Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Du lịch Nông Nghiệp- Hướng đi tiềm năng cho phát triển du lịch Bắc Giang

Du lịch Nông Nghiệp- Hướng đi tiềm năng cho phát triển du lịch Bắc Giang

Trong những năm gần đây, du lịch dựa vào nông nghiệp, nông thôn đang là một xu thế mới được yêu thích của người dân thành phố (khu vực có nguồn khách dồi dào với mức chi tiêu cao). Nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng các loại hình du lịch với chất lượng ổn định của điểm đến của mỗi địa phương; đồng thời, phát triển du lịch cũng sẽ là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững và là giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay cũng như lâu dài trong thời gian tới. 
Tiềm năng du lịch nông thôn ở Bắc Giang
Tỉnh Bắc Giang có lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình đa dạng, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi của vùng trung du, miền núi, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng. Đến nay, đã quy hoạch, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích hơn 50.000ha. Trong đó riêng huyện Lục Ngạn đã có 28.000 ha là vùng sản xuất vải thiều tập trung, quy mô hơn 28.000ha, sản lượng 160 - 190 nghìn tấn/năm, lớn nhất cả nước. Cây ăn trái với nhiều loại trái cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, các loại cây có múi (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Hoàng). Trong chu kỳ một năm, Bắc Giang có 4 mùa hoa trái đều có thể thu hút khách du lịch. Mùa Xuân, khắp các triền đồi Lục Ngạn, Lục Nam trắng màu hoa vải thiều, thơm ngát hoa chanh, hoa bưởi và những trái cam, trái táo vụ xuân. Đến mùa Hè – mùa vải thiều chín đỏ trên khắp các triền đồi Lục Ngạn. Mùa Thu- Đông là mùa thu hoạch cây có múi như cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Hoàng rồi các loại táo Đài Loan, Táo lai lê.... Ngoài ra, còn có ổi, nhãn, thanh long ra trái quanh năm.
Các yếu tố lịch sử, văn hoá tài nguyên thiên nhiên của Bắc Giang phong phú và đa dạng là nền tảng để khai thác du lịch. Toàn tỉnh có 2.237 di tích lịch sử , trong đó có 711 di tích có giá trị được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh( trong đó có 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 3 bảo vật quốc gia). Văn hóa dân gian ở Bắc Giang đặc sắc và phong phú về loại hình như Quan họ, Ca trù, dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí... Bắc Giang có nhiều làng nghề truyền thống ven các dòng sông. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, hấp dẫn với khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, cao nguyên Đồng Cao ở Sơn Động, các hồ nước, suối thác... hấp dẫn đều là tiềm năng để khai thác du lịch.
Vị trí địa lý của Bắc Giang gần thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh và có giao thông kết nối vùng phát triển cũng là một điều kiện hết sức thuận lợi để Bắc Giang khai thác thu hút nguồn khách đến địa phương.
Nông thôn mới tạo nên hệ thống hạ tầng thiết yếu cho du lịch khai thác
Giai đoạn 2015- 2020, tỉnh Bắc Giang đã có bước bứt phá về phát triển hạ tầng nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. Đã có hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho các tiêu chí nông thôn mới, trong đó chủ yếu là hệ thống hạ tầng… Các tuyến đường tỉnh, huyện cũng đang được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, các tiêu chí về văn hóa, y tế, giáo dục...được đầu tư. Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 124 xã chuẩn nông thôn mới, 3/10 huyện thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều biệt thự nhà vườn có thể phát triển thành Homestay để đón khách du lịch đến sử dụng các dịch vụ của người dân từ dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ; trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như: trồng cây, chăm sóc, tỉa cây, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, phát triển du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm vùng cây ăn quả của huyện.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm phát triển mạnh. Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tạo điều kiện thuận lợi để địa phương có thể khai thác tận dụng khai thác thành các sản phẩm cho phát triển du lịch. Toàn tỉnh đã có 95 sản phẩm OCOP ( 24 sản phẩm 4 sao, 71 sản phẩm 3 sao); hơn 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu phải kể đến các sản phẩm đạt OCOP 4 sao như: Vải thiều Lục Ngạn của hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân; giấm tỏi ớt, giấm vải, giấm táo, giấm táo mèo của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang; mỳ chũ Green của HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm, xã Nam Dương; mỳ chũ của HTX Mỳ chũ Xuân Trường (Lục Ngạn); bánh nông sản khoai thái lát, bánh nông sản thập cẩm của HTX Bình Minh (Việt Yên); giò gà, gà đồi Yên Thế của HTX Nông nghiệp Xanh; chè bản Ven của HTX Thân Trường (Yên Thế); Mật ong Tây Yên Tử của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động); dưa lê, dưa chuột baby của HTX Rau sạch Yên Dũng.Trà hoa Vàng của HTX Lựu Chanh ( Lục Nam)… Ngoài ra còn có 71 sản phẩm OCOP 3 sao.

Chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu, mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sản phẩm đạt Ocop có thể là đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) và là một yếu tố tích cực trong việc tạo nên các sản phẩm cho phát triển du lịch địa phương, là nguồn lực mới để Bắc Giang khai thác, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19. Sản phẩm Ocop sẽ dễ dàng tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Tạo ra chuỗi giá trị hàng hoá để khai thác cho xây dựng các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
Hoạt động du lịch có thể khai thác các thương hiệu, sản phẩm đạt Ocop để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng như khi tổ chức các tour du lịch vườn đồi gắn với việc tổ chức cho du khách tham gia trải nghiệm quy trình sản xuất các sản phẩm tiêu biểu đạt chuẩn sẽ tạo sự thích thú, tò mò cho du khách. Hoặc tổ chức các quầy hàng bán sản phẩm Ocop để phục vụ nhu cầu mua sắm cho khách du lịch.
Phát triển du lịch sẽ có tác động tích cực đối với đời sống dân cư
Khi du lịch phát triển, cộng đồng cư dân địa phương sẽ có nguồn thu nhập bền vững nhờ tham gia vào chuỗi phục vụ hoạt động du lịch như sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, cung ứng các dịch vụ tham quan, giải trí, bán các sản phẩm nông nghiệp địa phương hoặc nguồn thu từ việc cho thuê đất…Dịch vụ địa phương được cải thiện, ý thức bảo tồn văn hoá bản địa được nâng cao nhằm phục vụ các hoạt động du lịch và tạo ra các chuỗi giá trị văn hoá, kinh tế, việc bảo vệ văn hóa cộng đồng và môi trường được quan tâm.
Theo khảo sát, hoạt động du lịch dựa vào nông nghiệp mới bắt đầu được khai thác nhỏ lẻ với các nhóm tự phát và thường đi trong ngày. Năm 2019 ( khi chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid), Bắc Giang thu hút khoảng 100 ngàn lượt khách chủ yếu thăm thân, thăm vùng cây ăn quả, các làng nghề truyền thống, trải nghiệm và tiêu thụ nông sản. Khách chủ yếu đi trong ngày, chưa dừng lại nghỉ đêm (lượng khách tập trung nhiều vào mùa vải thiều, cam bưởi và khu vực các hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, điểm du lịch cộng đồng Khe Rỗ huyện Sơn Động, điểm du lịch cộng động bản Ven huyện Yên Thế). Doanh thu du lịch nói chung năm 2019, đạt khoảng 760 tỷ đồng, năm 2020 đạt 367 tỷ đồng ( trong đó doanh thu từ hoạt động du lịch dựa vào nông nghiệp, nông thôn không đáng kể). Đây là những con số khá khiêm tốn so với tiềm năng du lịch phong phú của Bắc Giang.
Các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, quầy bán hàng lưu niệm phục vụ du khách chưa hình thành tại các điểm khai thác loại hình du lịch nông nghiệp; Tuyến quốc lộ 31 hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, đường hẹp và xấu. Vào mùa thu hoạch, nhất là mùa vải đường thường xuyên ách tắc gây khó khăn cho việc tổ chức các tour du lịch đến Lục Ngạn. Nhiều người dân chưa mặn mà với việc đầu tư cho các hoạt động tổ chức đón khách du lịch. Mới có 1 mô hình du lịch trải nghiệm vườn quả đầu tiên của Trung tâm Trải nghiệm Green Dream được triển khai thực hiện tại xã Thanh Hải. Trung tâm này tổ chức các tour 1 ngày và tour 2 ngày 1 đêm với các hoạt động tham quan trải nghiệm các vườn quả ngọt mùa cam bưởi, hái và thưởng thức trái cây, ngồi xe trâu tham quan miệt vườn cây trái sum xuê, tham quan vườn sinh vật cảnh, tham quan mô hình nuôi ong, mô hình sản xuất mỳ Chũ thương phẩm và mua các sản phẩm nông nghiệp cây trái, làng nghề... Mô hình bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo du khách và các công ty lữ hành từ Hà Nội… và thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương. Còn tại huyện Yên Thế, mô hình du lịch trải nghiệm các hoạt động tham quan vùng sản xuất chè bản Ven của người Cao Lan cũng đã bước đầu thu hút được khách du lịch đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng các dịch vụ phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí ở đây cũng chưa được đầu tư, xây dựng.

Cần các giải pháp đồng bộ để du lịch dựa vào nông nghiệp phát triển
Bắc Giang là một địa phương giàu tài nguyên để khai thác phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay du lịch Bắc Giang nói chung chưa phát triển. Để việc khai thác hạ tầng nông thôn và các sản phẩm Ocop của Bắc Giang phục vụ cho phát triển du lịch, giúp du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, cần tập trung thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau đây:
1. Cần sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, gắn với phát triển du lịch.
2. Khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải giữ được khoảng không gian cho sự giao lưu giữa du khách với người nông dân cũng như những hoạt động trải nghiệm nông thôn, nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, ẩm thực đặc trưng. Đồng thời, có cơ chế thu hút doanh nghiệp vào phát triển homestay, các dịch vụ giải trí, nhà hàng ở các làng quê, tạo sự khác biệt so với các loại hình du lịch khác.
3. Lựa chọn các điểm có tiềm năng để kêu gọi xúc tiến đầu tư, thành lập các Hợp tác xã dịch vụ du lịch để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch thực hiện theo Kế hoạch số 4359/KH-UBND ngày 01/10/2020 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025. Chọn các điểm có giao thông thuận tiện để có thể xây dựng kết hợp các tour du lịch tâm linh, làng nghề truyền thống, vùng cây ăn quả thuận tiện tại huyện Lục Ngạn, Yên Thế và Sơn Động.
4. Tổ chức nghiên cứu khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng làng văn hóa du lịch tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế... Từ đó xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch, góp phần tạo lập điểm đến, quảng bá văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
5.Vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào trồng cây xanh, cây bóng mát, hoa, cây cảnh ven các đường liên thôn, liên xã, đường làng ngõ xóm tạo nên cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để khai thác phát triển thành các điểm check -in phục vụ nhu cầu của du khách.
6. Cần có quy hoạch sản xuất phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Chú trọng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn đạt các tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc thù có chất lượng đạt chuẩn Ocop. Đầu tư nâng cao nhãn mác, bao bì sản phẩm, quy cách đóng gói nhằm tạo nên những sản phẩm hàng hóa phục vụ đối tượng khách du lịch mua làm quà khi đến Bắc Giang.
7. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm Ocop và các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương tại các điểm khai thác du lịch. Các điểm này có thể lồng nghép với hình thức quầy thông tin du lịch (cung cấp thông tin về du lịch địa phương, giới thiệu tiềm năng du lịch tỉnh Bắc Giang thông qua các ấn phẩm, bản đồ du lịch, trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm đặc trưng).
8. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý và kỹ năng phục vụ khách du lịch gồm nghiệp vụ đón tiếp và phục vụ lưu trú, ăn uống; kiến thức, kỹ năng thuyết minh viên du lịch; kiến thức về bảo vệ môi trường...
9. Đầu tư cho công tác tuyên truyền quảng bá về tiềm năng thế mạnh du lịch nói chung và du lịch gắn với nông nghiệp nói riêng bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung ứng dụng công nghệ số cho công tác truyền thông.
10. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng việc phát triển hạ tầng nông thôn mới tại một số điểm có tiềm năng. Phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch để hình thành tour tuyến, đưa khách du lịch đến với các mô hình du lịch nông nghiệp, điểm vườn cây ăn quả, liên kết tour, tuyến du lịch với các địa phương lân cận...từ đó nâng tầm du lịch dựa vào nông nghiệp nông thôn tỉnh Bắc Giang, tạo thành một sản phẩm đặc thù thu hút khách du lịch của địa phương./.

Hà Yến
Ngày cập nhật: 16/07/2021 Lượt xem: 889