 37 đã được kết nối; đường tỉnh 288 đoạn từ thị trấn Thắng đi xã Hoàng Vân, xã Hoàng An nối với quốc lộ 37 cũng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật...
Với những tiềm năng nổi bật về các di tích lịch sử văn hóa và sự quan tâm phát triển của các cấp, các ngành. Hiện nay Hiệp Hòa đang chú trọng phát triển loại hình du lịch tâm linh; du lịch về nguồn qua đó xây dựng các tour, tuyến du lịch như tour: Lăng Dinh Hương - Cụm di tích đền chùa I Sơn- An Toàn Khu II; tuyến du lịch liên kết với các địa phương lân cận như huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội với các điểm đến như:Việt Phủ Thành Chương - Đền Sóc Sơn - Chùa Non Nước; An Toàn Khu II Hiệp Hòa - An Toàn khu Định Hóa tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó Hiệp Hòa đang tăng cường chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch của địa phương; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các điểm nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí để đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương; kết hợp nâng cao chất lượng hệ thống khách sạn, nhà hàng....để đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch. Cùng với những tiềm năng triển vọng phát triển trong tương lai không xa, Hiệp Hòa sẽ địa phương mang đến nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc cho du khách đến thăm quan tìm hiều trên mảnh đất rất giàu truyền thống lịch sử văn hóa này./.
 Văn Dương
Ngày cập nhật: 13/10/2020 Lượt xem: 1483