Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những trụ cột đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, thời gian gần đây, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) bước đầu quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quảng bá, phát triển du lịch.
Nhiều tiện ích
Tháng 10/2020, Thành đoàn Bắc Giang phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Bắc Giang nghiên cứu, lắp đặt 2 điểm quét mã QR (mã vạch 2 chiều đáp ứng nhanh) tại Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, khi quét mã QR, sau vài giây, hàng loạt dữ liệu, như: Tờ gấp, sách về đền Xương Giang, phim hoạt hình “Chiến thắng Xương Giang” sẽ hiển thị trên màn hình để phục vụ du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin về lịch sử, văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
Du khách tham quan Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). |
Anh Vũ Tuấn Anh, Bí thư Thành đoàn Bắc Giang cho biết, trong năm nay, Thành đoàn sẽ lắp thêm 8 điểm quét mã QR tại một số điểm di tích trên địa bàn TP, như: Đình Vĩnh Ninh, đền Tân Ninh, chùa Kế, chùa Thành, chùa Dền... Công trình giúp du khách tiết kiệm thời gian, tiện lợi khi tìm hiểu thông tin du lịch, giảm chi phí so với những cách tuyên truyền, quảng bá du lịch truyền thống khác.
Tương tự, tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Việt Yên), dịp 26/3 vừa qua, Huyện đoàn phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện lắp đặt biển hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu về di tích qua quét mã QR trên ứng dụng Zalo. Khi truy cập vào đây, du khách được xem các tài liệu, video giới thiệu về chùa Bổ Đà, trong đó có bộ mộc bản, vườn tháp nổi tiếng cũng như lịch sử hình thành, phát triển của huyện Việt Yên mà không phải mất công tìm kiếm, tra cứu.
Xác định ứng dụng CNTT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quảng bá, phát triển du lịch, thời gian qua, nhiều DN, đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tích cực số hóa các dữ liệu nhằm khai thác, phục vụ hoạt động du lịch, nhất là việc quảng bá. Nếu như trước kia, khi đến tham quan điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh nào đó, khách có rất ít thông tin về địa điểm, đặc sản, nét văn hóa ở nơi đó thì nay nhờ ứng dụng công nghệ số giúp khách tiếp cận dễ dàng hơn.
Tìm hiểu tại các điểm như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), một số đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Thương mại du lịch quốc tế Đình Anh, Công ty TNHH Đầu tư phát triển du lịch quốc tế Tre Việt, Công ty cổ phần Giáo dục thương mại và Du lịch Việt Hưng hầu hết đã thiết lập các trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook để quảng bá hoạt động du lịch. Việc tương tác, phản hồi thông tin giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, kịp thời.
Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những trụ cột để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong du lịch sẽ là cầu nối đưa du khách đến với Bắc Giang nhiều hơn. |
Ví như Công ty TNHH Thương mại du lịch quốc tế Đình Anh khai thác tối đa hạ tầng công nghệ số để phục vụ hoạt động. Hiện trang Fanpage của công ty có gần 10 nghìn người theo dõi. Hình ảnh các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, giá vé máy bay, chi phí các tour du lịch… thường xuyên được cập nhật đăng tải. Hay như trang Facebook của Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hình ảnh về lễ hội, suối, thác, khu rừng nguyên sinh, video clip hát văn cũng như chương trình khuyến mại, giảm giá thường xuyên được chia sẻ.
Tích hợp dữ liệu
Có thể thấy, ứng dụng CNTT bước đầu được nhiều đơn vị, DN quan tâm thực hiện song theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc triển khai vẫn còn ở phạm vi hẹp, hiệu quả chưa thực sự như mong đợi. Nhiều DN, đơn vị làm du lịch chưa tích cực ứng dụng các phần mềm trong quản trị (quảng bá, kinh doanh, tiếp thị, quản lý..). Việc thiết lập, xây dựng các trang Fanpage, phần mềm để liên kết hoạt động ít được quan tâm. Nhiều khu, điểm tham quan chưa có mạng wifi để phục vụ du khách hoặc có song tốc độ đường truyền chậm, sóng yếu. Nguồn nhân lực về CNTT trong lĩnh vực du lịch còn thiếu và yếu…
Du khách quét mã QR tra cứu, tìm hiểu thông tin tại Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). |
Phát triển du lịch thông minh được xem là một trong những trụ cột để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cả về chiều sâu và chiều rộng. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong du lịch sẽ là cầu nối đưa du khách đến với Bắc Giang nhiều hơn.
Được biết, theo Kế hoạch tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Triển khai ứng dụng CNTT, từng bước số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, xúc tiến du lịch; nghiên cứu, xây dựng các phần mềm ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị di động. Thiết kế, xây dựng các ấn phẩm thông tin điện tử giúp du khách dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận tra cứu. Mặt khác, đề nghị nhà mạng lắp đặt trạm phát sóng 3G, 4G, 5G; các điểm phát wifi miễn phí ở khu vực trung tâm các huyện, TP, khu, điểm du lịch trong tỉnh chưa có sóng, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ nhân dân, du khách…
Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết, trong tháng 4/2021, dự án "Xây dựng và phát triển cổng du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang" sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là phần mềm được thiết kế cài đặt trên điện thoại thông minh do trung tâm phối hợp với VNPT Bắc Giang thực hiện và đã vận hành chạy thử nghiệm từ năm 2020.
Cổng du lịch thông minh tích hợp toàn bộ dữ liệu về hoạt động du lịch, giúp du khách, các DN lữ hành, nhà quản lý thuận tiện trong tìm hiểu, tra cứu về các khu, điểm du lịch, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, hệ thống nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn tỉnh cũng như kết nối với các trang thông tin điện tử của nhiều tỉnh, TP trên cả nước. Cùng đó, đơn vị sẽ số hóa toán bộ tài liệu quảng bá về khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh thông qua quét mã QR, hạn chế in ấn, tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, Sở VHTTDL đã đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cấp kinh phí xây dựng phần mềm quản lý du lịch, dự kiến quý III năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động. Theo ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, phần mềm sẽ phục vụ công tác quản lý nhà nước, tích hợp toàn bộ dữ liệu liên quan đến chỉ đạo điều hành, các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về du lịch; chương trình, đề án, quy hoạch của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; kết quả hoạt động, kinh doanh du lịch...
Với những giải pháp tích cực, hy vọng thời gian tới, việc số hóa du lịch sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần tích cực trong công tác quảng bá, nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.
Theo Báo BG