Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Tín hiệu vui từ ngành “công nghiệp không khói”

Tín hiệu vui từ ngành “công nghiệp không khói”

Sau một thời gian dài "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chính sách mở cửa du lịch của Chính phủ, các hoạt động phục hồi, kích cầu du lịch đang được ngành chức năng, doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang quan tâm đẩy mạnh. 

Du khách tăng trở lại

Dù chịu ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều và dịch Covid-19 song gần ba tháng qua, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) đón khoảng 50 nghìn lượt khách, trong đó gần 30 nghìn khách sử dụng dịch vụ cáp treo. Thời gian gần đây có 7 doanh nghiệp lữ hành (trong và ngoài tỉnh) đưa khách du lịch tới đây tham quan, vãn cảnh. 45 ca bin và 15 xe điện ở khu du lịch thường xuyên vận hành phục vụ du khách. 


Du khách tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: Xuân Thỏa.

Du khách tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: Xuân Thỏa.

Để phòng dịch Covid-19, các ca bin thường xuyên được khử khuẩn; giảm số lượng từ 8 xuống 4-6 người/ca bin. Toàn bộ 100 lao động tại đây vẫn đi làm, không phải cắt giảm hay nghỉ luân phiên như vài tháng trước. "Chúng tôi vẫn tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến đây. Dự báo, từ đầu tháng 4 tới trở đi, lượng khách có thể sẽ tăng". Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc vận hành Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử nói.

Ở Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), từ đầu tháng 1 đến nay cũng đón khoảng 20 nghìn khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách đến đây chủ yếu vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Theo đại diện Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, con số trên chưa phải là lớn song đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hoạt động du lịch bị "đóng băng" thời gian dài do dịch Covid-19. Năm nay, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ phấn đấu đón khoảng 180 nghìn lượt khách. Đơn vị đang tích cực quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để thu hút khách.

Ở một số điểm du lịch cộng đồng như bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế), xã An Lạc (Sơn Động) và chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), đền Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Bổ Đà (Việt Yên) vào ngày cuối tuần, lượng khách có xu hướng tăng. Công tác vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường, bố trí bãi gửi xe, bảo đảm an ninh trật tự được các đơn vị, ngành chức năng quan tâm, tạo thiện cảm với du khách.

Dịp này, hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh cũng có tín hiệu vui. Công ty Du lịch quốc tế Tre Việt, Công ty TNHH Thương mại du lịch quốc tế Đình Anh, Công ty cổ phần giáo dục, du lịch Việt Hưng… trong hai tuần gần đây, số đoàn đăng ký, đặt vé đi du lịch bằng đường hàng không tăng trở lại. Các điểm đến được nhiều du khách lựa chọn, như: Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt. Một số hãng hàng không; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn cũng đưa ra chương trình giảm giá dịch vụ từ 20-25% để kích cầu. Bà Trần Thị Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục, du lịch Việt Hưng cho biết, trong vòng một tuần qua, đơn vị đã ký hợp đồng với gần 10 đoàn khách.

Đẩy mạnh quảng bá, liên kết

Để tăng lượng khách du lịch đến với Bắc Giang, nhất là trong bối cảnh Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022; công tác quảng bá, liên kết, khảo sát đang được các đơn vị, ngành chức năng tích cực triển khai.


Du khách vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Du khách vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thông tin và du lịch tỉnh cho biết, mới đây, đơn vị đã vận hành Cổng du lịch thông minh phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết, phát triển du lịch của tỉnh. Cổng du lịch thông minh tích hợp nhiều tính năng ưu việt, trong đó giới thiệu về các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, ẩm thực nổi tiếng, địa điểm mua sắm, lưu trú, lịch trình các tour… 

Du khách cũng có thể quét mã QR bằng điện thoại thông minh để tra cứu, nắm bắt các thông tin, hoạt động liên quan đến du lịch. Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các đợt khảo sát các khu, điểm du lịch ở hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để kết nối tour, tuyến với Bắc Giang; xây dựng, khai thác tour du lịch “Hành trình khám phá di sản văn hóa Bắc Giang".

Được biết, trong tháng 3 này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ tổ chức hội nghị triển khai giải pháp kích cầu du lịch năm 2022 với sự tham gia của đại diện các khu, điểm du lịch, hợp tác xã kinh doanh du lịch trong tỉnh. Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận sâu về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành; công tác chuẩn bị các điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. 

 

Trong tháng 4 năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát khu, điểm du lịch và vùng cây ăn quả, hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng di tích danh thắng Tây Yên Tử.

 

Đặc biệt, trong tháng 4 tới, Sở VHTTDL sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát khu, điểm du lịch và vùng cây ăn quả, hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng di tích danh thắng Tây Yên Tử. 

Hoạt động này dự kiến sẽ có khoảng 250 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL như: Tổng cục Du lịch, Cục Di sản, Vụ Lữ hành, Vụ Thị trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch tham dự. 

Cùng đó là sự tham gia của Sở VHTTDL, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, TP trong vùng liên kết phát triển du lịch với Bắc Giang như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTTDL, các hoạt động này nhằm khảo sát, giới thiệu các khu, điểm du lịch và vùng cây ăn quả để thu hút khách du lịch và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhân dân; hình thành mối liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP và doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia về văn hóa, du lịch; các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để triển khai xây dựng quy hoạch vùng di tích, danh thắng Tây Yên Tử thành khu du lịch cấp quốc gia, giai đoạn 2025-2030.

Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cùng chính sách mở cửa của Nhà nước, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi, khởi sắc. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Bắc Giang tới bạn bè trong nươc, quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo Báo Bắc Giang

Ngày cập nhật: 25/03/2022 Lượt xem: 558