Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Tục kết bạn quan họ ở Bắc Giang

Tục kết bạn quan họ ở Bắc Giang

Bắc Giang là vùng đất cổ, trải qua bao thế kỷ tồn tại, quan họ - một thú chơi tao nhã vẫn luôn có sức lôi cuốn mạnh mẽ và có sức lan tỏa trong tâm hồn của những người dân Kinh Bắc, đặc biệt là người dân đôi bờ sông Cầu hay còn gọi là “dòng sông quan họ”. Đáng chú ý, sinh hoạt quan họ còn bảo lưu được rất nhiều những nét đẹp gắn với văn hóa truyền thống, trong đó có tục kết bạn.

Tục kết bạn đã trở thành tục lệ quan trọng hàng đầu với tất cả các liền anh, liền chị, tất cả nhóm chơi hay còn gọi là “bọn” quan họ. Theo truyền thống trước đây, chỉ những bọn quan họ kết bạn mới chơi quan họ với nhau. Nếu không kết bạn mà ca với nhau thì vẫn chỉ được gọi là “hát ghẹo”. Do vậy, yêu cầu bắt buộc cho mỗi nhóm chơi quan họ là phải kết bạn với ít nhất một nhóm chơi khác và đã trở thành một tập tục quy định phổ biến trong văn hóa.

Về nguồn gốc và lịch sử, việc kết bạn giữa các làng quan họ hay giữa các bọn quan họ đã có từ lâu đời, nó được bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng. Kết chạ là việc kết nghĩa giữa hai làng có tính chất truyền đời, các làng coi nhau như anh em, đặc biệt giúp đỡ nhau trong sản xuất. Tục kết chạ hết sức bền vững, vì ngoài chức năng xã hội còn có chức năng thực hiện nghi lễ. Như vậy, tục kết chạ là một tục lệ có từ lâu đời và nó nhập vào quan họ.  

Số liệu thống kê của ngành văn hoá tỉnh cho thấy, ở một số làng quan họ vùng Kinh Bắc vẫn lưu giữ được tục kết bạn, kết chạ, kết nghĩa giữa các làng quan họ như: Làng Thổ Hà (Bắc Giang) kết bạn với làng Diềm (Bắc Ninh); làng Trung Đồng (Bắc Giang) kết bạn với làng Thượng Đồng, Hạ Đồng (Bắc Ninh); làng Nội Ninh (Bắc Giang) kết bạn với làng Hàn, Diềm (Bắc Ninh); làng Mai Vũ có quan hệ với làng Chấp Bút (Bắc Ninh); làng Hữu Nghi kết nghĩa với làng Tiêu (Bắc Ninh) từ thời Lê; làng Tiên Lát (Bắc Giang) kết nghĩa với làng Hoài Bịu (Bắc Ninh); làng Quang Biểu kết chạ với làng Quả Cảm (Bắc Ninh); làng Đình Cả (Bắc Giang) kết bạn quan họ với làng Trà Xuyên (Bắc Ninh); làng Thần Trúc kết chạ với làng Thọ Đức (Bắc Ninh); làng Núi Hiểu kết chạ với làng Thị Cầu, Đáp Cầu (Bắc Ninh); làng Tam Tầng kết bạn quan họ với làng Đô Hàn, Chắp, Diềm (Bắc Ninh)… Như vậy để thấy, kết chạ, kết bạn quan họ là phong tục phổ biến, tạo nên nét văn hóa đặc trưng ở vùng Kinh Bắc. 

Hát quan họ là hình thức đối đáp nam nữ giao duyên. Bởi vậy, trong tục kết bạn, một nhóm quan họ nam ở làng này có thể kết bạn với một hoặc nhiều nhóm quan họ nữ ở làng khác và ngược lại. Một làng quan họ thường có nhiều nhóm chơi quan họ. Những nhóm này đã kết bạn với nhau có mối quan hệ rất thân thiết. Họ thường xuyên giao lưu, quan tâm chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau cả về tình cảm lẫn vật chất.     

Có mặt trong buổi giao lưu quan họ giữa làng Thổ Hà và Diềm tại làng Thổ Hà, được gặp Nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp - người nắm vững lề lối, cũng như những phong tục của người quan họ, anh cho biết: Quan họ Diềm và Thổ Hà kết bạn với nhau từ rất lâu. Sau khi thấy hợp nhau trong lối chơi, cách ứng xử nên họ kết bạn. Bởi vậy, tình bạn giữa hai làng vô cùng gắn kết. Khi đón quan họ bạn đến, nhóm quan họ chủ (là các anh hai làng Thổ Hà) thường ra tận bến sông Cầu đón nhóm quan họ khách rồi dẫn bạn vào nhà chứa sắp lễ ra đình lễ. Sau đó, hai bên trải chiếu ca hát một canh quan họ tại chùa rồi về sinh hoạt văn hóa tại nhà và tiếp tục ca cho đến hết hội. 

Trải qua thời gian, các nhóm quan họ trong các làng đa phần tập hợp thành lập ra các câu lạc bộ. Họ cùng sinh hoạt tập luyện và truyền dạy cho nhau những đặc trưng lề lối, cách hát, cách chơi, cách biểu diễn. Những người trong câu lạc bộ cứ lớp trước truyền dạy lớp sau, uốn nắn cho nhau mỗi khi nhả từ, buông tiếng… để mọi người  ai cũng biết đầy đủ lề lối, những phép tắc ứng đối mỗi khi được đi giao lưu. 

Vậy nên, việc kết bạn ở một số làng vẫn còn duy trì, phát triển và một số làng thì đã bị phai nhạt không còn bền chặt như trước. Chính vì vậy, việc bảo tồn tục kết bạn trong sinh hoạt văn hóa quan họ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa trong cuộc sống của nhân dân, góp phần thắt chặt tình nghĩa xóm làng. Đồng thời còn tạo nên những tình bạn son sắt, thuỷ chung truyền đời giữa các làng quê./.

Theo Báo Văn hóa

Ngày cập nhật: 09/04/2021 Lượt xem: 743