Mục tiêu liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Liên kết để các địa phương tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao từ đó có thể thu hút các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương. Đây là xu thế tất yếu, là động lực, là nền tảng cho sự kết nối, xích lại gần nhau hơn đồng thời gạt bỏ tính cục bộ, để chủ động liên kết hợp tác thực sự đã và đang là cơ hội nhưng cũng là những thách thức không nhỏ trong điều kiện hiện nay.
Đoàn khảo sát du lịch dừng chân tại cây đa tình, Khe Rỗ, Sơn Động, Bắc Giang. Ảnh Văn Dương
Những thuận lợi, cơ hội trong liên kết phát triển du lịch Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn.
Trước hết phải khẳng định Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn là những địa phương có nhiều tiềm năng du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, phong phú và đa dạng luôn có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa, với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời đã để lại hàng nghìn các di sản văn hóa đặc sắc tạo ra những dấu ấn riêng biệt, mang đậm sắc thái vùng miền.
Hà Nội là một vùng đất địa linh nhân kiệt, từ ngàn đời xưa Thăng Long Đông Đô - Hà Nội đã chiếm một vị trí quan trọng trong tiềm thức người dân Việt Nam. Với Thủ đô Hà Nội ngày nay không chỉ là một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước mà còn được biết đến là một thành phố du lịch xanh nổi tiếng được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng. Không những thế, Hà Nội hôm nay còn là một trung tâm cung cấp phần lớn nguồn khách du lịch cho các tỉnh trong cả nước.
Lạng Sơn là một tỉnh biên giới phía Đông Bắc của của Việt Nam có đường biên và cửa khẩu quốc tế nổi tiếng nhưng lại rất gần với Thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt hết sức thuận lợi. Với vị trí địa lý thuận lợi cộng với sự ưu đãi của tạo hóa đã ban tặng cho xứ Lạng nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, hữu tình. Mặt khác với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời đã để lại nhiều di sản đặc sắc cho con người và mảnh đất nơi đây. Tất cả đã tạo cho Lạng Sơn có những phát triển trên nhiều lĩnh vực trong đó có ngành du lịch. Du lịch Lạng Sơn nổi tiếng và được mọi người biết đến với những tour du lịch thăm quan, lễ hội đầu xuân kết hợp với mua sắm tại các chợ vùng biên.
Với Bắc Giang, Du lịch chỉ là mới bắt đầu, chưa được nhiều người biết đến. Bắc Giang chỉ được biết đến với những phong cảnh đẹp tự nhiên, hoang sơ như hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, rừng nguyên sinh Khe Rỗ - khu rừng Tây Yên Tử, … Với một số ngôi đình, chùa cổ của vùng Văn hóa Kinh Bắc xưa: Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà); đình, chùa Thổ Hà chùa Bổ Đà (Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi ( Lạng Giang) và dấu tích của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế năm xưa; Những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc cũng như những giá trị về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu đặc trưng nhiều thời kỳ nhưng đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến như ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, dân ca Quan họ, ca Trù…Đây là những hạn chế nhưng lại là lợi thế để Bắc Giang phát triển Du lịch với quy hoạch tương xứng với tiềm năng của nó mà không mất đi sự cổ kính, huyền bí, sự bình yên, trong lành của môi trường tự nhiên.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII năm 2010, xác định: Phát triển du lịch đã trở thành một trong 5 nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Tuy còn chậm phát triển so với các tỉnh bạn nhưng đến nay du lịch Bắc Giang đã từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ: Chương trình phát triển Du lịch giai đoạn 2011-2015 đã được Tỉnh ủy ban hành; Kế hoạch, đề án, dự án triển phát triển du lịch đang được triển khai, do đó việc liên kết phát triển du lịch Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn là những điều kiện thuận lợi cho Bắc Giang đẩy nhanh hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, tạo ra cơ hội lớn trong hợp tác, liên kết phát triển giữa du lịch Bắc Giang với Hà Nội và Lạng Sơn.
Liên kết, hội nhập để phát triển trong lĩnh vực du lịch là một xu thế tất yếu, phù hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là hoạt động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Việc liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trên tuyến quốc lộ 1A (Hà Nội - Lạng Sơn) còn là nhiệm vụ thực hiện theo Quy hoạch phát Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được ban hành. Nhiệm vụ phát triển du lịch Bắc Giang đã và đang được các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh đặc biệt chú ý quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi như: Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội trong đó coi trọng hạ tầng giao thông; thông tin dịch vụ phục vụ du lịch; xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư ký kết phát triển du lịch giữa các địa phương; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch…..
Với vị trí địa lý chạy dọc theo đường quốc lộ 1A ( Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn) được đánh giá là một điều kiện hết sức thuận lợi cho liên kết phát triển du lịch. Đặc biệt nó tạo ra sự thuận tiện trong việc xây dựng các tour, tuyến du lịch với sự đa dạng của các sản phẩm dịch vụ du lịch kèm theo. Dọc theo tuyến hành trình đó khách du lịch sẽ được kết hợp thưởng thức và tham dự nhiều sản phẩm du lịch khác nhau: Du lịch văn hóa, tín ngưỡng; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng….
Rừng Táu, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Ảnh Văn Dương
Liên kiết phát triển du lịch là cơ hội cho ngành du lịch của từng địa phương có điều kiện tiếp cận, học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý cũng như kinh doanh du lịch. Liên kết tạo ra sức mạnh và lấy lợi thế của địa phương này làm đòn bẩy để vực dậy điểm yếu của địa phương kia, sẽ từng bước mang lại sự phát triển đi lên đồng bộ.
Những khó khăn, thách thức trong việc liên kết phát triển du lịch Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi trên thì những khó khăn, thách thức không nhỏ đặt ra trong việc liên kết phát triển đặc biệt đối với ngành du lịch Bắc Giang. Do vậy ngành du lịch của cả 3 địa phương cần nhìn nhận xem xét cụ thể để từ đó có được những giải pháp kịp thời nhằm tăng cường hiệu quả trong việc liên kết phát triển du lịch.
Thách thức đầu tiên khá rõ nét đó là khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện các chương trình hành động để triển khai các hoạt động du lịch nói chung. Khả năng nội lực của từng địa phương bởi Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn là 3 địa phương nếu xét ở khía cạnh tiềm lực phát triển du lịch đặt trong quan hệ đối sách thì chưa có sự tương xứng hay nói cách khác là có sự chênh lệch tương đối rõ nét. Đây là một thực tế gây khó khăn cho sự liên kết phát triển đồng bộ trong du lịch. Do đó, để tăng cường hiệu quả cho việc liên kết phát triển du lịch đòi hỏi cần có thời gian, sự thông hiểu và tương trợ giúp đỡ của Hà Nội với Bắc Giang và Lạng Sơn nhất là sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư đến từ Hà Nội
Sự liên kết của tuyến du lịch trên tuyến Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn bước đầu sẽ vấp phải sự cạnh tranh của nhiều vùng, miền, khu vực đã có mối quan hệ liên kết lâu dài có tiềm lực về du lịch đây là một thách thức đặt ra cho ngành du lịch Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn trong việc lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng miền, có sức cạnh tranh cao. Nhưng đây cũng chính là cơ hội cho ngành du lịch của cả 3 địa phương thử sức trên con đường hội nhập và phát triển.
Ngoài ra một số thách thức không nhỏ khác mà ngành du lịch cả nước nói chung và 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn nói riêng như:
- Hệ thống cơ sở hạ tầng nhất là cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật du lịch và phục vụ du lịch còn kém phát triển, nhiều điểm du lịch đang bước đầu đi vào hoạt động nhưng lại gặp nhiều cản trở khó khăn do hệ thống cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu. Mặt khác hiện nay nhiều vùng, khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng cũng do hạn chế về cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật nên du lịch không có điều kiện phát triển nhất là những điểm du lịch thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
- Đội ngũ nhân lực làm du lịch đã được đào tạo cơ bản còn rất thiếu, yếu về kinh nghiệm, về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Đặc biệt đội ngũ cán bộ quản lý trong ngành du lịch còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng đã gây ra nhiều hạn chế khó khăn trong quản lý nhà nước về du lịch.
- Trình độ, ý thức của một bộ phận dân cư về kinh doanh du lịch chưa cao, thiếu chuyên nghiệp. Từ thực trạng đó dẫn đến chất lượng dịch vụ du lịch kém đã gây nhiều trở ngại cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
- Thực tế hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn tuy nhiều nhưng chưa mạnh kể cả về nguồn lực tài chính cũng như nhân lực và mức độ ảnh hưởng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, mùa vụ chưa có khả năng cạnh tranh cao.
Việc liên kết phát triển sẽ huy động nguồn lực, tạo sự tương trợ, phối hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng thời khắc phục những điểm yếu kém trong việc triển khai các chương trình hành động du lịch của mỗi địa phương. Liên kết, hợp tác là chìa khóa mở ra cánh cửa cho tương lai, cho triển vọng phát triển du lịch của các địa phương. Để có được những thành quả trong hoạt động liên kết Ngành du lịch của mỗi địa phương cần nhìn nhận khách quan những thuận lợi để nắm bắt tốt những thời cơ, đồng thời xác định những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình liên kết phát triển, chủ động tham mưu kịp thời cho Cấp ủy, Chính quyền địa phương có những giải pháp pháp nắm bắt thời cơ, khắc phục hạn chế, yếu kém để việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch của 3 địa phương đạt hiệu quả cao và phát triển nhanh, bền vững./.
Đỗ Đức Thành
PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang