Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Kết nối tuyến du lịch Đông- Tây Yên Tử bằng mạch nguồn tâm linh

Kết nối tuyến du lịch Đông- Tây Yên Tử bằng mạch nguồn tâm linh

Tỉnh Bắc Giang là tỉnh miền núi có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, có diện tích đất tự nhiên 3.827,8km2, gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống ở 10 huyện - thành phố. Bắc Giang là vùng đất có vị trí quan trọng về kinh tế và an ninh quốc phòng, nằm liền kề với các đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và cách Hà Nội 50km về phía Bắc với hệ thống giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Bí thư tỉnh ủy Bùi văn Hải tặng hoa chúc mừng tại lễ khởi công  xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử. Ảnh Quang Huy.
Tài nguyên về du lịch của Bắc Giang khá phong phú, đa dạng và tương đối đặc thù như: Hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, khu Suối Mỡ- Hồ Bấc, rừng Khe Rỗ, chùa Vĩnh Nghiêm,chùa Am Vãi, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng...Đặc biệt, Bắc Giang có khu vực Đồng Thông thuộc xã Tuấn Mậu - huyện Sơn Động trong lịch sử vốn thuộc quần thể di tích Phật giáo Yên Tử gồm nhiều di tích như: đền, chùa Trình, chùa Cầu, chùa Kim Quy, đèo Bụt, núi Phật Sơn. 


Đỉnh Yên Tử nhìn từ chân Đồng Thông Sơn Động. Ảnh Hà Yến.
Quần thể thắng tích này nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là vùng đất địa linh, có cảnh quan thiên tươi đẹp, hùng vĩ.
Ngày nay, cùng với sự tích tụ văn hóa của thời đại - đó là sự tích tụ văn hóa của truyền thống và văn hóa công nghiệp - công nghệ thông tin, thì con người hôm nay càng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha trong lịch sử để lại. Từ các tư liệu lịch sử và khảo sát thực tế, có thể nhận thấy từ thời Lý - thế kỷ XI sau là thời Trần – thế kỷ XIII – XIV và đến các triều đại sau này, khu vực núi Yên Tử ( phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang) đã có dấu tích các thiền sư đến tu hành dựng chùa.
Với vị trí địa lý, cảnh quan núi cao, rừng hoang, thiên nhiên kỳ thú, hội tụ khí thiêng rất phù hợp với việc dựng chùa, tu thiền, giác ngộ đạo pháp xứng đáng là vùng đất linh là chốn Tổ của thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền thuần Việt, tiêu biểu cho bản sắc văn hoá và ý thức độc lập tự chủ của dân tộc.

Quang cảnh chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh Hà Yến.
Việc dựng chùa ở các điểm cao này ngoài việc tu hành, tham thiền học đạo còn cho thấy nhãn quan chiến lược của các vương triều phong kiến xưa lưu tâm đến vấn đề an ninh quốc gia ở khu vực Đông Bắc – một vùng đất có vị trí quan trọng, trấn giữ kiểm soát cả một khu vực rộng lớn địa đầu của tổ quốc cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Từ đó có cái nhìn ở góc độ du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trong thời đại ngày nay.
Trước hết cần nhìn nhận, xây dựng các con đường, các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm, các di tích văn hóa tâm linh là một bước đột phá cho du lịch Bắc Giang. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy các tuyến du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm như sau:
Tuyến Tây Yên Tử: Trung tâm Phật giáo/ chùa Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất/ chùa Bình Long (Huyền Sơn), Yên Mã (Bắc Lũng), Hòn Tháp (Cẩm Lý), Hang Non (Khám Lạng) huyện Lục Nam. Tiếp theo đi đến cụm di tích thứ ba/chùa Đồng Vành (Lục Sơn), Nghè Mẫu, đền Thánh Trần Cao San, Nghè Cả, Nghè Long (Lục Sơn), huyện Lục Nam. Chùa Am Vãi (Nam Dương-Lục Ngạn), Am/chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên và chùa Đông.
Tuyến Đông Yên Tử: Trung tâm Phật giáo/chùa Vĩnh Nghiêm đi đến cụm di tích thứ nhất ở Tây Yên Tử là chùa Bình Long (Huyền Sơn), Yên Mã (Bắc Lũng), Hòn Tháp (Cẩm Lý), huyện Lục Nam; tiếp đến di tích/ chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Sau đó đi tiếp đến trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm, đền An Sinh (nhà Trần), chùa/ am Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên (thuộc huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) và đi tiếp đến điểm cuối cùng là khu vực chùa Hoa Yên, chùa Đồng (tỉnh Quảng Ninh).
Kết hợp tuyến Đông - Tây Yên Tử là một con đường văn hóa tâm linh ý nghĩa. Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm đi cụm di tích thứ nhất chùa Bình Long, Yên Mã, Hòn Tháp (Lục Nam - Bắc Giang) đi tiếp Côn Sơn, Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Chí Linh - Hải Dương), tiếp đến chùa Hồ Bấc, khu đền Trần, khu sinh thái thuộc đền Suối Mỡ (Lục Nam - Bắc Giang); Trung tâm/ chùa Vĩnh Nghiêm đi chùa Bình Long, Yên Mã, Hòn Tháp, sau đó đi tiếp chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, Ngũ Đài Sơn; sau đó đi tiếp đến trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm, đền An Sinh, chùa Am Ngoạ Vân, Hồ Thiên, đi tiếp xuống cụm di tích thứ ba chùa Đồng Vành, Am Vãi, đền Trần (Lục Sơn- Lục Nam- Bắc Giang), sau đó đi tiếp lên chùa Đồng, xuống Bảo Sứ, Một Mái, Chùa Tiên, Hoa Yên, Giải Oan (Quảng Ninh) và kết thúc.
Từ Vĩnh Nghiêm - đến hết toàn bộ di tích Tây Yên Tử, sau đó lên chùa Đồng, Hoa Yên, Giải Oan, và quay về Quỳnh Lâm, An Sinh, Ngoạ Vân, Hồ Thiên, sau đó về Côn Sơn, Kiếp Bạc, hoặc là từ Vĩnh Nghiêm đi Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thanh Mai, đến Quỳnh Lâm, An Sinh, Ngoạ Vân, Hồ Thiên để rồi lên Hoa Yên, chùa Đồng và xuống chùa Đồng Vành, đền Trần, chùa Am Vãi để rồi trở về Suối Mỡ, Hồ Bấc và kết thúc ở Bình Long, Hòn Tháp, Yên Mã.
Đó là các tuyến du lịch văn hoá tín ngưỡng Phật giáo - Trúc Lâm được hình thành từ các di tích thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từng bước xây dựng/ phục hồi di tích ở cả ba cụm di tích nằm ở sườn Tây/ Tây Bắc Yên Tử. Mở các tuyến đường đi/ giao thông giữa trung tâm Vĩnh Nghiêm đi đến các cụm di tích Trúc Lâm nằm trên địa bàn của ba tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, và Hải Dương nhằm kết nối liên hoàn các đường giao thông - du lịch giữa các trung tâm văn hoá Trúc Lâm với các cụm di tích Trúc Lâm.
Du lịch văn hoá tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm, điều không thể thiếu đó là ẩm thực Trúc Lâm. Cần tổ chức tốt, phục vụ du khách thưởng thức ẩm thực Trúc Lâm, làm sống lại tinh thần văn hoá ẩm thực của Trúc Lâm ở thế kỉ 13 và 14 trong xã hội hiện đại ngày nay. Không chỉ có văn hoá ẩm thực của Trúc Lâm, mà còn rất nhiều yếu tố về văn hoá phi vật thể khác như: Trang phục, truyện, thơ/ văn, mỹ thuật- hội hoạ, sân khấu, lễ hội… của văn hoá Trúc Lâm ở thế kỉ 13 - 14 cũng cần được nghiên cứu, khai thác, nhằm dựng lại nét văn hoá sinh hoạt của con người Trúc Lâm ở thế kỉ 13 - 14 nhằm đáp ứng cho du khách trong và ngoài nước ở xã hội ngày nay.
Để con đường du lịch văn hoá tín ngưỡng Trúc Lâm Yên Tử trở thành hiện thực cần có sự chung tay hành động trong việc bảo tồn sinh cảnh của di tích, cụm di tích và toàn bộ khu vực thuộc núi Yên Tử và các vùng phụ cận. Nếu có một lộ trình khai thác, phát huy, giữ gìn văn hoá Trúc Lâm Yên Tử thiết thực, chắc chắn trong tương lai gần, con đường du lịch văn hoá tín ngưỡng Trúc Lâm Yên Tử sẽ trở thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, ngưỡng mộ một Yên Tử huyền tích, hùng vĩ của Việt Nam.
Thân Quang Huy 
Ngày cập nhật: 06/05/2015 Lượt xem: 588