Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Tạo đà phát triển du lịch cộng đồng

Tạo đà phát triển du lịch cộng đồng

Bắc Giang có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, nét văn hóa đặc sắc cùng những sản vật đặc trưng; người dân thân thiện, mến khách. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương.

Điểm đến hấp dẫn

Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Động) có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp như hồ Vũng Tròn, thác Đồng Dương cùng những cánh rừng nguyên sinh và nhiều loại động vật quý hiếm. Dân cư trong vùng chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí còn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống. 

Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) - điểm du lịch cộng đồng thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) - điểm du lịch cộng đồng thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Trước kia, khi đến Khe Rỗ, khách phải chuẩn bị đồ ăn uống từ nhà; các hoạt động trải nghiệm cùng bà con bản địa hầu như không có. Giờ đây, tại thôn Nà Ó - tâm điểm của khu du lịch, du khách có thể ăn nghỉ, sinh hoạt, giao lưu với người dân trong bản, thưởng thức các món ăn độc đáo như xôi 7 màu, trứng kiến, cá suối, nhộng ong, măng rừng…

Ông Vũ Ngọc Huân, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc cho biết, để khách có những trải nghiệm thú vị, HTX thành lập các tổ: Hát then, đàn tính; nuôi ong, thuốc nam; vệ sinh môi trường, hướng dẫn viên. Hiện có 5 gia đình đầu tư nhà sàn lưu trú phục vụ khách tham quan. Năm 2019, Nà Ó đón khoảng 19 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh.

Bản Ven nằm trong quần thể du lịch Xuân Lung-Thác Ngà, xã Xuân Lương (Yên Thế) có khoảng 150 hộ với hơn 90% dân số là người dân tộc Cao Lan. Đến khu vực này, du khách được trải nghiệm hái, sao chè; thăm gian trưng bày, giới thiệu các sản vật, nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; các trang trại nuôi gà đồi; vượt thác; leo núi; tránh nắng dưới tán rừng nguyên sinh, thưởng thức các món ăn độc đáo của dân tộc Cao Lan như xôi ngũ sắc, chân giò hầm thảo dược, lợn rừng, trám đen…

Huyện Lục Ngạn là điểm sáng về tiềm năng phát triển DLCĐ với thế mạnh sinh thái-nghỉ dưỡng, miệt vườn. Với nhiều thắng cảnh đẹp được thiên nhiên ban tặng như hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn cùng 27 nghìn ha cây ăn quả trải đều 4 mùa, nhiều điểm du lịch tâm linh và khả năng kết nối với các điểm du lịch của Sơn Động và Lục Nam, huyện Lục Ngạn có sức hấp dẫn đối với du khách. Đầu tháng 12 - 2019, Công ty TNHH Giáo dục, Trải nghiệm Dream Green đầu tư mô hình trải nghiệm miệt vườn tại xã Thanh Hải. 

Hiện đơn vị có 5 xe trâu kéo (mỗi xe chở khoảng 16 người). Khách tham quan được đến những vườn cây ăn quả, trực tiếp thu hái, mua sản phẩm của các hộ dân. Trong xã có 4 hộ đầu tư nhà lưu trú phục vụ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi (mỗi nhà sức chứa khoảng 20 người). Khách được thăm chùa, làng sinh vật cảnh ở thôn Bồng. Qua hơn một tháng hoạt động có gần 1,5 nghìn khách đến trải nghiệm.

Huy động nguồn lực

Tuy đã có những tín hiệu khởi đầu đáng mừng song qua khảo sát, đánh giá của chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp du lịch, hạ tầng cơ sở, nhất là đường giao thông, điện, nhà lưu trú, các công trình vệ sinh ở các khu, điểm có khả năng phát triển DLCĐ chưa được đầu tư, cải tạo nhiều; việc tổ chức điều hành cùng các dịch vụ chưa thực sự chuyên nghiệp. Ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết, dù tiềm năng để phát triển DLCĐ của huyện lớn song nguồn vốn để đầu tư làm du lịch (nhà ăn, ngủ, nghỉ, mua sắm, vui chơi, trải nghiệm…) trong dân khó khăn; nhận thức của một bộ phận người dân về phát triển DLCĐ còn hạn chế.

Hiện ở bản Ven có một số nhà sàn do HTX Thân Trường đầu tư xây dựng phục vụ ăn uống với sức chứa 300-400 khách/lượt; đối với nhà nghỉ lưu trú đáp ứng khoảng 80 người. Dù mới đi vào khai thác, có thời điểm nơi đây đón 2-3 nghìn khách/ngày.

Theo Đề án “Phát triển du lịch Cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2020”, tổng doanh thu từ loại hình DLCĐ ước đạt 10 tỷ đồng/năm. Năm 2020 phấn đấu thu hút 20 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 2 nghìn lượt.

Được biết, cuối năm 2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ năm 2019 - 2020, triển khai tại thôn Nà Ó, bản Ven và vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn. Kế hoạch tập trung vào xây dựng, quản lý, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển mô hình DLCĐ; tổ chức khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; giới thiệu, quảng bá, kết nối tua du lịch; hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất, hạ tầng.

Đáng chú ý, tháng 10-2019, UBND tỉnh công nhận bản Ven, xã Xuân Lương là điểm DLCĐ cấp tỉnh. Dự kiến quý II năm 2020 UBND tỉnh công nhận điểm DLCĐ thôn Nà Ó.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, Sở sẽ tiếp tục thuê chuyên gia tư vấn kế thừa kinh nghiệm của các địa phương khác về cách làm DLCĐ đối với điểm du lịch bản Ven, Nà Ó và một số vùng cây ăn quả ở huyện Lục Ngạn có khả năng phát triển DLCĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phát triển DLCĐ để nhân dân thấy rõ lợi ích, tham gia đầu tư và hưởng lợi. Làm tốt công tác quảng bá, liên kết với doanh nghiệp, công ty lữ hành; xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách tham quan, thúc đẩy DLCĐ phát triển.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 11/02/2020 Lượt xem: 601