Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Ngành Du lịch phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Ngành Du lịch phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, ngành Du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng.

Nỗ lực của toàn ngành

Thực hiện Công điện số 381/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2022, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các Sở quản lý du lịch trên cả nước tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch. Tại nhiều địa phương, các Sở quản lý du lịch đã ban hành văn bản quán triệt tới các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch trong dịp lễ 30/4 - 1/5. Các đoànthanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch đã được thành lập nhằm duy trì chất lượng dịch vụ, kiểm tra kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn phòng, chống cháy nổ, các quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá… Các địa phương cũng tăng cường hoạt động các đường dây nóng 24/24 tiếp nhận phản ánh của du khách, do đó tạo được sự ổn định, không có tình trạng tăng giá, chặt chém du khách diễn ra trong dịp nghỉ lễ.

 

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cầu kính Bạch Long (Sơn La)
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cầu kính Bạch Long (Sơn La)

Cùng với đó, ngày 26/4/2022, Bộ Y tế đã có văn bản số 2118/BYT-DP gửi các địa phương yêu cầu bỏ tờ khai y tế chung tại tất cả cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4, đã tạo điều kiện thuận lợi, gỡ bỏ rào cản cho du khách quốc tế đến Việt Nam.

Thực tế cho thấy, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày, cùng vào thời điểm đầu hè thích hợp cho những chuyến đi chơi cùng gia đình, hội nhóm,… đã tạo điều kiện thuận lợi để du lịch tái khởi động trở lại. Các địa phương trên cả nước đã tăng cường liên kết; xây dựng sản phẩm du lịch mới, chỉnh trang lại không gian tại các cơ sở lưu trú và khu điểm du lịch để thu hút du khách. Các Sở quản lý du lịch giám sát nghiêm hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhận trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều sự kiện, hoạt động du lịch quy mô: lễ hội Tháp bà Ponagar, biểu diễn nghệ thuật đường phố, biểu diễn hô hát bài chòi tại Khánh Hòa; lễ hội diều, lễ hội thể thao biển, cuộc thi đắp tượng cát, triển lãm ảnh, khai trương khu phố du lịch, bãi biển đêm tại Đà Nẵng; lễ hội mùa hè, tái hiện chợ tình, trưng bày không gian thổ cẩm và hoa, hội thổ cẩm – quà tặng, canaval đường phố; lễ hội Vó ngựa trên mây tại Lào Cai; khai trương phố đi bộ tại Sơn Tây, lễ hội quà tặng tại Hà Nội... Các doanh nghiệp cũng tích cực vào cuộc cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, từ đó thu hút khách du lịch đến, tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại: khai trương tour đạp xe “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”, khởi động lại tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” (Hà Nội); “Ngắm TP. Hồ Chí Minh từ trên cao”, “Du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” (TP. Hồ Chí Minh); “Festival Áo dài” (Quảng Ninh); “Cầu kính Bạch Long” (Sơn La)...

Dấu hiệu khởi sắc

Hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch. Thực tế cho thấy, nhu cầu đi du lịch của người dân sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19 là rất cao. Điều này càng khẳng định rõ khách du lịch bước đầu đã vượt qua sự e dè, lo ngại về dịch bệnh để tham gia các hoạt động du lịch trong nước.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ngành Du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Nhiều địa phương đã đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ năm 2021: Thanh Hoá (898.000 lượt khách, tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng); TP. Hồ Chí Minh (620.000 lượt khách, tổng thu từ khách đạt 1.610 tỷ đồng); Hà Nội (550.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước trên 1.500 tỷ đồng); Cần Thơ: (395.000 lượt khách, tổng thu đạt 181 tỷ đồng); Khánh Hoà (275.500 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 529 tỷ đồng); Lâm Đồng (130.000 lượt khách, doanh thu đạt 234 tỷ đồng); Quảng Trị (70.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 50 tỷ đồng)...

Biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông kín khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông kín khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách quốc tế đến các địa phương tuy chưa như mong đợi, nhưng đã cho thấy tín hiệu tốt của thị trường inbound, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đón khách quốc tế vào Việt Nam. Tại một số địa phương du lịch trọng điểm, công tác đón và phục vụ khách quốc tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Có thể kể đến như Đà Nẵng đón và phục vụ khoảng 7,4 nghìn lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021; Hải Phòng đã đón 4,5 nghìn lượt... Thị trường outbound cũng khởi sắc hơn; thị trường được du khách lựa chọn là Dubai, UAE (tổng tháng 3-4/2022 khoảng 5.000 khách). Một số thị trường khác đều bắt đầu mở lại từ giữa và cuối tháng 4/2022 như Thái Lan, Singapore, Malaysia, EU...; chủ yếu vẫn là khách đi công tác kết hợp du lịch.

Các cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch đã thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ du khách. Một số khu, điểm du lịch thu hút lượng lớn du khách tham quan như: Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội): đón 40.000 – 50.000 lượt khách; bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón hơn 700.000 lượt; Khu du lịch Sunworld – Bà Nà Hill (Đà Nẵng) đón hơn 30.000 lượt khách… Các doanh nghiệp cũng phục vụ hàng ngàn lượt khách: Saigontourist đã phục vụ 30.000 - 50.000 lượt khách nội địa; Vietravel, Vietnam Travelmart đã phục vụ gần 50 đoàn khách nội địa, tương đương 4.000 lượt; Fiditour có số lượng khách đặt và sử dụng tour tăng 30-40% so với cùng kỳ năm 2021... Công suất sử dụng buồng, phòng ở các cơ sở lưu trú đạt mức cao, từ 75-90%. Cá biệt, các khách sạn cao cấp thuộc chuỗi FLC Group Hotels & Resort tại Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa,… đều có công suất trên 90%; Legacy MGalery Hotel Yên Tử Quảng Ninh) công suất sử dụng đạt 100%.

Khách du lịch tăng kéo theo hoạt động vận chuyển cũng tăng mạnh. Các hãng hàng không lớn trong nước đều đồng loạt tăng chuyến, tăng giờ bay trên tất cả các chặng bay nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân dịp nghỉ lễ. Các hãng khai thác gần 1.000 chuyến bay/ngày, tương đương thời kỳ chưa bị ảnh hưởng dịch. Tỷ lệ đặt chỗ bình quân các chuyến bay nội địa đã đạt trên 70%, các chuyến bay kết nối Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi các điểm du lịch lấp đầy trên 80%. Chỉ riêng trong ngày 3/5, sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã đón gần 174.000 hành khách, với các khung giờ cao điểm liên tiếp từ 12h00 đến 18h00. Ngành đường sắt cũng đã chạy tăng cường thêm 25 đoàn tàu, tập trung các chặng từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh như Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên Huế; mô hình tàu thuê nguyên chuyến (tàu charter) đã phát huy hiệu quả bước đầu thu hút khách du lịch tại một số địa phương miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình. 

Theo TCDL

Ngày cập nhật: 06/05/2022 Lượt xem: 524