Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Một số kinh nghiệm chuẩn bị khi đi phượt du lịch sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử

Một số kinh nghiệm chuẩn bị khi đi phượt du lịch sinh thái - tâm linh Tây Yên Tử

Dãy núi Yên Tử nằm trong cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn phía Đông Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang( gọi là Tây Yên Tử) trải dài từ huyện Yên Dũng lên tới huyện Sơn Động. Tây Yên Tử là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích gắn liền với sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần như chùa Vĩnh Nghiêm - Yên Dũng, chùa Am Vãi- Lục Ngạn… Bên cạnh đó cùng với sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên như hệ thống thác nước, mỏn đá, hang động, thảm động thực vật phong phú, đa dạng rất phù hợp với nhiều loại hình du lịch đặc biệt là loại hình du lịch nghiên cứu, văn hóa, mạo hiểm, khám phá cảnh quan thiên nhiên. Quần thể di tích danh thắng Yên Tử đang được UBND tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Trong những năm gần đây xu thế du lịch Phượt đang rất được du khách ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Nhu cầu tìm hiểu, khám phá, những miền đất hoang sơ, huyền bí càng thu hút đông đảo du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên, để cảm nhận cuộc sống tươi đẹp trên hành tinh chúng ta.
Tây Yên Tử là một khu du lịch được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, hùng vỹ, đến với Tây Yên Tử là đến với vùng đất linh thiêng với quần thể hệ thống di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và Quốc gia đặc biệt. Để đảm bảo cho một hành trình khám phá vùng đất linh thiêng này đạt kết quả tốt đẹp. Quý khách cần quan tâm, lưu ý đến công tác chuẩn bị với một số nội dung sau:
* Trong công tác chuẩn bị cho chuyến đi
Thời điểm: Nên tổ chức chuyến đi vào mùa xuân hoặc mùa hè vì mùa xuân là mùa của các lễ hội truyền thống mùa của cây cối đâm trổi nảy lộc, trăm hoa khoe sắc, còn về mùa hè đây chính là mùa của các chương trình thăm quan du lịch, đến với Tây Yên Tử vào mùa hè, du khách sẽ tránh được cái nóng oi bức nơi đô thị sầm uất đông người, được chiêm ngưỡng, hưởng thụ phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, cảm nhận bầu không khí trong lành của những khu rừng nguyên sinh, mà nhiều nơi chưa một dấu chân người, để đến với những con thác nước đầu nguồn trắng xóa, thỏa thuê tắm táp, thỏa sức nô đùa.
Thu thập các thông tin cần thiết: Cần liên hệ với các công ty lữ hành trong tỉnh Bắc Giang để được tư vấn đầy đủ các thông tin hữu ích, hoặc tham khảo trên trang thông tin điện tử dulichbacgiang.gov.vn, qua hệ thống ấn phẩm tờ rơi, tập gấp, bản đồ, sơ đồ chỉ dẫn của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Giang. Tại đây du khách có thể liên hệ để thuê hướng dẫn viên hoặc thuê người bản địa dẫn đường.
Nếu du khách chủ động tự đi, trước hết cần tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ tuyến, điểm, để xây dựng lịch trình cụ thể chi tiết về thời gian, địa điểm, nơi ăn, chốn ở, điểm dừng chân, điểm tham quan, đặc biệt cần tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân địa phương, từ cách giao tiếp cũng như ứng xử vì nơi đây tập trung nhiều dân tộc như Dao, Hoa, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan điều đó là rất quan trọng, trong do lịch phượt rất cần sự hỗ trợ của người dân địa phương nếu chẳng may lạc đường, rắn cắn, tai nạn rủi ro …nhớ luôn mang theo các giấy tờ tùy thân cần thiết.
Số lượng: Nên tổ chức đi theo từng nhóm nhỏ khoảng từ 3-5 người, tuyệt đối không nên đi một mình vì nơi đây có nhiều khu rừng hiểm trở, vách núi treo leo, vực thác sâu, nguy hiểm, dễ bị lạc rất cần có sự hỗ trợ của bạn đồng hành.
Đồ dùng vật dụng: Thông thường các chuyến đi Phượt thường từ 3-5 ngày, chúng ta cần chuẩn bị một số đồ dùng, vật dụng cá nhân như: Trang phục ( vì đây là vùng đất linh thiêng, ngoài trang phục quần áo dã ngoại ra, cần mang theo bộ quần áo chỉnh tề để mặc khi vào những chốn linh thiêng như vào Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm - Yên Dũng, đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương ở suối Mỡ - Lục Nam, đền Từ Hả - Lục Ngạn, Khu Đồng Thông: xã Tuấn Mậu, gồm các khu di tích đền, chùa Trình, chùa Cầu, chùa Kim Quy; chùa Đồng; đèo Bụt, núi Phật Sơn... Nơi đây được gọi là Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử... Nên mang từ 3 - 4 bộ quần áo dã ngoại như quần sooc, quần dã chiến, áo phông dài tay, ngắn tay chất vải sợi bông, lông vũ, kaki mềm, thoáng mát, tiện cho việc đi lại, leo núi, khám phá cảnh vật thiên nhiên của rừng nguyên sinh của vùng Đông Bắc Việt Nam như vực, thác Thùm Thùm suối Mỡ, suối nước Vàng - Lục Nam, thác Ba Tia, khu Đồng Cao, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, khu du lịch sinh thái Đồng Thông - Sơn Động…

Mùa xuân thời tiết nơi đây vẫn rất lạnh, nhiệt độ ở các vùng núi có những nơi xuống thấp nhất là chiều tối, chính vì vậy nên cần một chiếc áo giữ ấm thật tốt nhưng phải đảm bảo gọn, nhẹ, nhiệt độ ở đây giao động vào khoảng từ 12-18 độ nên cần áo khoác dày chống rét, có thể mang thêm một chiếc áo gió chất liệu vinilon vì nó có tác dụng vừa chắn gió vừa có khả năng chống thấm nước, thấm sương cao. Cần mang thêm khăn quàng cổ, mũ bịt tai vừa giữ ấm khi ngủ, vừa bịt tai khi áp suất khi lên cao sẽ thấp gây ù tai. Thêm vài ba đôi tất, chất liệu sợi bông, băng vệ sinh( nếu là phụ nữ) và một số đồ dùng cá nhân khác như khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng, dầu gội đầu, xà phòng, máy sấy tóc, giày, dép ( mang 1-2 đôi đề phòng thay khi bị ướt) nên sử dụng loại giày thể thao có độ bám tốt, đi thoải mái cho chân, tuyệt đối không đi giày da cứng, giày cao gót, dày dép đế nhựa cứng vì đường núi và vách đá rất trơn. Trang bị thêm túi ngủ đề phòng không kịp xuống núi hoặc có chương trình ngủ lều( như trên Đồng cao, đỉnh Khau tron - Sơn Động). Cần mang theo mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn quy định để đảm bảo an toàn khi đi xe máy, xe đạp trên đường trường, ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ đầu khi tai nạn rủi ro xảy ra khi đi leo núi. Đi phượt đã là mạo hiểm nhưng việc giảm được rủi ro nhiều hay ít lại phụ thuộc vào chính những việc tưởng nhỏ như thế này. Nên mang bộ bọc khuỷu tay, đầu gối, găng tay để giảm chấn thương khi chẳng may có bị vấp, ngã xe, trượt chân khi leo núi. Mang theo người đôi kính râm hoặc trắng để đi trên đường và đi rừng khi vào những nơi rừng rậm tránh dằm hay côn trùng bay vào mắt. Cần mang theo bộ quần áo đi mưa( không mang vải mưa vì đi rừng sẽ vướng vào cây).
Ở trên đỉnh núi cao, bất kể mùa hè hay mùa xuân, ngày hay đêm luôn có những đám mây bao phủ, mang hơi nước nặng trĩu tạo lên lớp sương mù dày đặc ẩm ướt. Du khách đi phượt vùng Tây Yên Tử không thể không mang theo mình một bộ dụng cụ y tế gồm những thứ như: Thuốc đau bụng, thuốc cảm, miếng dán hạ sốt, thuốc giảm sốt, vài viên giảm đau, Orezol để bù nước, một hộp salonpas loại dán và 1 tuýp salonpas gel, bông băng, gạc, thuốc sát trùng, thuốc chống vắt, muỗi, côn trùng cắn...nếu đi vào mùa lạnh thì mang theo ít miếng dán giữ nhiệt. Điều quan trọng không thể thiếu trong hành trình đi phượt, đó là đồ ăn, thức uống tất cả phải thật gọn nhẹ, nên mang đồ ăn khô, ăn nhanh như một số loại bánh mà mình ưa thích, bánh mỳ, ruốc, bơ, thịt hộp, coffee, trà (nhất là trà gừng vì nó có tác dụng giữ ấm, chống cảm lạnh), chai nước lọc, giấy lau, khăn ướt…Nên bố trí thời gian, thưởng thức những món ăn truyền thống, là sản vật của người dân địa phương, để cảm nhận hương vị của núi của rừng.
Ngoài ra cần mang theo một số các đồ dùng cần thiết khác như: Dao đa năng, đèn pin, bật lửa, đoạn dây thừng bằng nilon, còi( đề phòng trường hợp phải cứu hộ hay lạc đoàn), điện thoại, máy ảnh…mang theo một số túi bóng nilon để đựng đồ chống ướt khi trời mưa hay vượt suối, thác, ghềnh…
Phương tiện: Nên đi bằng xe máy hoặc xe đạp địa hình, vì đi 02 loại phương tiện này sẽ rất hữu dụng cho việc di chuyển đi lại ở những địa hình miền núi, đường đến các thôn, bản hẹp, xa, phải băng qua nhiều suối nhiều đèo..
* tất cả đồ dụng vận dụng lên cho vào ba lô, chở trên xe đến các điểm có thể gửi tại nhà dân hay cơ sở lưu trú, căn cứ vào thời gian, địa điểm nên mang theo đồ cho hợp lý thuận tiện hành trình khám phá.
Lưu ý: Nếu đoàn tham gia sinh hoạt ở tại nhà dân địa phương( theo mô hình du lịch cộng đồng) cần phải tìm hiểu hoặc nghe tư vấn của hướng dẫn viên hay người dẫn đường, vì phía Tây Yên Tử có nhiều dân tộc ít người sinh sống lại ngụ cư ở vùng sâu vùng xa, nên rất ít tiếp xúc với bên ngoài, do vậy các phong tục tập quán lâu đời của từng dân tộc vẫn giữ nguyên bản sắc, để tránh những việc hiểu lầm xảy ra.
Với những kinh nghiệm chia sẻ như trên hy vọng du khách tham khảo, bổ xung cho sự chuẩn bị của mình thật chu đáo, để chuyến đi Phượt khám phá thiên nhiên kỳ thú về với miền đất phật linh thiêng phía Tây Yên Tử được thành công tốt đẹp./. 
 Bài, ảnh: Thùy Dương
Ngày cập nhật: 15/03/2016 Lượt xem: 642