Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Khai thác giá trị làng nghề truyền thống ở Việt Yên để phát triển du lịch

Khai thác giá trị làng nghề truyền thống ở Việt Yên để phát triển du lịch

Theo thống kê, hiện cả tỉnh Bắc Giang có hơn 400 làng có nghề, trong đó có 33 làng nghề được công nhận với 24 làng nghề truyền thống ở nhiều lĩnh vực như: Gốm sứ, mây tre đan, nấu rượu, sản xuất mỳ gạo… Trong đó có làng nghề có thế mạnh có thể khai thác và phát triển du lịch.

Việt Yên là một trong những huyện tập trung nhiều làng nghề truyền thống nhất của tỉnh Bắc Giang. Hiện nay toàn huyện có 7 làng nghề truyền thống, trong đó có 2 làng nghề đã được Cục Sở hữutuệ (Bộ Khoa học và công nghệ)cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu gồm rượu làng Vân và mây tre đan Tăng Tiến.
Là ngôi làng cổ nằm bên bờ Bắc sông Cầu, từ lâu làng cổ Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên) được biết đến với những công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, văn chỉ, văn hóa lâu đời. Điều đặc biệt hấp dẫn du khách đến với Thổ Hà chính là bởi từ lâu miền quê này đã nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống.Trước đây nói đến Thổ Hà là người ta nghĩ ngay đến nghề làm gốm. Những sản phẩm gốmThổ Hà vang bóng một thời giờ đã bị mai một nhường chỗ cho một số nghề mới như: nghề tráng bánh đa nem, làm mỳ gạo, bánh đa… Bánh đa nem Thổ Hà có màu trắng vừa phải, mềm, dẻo, mở túi đựng bánh thấy còn thơm mùi gạo. Khi cuộn nem rán vỏ bánh giòn tan, nhúng vào nước vẫn giữ được độ dai. Bao gói đẹp, chất lượng sản phẩm bảo đảm, không sử dụng hàn the hay chất tẩy màu, do đó bánh đa nem Thổ Hà đã trở thành món hàng có thương hiệu gần xa. 
Ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem, làng Thổ Hà còn được biết đến với mỳ gạo và bánh đa dừa. Mỳ gạo Thổ Hà có độ dai và dẻo. Bánh đa dừa Thổ Hà ăn giòn tan, có hương của gạo, vị bùi của lạc, vừng, vị ngọt của dừa, đường phèn.Với những bí quyết riêng, bánh đa của làng Thổ Hà nổi danh và được ưa chuộng khắp mọi vùng miền.
Tại xã Vân Hà xưa nay nổi tiếng với một đặc sản đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước đó là rượu làng Vân. Nói đến rượu làng Vân là nhắc người nhớ đến 4 mỹ từ “vân hương mỹ tửu” do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này.Rượu Vân thơm ngon, hấp dẫn không chỉ bởi ở loại gạo nếp cái hoa vàng hay thứ men gia truyền mà còn bởi nó được nấu từ nguồn nước trong, tinh khiết của vùng đất làng Vân.Chính vì thế mà rượu làng Vân uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu.Tất cả tạo nên nét riêng của loại rượu mang thương hiệu làng Vân vốn tồn tại từ hàng chục thế kỷ qua.
Có tuổi đời hơn 300 năm, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến thuộc thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên được đông đảo du khách biết đến với những sản phẩm mây tre đan tinh xảo và thẩm mỹ.Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến có màu sắc phong phú, bền đẹp cùng thời gian và mang tính đặc trưng của làng nghề như: mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi sách, mành tre cửa, ấm tích, bàn ghế...Các mặt hàng mây tre đan của Tăng Tiến được xuất khẩu ra nước ngoài và được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Nga, EU, Mỹ. 
Mành khăn bàn ăn - Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến
Mỗi năm,Việt Yên đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Du khách đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng, tìm hiểu về làng cổ, về những phong tục tập quán của người dân bản địa còn được trải nghiệm, tham quan các cơ sở sản xuất, trải nghiệm các công đoạn làm ra các sản phẩm mỳ gạo, mây tre đan…hay thưởng thức những đặc sản làng quê và mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.Phải khẳng định rằng, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh mà còn giúp các làng nghề có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh, bán được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân để họ có thể gắn bó lâu dài với nghề truyền thống do cha ông để lại.
Mặc dù vậy, thời gian qua lượng khách du lịch đến với các làng nghề ở Việt Yên còn thấp so với tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh; hiệu quả từ các dịch vụ phục vụ khách hoặc bán các sản phẩm làng nghề còn khiêm tốn… Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và tổ chức khai thác, phát huy thế mạnh của sản phẩm du lịch làng nghề còn hạn chế, chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch; việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch làng nghề chưa được sự quan tâm đúng mức; người dân chưa có kĩ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề, tại các điểm đa số chưa bố trí được chỗ ăn, nghỉ cho du khách, giao thông không thuận tiện…
Bắc Giang xác định sẽ phát triển một số làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo thêm những điểm du lịch mới làm phong phú các tuyến du lịch của tỉnh.Để làm được điều này, Bắc Giang cần quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giao thông làng nghề; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách; gắn du lịch làng nghề với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái để tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường. Nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho cộng đồng dân cư làng nghề; hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề như nơi ăn uống, lưu trú, điểm vui chơi, giải trí... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với làng nghề, tăng cường hợp tác với các công ty du lịch, các hãng lữ hành trong việc tổ chức các tour tham quan làng nghề truyền thống.Cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng phát triển hàng lưu niệm, tổ chức các điểm trưng bày và bán sản phẩm du lịch; phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với các lễ hội nhằm phát triển du lịch làng nghề... Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần tích cực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
Việc gắn kết du lịch với làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đồng thời cũng là một phương thức quảng bá, giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền, địa phương trên đất nước… Với những tiềm năng sẵn có, du lịch làng nghề của huyện Việt Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung sẽ phát triển trong tương lai./. 
Nguyễn Thúy
Ngày cập nhật: 18/09/2019 Lượt xem: 768