Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Ngành Du lịch Bắc Giang sau 10 năm thực hiện Luật Du lịch

Ngành Du lịch Bắc Giang sau 10 năm thực hiện Luật Du lịch

Luật Du lịch Việt Nam được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở các tỉnh, thành trong cả nước. Bắc Giang là tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trước khi chưa có Luật Du lịch ra đời, công tác quản lý, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhiều cơ quan quản lý chồng chéo, các chính sách ưu tiên ưu đãi cho sự nghiệp phát triển du lịch vấp phải những rào cản bởi hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Sau khi Luật Du lịch ra đời 2005, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao cho Sở Thương Mại - Du lịch ( nay là sở VHTTDL) triển khai thực hiện công tác quản lý, quy hoạch du lịch trong tỉnh theo đúng văn bản hướng dẫn của Luật Du lịch.

 Trong công tác chỉ đạo triển khai: Năm 2008 UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định tách Sở Thương mại-Du lịch. Bộ phận Thương mại sát nhập với Sở Công nghiệp để thành Sở Công thương, theo Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 31 tháng 03 năm 2008 của UBND tỉnh Bắc Giang. Bộ phận Du lịch còn lại sát nhập vào Sở Văn hóa -Thông tin và Sở Thể dục - Thể thao trở thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo QĐ số 56/2008/QĐ-UBND ngày 30/6/2008. Từ khi Luật Du lịch ra đời, Sở Thương Mại - Du lịch nay là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời lồng ghép tuyên truyền phổ biến Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các chương trình hoạt động văn hóa, thể thao du lịch ở cấp huyện và cấp tỉnh (trong 10 năm có trên 650 buổi tuyên truyền).
Trong những năm qua Sở VHTTDL và các huyện, thành phố đã tham mưu ban hành quy hoạch, kế hoạch, chương trình thực hiện công tác phát triển du lịch của địa phương. Năm 2011 thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TU ngày 22/02/2011 của Tỉnh ủy về việc ban hành 5 Chương trình phát triển kinh tế- xã hội trọng tâm giai đoạn 2011-2015, ngày 12/9/2011 Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1266/QĐ-UBND kiện toàn lại BCĐ Phát triển Du lịch tỉnh giai đoạn 2011-2015 gồm 18 thành viên thuộc các sở, ngành; đ/c Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng BCĐ, đ/c Giám đốc Sở VHTTDL làm Phó Trưởng Ban thường trực. Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, ngày 04/11/2011 Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2624/KH-BCĐ về triển khai Chương trình phát triển Du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015; đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai kế hoạch phát triển du lịch tới các huyện, thành phố; chỉ đạo và triển khai kịp thời văn bản về lĩnh vực du lịch đến các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. Các sở, ngành thành viên BCĐ tỉnh và các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch theo từng năm; báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh theo quy định. 

*Công tác tuyên truyền, phổ biến: Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền như: phổ biến về các quy định của Luật Du lịch và các thông tư, nghị định, quy định về du lịch như: Thông tư số 88/2008/TT-BVHTTDL, Thông tư số 89/2008/TT-BVHTTDL, Nghị định 92/2007/NĐ-CP và Nghị định 180/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12/3/2012 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch. Triển khai Quyết định số 225/QĐ-TCDL của Tổng cục Du lịch ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch đến các địa phương và các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

* Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch: Để hoạt động du lịch phát triển tốt và hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tại Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 có chức năng: tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch; hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch ở trong và ngoài nước; triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh; tiếp nhận và quản lý các nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang từ các tổ chức trong nước và quốc tế và Nhiệm vụ như: Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về thông tin xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh; Chủ trì thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh; Phối hợp xây dựng phim du lịch, chuyên trang, chuyên mục du lịch trên các Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh và Trung ương theo kế hoạch được phê duyệt; tổ chức xây dựng, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch; biên tập, phát hành bản tin du lịch của ngành; Cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp về thông tin thị trường và sản phẩm du lịch; lập các dự án đầu tư du lịch ở tỉnh Bắc Giang; tư vấn và tổ chức cho các doanh nghiệp du lịch Bắc Giang đi khảo sát nghiên cứu thị trường, tư vấn trong việc đặt chi nhánh, đại diện du lịch ở trong nước và quốc tế; làm đầu mối trong các chương trình hợp tác về du lịch; Tổ chức các lớp tập huấn về tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị du lịch. Hướng dẫn ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực du lịch ở địa phương; Nghiên cứu, thí điểm, xây dựng các sản phẩm du lịch; Xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Qua thời gian hoạt động, Trung tâm đã chủ động tham mưu và thực hiện được một số nội dung công việc như: Triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng các nội dung tuyên truyền quảng bá để thu hút các nhà đầu tư vào du lịch Bắc Giang. Làm biển quảng cáo tấm lớn tại trục đường QL1A; xây dựng trang thông tin điện tử website dulichbacgiang.gov.vn, để cung cấp các thông tin và giới thiệu hình ảnh du lịch tỉnh Bắc Giang cho du khách và độc giả gần xa; rà soát, chọn lọc thông tin, hình ảnh đặc sắc để dịch sang tiếng Anh đăng tải trên website du lịch; thường xuyên tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo gắn với quảng bá xúc tiến du lịch, hội chợ về khoa học công nghệ. Tham mưu Sở VHTTDL tổ chức các hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư du lịch, như hội thảo “Du lịch Bắc Giang - Tiềm năng và phát triển”, hội thảo “Chiến lược phát triển thị trường du lịch sinh thái Khe Rỗ”, hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Bắc Giang - Hà Nội - Lạng Sơn”; tọa đàm về “Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch bền vững”; về phát triển khu văn hóa Tâm linh Tây Yên Tử; hội thảo “Liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Hải Dương - Quảng Ninh”, Hội thảo “ Xây dựng phát triển sản phẩm Văn hóa - Sinh thái hệ thống danh thắng vùng Yên Tử”.... Phối hợp, tư vấn cho tổ chức GTV (Ý) tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển thị trường du lịch sinh thái Khe Rỗ”; tổ chức “tour du lịch cộng đồng thử nghiệm” tại Khe Rỗ, xã An Lạc, huyện Sơn Động và tổ chức các đoàn đi khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch cộng đồng cho cán bộ quản lý, đại diện các hộ dân tại các khu, điểm có tài nguyên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Nam Định...
Xây dựng Đề án tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch giai đoạn 2012-2015; Đề án Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2014-2020, xây dựng Đề tài khoa học “Nghiên cứu tiềm năng, đề xuất phương án xây dựng mô hình quản lý phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa sinh thái và phát triển kinh tế bền vững tỉnh Bắc Giang”. Xuất bản sách “Du lịch Bắc Giang”, “Non nước Bắc Giang”; phối hợp mở chuyên trang du lịch tại Báo Bắc Giang; làm phim về du lịch Bắc Giang, phát sóng loạt ký sự “Khám phá Tây Yên Tử”; phát động và tổ chức thành công cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) tỉnh Bắc Giang...
Tư vấn, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, mở trang thông tin điện tử chuyên về du lịch; hiện nay trang thông tin điện tử về du lịch Bắc Giang đã được liên kết với hầu hết các trang thông tin du lịch các tỉnh bạn.

*Về nguồn nhân lực du lịch: Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch: Trước khi sáp nhập, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của Sở Thương mại và Du lịch có 1 Lãnh đạo Sở phụ trách về lĩnh vực du lịch; 1 phòng Quản lý Du lịch với 4 công chức; 1 phòng Thông tin, Xúc tiến Thương mại và Du lịch. Hiện nay Sở VHTTDL có 1 Lãnh đạo Sở phụ trách công tác du lịch, phòng Quản lý Du lịch với 6 công chức, năm 2009 thành lập Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch, với số biên chế hiện tại là 7 người. Tại các huyện, thành phố công tác quản lý du lịch thuộc phòng Văn hóa Thông tin. Năm 2013 thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang với 105 hội viên.
*Công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực du lịch: Sở thường xuyên cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, nên năng lực công tác của cán bộ, công chức trong ngành từng bước được nâng cao. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh giai đoạn 2013-2016. Đến nay, đã tổ chức 25 lớp tập huấn với trên 2400 lượt cán bộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong đó có 14 lớp tập huấn kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú du lịch và nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, cho hơn 1000 lượt là cán bộ phụ trách về du lịch của các huyện, thành phố; giám đốc, người quản lý, trư¬ởng các bộ phận và nhân viên làm việc trực tiếp trong các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; tổ chức 10 lớp tập huấn nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch cho gần 800 người là cán bộ phụ trách về du lịch của phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao các huyện, thành phố, Ban quản lý các khu, điểm du lịch, Ban Quản lý Di tích, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho hơn 300 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch toàn tỉnh thu hút gần 600 học viên.

Bên cạnh đó một số huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người làm công tác du lịch như huyện Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa...; các doanh nghiệp du lịch đã chủ động mời các trường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động làm việc tại đơn vị như: lớp nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng; lớp hát then - đàn tính cho đội văn nghệ xã An Lạc, Vân Sơn, huyện Sơn động, hát quan họ cho 10 huyện, thành phố, lớp ca trù cho huyện Yên Dũng...
* Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch Sở Thương mại và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1997-2010; chọn khu du lịch sinh thái Suối Mỡ làm khu du lịch đầu tiên của tỉnh để lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch do Sở TMDL làm chủ đầu tư.
Năm 2010 Sở VHTTDL tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong 10 năm qua đã hoàn thành trên 10 dự án đầu tư xây dựng vào du lịch do Sở TMDL và Sở VHTTDL làm chủ đầu tư, nổi bật là dự án hạ tầng khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám; dự án đường và hạ tầng bên ngoài chùa Bổ Đà; dự án hạ tầng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; dự án hạ tầng khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử.
* Công tác đầu tư phát triển du lịch: Về đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, điểm du lịch: Đến 2015, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch là 116,5 tỷ đồng cho các dự án đầu tư xây dựng công trình như hạ tầng khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám 2,5 tỷ đồng; đường và hạ tầng bên ngoài chùa Bổ Đà giai đoạn 2012-2016, tổng mức đầu tư 55,8 tỷ đồng; dự án hạ tầng Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, tổng mức đầu tư 47,3 tỷ đồng; dự án hạ tầng khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử, tổng mức đầu tư 10,9 tỷ đồng.
Về tôn tạo, chống xuống cấp tài nguyên du lịch: Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa cho các công trình văn hóa kết hợp du lịch trên 57 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp cho công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa, hàng năm ngân sách tỉnh cũng bố trí từ nguồn sự nghiệp khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ chống xuống cấp cho 20-25 di tích cấp tỉnh.
Về kết cấu hạ tầng giao thông: Hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 292 đoạn km 26 đến ngầm Tam Kha (Yên Thế) để vào khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Hoàng Hoa Thám, phát triển sang tỉnh Thái Nguyên; ĐT 295 đoạn Bến Tuần - Cao Thượng (Tân Yên) để vào khu di tích cây Dã Hương ngàn năm tuổi huyện Lạng Giang; tuyến Đình Nẻo - Phúc Lâm (vào khu di tích chùa Bổ Đà, Việt Yên); ĐT 398 đoạn từ thị trấn Neo đến QL1A (vào khu di tích chùa Vĩnh Nghiêm); ĐT 295 đoạn Bảo Lộc đi thị trấn Vôi và mở rộng nút giao với đường sắt tại thị trấn Vôi (vào khu di tích cây Dã Hương ngàn năm tuổi); tuyến Thắng - Vát, Lữ Vân - Dĩnh, xây dựng cầu Đông Xuyên và đường dẫn lên cầu (vào ATK Hiệp Hòa). Sửa chữa QL37 đoạn km 34 đến km 39, km 39 đến km 46 (vào Khu du lịch Suối Mỡ huyện Lục Nam và sang Khu di tích huyện Yên Thế). Cải tạo, nâng cấp đường nối ĐT 398 với QL18 (vào Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng); nâng cấp ĐT 398 đoạn từ Đồng Việt đến thị trấn Neo.
Đối với việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường 293 - “Con đường tâm linh” nối thành phố Bắc Giang qua địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động với vùng núi Yên Tử - Đông Triều (Quảng Ninh), đây là trục đường chính trong hệ thống du lịch Tây Yên Tử, có tuyến chính dài 73,3 km, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng và đã hoàn chỉnh một số tuyến chính và tuyến nhánh.
Về thu hút đầu tư phát triển du lịch: Tính đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút được trên 20 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong đó: Tháng 9/2013, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Mường Thanh xây dựng tổ hợp khách sạn Mường Thanh Bắc Giang với tổng mức vốn đầu tư 300 tỷ đồng (đã hoạt động từ tháng 10/2014); Dự án tổ hợp sân golf Yên Dũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; Trung tâm thương mại BigC đưa vào sử dụng tháng 11/2014; dự án Siêu thị CoopMart đưa vào sử dụng đầu năm 2015; đồ án quy hoạch du lịch sinh thái và tâm linh Tây Yên tử do Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử đang triển khai lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch các điểm chùa khu vực Đồng Thông - Tây Yên Tử (tháng 5/2014 đã tổ chức lễ đặt đá); Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đang xây dựng và hoàn thiện một số hạng mục (Kinh phí xây dựng chủ yếu thực hiện theo hình thức xã hội hóa). Đây sẽ là các dự án góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Số lượng khách du lịch đến Bắc Giang: Giai đoạn 2005-2010 số lượng khách du lịch đạt 620.330 lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 609.000 lượt khách, khách quốc tế đạt 11.223 lượt khách, doanh thu đạt 247.2 triệu đồng.
Giai đoạn 2011-2015 số lượng khách du lịch đạt 1.352.110 lượt khách tăng 179,6% so với giai đoạn 2005-2010, trong đó khách nội địa đạt 1.326.110 lượt khách tăng 177,5% so với giai đoạn 2005-2010, khách quốc tế đạt 26.000 lượt khách tăng 131,7% so với giai đoạn 2005-2010, doanh thu đạt 714,5 tỷ đồng tăng 189,0% so với giai đoạn 2005-2010.
Năm 2015, số lượng khách du lịch đạt 408.600 lượt, trong đó khách nội địa đạt: 402.300 lượt, khách quốc tế đạt: 6.300 lượt, doanh thu đạt 262,2 tỷ đồng.
* Công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch :
Về cơ sở lưu trú du lịch: Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, chủ yếu là tăng số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn. Năm 2005 toàn tỉnh có 61 cơ sở với 94 buồng nghỉ đến năm 2010 có 240 cơ sở với 350 buồng nghỉ, đến năm 2015 có 316 cơ sở lưu trú du lịch với 4.250 buồng nghỉ (trong đó có 1 KS 4 sao với 195 buồng; 6 KS đạt tiêu chuẩn 2 sao với 190 buồng; 14 KS 1 sao với 219 buồng); đến nay Sở VHTTDL đã thẩm định, công nhận loại hạng cho 281/316 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch.
Về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành: Toàn tỉnh hiện có 73 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành. Trong đó có trên 20 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên, có 4 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hoàng Long, Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Du lịch Quốc tế Đình Anh, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Ninh, Công ty cổ phần khách sạn Hữu Nghị Minh Trung).
Sở VHTTDL đã thực hiện tốt việc cấp thẻ Hướng dẫn viên và Thuyết minh viên du lịch, đến nay đã cấp, cấp đổi, cấp lại được 186 thẻ HDVDL, trong đó có 170 thẻ HDV du lịch quốc tế và 16 thẻ HDV du lịch nội địa.
* Công tác bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch: Trên cơ sở Luật Du lịch và các văn bản, quy định về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch số 64/KH-SVHTTDL ngày 18/7/2014 về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề, khu, điểm du lịch. Một số tổ chức, cá nhân đầu tư vào các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch đã thực hiện việc đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch được quan tâm, chú trọng.
* Hợp tác quốc tế về du lịch: Năm 2010 Dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng do Tổ chức GTV (Ý) tài trợ với tổng số vốn là: 180 nghìn EURO, địa điểm triển khai dự án xã An Lạc, huyện Sơn Động, thời gian thực hiện dự án khoảng 2 năm, đến nay đã hoàn thành đạt kết quả tốt, dự án đó đã tạo tiền đề cho mô hình phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang hiện nay. Năm 2013 Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch đã ký Biên bản làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững ( CSDS) thường xuyên tổ chức, đưa đón các đoàn tình nguyện, thiện nguyện quốc tế tham gia các chương trình bảo vệ, làm vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân làm du lịch, học ngoại ngữ tại xã An Lạc-Sơn Động...
*Công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố: Sở VHTTDL thường xuyên phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời những văn bản chỉ đạo của nhà nước về du lịch cho các thành phần tham gia kinh doanh du lịch trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các ngành thành viên BCĐ phát triển du lịch tổ chức quản lý các khu điểm du lịch, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch phục vụ tốt khách du lịch, đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, chủ động trong việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch để phát triển đa dạng các loại hình du lịch đặc biệt là du lịch văn hoá và du lịch sinh thái, như phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định một số đồ án, dự án phát triển du lịch, phối hợp với Sở Công thương trong việc tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm du lịch của tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường trong việc bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, phối hợp với huyện Lục Nam xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái tại Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Sơn Động xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã An Lạc, phối hợp với huyện Lục Ngạn xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Am Vãi...
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố thành lập hệ thống quản lý du lịch tại địa phương như việc thành lập BQL các khu, điểm du lịch như: năm 2006 thành lập BQL khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam, năm 2012 thành lập Ban Quản lý di tích huyện Yên Dũng, BQL di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám huyện Yên Thế.
*Công tác thanh tra, kiểm tra: Hàng năm Thanh tra Sở VHTTDL thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các khu, điểm du lịch vào thời điểm tổ chức lễ hội, ngày lễ tết, ngày nghỉ để nâng cao tính chấp hành của các cơ sở tại các điểm du lịch, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, chặt chém, đeo bám, ép khách du lịch... chủ trì, phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành 814 tỉnh, huyện, thành phố kiểm tra 187 lượt lễ hội trọng điểm của tỉnh, 791 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 103 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 545 triệu đồng nộp Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Năm 2015 kiểm tra Công ty Cổ phần khu du lịch Đường Việt tại Khe Rỗ huyện Sơn Động theo sự phản ánh của dư luận về việc thu phí không đúng quy định, lập biên bản nhắc nhở chấn chỉnh đối với Công ty; kiểm tra và xin ý kiến chỉ đạo kiểm tra về hình thức kinh doanh Công ty CP Du lịch Hoàng Ninh.
Tóm lại, từ khi Luật Du lịch ra đời đã tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên lĩnh vực du lịch. Nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò đối với phát triển du lịch được nâng lên và có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hình ảnh Bắc Giang đã có nhiều thay đổi, được quảng bá rộng rãi, được người dân trong và ngoài nước quan tâm. Từng bước thực hiện có hiệu quả việc liên kết phát triển du lịch giữa Bắc Giang và các tỉnh, thành phố khác. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch được quy định đầy đủ, chi tiết tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch. Ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về du lịch của các thành phần kinh doanh du lịch ngày càng được nâng lên rõ rệt; an ninh trật tự trong hoạt động du lịch được bảo đảm./. 
 Bài: Trần Anh Tuấn 
 Trung tâm Thông tin XTDL
Ngày cập nhật: 22/02/2016 Lượt xem: 545