Ngoài việc tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị đặc sắc thì việc liên kết tổ chức các sự kiện để thể tạo ra những điểm nhấn, sức hấp dẫn thu hút du khách là một hoạt động quan trọng cần có ở mỗi địa phương.
|
Liên hoan tiếng hát các dân tộc vùng Đông Bắc năm 2010 tại Phú Thọ ( Ảnh XS) |
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Để phát triển du lịch một cách bền vững cần có sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Hơn nữa Bắc Giang và Lạng Sơn là 2 tỉnh liền kề, cùng nằm trên con đường huyết mạch của tổ quốc (QL1A) nối Lạng Sơn - Bắc Giang với Hà Nội là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước. Bắc Giang và Lạng Sơn cùng nằm trong vùng Đông Bắc của tổ quốc nên có những nét tương đồng về văn hoá, về tài nguyên du lịch. Do vậy vấn đề hợp tác phát triển du lịch giữa Bắc Giang và Lạng Sơn là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, trong đó việc liên kết tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch đến Bắc Giang và Lạng Sơn là một trong những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch Bắc Giang và Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay.
Khách du lịch là yếu tố sống còn của ngành du lịch ở mỗi địa phương. Nếu thu hút được khách du lịch sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động; tạo ra sự giao lưu về văn hoá giữa các dân tộc với nhau; nâng cao nhận thức của nhân dân địa phương về du lịch trong thời kỳ hội nhập, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhưng làm thế nào để thu hút được nhiều khách du lịch luôn là vấn đề trăn trở của các nhà quản lý du lịch ở các địa phương.
Để có thể thu hút nhiều khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế thì ngành du lịch ở mỗi địa phương cần có sự phát triển trọng tâm, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù ... đồng thời phải làm tốt các hoạt động khác như chất lượng dịch vụ, lưu trú, các khu điểm tham quan, các tiện ích... Ngoài các tài nguyên, những sản phẩm du lịch có giá trị đặc sắc thì việc tổ chức các sự kiện có thể tạo ra những điểm hấp dẫn để thu hút không nhỏ lượng khách đến đến với mỗi địa phương. VD: sự kiện “ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, Carnaval Hạ Long , fetivan Huế, thi Bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng …
Với những tỉnh không có nhiều tiềm năng, sản phẩm du lịch nổi trội, đặc sắc, cơ hội để phát triển du lịch hạn chế như Bắc Giang và Lạng Sơn, thì việc tạo ra sự kiện sẽ là cơ hội, cách tốt nhất để quảng bá hình ảnh địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế, là cơ hội thu hút du khách. Những sự kiện không giới hạn ở lĩnh vực nào mà có thể phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau có thể kể đến như văn hóa, thể thao, kinh doanh và thậm chí là những ngày kỷ niệm thành lập tỉnh cũng là cơ hội cho ngành du lịch. Các sự kiện không nhất thiết phải có tầm quốc tế mà các sự kiện mang tính quốc gia, vùng miền hoặc địa phương. ( Năm 2009 Lạng Sơn đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh và ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ)
Với Bắc Giang và Lạng Sơn phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái trong đó có sự kết hợp với vấn đề môi trường là thế mạnh, là xu hướng đang được quan tâm. Hiện nay trên thế giới theo nghiên cứu của các nhà khoa học có khoảng 20% khách du lịch thích loại hình này, đặc biệt nó phù hợp cho giới trẻ ngoài mục đích thưởng thức còn giáo dục giá trị truyền thống, trang bị kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường cho giới trẻ hôm nay. Với những điều kiện thuận lợi trên, Lạng Sơn và Bắc Giang biết liên kết, phối hợp tốt sẽ phát triển nơi đây thành trung tâm du lịch văn hóa, sinh thái vùng phía đông bắc bộ, đây sẽ là những điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy kinh tế Lạng Sơn và Bắc Giang ngày càng phát triển.
Nhìn chung về lĩnh vực du lịch tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang có nhiều yếu tố tương đồng, song để du lịch Bắc Giang và Lạng Sơn có mức tăng trưởng và phát triển nhanh hơn nữa, thu hút được nhiều du khách hơn nữa thì ở đây rất cần đến sự liên kết, phối hợp tổ chức các hoạt động giữa 2 địa phương. Đặc biệt là công tác phối hợp liên kết, hợp tác và tổ chức các sự kiện nhằm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc. Một trong những hoạt động đó là:
1. Liên kết tổ chức kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Muốn có được sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch đến với Bắc Giang cũng như Lạng Sơn, nhiệm vụ đầu tiên của ngành du lịch là phải tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư về du lịch đồng bộ tạo ra những điểm nhấn du lịch thật ấn tượng với du khách. Trước tiên tập trung đầu tư vào những khu, điểm du lịch có tiềm năng thực sự nổi trội. Ví dụ: như khu du lịch Hồ Cấm Sơn, trong “Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến 2030” đã quy hoạch xây dựng Hồ Cấm Sơn là khu du lịch Sinh thái tầm cỡ quốc tế. Hiện tại UBND tỉnh đã có công văn chấp thuận cho Tập đoàn Hưng Thịnh Phát vào khảo sát đầu tư, với nguồn kinh phí đầu tư dự án trên 4.000 tỷ đồng tiến độ thực hiện trong 7 năm. Với vị trí địa lý của hồ Cấm Sơn giáp với tỉnh Lạng Sơn, cách QL1A ( thị trấn Đồng Mỏ huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn) khoảng 20 km thì đây sẽ là điểm đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư du lịch Lạng Sơn.
2. Liên kết các tour, tuyến du lịch.
Trong xu thế hội nhập cùng nhau phát triển, đặc biệt là đối với ngành du lịch thì Bắc Giang và Lạng Sơn là 2 tỉnh cận kề có cùng chung quốc lộ 1A chạy qua. Để tận dụng những ưu thế về mặt vị trí địa lý cũng như tài nguyên, tiềm năng du lịch của cả 2 tỉnh. Đồng thời để tăng cường lượng khách du lịch đến với Bắc Giang và Lạng Sơn đòi hỏi phải có sự liên kết các tour tuyến giữa những đơn vị kinh doanh du lịch 2 tỉnh.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn đến 2030 đã được phê duyệt du lịch Bắc Giang đầu tư phát triển theo 3 hướng chính sau:
- Hướng thứ nhất: Dọc theo quốc lộ 1A, Từ Hà Nội qua Bắc Giang đến Lạng Sơn. Đây là hướng du lịch chính của tỉnh Bắc Giang, với tiềm năng to lớn trong việc thu hút khách du lịch từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đến với Bắc Giang.
- Hướng thứ hai: Khai thác khách du lịch quá cảnh từ Lạng Sơn xuống theo đường 1A qua đường 279 xuống Quảng Ninh. Tuyến du lịch này sẽ đi qua các điểm du lịch như Hồ Cấm Sơn, Đền Hả - Lục Ngạn (thờ tướng quân Thân Cảnh Phúc ), khu du lịch Sinh thái - Tâm linh Tây Yên Tử...
- Hướng thứ ba: Chạy từ Tây sang Đông, từ Thái Nguyên và các tỉnh phía Tây Bắc đi qua Bắc Giang theo tuyến QL 37 đến Quảng Ninh
Như vậy về hướng phát triển không gian du lịch của Bắc Giang có 3 hướng chính thì trong đó có 2 hướng có sự liên kết với Lạng Sơn. Như vậy trong thời gian tới không chỉ những nhà quản lý ngành du lịch của 2 tỉnh mà cả các đợn vị kinh doanh du lịch cũng cần phải có chiến lược phát triển cụ thể theo từng vùng, từng giai đoạn, phải tiến hành khảo sát, liên kết phát triển các tuyến du lịch từ Bắc Giang đến Lạng Sơn hoặc từ Lạng Sơn đến Bắc Giang. Trong khảo sát đó cần có sự lựa chọn các khu điểm, để gắn kết các tour tuyến du lịch phù hợp với chất lượng tốt nhất ( kết hợp nhiều điểm đến của 2 tỉnh trong một chuyến du lịch). Ngoài ra ở 2 địa phương cần có sự bàn bạc ký kết, xây dựng các chương trình hợp tác, giao lưu về Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm du lịch với chủ đề “Lạng Sơn - Bắc Giang chung một điểm đến”....
3. Liên kết tổ chức hội thảo, hội chợ du lịch nhằm xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch ở hai địa phương.
Hàng năm thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo về phát triển du lịch; Chính sách hỗ trợ du lịch; Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; các giải pháp thu hút khách du lịch…Trong đó thành phần tham dự ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch còn có các đơn vị kinh doanh du lịch của 2 tỉnh cùng tham gia. Qua Hội thảo các đợn vị kinh doanh du lịch có thể tăng cường học hỏi giao lưu, đúc rút ra những kinh nghiệm; các đại biểu sẽ tập trung trao đổi, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của mỗi tỉnh; đưa ra chiến lược, sáng kiến hợp tác, khai thác và đề xuất những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, cùng phối hợp hành động.
Thường xuyên tổ chức các Hội chợ du lịch như: Hội chợ thương mại gắn với du lịch; hội chợ văn hoá gắn với du lịch; hội chợ xúc tiến quảng bá du lịch … Thông qua các Hội chợ du khách có thể tìm hiểu về các giá trị văn hoá; các tài nguyên du lịch; các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đặc trưng của mỗi tỉnh.Tăng cường mối liên hệ xúc tiến quảng bá du lịch giữa hai tỉnh để thông tin về du lịch đến với các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh bằng các phương tiện thông tin đại chúng như: Internet; tờ rơi, tờ gấp, báo chí; băng đĩa hình quảng bá du lịch; bản đồ du lịch; kỷ vật; kỷ yếu; sách tham khảo về du lịch… ( kết hợp xây dựng Bắc Giang-Lạng Sơn cùng chung trên một sản phẩm để qua đó có thể giới thiệu quảng bá Du lịch đồng thời được 2 tỉnh)… qua đó du khách và các nhà đầu tư có điều kiện tham khảo tìm hiểu về các khu, điểm du lịch; các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn 2 tỉnh.
Tuy nhiên để tăng cường liên kết tổ chức các sự kiện du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến Bắc Giang và Lạng Sơn được tốt, trước tiên rất cần được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của Đảng và chính quyền các địa phương đến phát triển chất lượng sản phẩm du lịch, đến công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch và đặc biệt là công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch ở mỗi địa phương.
Xuân San