Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG BẮC GIANG

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG BẮC GIANG

Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, Du lịch cộng đồng được xác định là một trong những loại hình cần tập trung đầu tư xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Tài nguyên du lịch cộng đồng
Qua khảo sát thực tế một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: Khu vực hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần huyện Lục Ngạn; bản Xoan xã Xuân Lương huyện Yên Thế; bản Khe Nghè, suối Nước Vàng xã Lục Sơn huyện Lục Nam; khu vực Đồng Cao xã Thạch Sơn, khu du lịch sinh thái Đồng Thông xã Tuấn Mậu, khu vực Khe Rỗ xã An Lạc huyện Sơn Động. Cụ thể:
Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động có diện tích hơn 5000ha. Suối Khe Rỗ chạy ở giữa khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, cũng vì thế mà khu rừng này mang tên Khe Rỗ và nằm giữa hai con suối Nước Vàng và Khe Đin. Nơi đây là địa bàn sinh sống của khoảng 276 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang được bảo tồn. Rừng nguyên sinh Khe Rỗ còn nổi tiếng là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp với điểm hồ Vũng Tròn, thác Đồng Dương, suối Nước Vàng, Rừng Lim cổ thụ…Xã An Lạc cách trung tâm huyện 15km về phía Đông Bắc. Đến nay khu rừng Khe Rỗ được giữ nguyên hiện trạng, nguyên sinh đang phát triển tốt, giữ được nguồn nước phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp thuận lợi.
 Người Dao bản Mậu với nghề thêu

Thôn Thổ Hà xã Vân Hà huyện Việt Yên : Là một làng cổ ven sông Cầu, làng Thổ Hà lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc và giàu có. Đó là vẻ đẹp cổ kính mang dấu ấn đặc trưng của một làng quê thuần Việt với một quần thể kiến trúc, văn hóa, cảnh quan hết sức độc đáo. Trong đó phải kể đến những công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI, XVII như ba di tích lịch sử văn hóa được nhà nước công nhận là đình Thổ Hà, chùa Thổ Hà (Đoan Minh Tự), Văn chỉ; rồi đến cổng làng; bốn ngôi điếm của bốn xóm; các ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm được xây dựng bằng vật liệu là những sản phẩm nghề gốm hết sức lạ mắt cùng với những ngõ hẹp và dài hun hút rêu phong cổ kính.
 Làng cổ Thổ Hà

Hồ Khuôn Thần xã Kiên Lao huyện Lục Ngạn: Nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 50 km và cách Hà Nội khoảng 100 km về phía Đông Bắc, hồ có diện tích rộng khoảng 240 ha, được bao bọc bởi những rừng thông, chàm, keo tai tượng tươi tốt quanh năm. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ là những vùng đồi bát úp nổi lên giữa làn nước trong xanh, các đảo đều được trồng thông có tuổi từ 15 – 20 năm, cùng với đó là vạt rừng rộng có diện tích khoảng 800 ha, trong đó có 300 ha rừng tự nhiên và 500 ha là rừng trồng, rừng tái sinh và đồng cỏ. Đến Khuôn Thần, du khách có thể thả hồn trên du thuyền cảm nhận sự mênh mông, tĩnh lặng của mặt hồ, ngắm cảnh trời mây, non nước. Đặc biệt, vào mùa mưa, du khách có thể quan sát nước chảy từ đỉnh đập Khuôn Thần đổ ào ào xuống thung lũng ven hồ. Cư dân sống quanh hồ là đồng bào các dân tộc ít người bao gồm Cao Lan, Tày, Sán Chí, Nùng. Đặc biệt phải kể đến là món cá. Ai đã từng thưởng thúc món cá bống nướng trên bếp than của đồng bào dân tộc nơi đây thì không thể nào quên.
Suối Nước Vàng xã Lục Sơn huyện Lục Nam: Cách thành phố Bắc Giang chừng 60 km về phía đông bắc, thắng cảnh nước Vàng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử là điểm đến đầy kỳ thú cho các chuyến dã ngoại của những du khách “bụi” đi tìm cảm giác mạnh. Du khách trải qua những khoảnh khắc vượt thác, băng rừng, lội suối đầy thú vị và đáng nhớ. Để khám phá và chinh phục con suối từ phía hạ nguồn lên miền thượng mất quá nửa ngày, sau khi băng qua gần 20 thác ghềnh lớn nhỏ, một số thác đẹp như thác Anh Vũ, thác Mây, Thác Giót, Thác Nước Vàng… Thác nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn và lạ mắt, phía dưới mỗi thác đều có những bồn tắm thiên tạo có thể chứa đến vài chục người, là nơi để bạn có thể thỏa sức vùng vẫy, giải nhiệt cùng dòng nước mát lạnh. Đỉnh suối nước Vàng cách chùa Đồng - Yên Tử. Danh thắng nước Vàng được UBND tỉnh Bắc Giang khoanh vùng bảo vệ và ra quyết định công nhận là danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Xã Xuân Lương huyện Yên Thế: là địa bàn giáp danh với tỉnh Thái Nguyên. Theo khảo sát tại đây có khá nhiều tài nguyên du lịch như: tại bản Ven có thác Ngà, hồ Quỳnh, hồ Ngạc Hai, các điểm đền, chùa và núi rừng bạt ngàn, các hò chứa nước với vẻ đẹp nên thơ hùng vĩ. Xuân Lương có chè bản Ven nổi tiếng, các món ăn truyền thống của dân tộc tày như thịt lợi quay, khau nhục…đều có thể khai thác du lịch văn hóa, sinh thái. Xuân Lương nằm trên trục đường 37 nối Bắc Giang với Thái Nguyên cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng
Tiềm năng DLCĐ tỉnh Bắc Giang khá phong phú như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên loại hình này mới hình thành tại Khe Rỗ xã An Lạc huyện Sơn Động. Hiện tại, An Lạc có 01 nhà sàn văn hóa truyền thống tại thôn Nà Ó cơ bản đủ rộng và đáp ứng được các điều kiện tiêu chuẩn cho việc tiếp đón du khách sinh hoạt văn hóa cộng đồng; có 6 gia đình sẵn sàng phục vụ ăn, nghỉ cho 24 lượt khách/ ngày, đêm. Ở những gia đình này, người dân đã đầu tư mua sắm thêm chăn màn, một số vật dụng sinh hoạt cần thiết để đón được 4 đến 6 khách đến ăn, nghỉ. Tuy nhiên các hộ gia đình chưa có công trình vệ sinh tự hoại, các công trình vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; Các trang thiết bị phục vụ cho khách du lịch ( chăn, màn,vật dụng thiết yếu, thiết bị nghe nhìn...) còn quá thiếu. Các dịch vụ nhà hàng, cơ sở ăn uống, quầy bán hàng lưu niệm chưa có. Nếu có nhu cầu, du khách trực tiếp vào nhà dân mua các sản phẩm của địa phương.
Theo thống kê của UBND xã An Lạc: Năm 2012 – 2013 Khe Rỗ xã An Lạc mỗi năm đón khoảng trên 6.000 lượt khách tới thăm quan, Năm 2014 là 8.000 lượt khách, trong đó khoảng 500 lượt khách lưu trú tại nhà dân. Năm 2015 con số này là : 10.000 lượt khách, trong đó khoảng 600 lượt khách lưu trú tại nhà dân. Số lượng khách đến đông tập trung vào các ngày lễ như 30/4, 2/9 và vào dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, chủ yếu khách là học sinh, sinh viên, các khách tới công tác tại huyện Sơn Động. Số lượt khách trên chủ yếu thăm quan trong ngày, tự túc ăn uống...Số khách nghỉ đêm tại Khe Rỗ hầu như không có. Chính vì thế, tuy lượng khách đến Khe Rỗ khá đông song người dân địa phương không có nguồn thu từ các hoạt động du lịch.
Đội văn nghệ DLCĐ xã An Lạc

Hiện tại xã An Lạc thiếu các điều kiện về hạ tầng phục vụ du lịch như: nhà nghỉ, nhà hàng, công trình vệ sinh, quầy bán hàng lưu niệm, nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, công tác tổ chức, quản lý, bảo vệ…là một trong những hạn chế cần được hỗ trợ đầu tư cho việc khai thác tiềm năng du lịch nơi đây.
Đề xuất một số giải pháp cụ thể phát triển DLCĐ tỉnh Bắc Giang
UBND tỉnh Bắc Giang cần có cơ chế riêng biệt cho đầu tư phát triển DLCĐ
Ưu tiên việc đầu tư hạ tầng tại các điểm có tiềm năng phát triển DLCĐ để lồng ghép công năng sử dụng các công trình cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng như: hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, môi trường, các chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, dân tộc miền núi…
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm DLCĐ: Trước hết cần xây dựng đội ngũ làm du lịch của tỉnh từng bước chuyên nghiệp, có năng lực trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ, tâm huyết làm việc. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hoặc các dạng bồi dưỡng kiến thức cho người dân tại các điểm DLCĐ.
Tổ chức cho các hộ làm DLCĐ, cán bộ, người dân tại các điểm tiềm năng tham gia các đợt khảo sát, học tập kinh nghiệm tổ chức các hoạt động DLCĐ tại các địa phương khác.
Bảo vệ tài nguyên, môi trường DLCĐ: Cần có biện pháp bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch trong quá trình khai thác phát triển DLCĐ. Trong đó chú trọng tuyên truyền người dân bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo vệ rừng sinh thái.
Trong quá trình cấp phép đầu tư cho các dự án du lịch UBND tỉnh cần xem xét đến các yếu tố tác động môi trường, tác động đến cảnh quan thiên nhiên nhất là cần bảo vệ rừng, nguồn nước, hệ động thực vật, tránh tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng việc xin cấp phép các dự án du lịch tại các điểm có tài nguyên rừng để lợi dụng khai thác gỗ và các tài nguyên khác từ rừng.
Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quy hoạch rừng, chuyển mục đích quản lý các khu rừng sản xuất thành rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tạo cảnh quan, môi trường phục vụ cho phát triển du lịch ở các điểm triển khai hoạt động du lịch cộng đồng.
Đầu tư công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá giới thiệu sản phẩm: Tỉnh cần có sự đầu tư cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch nói chung, DLCĐ nói riêng một cách chuyên nghiệp hướng đến sự hiệu quả. Trong đó chú trọng xây dựng các nội dung tuyên truyền, quảng bá có chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Duy trì, nâng cấp một số trang web quảng bá du lịch địa chỉ www.dulichbacgiang.gov.vn; www.anlac-khero.com; vanhoabacgiang.vn; phối hợp tốt với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về các điểm du lịch Bắc Giang.
Tổ chức tuyên truyền có hiệu quả về các điểm DLCĐ tại các hội chợ, hội thảo, các sự kiện văn hóa, thể thao cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nâng cao chất lượng các tập gấp, bản đồ, sách cẩm nang, các phim tư liệu quảng bá giới thiệu điểm đến du lịch Bắc Giang…
Tổ chức các tour thử nghiệm cho các đơn vị lữ hành, các đơn vị thông tấn, báo chí để quảng bá điểm đến DLCĐ./. 
 Hà Yến
Ngày cập nhật: 16/12/2016 Lượt xem: 660