Du lịch văn hóa đang là một xu hướng phát triển phổ biến và được chú trọng trên thế giới và ở Việt Nam.Theo luật Du lịch du lịch văn hóa là “loại hình du lịch dựa vào việc khai thác các giá trị di sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nền văn hóa dân tộc, có sự tham gia của đông đảo cộng đồng”.Như vậy, di sản văn hóa là nhân tố cơ bản trong phát triển du lịch văn hóa.
Trong những năm vừa qua, nắm bắt xu thế của phát triển, tỉnh Bắc Giang đã có những bước đi rất tích cực trong đón đầu xu thế, tập trung đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó du lịch văn hóa được đặc biệt quan tâm. Tại Nghị Quyết số 44-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020 đã xác định ba mục tiêu để phát triển du lịch trong đó có: “ Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể nhất là Quan họ, Ca trù, Hát Then, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Xây dựng các sản phẩm du lịchcó thế mạnh, trong đó tập trung phát triển ba sản phẩm du lịch là: Văn hóa- tâm linh, lịch sử- văn hóa, sinh thái – nghỉ dưỡng. Xây dựng thương hiệu Tây Yên Tử, tạo sản phẩm du lịch đối với bg ”. Như vậy có thể khẳng định: Các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã rất coi trọng nguồn lực văn hóa cho xu hướng phát triển du lịch của địa phương. Di sản văn hóa góp phần hình thành xu hướng phát triển du lịch trên thế giới.Ngày nay, trong xã hội công nghiệp hiện đại, khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, con người có điều kiện và nhu cầu muốn được hưởng thụ văn hóa nhiều hơn.Di sản khi được quan tâm, tìm hiểu thì đó chính là môi trường cho di sản được “sống”.Ngược lại, di sản văn hóa càng phong phú, đa dạng độc đáobao nhiêu thì nó lại càng có sức hấp dẫn khách du lịch bấy nhiêu. Do vậy, nơi nào có nhiều di sản văn hóa thì nơi đó sẽ có cơ hội thu hút được nhiều khách du lịch.
Ở Bắc Giang – một vùng đất cổ với truyền thống văn hóa lâu đời, các yếu tố di tích, văn hóa cổ truyền trải dài với mật độ đậm đặc trên mảnh đất nơi bờ Bắc con sông Cầu thơ mộng. Nằm cách Hà Nội khoảng 50km, làng cổ Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, được coi là mảnh đất “địa linh nhân kiệt," nổi tiếng trong cả nước với nghề làm gốm và quần thể kiến trúc cổ thuần Việt mang đậm dấu ấn của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Trong rất nhiều di sản của làng cổ Thổ Hà dân ca quan họ là thứ dễ khiến du khách say đắm nhất. Bằng lối chơi giản dị của lề lối cổ xưa, các liền anh, liền chị nơi đây đã tạo nên chất riêng cho quan họ bờ Bắc sông Cầu. Theo các nhà nghiên cứu thì Quan họ Thổ Hà có từ lâu đời và hiện vẫn được gìn giữ theo lối cổ. Người xưa cũng đã có câu: “Về Thổ Hà mới ra Quan họ” là có ý để nói về lối chơi Quan họ cổ. Nếu như ngày nay chúng ta quen nghe Quan họ có nhạc đệm thì Quan họ Thổ Hà thuần chất là lốihát chay và cảnh hát chào bạn trên sông. Nghề chơi Quan họ ở Thổ Hà thể hiện một văn hóa ứng xửthanh tao, tế nhị, chân tình và khiêm nhường, có lề có lối và đắm đuối hết lòng…
Ngày nay khi kinh tế thị trường phát triển, tuy cũng có ảnh hưởng làm mai một đi ít nhiều.Song dù cuộc sống thường nhật có đổi thay, Người Thổ Hà vẫn giữ luôn có ý thức giữ gìn những nét văn hóa cổ, làm vốn quý truyền đời cho con cháu.Hiện Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà vẫn được các liền anh liền chị gìn giữ nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ này. Nếu như đến Thổ Hà vào những ngày xuân du khách sẽ được hòa mình vào không khí hội xuân với các liền anh, liền chị xúng xính trong những bộ khăn áo mớ ba, mớ bẩy với nón thúng quay thao, áo the khăn sếp dập dìu những canh Quan họ thâu đêm, suốt sáng. Trong khung cảnh trầm mặc của những đình đền, chùa miếu, trong cảnh sắc nên thơ trên bến dưới thuyền của vùng quê Kinh Bắc, những làn điệu Quan họ được cất lên làm cho những ngày Xuân thêm phóng khoáng, hữu tình. Ngoài ra, quần thể di tích Thổ Hà bao gồm: Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam và được xếp hạng là di tích Kiến trúc, Nghệ thuật cấp Quốc gia, Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự” là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ 17, thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 72 vị tiên hiền…Lễ hội Thổ Hà được tổ chức hằng năm vào các ngày từ 19 đến 21 tháng giêng. Đây là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu, còn lưu giữ đầy đủ những nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Trong 3 ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: Hát quan họ trên sông Cầu, diễn tuồng, biểu diễn trống khai hội, tổ tôm điếm, chọi gà, trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, Bóng bàn, liên hoan hát quan họ truyền thống...đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến dự lễ hội và tham gia cùng địa phương. Từ năm 2012, lễ hội ở Thổ Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Mặt khác, làng Quan họ Thổ Hà đồng thời cũng là làng nghề truyền thống mà cho đến ngày nay, những sản phẩm như bánh đa, bánh tráng hay rượu làng Vân vẫn được thị trường ưa chuộng, cả nước biết đến. Việc khai thác cho khách du lịch tham gia tour tìm hiểu và trải nghiệm làng cổ với các nghề truyền thống như làm bánh đa, làm mỳ truyền thống ở Thổ Hà, nghề nấu Rượu làng Vân gắn liền với du lịch Quan họ sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của Thổ Hà.
Thổ Hà hội tụ đầy đủ các yếu tố di tích, làng nghề, di sản phi vật thể …Đây là nguồn tài nguyên văn hóa sống động vô cùng phong phú và độc đáo hội tụ trong một không gian cổ kính mang bản sắc đặc trưng của làng quê bắc bộ với cây đa, bến nước sân đình. Cùng những giá trị đã được thế giới công nhận Quan họ Thổ Hà nếu được khai thác trong không gian làng cổ sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt tạo nên thương hiệu để phát triển sản phẩm du lịch. Di sản văn hóa Quan họ Thổ Hà thực sự là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.Dựa vào di sản văn hóa Quan họ, tại Thổ Hà có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kết hợp hình thành các tour, tuyến du lịch phong phú. Có thể kết hợp tham quan di tích, tham dự lễ hội.
Để giá trị Quan họ nói chung, Quan họ làng Thổ Hà nói riêng được lưu giữ, bảo tồn và phục vụ cho phát triển du lịch cần các giải pháp đồng bộ và tích cực cả về phía chính quyền, nghành chủ quản và người dân địa phương đó là:
Để Quan họ Thổ hà giữ được bản sắc truyền thống, bên cạnh sự đam mê say cháy của những nghệ nhân làng cổ, Nhà nước, cơ quan quản lý văn hóa cần có các giải pháp hữu hiệu bảo tồn.Vận động, đầu tư kinh phí duy trì các Câu lạc Bộ, hội nhóm truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ, tạo niềm đam mê giữ lửa cho môn nghệ thuật truyền thống của cha ông.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về Quan họ trong không gian của làng cổ Thổ Hà, về sự độc đáo, riêng biệt của Quan họ cổ Thổ Hà so với các làng Quan họ khác, từ đó thu hút được sự tìm hiểu, khai thác về văn hóa Quan họ Thổ Hà để tạo hiệu ứng thu hút khách đến với Thổ Hà.
Không gian văn hóa truyền thống của Quan họ đó là cảnh sắc thiên nhiên, gắn với những di tích cổ của làng. Trong không gian trầm mặc đó Quan họ Thổ Hà càng phát huy cái hồn, cốt của người Quan họ, vì thế vấn đề đầu tư tôn tạo bảo tồn di tích cũng cần được quan tâm.
Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng cơ chế quản lý về lĩnh vực du lịch để tạo điều kiện cho địa phương trong vấn đề phát triển điểm đến làm sao tạo ra giá trị lợi ích cho người dân làng cổ để gắn được trách nhiệm bảo tồn văn hóa cổ với lợi ích kinh tế trong việc gìn giữ Quan họ cổ truyền thống.
Ngoài nguồn tài nguyên văn hóa thì các hệ thống hạ tầng đồng bộ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên làng Thổ Hà có địa thế nằm ven sông, đường giao thông chưa thuận tiện, đây cũng là một hạn chế cho phát triển du lịchdo đó chính quyền địa phương cần có phương án đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông để Thổ Hà có thể trở thành điểm đến thuận tiện cho du khách.
Ngoài ra vấn đề môi trường của làng nghề tại Thổ Hà cũng cần được tiếp tục quan tâm giải quyết nhằm tạo môi trường cho phát triển du lịch./.
Hà Yến