Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử được xem là sản phẩm du lịch nổi trội của vùng đất Bắc Giang. Nơi đây có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa và tự nhiên chứa đựng trong khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo rộng hơn 13.000ha với hệ thống động thực vật được bảo tồn khá nguyên vẹn và khu văn hóa tâm linh có giá trị cao về lịch sử văn hóa, phật giáo và kiến trúc nghệ thuật. Những tài nguyên quan trọng này là cơ sở để Tây Yên Tử xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh - sinh thái đặc trưng, mang tính cá biệt của địa phương và mang lại sức hút cho du lịch tỉnh.
Đẩy mạnh khai thác 5 không gian du lịch chủ đạo
Bắc Giang là địa phương gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, với con đường tu hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được đặt trong mối liên hệ với các khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh; Khu Di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai - Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Để xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với thế mạnh của vùng trung du, miền núi có địa hình đa dạng, phong phú, có vùng cây ăn quả rộng lớn và nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết: Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 hình thành, khai thác 5 không gian du lịch chủ yếu: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn - Sơn Động - Bãi Cháy và ngược lại; không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” (huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế); không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên); không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn) và một số huyện khác. Bắc Giang phấn đấu có 1 khu du lịch được công nhận khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; năm 2025 thu hút được 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.000 lao động.
Một trong những điểm nhấn của định hướng phát triển du lịch Bắc Giang là đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng Đề án hình thành “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”, dự kiến chiều dài khoảng 100km, trải qua địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật hoàng.
Phát triển đa dạng các sản phẩm
Du lịch Bắc Giang định hướng xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đồng thời, kết nối các tour và thị trường khách du lịch theo hướng: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Nam - Lục Ngạn - Sơn Động - Quảng Ninh (khai thác lợi thế sinh thái rừng để đón du khách từ Quảng Ninh sang và ngược lại); Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa; Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Tân Yên - Yên Thế; Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Yên Dũng - Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương (du lịch đường bộ và đường sông).
Qua khảo sát vườn cây ăn quả và một số điểm du lịch huyện Tân Yên; Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động; điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng và một số điểm du lịch Bắc Giang, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông đã có nhiều góp ý nhằm phát huy thế mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng di tích danh thắng Tây Yên Tử.
Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng vùng di tích danh thắng Tây Yên Tử và Con đường bộ hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang tổ chức ngày 11/5/2022 đã đưa ra những nghiên cứu, đánh giá, làm rõ hơn những giá trị tiềm năng, lợi thế văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái - nghỉ dưỡng của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là sản phẩm du lịch tâm linh gắn với vùng đất thiêng Tây Yên Tử; qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm liên kết, phát triển, thu hút khách du lịch đến với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh khác trong vùng.
Một số định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Bắc Giang đã được đưa ra tại hội thảo như: 1) nghiên cứu thị trường khách du lịch, nhu cầu của khách để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của điểm đến; 2) phát triển khu danh thắng Tây Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo; 3) chủ động phối hợp, liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh và khu vực nhằm phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới; 4) đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao...
Nhiều ý kiến góp ý giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng Tây Yên Tử gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số vùng Tây Yên Tử thành sản phẩm du lịch đặc trưng; liên kết xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch địa phương; thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Suối Mỡ thành sản phẩm du lịch đặc trưng; quảng bá liên kết vùng cây ăn quả, di tích chùa Am Vãi gắn với khai thác du lịch dọc tuyến đường trên địa bàn huyện Lục Ngạn; đẩy mạnh phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn…
Có ý kiến cho rằng, để có thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang một cách bền vững, cần chú trọng nghiên cứu, khai thác, nhận diện, phát huy các giá trị và nguồn lực nhân văn bên cạnh những giá trị và nguồn lực tự nhiên - vốn cũng rất phong phú, đa dạng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như: xây dựng các tour, tuyến gắn với các giá trị lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lễ hội (chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, ATK2, Khu Di tích lịch sử những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế…); khai thác, nhận diện những giá trị nổi bật, đặc thù của các tộc người thiểu số (Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Cao Lan…) để có kế hoạch lựa chọn, phát huy làm điểm nhấn phục vụ du lịch; xây dựng các chương trình, tour gắn với giá trị văn hóa các làng nghề (các làng quan họ, làng chèo, làng gốm Thổ Hà, mây tre đan, làng bánh đa Kế, mỳ Chũ…)…
Song song với việc tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, Bắc Giang cần tập trung đẩy mạnh xây dựng chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc sớm nhìn nhận được những hạn chế và triển khai một cách quyết liệt những định hướng này sẽ tạo điểm nhấn thu hút khách, từng bước thay đổi diện mạo ngành Du lịch tỉnh. Cùng với đó, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành liên quan, cộng đồng địa phương trong vùng sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng.