Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh để phát triển du lịch huyện Tân Yên

Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh để phát triển du lịch huyện Tân Yên

Tân Yên là vùng đất nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang. Miền đất đã đi vào phương ngôn xứ Bắc “Trai Cầu Vồng Yên Thế” hay còn được gọi là miền Yên Thế Hạ có bề dày lịch sử, vốn văn hóa vật thể phong phú cùng những huyền thoại, truyền thuyết dân gian gắn với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Đó là những giá trị văn hóa to lớn để đưa vào khai thác phát triển du lịch.

Là một huyện có bề dày văn hoá lịch sử, gắn liền với truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đến nay Tân Yên còn bảo lưu được nhiều những di tích lịch sử quý giá. Toàn huyện hiện có gần 355 di tích lịch sử văn hoá, trong đó đã có khoảng 90 di tích, cụm di tích được xếp hạng. Trong số các di tích xếp hạng, có nhiều di tích đặc biệt quan trọng, lưu giữ những trang sử hào hùng của dân tộc tiêu biểu như: đền thờ Nàng Giã Đại Thần (núi Đót - xã Phúc Sơn), cụm di tích khởi nghĩa nông dân Yên Thế… Ngoài ra, hầu hết các làng ở Tân Yên đều có đình, chùa - nơi sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng của cộng đồng. 
Lễ hội đền Dành
Trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa của Tân Yên, tiêu biểu có thể kể đến đó là Đình Chùa Vồng, xã Song Vân, nơi phát tích 18 Quận công họ Dương, khởi nguồn câu phương ngôn Trai Cầu Vồng Yên Thế. Đình Hả xã Tân Trung, nơi Lương Văn Nắm (Đề Nắm) tế cờ, phát động phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám xã Ngọc Châu - nơi nuôi dưỡng người anh hùng áo vải, quê hương thứ 2 của Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh thứ 2 của Khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Đây là điểm đến thu hút rất nhiều du khách yêu thích tìm hiểu truyền thống lịch sử dân tộc và học sinh các trường đến thăm quan, học tập. Một số di tích tiêu biểu, như: đình Vường, đình Nội, đình Cao Thượng, chùa Kim Tràng, chùa Tứ Giáp… đều là những di tích cổ còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc, nhiều giá trị lịch sử quan trọng.
Đến Tân Yên thì không thề không ghé thăm khu du lịch núi Dành – điểm tâm linh của hai xã Liên Chung và Việt Lập và cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện. Danh thắng này đang được quy hoạch trở thành khu du lịch tâm linh sinh thái trên địa bàn huyện. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với bạt ngàn rừng thông quanh năm rợp bóng mát. Núi Dành không quá cao, chỉ chừng 100m. Giữa dải đồi lô xô bát úp, ngọn núi Dành đột khởi hình dáng tựa quả chuông. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển, lại thêm sông Thương và dòng Nhâm Ngao uốn lượn tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Ngọn núi mang 19 di tích đình, đền, chùa, nghè, miếu… Chính vì thế, cứ mỗi độ xuân về, các đoàn khách lại về đây để tham quan, vãn cảnh và lễ Phật, cầu may. Từ trên đỉnh núi, du khách phóng xa tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh Bắc Giang hiện lên đẹp như gấm, như hoa. Nơi đây thực là chỗ sơn thuỷ hữu tình, núi cao cảnh đẹp, linh khí hội tụ hun đúc hồn của non sông đất Việt. 
Tượng đài Bác Hồ tại Khu lưu niệm 6 Điều Bác Hồ dạy CAND
Đặc biệt, tại Tân Yên còn có một công trình mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đó là Khu lưu niệm 6 Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (thuộc thôn chùa Nguộn, xã Nham Sơn). Khu lưu niệm là nơi ghi dấu nơi đồng chí Hoàng Mai tiếp nhận lá thư của Bác Hồ; ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho lực lượng CAND. Đây là công trình lịch sử văn hóa vĩnh cửu, một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.
Sẽ rất thú vị nếu như du khách ghé về thăm Tân Yên vào dịp lễ hội. Sự thấm nhuần của nền văn minh lúa nước lâu đời với bao trò chơi truyền thống, những khúc hát điệu múa và nổi bật hơn cả là tình người ấm áp, thân thiện của con người vùng quê đất này. Hàng năm, huyện tổ chức 170 lễ hội làng và 04 lễ hội lớn gồm: Lễ hội Đình Vồng (Song Vân), Đình Hả (Tân Trung), Đền Dành (Liên Chung), Đền Trũng (Ngọc Châu), trong lễ hội có các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch mang đậm nét đẹp truyền thống dân gian. Khi tham gia các lễ hội tại huyện, du khách sẽ có cơ hội được hòa mình với những trò chơi dân gian vui nhộn và sinh hoạt văn hóa thẩm mĩ như nghe các liền anh, liền chị hát quan họ, xem đấu vật,đấu cờ, thổi cơm niêu, đu tiên... Bên cạnh hệ thống di tích văn hóa vật thể, Tân Yên còn lưu giữ khá nhiều sinh hoạt cộng đồng cổ xưa, như Tục gọi gạo đêm 30 tại xã Phúc Hòa, chợ âm dương mùng 02 Tết tại xã Cao Thượng, tục cấm ra đồng, cấm nhóm lửa ngày 08/4 tại Phúc Sơn, hát ví, ví ống xã Liên Chung… Tất cả là nguồn tiềm năng nhân văn to lớn cho phát triển các loại hình du lịch văn hoá, tâm linh, nghiên cứu lịch sử… 
Hát ống, hát ví ở Liên chung
Tân Yên còn nức tiếng bốn phương với những sản phẩm du lịch ý nghĩa và có giá trị lớn. Có nhiều mặt hàng đã chiếm được lòng yêu mến của du khách thập phương, tạo nên thương hiệu của Tân Yên như Vải sớm Phúc Hòa, chổi chít - Việt Lập; các làng nghề truyền thống lâu đời được ưa chuộng như nghề làm Hương - Ngọc Lý, nghề làm Nón – Liên Sơn, nghề làm Diều – Song Vân. Ngoài ra còn có một số sản vật, ẩm thực như Sâm Nam Núi Dành, Nem nướng Liên Chung, Tương Vân Cầu, Bánh đa Việt Ngọc…
Thời gian qua, Tân Yên đã phát huy những tiềm năng du lịch văn hóa để xây dựng các tour du lịch về nguồn nhằm giới thiệu các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa, mở ra triển vọng mới cho phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, Tân Yên có 3 làng nghề truyền thống là chổi tre Đông Am Vàng, chổi chít Nội Hạc xã Việt Lập, làng mỳ Châu Sơn xã Ngọc Châu, làng thủy sản, vùng vải sớm Phúc Hòa, làng vú sữa Hợp Đức. Thêm vào đó trên địa bàn có một số đơn vị bộ đội, Trường Trung cấp Biên phòng I đứng chân. Khai thác những lợi thế này, Tân Yên đã phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, như: Trải nghiệm quân ngũ, giới thiệu truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, hướng dẫn điều lệnh, đội ngũ… Cùng với đó, huyện cũng tổ chức cho đội ngũ giáo viên và các em học sinh tìm hiểu vốn văn hóa của các huyện lân cận, như Việt Yên, Yên Dũng từ đó tổ chức cho học sinh tham quan. Mở các tour dài hơi hơn khi đưa các em về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Văn miếu Quốc tử Giám… 
 
Vải sớm Phúc Hòa
Thực tế cho thấy, Tân Yên có nguồn lực du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, tiềm năng du lịch tâm linh khá phong phú. Huyện cũng đã khởi động chương trình du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm qua đó giúp cho nhiều người được biết về lịch sử văn hóa của quê hương, khơi dậy và giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ. Tuy nhiên để có những tour du lịch hấp dẫn tại đây còn cần có cả đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, các loại hình dịch vụ đi kèm như nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí... Điều đó đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành có liên quan để đưa du lịch Tân Yên phát huy được tiềm năng, thế mạnh./. 
Nguyễn Thúy
Ngày cập nhật: 10/05/2019 Lượt xem: 710