Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Nghiên cứu và Trao đổi Yên Dũng khai thác thế mạnh văn hóa cho phát triển du lịch

Yên Dũng khai thác thế mạnh văn hóa cho phát triển du lịch

Từ nhiệm kỳ 2015- 2020 Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng đã xây dựng chương trình phát triển du lịch của huyện. Đến giai đoạn 2021- 2025, huyện ủy Yên Dũng tiếp tục có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch nhằm tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong đó chú trọng khai thác tiềm năng văn hóa, di sản để xây dựng sản phẩm du lịch.
Mấy năm trở lại đây, thiền viện Trúc lâm Phượng hoàng thuộc thị trấn Nham Biền huyện Yên Dũng đã trở thành điểm đến của nhiều du khách thập phương. Khách đến thiền viện không chỉ có cư dân trong vùng mà nhiều khách du lịch đến từ các địa phương khác, khách đi lễ, khách đi theo các tour du lịch theo tuyến thiền viện – chùa Vĩnh Nghiêm- Suối Mỡ hoặc sang vùng Côn Sơn- Kiếp bạc.
 

Nếu như Vĩnh Nghiêm, Suối Mỡ hoặc vùng Côn Sơn kiếp bạc là những địa danh quen thuộc trong hành trình tham quan lễ phật thì thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng huyện Yên Dũng là một địa điểm khá mới mẻ. Bởi công trình thiền viện mới được khởi công xây dựng cuối năm 2011 nhằm tôn vinh, bảo tồn giá trị của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và phát huy tiềm năng du lịch của địa phương. Công trình được đặt trên đỉnh Non Vua thuộc dãy núi Nham Biền ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển. Dù là một công trình tín ngưỡng mới được xây dựng song thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng được đặt ở nơi thắng cảnh, lại nằm giữa nhiều di tích lịch sử thời Trần có giá trị như chùa Nguyệt Nham, chùa Kem, chùa Hang Chàm, chùa Liễu Đê…cách đỉnh Non Vua 15km về phía Đông là chùa Vĩnh Nghiêm nơi vua Trần sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm từng trụ trì thuyết pháp, về phía Nam sang bên Phả Lại, Chí Linh có di tích Côn Sơn Kiếp Bạc tạo nên ưu thế về sự kết nối các điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh của du khách. Theo thống kê, hằng năm huyện Yên Dũng đón khoảng 400.000 lượt khách thì chủ yếu tại hai điểm Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng và chùa Vĩnh Nghiêm.
 
Dù là địa phương có khá nhiều di tích có giá trị về lịch sử, văn hoá, nhưng những năm trước đây Yên Dũng hầy như chưa có hoạt động du lịch. Những năm gần đây huyện Yên Dũng đã tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá tâm linh. Cụ thể, Yên Dũng đã có quy hoạch tổng thể bảo tồn phát huy giá trị văn hóa chùa Vĩnh Nghiêm, đưa khu dịch vụ sân Golf và dịch vụ Yên Dũng vào khai thác hiệu quả. Xây dựng và đưa vào khai thác thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, phê duyệt chủ trương đầu tư khe Hang Dầu…
Tại Nghị quyết của huyện ủy Yên Dũng đã xác định: sử dụng các nguồn lực để phát triển du lịch một cách lâu dài, bền vững phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Phát huy tiềm năng lợi thế của dãy núi Nham Biền để phát triển du lịch sinh thái, tâm linh gắn với hạn chế tác động đến cảnh quan môi trường. Quan tâm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống…là những mục tiêu quan trọng mà huyện Yên Dũng xác định trong định hướng thúc đẩy ngành du lịch tại địa Phương. Theo đó, chỉ trong hơn một năm qua đã có 10 di tích được trùng tu với tổng kinh phí hơn 34,3 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3,4 tỷ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ, 750 triệu đồng từ ngân sách huyện, còn lại là xã hội hóa. Các di tích được tôn tạo gồm: Chùa Kem, đền Thanh Nhàn, đình Ba Tổng (thị trấn Nham Biền); đền Đà Hy (xã Lãng Sơn); chùa Cảnh Mỹ (xã Cảnh Thụy); đình Âm Dương (thị trấn Tân An); chùa Bình Lương (xã Đồng Việt); chùa Yên Tập Cao (xã Yên Lư); đình Xuân Đám (xã Xuân Phú); chùa Ngọc Long (xã Quỳnh Sơn). Ngoài ra, huyện còn đầu tư 1,5 tỷ đồng từ ngân sách để hoàn thành Đề án trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên), bao gồm cải tạo nhà, thiết kế lại hệ thống tủ trưng bày, lắp đặt sa bàn, pa nô…
Hiện nay toàn huyện có 83 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, còn lại là cấp tỉnh. Việc tu bổ, tôn tạo đã góp phần khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp; nâng cao tính bền vững, giá trị nguyên gốc mà vẫn bảo đảm sự tồn tại lâu dài của di tích đã góp phần tích cực cho việc khai thác các giá trị văn hoắ, di sản cho phát triển du lịch. Hiện nay, nhiều điểm đến của Yên Dũng đã thu hút khá đông lượng khách đến tham quan, trải nghiệm như Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Vĩnh Nghiêm, đỉnh Non vua trên núi Nham Biền. Lượng khách đến Yên Dũng không chỉ có khách nội tỉnh mà khách ở nhiều tỉnh thành lân cận cũng đã tìm đến du ngoạn và trải nghiệm. Nhiều nhà đầu tư cũng đã và đang tìm về Yên Dũng để khảo sát, tìm hướng đầu tư khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch của địa phương. Đây là một tín hiệu thuận lợi để Yên Dũng khôi phục lại du lịch sau đại dịch và tiếp tục phát triển kinh tế du lịch trong thời gian tới./.

Hà Yến
Ngày cập nhật: 26/04/2022 Lượt xem: 813