Thông tin du lịch Bắc Giang

Sôi động du lịch tự túc

Ghi nhận từ một số tỉnh thành sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thấy, số lượng người dân du lịch, tham quan tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng tự tổ chức đi chơi, không mua tour từ các hãng lữ hành cũng gia tăng.


Một nhóm bạn trẻ thích thú trải nghiệm du lịch dã ngoại ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Ảnh: Đoàn Kiên

Đi thành nhóm nhỏ, tự đặt dịch vụ

Anh Nguyễn Quốc Thái (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) vừa trở lại TPHCM sau chuyến du xuân 3 ngày tại TP Đà Lạt. Do chủ động đặt trước phòng khách sạn, chỗ ăn uống, tham khảo giá dịch vụ trước Tết Nguyên đán, nên gia đình anh cùng nhóm bạn đỡ chật vật hơn so với một số người khác. “Cả năm dịch giã nên mình cố gắng cho vợ con đi nghỉ dưỡng. Đi chơi thì vui nhưng mệt quá, vì khách du xuân rất đông. Ước tính toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại bằng xe khách cho 3 ngày 2 đêm từ TPHCM - TP Đà Lạt khoảng 5 triệu đồng/người”, anh Thái nói.

Vì dịch bệnh nên năm nay, chị Hoàng Thị Lanh (ngụ đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM) tiếp tục lựa chọn các điểm đến trong nước, thay vì du xuân ở nước ngoài. “Mình tự đặt dịch vụ, tham khảo giá cả qua mạng xã hội, lại được chiết khấu trực tiếp. Muốn biết chất lượng dịch vụ ra sao, cứ tìm hiểu thêm các phản hồi từ du khách đi trước, từ các phương tiện truyền thông”, chị Lanh cho biết.

Du lịch tự túc như anh Thái, chị Lanh cũng là xu hướng đang “lên ngôi” sau đại dịch: tự tổ chức tour tuyến mà không thông qua các công ty du lịch. Các điểm đến mà người dân thích tự thiết kế tour đi chơi sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần vẫn tập trung ở Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, các tỉnh phía Bắc… Chính các doanh nghiệp lữ hành cũng thừa nhận, người dân đi du lịch tự túc ngày càng tăng, nhất là giới trẻ rành công nghệ. Xu hướng này không riêng ở nước ta, mà “nở rộ” trên toàn thế giới khi những “ông trùm” công nghệ cung cấp các nền tảng du lịch trực tuyến có mặt khắp nơi. Thống kê nhanh từ Google và Temasek chỉ ra rằng, ngành du lịch trực tuyến ở Đông Nam Á đang tăng mạnh. Dự báo đến năm 2025 có thể đạt khoảng 90 tỷ USD. Riêng Việt Nam, quy mô du lịch trực tuyến đến năm 2025 trị giá ước tính khoảng 9 tỷ USD.

Tìm phân khúc khách hàng riêng

Trước sự thay đổi quá nhanh của xu hướng du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành bắt buộc phải đổi mới, phải có lối đi riêng, không chỉ “sống sót” qua đại dịch Covid-19 mà thích ứng ngay khi cuộc sống trở lại bình thường.

Khách du lịch tại Hà Giang

Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, ra “món ăn” gồm những sản phẩm “đo ni đóng giày” cho dòng khách chuyên biệt đang được các công ty du lịch tập trung hướng tới. Chẳng hạn, Lữ hành Saigontourist, Vietravel, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, TST Tourist… đều có tour thiết kế riêng cho khách là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Mức giá tour khoảng vài chục triệu đồng/ngày, tùy yêu cầu cũng như thỏa thuận của khách. “Dòng tour cao cấp đem lại doanh thu tốt. Doanh nghiệp chúng tôi sống được nhờ vào việc triển khai các tour chuyên biệt theo yêu cầu cho những khách hàng thân thiết gắn bó với công ty hàng chục năm qua”, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành tiết lộ.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhận định, du khách có nhu cầu thư giãn về thể chất và tinh thần nhưng vẫn muốn an toàn nên các chuyến đi thường hướng vào nhu cầu riêng tư. Các tour cao cấp có chương trình tinh giản hơn về hoạt động tham quan, với các dịch vụ tinh tế. Từ cuối năm 2019, công ty đã tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp với những dịch vụ đẳng cấp, có tiêu chuẩn dịch vụ máy bay, ô tô, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên từ 4-5 sao… “Chúng tôi xây dựng sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu nhu cầu, sở thích riêng của du khách cho đúng “gu” khách hàng”, ông Trần Thế Dũng cho hay.

Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc TST Tourist, chia sẻ: “Lắng nghe khách hàng là bí quyết mà công ty chúng tôi trụ được trong thời gian qua”. TST Tourist đang có các tour du lịch thảnh thơi, giúp du khách thêm thời gian trải nghiệm điểm đến thay vì “cưỡi ngựa xem hoa”, mệt mỏi với lịch trình tham quan dày đặc kiểu truyền thống. Còn lãnh đạo Lữ hành Saigontourist cho rằng, thực tế du lịch truyền thống vẫn có sức “hấp dẫn” riêng với nhóm khách trưởng thành, hoặc dòng khách hạng sang có mức chi trả cao, vì dòng khách này không có nhiều thời gian tự lên hành trình cho mình, lại muốn tận hưởng dịch vụ chất lượng.

Nói chung, ngành du lịch phải tự thay đổi, không chỉ phục vụ khách nội địa tốt hơn mà còn phải sẵn sàng cho kế hoạch “mở cửa” vào tháng 3 tới. Việc cải tổ để phát triển mạnh mẽ, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch của ngành du lịch vào thời điểm này là hết sức cần thiết.

Chào bán tour quốc tế

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho biết, đã bắt đầu chào bán các tour du lịch nước ngoài khi Việt Nam dự tính mở cửa đón khách quốc tế vào cuối tháng 3 tới. Cụ thể, Lữ hành Saigontourist đã rao bán tour xuất ngoại đi Thái Lan, Maldives, Mỹ… Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist, thông tin, công ty đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài. Chỉ cần Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế, các tour tuyến đưa khách vào Việt Nam, hay đưa khách ra nước ngoài sẽ được kích hoạt ngay.

Đại diện Công ty TST Tourist cũng cho biết, đã chuẩn bị xong dòng sản phẩm đầu tiên thí điểm đón khách vào Việt Nam trong tháng 3 tới. Đối với tour đưa khách trong nước du lịch nước ngoài đến châu Âu, Australia, hay Nhật Bản để ngắm hoa anh đào… cũng đã sẵn sàng. Riêng các chuyến đi đến Thái Lan, Malaysia, Singapore… chỉ cần mở cửa là có khách đăng ký.

Theo dulichvn

Ngày cập nhật: 16/02/2022 Lượt xem: 566