Con đường du lịch Văn hóa Tâm linh Tây Yên Tử( đường tỉnh 293) đã và đang được mở ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Con đường này bắt đầu từ cầu Xương Giang (TP Bắc Giang) đi qua địa phận Yên Dũng, Lục Nam và dừng lại ở điểm cuối ở khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, xã Thanh Sơn, huyện Sơn Động với độ dài chừng 60 km dọc theo các triền núi thuộc phía Tây dãy Yên Tử. Dọc theo tuyến đường này đều có các di tích lịch sử - văn hóa gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một Thiền phái Phật giáo có lịch sử ra đời vào thời Trần, mang bản sắc văn hóa tâm linh của Việt Nam trải qua hơn 700 năm mà vẫn lung linh tỏa sáng.
Các di tích đó có thể kể ra được bắt đầu từ TP Bắc Giang như: chùa Kế, chùa Hồng Phúc, chùa Dền, chùa Vẽ (thuộc TP Bắc Giang)…; chùa Nguyệt Nham, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm (thuộc huyện Yên Dũng)…; chùa Cao, chùa Khám Lạng, chùa Yên Mã, chùa Hồ Bấc, chùa Am Vãi… (thuộc Lục Nam và Sơn Động). Xung quanh các di tích này là các làng xã có những phong tục, tập quán cổ xưa gắn với lịch sử vương triều Trần (thế kỷ 13) và những di tích đình, chùa, đền, miếu gắn với di sản văn hóa phi vật thế mang đặc trưng văn hóa vùng miền rất cần khai thác và phát huy để phục vụ công tác du lịch cho tuyến du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử.
Để khai thác được các giá trị di sản đó, mọi điều cần phải quan tâm là: phải nhận diện được cốt lõi của các giá trị di sản đó được thể hiện ta ở yếu tố nào và gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở phương diện nào. Qua điều tra các di tích đã cho chúng ta thấy rằng các di tích đó đếu có liên quan và liên kết lại dọc theo con đường du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử như sau: Bắt đầu từ TP Bắc Giang, ở đây có các khu đền thờ 2 công chúa nhà Trần là Bảo Nương – Ngọc Nương là 2 công chúa có sự tích đánh giặc Nguyên Mông theo mỹ nhân kế, giết chết các tướng giặc trên thuyền ở sông Thương. Vì thế sau khi 2 bà mất đi, dân làng Đa Mai đã lập đền thờ ở bờ sông Thương.
Tiếp đó là chùa Kế ở phường Hoàng Văn Thụ, khu chùa thuộc chi nhánh lớn của chốn tổ Vĩnh Nghiêm, được trùng tu tôn tạo từ thời Lê (thế kỷ 17, 18) và hiện nay được coi là chánh giám việc của các chi nhánh tại Bắc Giang do Thượng tọa Thích Thanh Văn trụ trì. Bên cạnh chùa Kế là hai chùa: chùa Hồng Phúc phường Trần Nguyên Hãn, chùa Dền phường Lê Lợi cũng là hai chùa lớn thuộc về chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Chùa Hồng Phúc do Thượng tọa Thích Thanh Văn quản lý và duy trì các hoạt động của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang. chùa Dền nơi đây từng là nơi Hòa thượng Thích Thanh Duyệt – một tổ sư của chùa Vĩnh Nghiêm ở nửa cuối thế kỷ 20 đã từng trụ trì và hành giác.
Trên địa phận huyện Yên Dũng chúng ta biết có nhiều chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Từ nhưng đáng lưu ý là chùa Nguyệt Nham, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng và chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa Nguyệt Nham ở xã Tân Liễu bên bờ sông Thương và tọa lạc ở sườn núi Vua Bà dựa lưng vào núi nhìn ra cánh đồng bên sông Thương, đây là ngôi chùa cổ có từ thời Trần. Hiện trong chùa còn lưu giữ tấm bia đá thời Trần và cho biết nơi đây là một chốn Thiền môn thanh tịnh rợp bóng tùng lâm. Đối diện với chùa này ở sườn núi Vua Bà bên kia là nơi tôn thờ Thái Sư Trần Thủ Độ - người có công sáng lập Vương triều Trần ở thế kỷ 13. Trong địa phận núi ấy, bên kia ngôi chùa Kem cổ kính, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đã và đang được xây dựng to đẹp. Từ Chùa Nguyệt Nham và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đều có con đường lên đỉnh núi Vua Bà. Theo quy hoạch, trên đỉnh núi Vua Bà này sẽ xây dựng 3 pho tượng Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Giáp Hoàng điều ngự Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Tại đỉnh núi này, du khách sẽ tận mắt nhìn 4 xung quanh thấy rõ vùng đất Yên Dũng, Lạng Giang, Phả Lại, Việt Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lục Nam và dãy Yên Tử đồ sộ phía Đông.
Trên con đường Tâm linh, chúng ta sẽ vào thăm khi di tích chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính. Đây là một trung tâm Phật giáo có từ thời Lý đến thời Trần được ba vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chọn làm nơi khai tràng thuyết pháp, phổ độ tăng ni toàn quốc; ấn định giáo phẩm cho các tăng ni và thống nhất các giáo phái Phật giáo trong cả nước theo về Thiền phái Trúc Lâm Yên Từ. Nơi đây vì thế được coi như là trụ sở của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần và được ví như trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Cũng vì thế nên khi ba vị tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử qui tịnh thì nơi đây – Chùa Vĩnh Nghiêm đã xây dựng một tòa nhà Tổ đệ Nhất thờ Tam Tổ Trúc Lâm. Còn các vị Tổ sư tiếp theo của chùa này thì được thờ tại nhà tổ thứ 2 ở phía sau. Do việc thờ Tam tổ Trúc Lâm Yên Tử ở đây nên chùa Vĩnh Nghiêm được người đời gọi là chốn Tổ Vĩnh Nghiêm. Tại đây còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa có giá trị trong đó có kho mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức của nhân loại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Kế tiếp chùa Vĩnh Nghiêm là chùa Cao, chùa Khám Lạng thuộc địa phận Lục Nam. Cả 2 chùa đều thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây đã phát hiện rất nhiều di vật thời Trần có gía trị hiện được trung bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Dấu tích và di vật ở chùa Cao cho biết ngôi chùa này có từ thời Lý, thời Trần, có quy mô lớn bên bờ sông Lục Nam, đối diện với núi Huyền Đinh – Yên Tử. Nơi đó có chùa Hòn Tháp, chùa Mã Yên ở xã Cẩm Lý, là khu chùa xưa do Thiền sư Pháp Loa và Thiền Sư Pháp Vân xây dựng.
Bắt đầu từ thị trấn Lục Nam trở vào, con đường đi theo chân núi thuộc dãy Huyền Đinh – Yên Tử ở phía Tây rồi cứ thế đi vào sâu trong dãy Yên Tử, con đường này sẽ đi qua thị trấn cửa rùng Lục Nam, đi qua khu di tích chùa Bình Long ở xã Huyền Sơn, khu di tích chùa Tè của xã Cương Sơn. Ở hai khu di tích này cho chúng ta biết quá trình chuyển hóa đạo Phật từ núi về với làng xã, về với dân về với tinh thần “Đất vua chùa làng” như thế nào. Tiếp theo con đường sẽ đưa du khách qua khu di tích thắng cảnh suối Mỡ ở xã Nghĩa Phương. Tại đây nếu dừng chân leo núi Yên Tử lên thăm chùa Hồ Bấc lên đỉnh nguồn suối Mỡ, phải đi bộ nửa ngày. Chùa Hồ Bấc là ngôi chùa cổ, đối diện với chùa Thanh Mai (địa phận huyện Chí Linh – Hải Dương). Chùa Thanh Mai là nơi tàng xá lỵ của Thiền sư Pháp Loa, thời trần.
Từ khu di tích suối Mỡ đến khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Thông, con đường du lịch văn hóa, tâm linh sẽ đưa khách qua “Thủ đô tắc kè” Mai Sơn. Qua điểm suối nước vàng có chùa Đám Trì, chùa Đồng Vành đã phát hiện nhiều di vật chùa cổ thời Lý Trần. Và đi qua điểm di tích chùa Am Vãi ở xã Nam Dương huyện Lục Ngạn. Là ngôi chùa cổ trên đỉnh núi Quan Âm, có bảo tháp Liên Hoa, là nơi công chúa thời Trần đã từng tu hành với sự kế tiếp của các Thiền sư Trúc Lâm Yên Tử. Tiếp nữa là con đường dẫn qua Khe Nghè thuần dân tộc Cao Lan cư trú. Bà con nơi đây hiện còn lưu giữ nghề dệt vải, thổ cẩm, làm giấy gió… Sau đó vào tới Đồng Thông là địa bàn cư trú chủ yếu của bà con dân tộc Dao, với nghề thêu, nghề thuốc nam từ dược liệu quý của núi Yên Tử. Tại khu Đồng Thông, là điểm tập kết cuối cùng của con đường du lịch văn hóa, tâm linh Tây Yên Tử trên địa phận tỉnh Bắc Giang. Từ đây khách hành hương sẽ bắt đầu leo núi lên chùa Đồng ở đỉnh núi Yên Tử cao 1068m. Con đường leo núi này sẽ qua khu chùa Cầu, chùa Hòn Tròn và chùa Kim Quy, điểm cuối là chùa Đồng.
Như vậy, chúng ta thấy rằng toàn bộ tuyến đi này các di tích gắn với lộ trình đó đều liên quan tới Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mà điểm tập kết đầu tiên là TP Bắc Giang, điểm tập kết cuối cùng là khu bảo tồn sinh thái Tây Yên Tử Đồng Thông xã Thanh Sơn, huyện Sơn Động. Trên trục đường đó có những điểm dừng cho những đoàn khách hành hương tùy theo nhu cầu của từng đoàn khách. Song để tìm hiểu và khai thác các giá trị của các di sản văn hóa theo tuyến này cũng cần phải có thời gian, một chuyến đi khó có thể đáp ứng nhu cầu của khách hành hương được. Bởi vì mỗi một điểm dừng của chuyến đi, đều có không gian riêng, nên cũng phải dảnh cả một thời gian riêng, nhất định.
Vì thế để phục vụ cho công tác tham quan du lịch theo con đường văn hóa tâm linh Tây Yên Tử này, theo tôi đề nghị: chúng ta nên in một cuốn sách giới thiệu tổng thể con đường này với các di tích lịch sử - văn hóa gắn với con đường đó (Kèm theo sơ đồ chỉ dẫn các điểm tham quan) để khách hành hương, quan quan có cảm nhận chung mà định ra lịch trình riêng cho mình.
Tại mỗi điểm di tích trên tuyến đường đó, lại có tập sách riêng, hoặc tờ gấp giới thiệu điểm thăm quan ấy. Các tài liệu giới thiệu về từng điểm di tích, từng điểm dừng chân tham quan có một tài liệu hay nhiều tài liệu tùy theo tính chất, quy mô của di tích đó. Song ở ba điểm: TP Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm, khu bảo tồn sinh thái Đồng Thông thì phải đủ hết tài liệu giới thiệu về các khu tham quan khác trong tỉnh như khu di tích Tiên Lục với cây Dã Hương cổ thụ. Hệ thống di tích khởi nghĩa Yên Thế, An toàn khu II Hiệp Hòa, chùa Bổ Đà, khu di tích đình chùa Thổ Hà, làng Vân, … Đó vừa là tài liệu giới thiệu con đường du lịch văn hóa, tâm linh Tây Yên Tử vừa là sản phẩm du lịch hữu ích mà không thể thiếu được.
Có một điều chúng tôi muốn nói là: Hiện vừa qua, ở Bảo tàng tỉnh Bắc Giang có bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuống núi, đã in phóng và trưng bày giới thiệu. Với bức tranh này nếu in nguyên bản, e rằng dài quá (gần 10m) nếu cắt đoạn đóng tập thì e rằng rời tạc chia cắt cảm xúc cảm nhận. Theo tôi nên in phần tranh liên hoàn theo lối gấp kiểu sách gấp. Còn phần chữ Hán, các bài văn đó nên nhờ Viện Hán Nôm dịch ra Việt văn và đóng kèm theo tranh như thế ai cũng hiểu được nội dung và hình thức của tác phẩm hội họa vị vua thành Phật Trần Nhân Tông xuống núi này. Bức tranh này rất có ý nghĩa đối với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và đối với việc thăm quan trên con đường du lịch văn hóa, tâm linh Tây Yên Tử. Ở bức tranh này, chúng ta nên tham khảo cách làm, cách quảng bá bức tranh “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” của Trung Quốc. Người ta thu nhỏ, đóng tập, hoặc in lại trên tranh vừa đủ độ treo ở nhà, hoặc in trên gốm sứ (bình, lọ, đĩa, tranh sứ…) rất ăn khách. Có lẽ chúng ta cũng nên làm theo như thế.
Ở chùa Vĩnh Nghiêm, tại kho mộc bản có số ván in Thiền Tông Bản Hạnh, Nhật Trình Yên Tử. Hai bản phẩm này nên in riêng giới thiệu riêng vì hai bản phẩm này mang sắc thái Thiền phái Trúc Lâm rõ nét. Cả hai đề là thơ Nôm, dịch ra là thành tiếng Việt ngay. Có thể dùng cả bản Nôm và bản tiếng Việt cũng được, tùy theo nhu cầu. Đi trên con đường du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử mà thiếu hai tập sách này thì ý nghĩa cuộc đi cũng yếu.
Chúng ta biết rằng ba vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được thờ ở Chùa Vĩnh Nghiêm. Vì thế một sản phẩm văn hóa cần có là tài liệu giới thiệu về ba vị Tổ sư này phải có riêng một tập (có cả ảnh và bài viết giới thiệu từng vị một). Đi thăm các di tích ở núi Yên tử mà chưa hiểu được cuộc đời của ba vị sư tổ này tức là chưa hiểu về Trúc Lâm Yên Tử. Do đó theo tôi là nên khai thác khía cạnh này để đáp ứng yêu cầu công tác du lịch.
Ngoài các tài liệu trên đã nói theo chúng tôi còn nên giới thiệu về kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có dẫn những tờ in từ mộc bản gốc – lại nên giới thiệu về bộ sách khóa Hư lục của vua Trần Thái Tông, là ngưừoi lên Yên Tử tham thiền học đạo trước vua Trần Nhân Tông. Đồng thời cũng nên giới thiệu về tác phẩm tuệ Trung Thượng Sỹ Ngư Lục- cũng là nhân vật liên quan gắn bó với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Có một điều chúng tôi sang Đài Loan thăm chùa Phật Quang đã thấy rằng ở đó người ta tổ chức tại chùa một khu phòng luôn có một vị ngồi chép kinh rất nghiêm túc – Yên tĩnh - ở chùa vĩnh Nghiêm, ở chùa Kế, hay Hà Vị có lẽ cũng lên làm như thế khi con đường văn hóa tâm linh Yên tử khai trương để du khách cảm nhận không khí chốn Thiền môn – Nếu không ta cũng nên tổ chức in dập ván kinh theo bộ, như thế sẽ tốt hơn khi có khách đến thăm chùa: vừa có phần đời vùa có phần đạo nữa.
Trong công tác du lịch, có một vấn đề quan tâm là văn hóa ẩm thực. Ở Bắc Giang, các chùa lớn có cơ hội tổ chức làm các món ăn chay rất thanh tịnh và rất ngon, rất độc đáo- ai đến chùa được ăn cơm chay, cỗ chay nhà phật. Do đó ở các điểm dừng chân chính nên có những của hàng biết làm cỗ chay, thông báo các món chay để ai có nhu cầu thì đặt và thưởng thức.
Du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử cần có trang phục nhà chùa theo phong cách việt – Đó là trang phục gồm quần áo nam, nữ màu nâu. Tức là quần áo ta – Có áo dái, áo ngắn- Đi theo đó có cả mũ, khăn, túi vải, dày, dép…bán ở các quầy hàng, giá cả giá cả hợp lý cũng có nhiều người ưu dùng.
Bây giờ chúng tôi thấy có nhiều người học thiền ở trong tỉnh – thế nên ở chùa Kế, chùa Hà vị, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiềm Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng…rồi cả chùa Hòn Tròn nữa cũng nên có các buổi tập thiền cho bà con địa phương và những ai có nhu cầu. Tập thiềm nên có người hướng dẫn và có lịch mới thành phong trào mới ham tập và thành công. Về mặt này chúng tôi cũng nêu ra để chúng ta cùng bàn.
Một điều nữa cần quan tâm là: Khi đã mở tuyến du lịch Tây Yên Tử, chúng ta cũng nên tổ chức những buổi mời các vị cao tăng về chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Hồng Phúc, chùa Kế, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hòang… giảng và thuyết trình về đạo Phật cho các phật tử cùng nhân dân nghe. Các buổi thuyết trình này sẽ rất có ý nghĩa và thu hút được lòng người hướng vào việc thiện và tạo cơ sở cho sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử hơn. Người ta sau khi nghe thuyết giảng ngòai việc “Nam mô a di đà phật” còn hiểu hơn về đạo phật, đạo phật với cuộc đời.
Trên con đường du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, có các chùa và các hội lễ của các chùa. Trong đó có hội chùa Vĩnh Nghiêm là lớn nhất. Dân gian đi hội chùa này thường bảo nhau rằng: Về chùa Vĩnh Nghiêm cúng Tổ, giỗ Tổ. Do đó ngoài việc tổ chức lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm. Hội này liên quan đến hội ba làng La cùng tổ chức rước cỗ về lễ giỗ: Một lễ dâng lên Tam Bảo, một lễ dâng lên tam tổ Trúc Lâm, một lễ dâng nhà tổ đệ nhị. Ba lễ này cần duy trì và làm long trọng (ngày xưa ngày tổ chức vào dịp cuối năm, nay đổi vào 14/2 âm lịch) song nên duy trì long trọng vì chùa Vĩnh Nghiêm là tiêu điểm của tuyến du lịch Tây Yên Tử.
Còn một điều nữa là kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Do đó di sản này nên khai thác thế nào, thì như trên chúng tôi cũng đã có nêu ra rồi. Nhưng đến đây cần phải tổ chức trưng bày giói thiệu và in tập trình diễn cũng là cách khai thác có tác dụng trực quan không thể thiếu khi quan tâm ở khía cạnh du lịch.
Chúng tôi biết ở dọc tuyến du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử xưa nay bà con nhân dân một số địa phương có một số nghề thủ công như: làm giấy gió, thêu thùa, đan xung, dệt vải, nấu đường, làm kẹo, lấy dược liệu, làm bánh chưng, bánh dày, bánh vắt vai, , nấu rượu, ngâm rượu thuốc… Những sản phẩm mang tính sản phẩm địa phương này nên duy trì và tổ chức làm và bán phục vụ du lịch.
Chè khô mà người Bắc Giang thường uống rất ngon, nước xanh như mật vịt, thơm có vị ngọt sau khi uống. Loại này kèm theo kẹo lạc ăn cùng rất hợp. Lại có các loại chè khác như chè nhân trần, chè lá sen uống giảm mỡ tiêu độc. Chè Cây Bọ Mẩy, nước lá vôi, chè Nghĩa Phương, nước dứa dại, củ dáy, hạt chuối rừng tốt cho gan, thận… ta nên dùng và gây nguồn cung cấp.
Bà con Khe Nghè (xã Lục Sơn) còn duy trì dệt vải, nhuộm vải, thêu dệt thổ cẩm, làm giấy gió, lấy thuốc Nam. Đây là 1 điểm trên con đường du lịch Tây Yên Tử cần động viên bà con tiếp tục duy trì và nên có hướng đầu tư truyền dạy và phục hồi để ngày khai trương có một cơ sở phục vụ công tác du lịch. Đồng thời các tổ thêu, các HTX thêu ở thành phố Bắc Giang cũng nên củng cố để có cơ sở cho giai đoạn tới.
Bà con dân tộc Dao ở Thanh Sơn, Thanh Luận (Sơn Động) rất thạo cây thuốc và một số bài thuốc nam. Ngày hội Yên Tử - Đây là cơ sở , điều kiện tốt cho công tác du lịch tại khu Đồng Thông. Vì đó là yếu tô nội tại không phải yếu tố bên ngoài. Do vậy chúng ta cần cùng bà con tổ chức trồng dược liệu để phục vụ khi tuyến tham quan du lịch Tây Yên Tử khai trương. Trong đó cũng nên lưu ý bà con nhân giống trồng cây Đinh Lăng Yên Tử. Cây này dùng để ngâm rượu uống bổ mát, rất có nhiều người yêu thích trong thời gian qua. Đó cũng là một sản phẩm du lịch cần chú tâm khai thác.
Rừng Yên Tử có nhiều loài gỗ quý – Trong đó có loài gỗ Hương - Loại này dùng để trưng cất tinh dầu thơm – gỗ này có thể tiện tràng hạt cũng quý như tràng hạt gỗ Dã Hương. Loại cây này nên gieo trồng nhân giống để khai thác sử dụng lâu dài.
Bắc Giang hiện nay có 2 lò gốm tư nhân: Gốm làng Ngòi và gốm Đông Long – 2 lò này đều sản xuất gốm mỹ nghệ - chúng ta nên hướng các lò này có ý tưởng thiết kế mẫu mã cho sản phẩm du lịch Tây Yên Tử dần dần là vừa. Đến ngày khai trương sẽ có sản phẩm phục vụ khách kịp thời cùng sản phẩm gốm Bát Tràng, Đông Triều, Sông Thương…
Có thể nói rằng công việc khai thác giá trị di sản tuyến Tây Yên Tử phục vụ công tác du lịch là rất cần thiết bởi vì thời gian khai trương tuyến này sắp điểm hồi trống khai mạc rồi. Chúng tôi mới đi theo con đường này vào thời gian qua, tuy đường chưa xong hẳn nhưng sắp hoàn thành, nên đi rất thuận lợi. nếu thông đường chắc du khách sẽ đông lên nhiều hơn bây giờ. Do đó nếu chúng ta không quan tâm sớm việc khai thác giá trị di sản văn hóa để phục vụ công tác du lịch vào dịp đó thì có nhiều điểm bất cập. Do vậy tôi cho rằng bây giờ chúng ta đề cập tới vấn đề này là phù hợp, và cá nhân tôi cũng xin được đóng góp ý kiến nhỏ trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề mình tôi không nói hết, xin mọi người cùng quan tâm mới thành công. Xin trân thành cảm ơn./.
Trần Văn Lạng