Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Liên kết phát triển - hướng đi tích cực cho du lịch Bắc Giang

Liên kết phát triển - hướng đi tích cực cho du lịch Bắc Giang

Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch, thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Cùng với việc tập trung quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch... thì công tác liên kết để cùng phát triển được đặc biệt chú trọng.

Du lịch thực tế là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng do đó không thể phát triển độc lập, chính vì vậy ngay trong Quy hoạch phát triển Văn hóa Thể thao Du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 Bắc Giang đã xác định phát triển du lịch theo các hướng liên kết về không gian với các tỉnh lân cận theo các hướng: “Hướng thứ nhất: Dọc theo quốc lộ 1A, Từ Hà Nội đi Lạng Sơn, chạy qua địa bàn tỉnh. Đây là hướng du lịch chính của tỉnh với tiềm năng to lớn trong việc thu hút khách du lịch từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; Hướng thứ hai: Chạy từ Tây sang Đông, từ TP.Thái Nguyên và Tây Bắc đi qua Tp.Bắc Giang theo tuyến QL 37; Hướng thứ ba: Khai thác khách du lịch quá cảnh từ Lạng Sơn và Bắc - Đông Bắc xuống theo đường 1A qua đường 279 xuống Quảng Ninh. Tuyến du lịch này sẽ đi qua các điểm du lịch như Hồ Cấm Sơn, Đền thờ Thân Cảnh Phúc - Lục Ngạn”...Điều này cũng được khẳng định lại trong Chương trình phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2011- 2015 đó là đẩy mạnh liên kết xây dựng, kết nối các tour, tuyến, các khu điểm du lịch, liên kết tổ chức sự kiện để thu hút khách đến với Bắc Giang...
Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển Du lịch giữa Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương -  Quảng Ninh
 
Từ quan điểm đó, Bắc Giang đã tiến hành nhiều hoạt động liên kết cụ thể. Vào năm 2012, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tổ chức hội thảo liên kết và ký kết chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các thành phố Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn, có các chương trình liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hưng Yên, ký kết hợp tác với Trung tâm phát triển bền vững tại Hà Nội. Tiếp đó, năm 2014, Bắc Giang tiếp tục tổ chức hội thảo và ký kết hợp tác liên kết với các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Sơn La...Đồng thời tổ chức các tour khảo sát các điểm du lịch của tỉnh và mời đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí của các địa phương lân cận tham gia... Việc tổ chức các hội thảo liên kết và ký kết các chương trình hợp tác đã tạo điều kiện để Bắc Giang đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng của mình để có những chủ trương, định hướng phát triển liên kết một cách đúng hướng. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang tăng cường mối liên kết, có sự định hướng liên kết tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; tạo tiền đề cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút khách, trao đổi khách; thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường sự hợp tác và gắn kết trong khai thác phát triển du lịch, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. 
Quang cảnh hội thảo

Nhờ có các chương trình liên kết này công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Bắc Giang được thuận lợi hơn khi Bản đồ du lịch Hà Nội- Bắc Giang- Lạng Sơn được phát hành. Trang thông tin điện tử du lịch Bắc Giang cũng được kết nối với tất cả các trang Website của các địa phương, các doanh nghiệp có ký liên kết... Nhiều điểm đến của Bắc Giang đã được các công ty lữ hành đưa vào hành trình tour để giới thiệu với du khách. Nhờ đó mà một số điểm đến của Bắc Giang đã thu hút được nhiều du khách biết đến như chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Đồng Cao hay khu du lịch Khe Rỗ... và như vậy, hiện nay dọc theo trục quốc lộ 1A, từ Hà Nội khách du lịch có thể dễ dàng tiếp cận tới các điểm du lịch hấp dẫn của các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Du khách có thể di chuyển đến các điểm du lịch thuận lợi như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, các làng Quan họ cổ, làng nghề truyền thống dọc bờ Bắc sông Cầu, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ và đến với các điểm du lịch nổi tiếng của Lạng Sơn như: Núi tượng Nàng Tô Thị, động Nhị - Tam Thanh, Chùa Tiên, khu du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn, hệ thống hang động ở Bình Gia, Bắc Sơn và Chi Lăng...Theo trục quốc lộ 37, du khách có thể di chuyển đến các điểm du lịch ATK Định Hóa, Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên, ATK Hiệp Hòa, chùa Bổ Đà, các làng Quan họ cổ, làng nghề truyền thống dọc bờ Bắc sông Cầu, hay từ các điểm chùa Vĩnh Nghiêm, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, Cấm Sơn, khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, bản Mậu , khu Đồng Thông Sơn Động có thể kết nối với tuyến Đông Yên Tử tỉnh Quảng Ninh hay khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương..vv. Theo thống kê, năm 2014 Bắc Giang đón khoảng 320 ngìn lượt khách, tăng 25% so với năm 2013. Doanh thu của các đơn vị kinh doanh du lịch đã có sự tăng trưởng lớn khoảng 40% so với cùng kỳ và đạt khoảng 192 tỷ đồng. Đây là một kết quả khá tích cực mà một trong những nguyên nhân là do Bắc Giang đã và đang thực hiện tốt việc triển khai các hoạt động cụ thể cho chủ trương liên kết để phát triển của tỉnh./.
Minh An
Ngày cập nhật: 27/02/2015 Lượt xem: 571