Tour du lịch Biệt động Sài Gòn thu hút du khách tham quan tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: TTXVN)
Du lịch nội địa – lựa chọn ưu tiên ở nhiều quốc gia trên thế giới
Du lịch nội địa được các quốc gia lựa chọn ưu tiên thúc đẩy phát triển ở xuất phát điểm khác nhau. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các cơ sở du lịch đầu tiên được hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và công việc của người dân trước khi khai thác phục vụ khách quốc tế đến. Ngược lại, du lịch nội địa được xác định là một chiến lược phát triển quốc gia của Trung Quốc nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa lại ra đời muộn hơn so với du lịch đón khách quốc tế đến (inbound).
Sự phát triển du lịch nội địa của Hàn Quốc đi trước du lịch inbound. Những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như đảo Jeju ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cao của người dân Hàn Quốc và khả năng chi trả của tầng lớp trung lưu. Vào cuối những năm 1980, đảo Jeju đã trở thành hình mẫu của một khu nghỉ dưỡng tổng hợp và toàn diện cùng với Cancun ở Mê-hi-cô, quần đảo Canary ở Tây Ban Nha và Bali ở In-đô-nê-xi-a. Điểm khác biệt nổi bật của Jeju là phát triển giao thông nội địa. Các chuyến bay giữa Seoul và đảo Jeju khởi hành cách nhau chỉ 15 phút, được đánh giá là đường bay nội địa thường xuyên nhất thế giới. Jeju trở thành điểm đến nghỉ dưỡng “hot” nhất đối với người dân Hàn Quốc trong nhiều năm. Những năm gần đây khách du lịch quốc tế cũng đổ về điểm du lịch nổi tiếng này ngày càng đông, nhất là khách Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan, lượng khách du lịch nội địa năm 2010 là 68,6 triệu lượt so với khoảng 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến. Đến năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến đạt 39,8 triệu lượt, trong khi lượng khách du lịch nội địa tăng ngoạn mục lên 166 triệu lượt. Thành công của Thái Lan chính từ mô hình sản phẩm du lịch nội địa “mỗi thị trấn một sản phẩm” (OTOP – One township with one product). Chính phủ Thái Lan khuyến khích và phân bổ vốn khởi nghiệp cho từng thị trấn sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hoặc đặc sản của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nông thôn. Cùng với đó còn có sự tham gia quảng bá tích cực của các hãng hàng không, cửa hàng miễn thuế và tại các sự kiện đặc biệt.
Đối với một quốc gia phát triển như Úc, kích cầu du lịch nội địa là một thách thức khá lớn khi quốc gia này có chi phí lao động địa phương cao, dịch vụ lưu trú và ăn uống đắt đỏ, các điểm trong nước cách nhau xa. Người dân Úc chọn các điểm đến du lịch vừa có thể tiết kiệm chi phí vừa được tận hưởng các dịch vụ cao cấp ở Đông Nam Á như Bali. Chương trình kích cầu du lịch nội địa “No Leave No Life” của Úc đã phát huy hiệu quả.
Vai trò của du lịch nội địa và du lịch quốc tế khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào quy mô dân số, mức độ phát triển, tiêu chí thống kê… Mỗi quốc gia áp dụng phương pháp thống kê khác nhau như chỉ tính khách nghỉ đêm hoặc bao gồm cả khách nghỉ đêm và khách trong ngày, chỉ tính khách đi với mục đích tham quan nghỉ dưỡng hoặc tính tất cả khách đi với các mục đích khác nhau.
Về lượng khách, đối với những điểm đến lấy du lịch inbound làm trọng tâm như Thái Lan và Ma-lai-xi-a, tỷ trọng lượng khách du lịch quốc tế đến và khách du lịch nội địa có tính quy luật chung là 1:5. Đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Úc, New Zealand hoặc đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc thì tỷ trọng lượng khách du lịch nội địa vượt xa rất nhiều lần so với lượng khách du lịch quốc tế đến.
Về doanh thu, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), nhóm 5 quốc gia dẫn đầu về doanh thu từ khách du lịch nội địa năm 2019 gồm: Mỹ (995,9 tỷ USD, chiếm 82% tổng thu từ khách du lịch của quốc gia này); Trung Quốc (828,5 tỷ USD, chiếm 89%); Đức (310,2 tỷ USD, chiếm 88%); Nhật Bản (207 tỷ USD, chiếm 81%); Anh (169,1 tỷ USD, chiếm 82%). Tổng thu từ khách du lịch nội địa của Mỹ và Trung Quốc chiếm trên 40% tổng thu từ du lịch nội địa toàn cầu.
Dẫn đầu về tỷ trọng đóng góp của thị trường du lịch nội địa vào doanh thu du lịch năm 2019 là Bra-xin với 92%. Ngoài ra, một số quốc gia có tỷ trọng đóng góp của du lịch nội địa chiếm trên 70% có thể kể đến như Ác-hen-ti-na (84%), Mê-hi-cô (84%), Ấn Độ (82%), Úc (79%), I-ta-li-a (75%), Ca-na-đa (75%), Nga (72%).
Năm 2019, du lịch nội địa toàn cầu chiếm 71,3% tổng chi tiêu du lịch toàn cầu, 28,7% là chi tiêu du lịch quốc tế.
(Nguồn: WTTC)
Báo cáo đánh giá tác động và vai trò của du lịch nội địa do WTTC xuất bản tháng 12/2018 cho biết vai trò của du lịch nội địa có sự khác biệt giữa các châu lục và các quốc gia khác nhau. Ở châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Phi-líp-pin có du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ. Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Thái Lan ít phụ thuộc vào du lịch nội địa hơn. Đặc biệt là Thái Lan, 21% tổng thu du lịch đến từ khách du lịch nội địa và 79% do khách quốc tế mang lại.
Tại Việt Nam, đóng góp về doanh thu của du lịch nội địa chiếm khoảng 40% đến 45%, khá cân đối so với doanh thu từ du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch nội địa năm 2015 là 148,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 45%), năm 2016: 176 nghìn tỷ đồng (chiếm 42,2%), năm 2017: 225 nghìn tỷ đồng (chiếm 40%), năm 2018: 254 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,9%), năm 2019: 334 nghìn tỷ đồng (chiếm 44,2%).
“Giảm xóc” hiệu quả
Du lịch là một ngành “dễ bị tổn thương” trước tác động của khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, thiên tai, dịch bệnh… Khi xảy ra các biến động khách quan, du lịch nội địa được xem như “giảm xóc” hiệu quả giúp các điểm đến vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục trở lại.
Trước đây, kế sách dồn lực kích cầu du lịch nội địa đã được Việt Nam vận dụng thành công trong giai đoạn vượt khó khi chịu các tác động của dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009… Nhờ đó, du lịch Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Từ cuối tháng 1/2020, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở nhiều quốc gia, trở thành đại dịch toàn cầu. Hoạt động du lịch quốc tế bị “đóng băng” đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng lao đao và rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.
Khi du lịch quốc tế còn chưa mở cửa, du lịch nội địa lại được xem như “cứu cánh” cho du lịch hồi sinh. Ngay sau khi đại dịch được khống chế thành công ở trong nước, đầu tháng 5/2020, Bộ VHTTDL đã nhanh chóng phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình được các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực triển khai và đã đạt được những hiệu quả tích cực. Thị trường sôi động trở lại, tần suất các chuyến bay trong nước dần khôi phục, thậm chí tăng thêm, công suất buồng phòng tăng mạnh trở lại, một số nơi đạt 50-60% vào giữa tuần và 80-90% vào cuối tuần.
Tuy nhiên, dịch tái bùng phát từ cuối tháng 7/2020 đã giáng cú đánh bồi vào sức chống chịu của ngành du lịch vốn đã suy yếu sau ảnh hưởng của dịch giai đoạn trước. Hoạt động du lịch một lần nữa lại bị đình trệ, tiềm ẩn nguy cơ cao đứt gãy chuỗi cung ứng du lịch trong nước.
Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng, Việt Nam đã tiếp tục từng bước kiểm soát tốt dịch để phấn đấu thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với thực trạng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới và được dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài, phát triển du lịch nội địa được xác định là một định hướng chiến lược để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng cục Du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam để “lan tỏa sâu rộng và bền bỉ, tạo thành một xu hướng người Việt Nam yêu thích đi du lịch trong nước”.
Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần tính toán, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, phương thức marketing, tiếp cận khách hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường nội địa. Tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, cùng một lượng không nhỏ đối tượng khách là những người nổi tiếng, doanh nhân, nghệ sĩ… vốn thích đi du lịch chất lượng cao ở nước ngoài là nguồn khách rất tiềm năng để du lịch nội địa khai thác, phát triển.
Du lịch an toàn, chất lượng lên ngôi
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách du lịch. Xu hướng chủ đạo hiện nay chính là du lịch an toàn. Để đảm bảo và phòng tránh dịch bệnh khi đi du lịch, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành Y tế về phòng chống dịch Covid-19 như: thường xuyên rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, thực hiện khai báo y tế trực tuyến, cài đặt ứng dụng Bluezone (từ địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn/) để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19…
Thời gian trầm lắng do ảnh hưởng của dịch cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới phương thức hoạt động bền vững hơn, củng cố tổ chức, tăng cường liên kết, hợp tác, đổi mới sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phát triển du lịch thông minh… Qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường khách nội địa, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phục vụ du khách quốc tế khi Chính phủ cho phép mở lại du lịch quốc tế.
Đối diện với dịch Covid-19, thêm một lần nữa toàn xã hội càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường nội địa với quy mô dân số gần 100 triệu người và có nhu cầu, khả năng đi du lịch ngày càng cao. Đó chính là những điểm tựa vững chắc cho phát triển du lịch nội địa trước những thách thức bất khả kháng của khách quan.
Theo TCDL