Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Người trẻ Việt quảng bá du lịch bằng công nghệ và sáng tạo

Người trẻ Việt quảng bá du lịch bằng công nghệ và sáng tạo

Ứng dụng công nghệ số và sáng tạo nghệ thuật được coi là một trong những cách tiếp cận vô cùng hiệu quả để quảng bá hình ảnh của Việt Nam, giúp phục hồi ngành Du lịch chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong những năm qua. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Lê Phúc đã có buổi chia sẻ với Tạp chí Du lịch thể hiện ngành Du lịch đã sớm chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch.

 

Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc

 

PV: Xin chào Phó Tổng cục trưởng. Ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ và sáng tạo trong việc phát triển ngành Du lịch?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành Du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục lại thị trường và phát triển bền vững hơn.

Hiện tại chúng ta có thể thấy, các khách hàng sử dụng điện thoại thông minh trong mọi tác vụ. Họ có thói quen tìm hiểu thông tin trên mạng trước khi quyết định du lịch chứ không còn phụ thuộc vào quảng cáo, mời chào. Họ cũng có thể đặt chỗ trực tuyến, phản ánh ý kiến qua các kênh review online….

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ đang trở thành bộ phận khách hàng tiềm năng trong tương lai. Với đối tượng này, mạng xã hội và văn hóa đại chúng là những kênh truyền thông phù hợp nhất. Đôi khi chỉ cần một video hình ảnh đẹp và truyền cảm hứng cũng đủ để các bạn trẻ quyết định “xách ba lô lên và đi”. Vậy nên, công nghệ số và sáng tạo nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi diện mạo ngành Du lịch Việt Nam trong mắt những khách hàng trẻ trong và ngoài nước.

 

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cùng các đại biểu tại buổi họp báo ra mắt chiến dịch “Ngân nga Việt Nam”
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cùng các đại biểu tại buổi họp báo ra mắt chiến dịch “Ngân nga Việt Nam”

 

PV: Thưa Phó Tổng cục trưởng, việc những người trẻ quảng bá du lịch thông qua sản phẩm nghệ thuật hoặc nội dung trên mạng xã hội có ý nghĩa như thế nào trong việc phục hồi, phát triển ngành Du lịch?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Sản phẩm nghệ thuật truyền thống là nét đặc trưng của mỗi quốc gia, là một tài nguyên du lịch quý giá. Với sự phát triển của công nghệ, nhất là với sự có mặt của các nền tảng giải trí qua video ngắn trên mạng xã hội, việc quảng bá du lịch qua văn hoá vì thế trở nên dễ dàng hơn.

Đặc biệt, với những giai điệu âm nhạc truyền thống, các bạn trẻ có những cách tìm hiểu và biểu đạt, quảng bá mới hơn, rộng hơn. Và khi những người trẻ quảng bá quê hương trong các tác phẩm của mình, họ gửi gắm trong đó tình yêu đất nước của mình, và đem đến một góc nhìn chân thực, mộc mạc, gần gũi về thiên nhiên, con người Việt Nam. Điều này có sức truyền tải rất lớn, bởi người xem sẽ dễ dàng đồng cảm hơn với những câu chuyện được kể từ góc độ cá nhân hơn là hình ảnh quảng cáo chau chuốt và các thông điệp mang tính “đao to búa lớn”.

Do đó, sức sáng tạo của người trẻ thông qua các video ngắn trên mạng xã hội với những nội dung gắn liền với văn hóa truyền thống sẽ là công cụ đắc lực trong việc lan tỏa cảnh đẹp, văn hóa của dân tộc, địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế, trong bối cảnh quảng bá du lịch trực tuyến đã trở thành một xu hướng tất yếu như hiện nay.

PV: TCDL đã làm gì để kêu gọi sự tham gia của thế hệ trẻ trong việc tận dụng hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo nghệ thuật vào quảng bá du lịch, thưa Phó Tổng cục trưởng?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, ngành Du lịch đã sớm chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Trong thời gian qua, TCDL đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; hệ thống thẻ-vé điện tử; Thẻ du lịch thông minh; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide); kênh truyền thông trên các nền tảng số; truyền thông trên nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok...

Những hoạt động ứng dụng công nghệ, sáng tạo đã góp phần hồi phục ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian qua thể hiện qua việc Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng của WTA châu Á và châu Đại dương. Cụ thể Việt Nam 4 lần được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á (các năm 2018, 2019, 2021, 2022), khẳng định thương hiệu và vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (các năm 2017, 2021, 2022), ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ và đầy hiệu quả của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong thúc đẩy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của Du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, Chiến dịch TikTok #NganNgaVietNam được TCDL phối hợp cùng TikTok và Hiệp hội Du lịch Việt Nam công bố ngày 30/8 vừa qua là một ví dụ tiêu biểu về thành công của TCDL khi ứng dụng yếu tố công nghệ và sáng tạo, sử dụng chính khả năng sản xuất nội dung đa dạng của TikTok để thu hút lượng người xem khổng lồ trên nền tảng này, hầu hết là những người trẻ ở khắp nơi trên thế giới.

 

 Các bạn trẻ tự tin trong bộ trang phục truyền thống hưởng ứng tham gia chiến dịch “Ngân nga Việt Nam”
Các bạn trẻ tự tin trong bộ trang phục truyền thống hưởng ứng tham gia chiến dịch “Ngân nga Việt Nam”

 

Đến nay, sau hơn 2 tháng khởi động, hashtag #NganNgaVietNam trên nền tảng TikTok đã đạt tới hơn 191,2 triệu lượt xem, thu hút lượng lớn các nhà sáng tạo nội dung trẻ thực hiện video quảng bá phong cảnh, ẩm thực, văn hóa Việt trên nền nhạc phối giữa 3 làn điệu Quan họ, Cải lương, Ca Huế. 

Trước đó, năm 2019, TCDL và TikTok cũng đã hợp tác khởi động chương trình quảng bá du lịch Việt Nam bằng công cụ video, chương trình #HelloVietnam. Mặc dù bị ảnh hưởng của COVID-19, nhưng qua hơn 2 năm các bên đã thực hiện được nhiều chiến dịch truyền thông cho các địa phương như #HelloVietnam, #HelloDanang, #HelloNinhbinh và #HelloQuangNam… đều được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng.

Ngày 11/5/2022, TCDL cũng đã có buổi làm việc với đại diện TikTok Đông Nam Á và Discovery Châu Á - Thái Bình Dương về kế hoạch hợp tác truyền thông quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Và tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 12 triệu người dùng hoạt động hằng tháng trên TikTok. Với ưu thế của TikTok cùng với việc tận dụng sự hiểu biết của thế hệ trẻ về công nghệ và sáng tạo sẽ là điều kiện thuận lợi để bổ sung một công cụ, giải pháp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh Việt Nam; là điều kiện lý tưởng để quảng bá điểm đến, góp phần thu hút du khách quốc tế đến nước ta ngày một nhiều hơn, đem lại hiệu quả tích cực cho việc phát triển du lịch.

PV: Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!

Theo TCDL
Lượt xem: 1677