Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Phát triển du lịch văn minh, thân thiện

Phát triển du lịch văn minh, thân thiện

Ngay khi hoạt động du lịch phục hồi trở lại sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều dịch vụ được đầu tư nâng cao chất lượng hơn, nhằm tăng trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, thực tế đã có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến du lịch có hành vi “chặt chém” khiến du khách thất vọng. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng yêu cầu đặt ra là phải loại bỏ tình trạng này để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, với trọng tâm ứng xử văn minh, thân thiện và mến khách.

Khách du lịch tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Quang

Những hình ảnh xấu xí

Đầu năm 2022, ngay trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, khi lượng khách du lịch tăng cao, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ở một số địa phương tự ý nâng giá so với niêm yết, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như quán Gỗ Coffee ở quận Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh) tăng giá 100% vào tối mùng 1 Tết Nhâm Dần, tăng 50% vào ngày mùng 2 Tết, khiến nhiều du khách phản ứng. Hay Khu du lịch điện mặt trời An Hảo (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cũng tự ý tăng giá vé vào cửa gấp đôi vào ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần. Gây bức xúc nhất là việc chủ nhà hàng dưới chân đèo Rọ Tượng (xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã có hành xử thiếu văn hóa, "chặt chém" du khách vào sáng 9-2-2022.

Còn trong mùa du lịch hè 2022 này, hiện tượng “chặt chém” tiếp tục là mối băn khoăn lớn của nhiều du khách. Gây ồn ào nhất là một quán hải sản nổi tiếng ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã có hóa đơn thanh toán tới hơn 42 triệu đồng cho bữa ăn hải sản của một đoàn khách. Vụ việc dù đã được giải quyết, song hình ảnh của nhà hàng này đã bị giảm sút nghiêm trọng. Cũng tại Nha Trang, một nhà hàng khác bị du khách tố "chặt chém", bán giá 600.000 đồng cho ba suất mì xào bò là chủ đề được bàn tán nhiều trên mạng xã hội và báo chí, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thành phố biển miền Trung. Hay mới đây nhất, một du khách bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội, khi đi du lịch Đà Nẵng đã bị một người đánh giày “hét” giá 400.000 đồng để làm sạch một đôi giày.

Trong khi đó, tại Hà Nội, đầu tháng 7 vừa qua, vụ việc một lái xe taxi tự ý nâng giá cước 400.000 đồng khi chở một khách nước ngoài di chuyển từ khách sạn ở quận Hoàn Kiếm đến khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Thủ đô. Vụ việc ngay lập tức được cơ quan chức năng làm rõ và xử lý thỏa đáng, với mức phạt lên tới hơn 13 triệu đồng đối với tài xế taxi, đồng thời người này phải xin lỗi và hoàn tiền lại cho khách.

Đoàn Thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội lập biên bản, xử phạt lái xe taxi “chặt chém” du khách nước ngoài, tháng 7-2022.

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hoạt động du lịch đã sôi động trở lại, nhất là vào những kỳ nghỉ lễ và dịp nghỉ hè. Không ít nơi đã xảy ra tình trạng quá tải, dịch vụ không bảo đảm do không kiểm soát được lượng khách.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, những hiện tượng “chặt chém”, nâng giá, ứng xử không đúng với du khách chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng các địa phương cần nghiêm khắc xử lý để phát triển du lịch chuyên nghiệp. Các địa phương cần tổ chức đoàn thanh, kiểm tra liên ngành thường xuyên tới các cơ sở kinh doanh du lịch; yêu cầu các cơ sở niêm yết giá công khai, minh bạch; tuyên truyền cho hộ kinh doanh có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nhiều địa phương đã công khai số điện thoại “đường dây nóng” trên các phương tiện truyền thông. Hầu hết vụ việc đã được cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ và xử lý thỏa đáng. Vì vậy, khi gặp sự cố, du khách liên lạc ngay theo “đường dây nóng” để cơ quan chức năng giải quyết, thay vì sử dụng mạng xã hội gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ở góc độ lữ hành, Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, để tránh tệ nạn chặt chém, dịch vụ kém chất lượng, du khách cần lên kế hoạch du lịch cẩn thận, lựa chọn, tìm hiểu kỹ thông tin cơ sở dịch vụ có chất lượng, uy tín. Nếu đi đoàn đông, du khách nên lựa chọn một công ty du lịch uy tín để bảo đảm chất lượng dịch vụ trong mùa cao điểm. Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái đề nghị, không chỉ đơn vị kinh doanh du lịch cần có ứng xử thân thiện, lịch thiệp, mà ngay cả khách du lịch cũng nên có thái độ du lịch văn minh, góp sức trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường du lịch.

Tại Hà Nội, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch để bảo đảm giữ gìn môi trường du lịch ở các điểm đến và nhanh chóng giải quyết các kiến nghị, phản ánh của du khách. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng; hỗ trợ thông tin cho gần 400 lượt du khách; tiếp nhận 16 phản ánh, kiến nghị của khách du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở đã cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” cũng như Tổng đài hỗ trợ khách hàng 1800 556 896 hoạt động thường xuyên. “Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”, vì thế, công tác thanh, kiểm tra luôn được tăng cường và xử lý kịp thời những vụ việc mà du khách phản ánh”, bà Đặng Hương Giang khẳng định.

Theo HNM
Ngày cập nhật: 22/07/2022 Lượt xem: 523