Với gần 300 di tích LSVH, trong đó có hơn 70 di tích lịch sử - văn hóa, được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt như Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem, đền Đà Hy, đền Thanh Nhàn… Đặc biệt bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là di sản tư liệu kí ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia… có ý nghĩa chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội rất lớn. Phát huy lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Yên Dũng đã, đang và tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy, đầu tư khai thác giá trị các di tích phục vụ nhân dân và du khách thập phương.
Yên Dũng thuộc vùng trung du miền núi, nằm ở phía Nam của tỉnh Bắc Giang. Vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống. Được bao quanh bởi 3 con sông lịch sử, dãy Nham Biền với 99 ngọn thơ mộng soi bóng, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, đầy quyến rũ. Những dòng sông bao đời đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho các vùng ven sông, tạo nên những cánh đồng trù phú, cho con người quần cư, sinh sống, nơi đây đã trở thành vùng đất cổ với những nét văn hóa phong phú, độc đáo, những con người hiền hậu, hiếu khách tạo cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch tâm linh.
Từ lợi thế to lớn đó, trong những năm qua, Yên Dũng đặc biệt coi trọng và quan tâm xây dựng các đề án quy hoạch, đầu tư, tôn tạo và mở rộng các cụm di tích văn hóa, kết hợp kiện toàn đồng bộ hệ thống giao thông, khai thác tiềm năng để phát triển du lịch. Công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, quảng bá và phát huy giá trị các điểm đến đang tích cực được triển khai như mở rộng khuôn viên, xây dựng nhà bảo quản, trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, phục dựng các Lễ hội truyền thống, hoàn thiện hệ thống giao thông, kết hợp kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sinh thái, sân golf 36 lỗ với diện tích hơn 100ha, trung tâm vui chơi, giải trí… Đại đức Thích Thanh Vịnh giới thiệu mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Hà Yến Với phương châm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện việc phát triển du lịch. Tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành T.Ư, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Trong thời gian qua, đã có nhiều dự án, công trình di tích lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã và đang được đầu tư và khai thác. Huyện đã tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế- xã hội gắn với các hoạt động quảng bá, phát triển du lịch địa phương như tổ chức Lễ đón nhận Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu kí ức khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thu hút hàng vạn lượt khách về dự, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Hạ tầng giao thông được cải thiện tạo bước đột phá mới, đảm bảo đồng bộ trong quy hoạch phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một số di tích có sự đầu tư phát triển trong mấy năm gần đây được nâng cấp, tu bổ và phát huy tốt, hàng năm tổ chức lễ hội có tầm ảnh hưởng rộng thu hút nhiều khách thập phương như Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm trong 6 tháng đầu năm 2015 đón hơn 500 đoàn khách trong nước và quốc tế với hơn 37.000 lượng khách tham quan.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.Văn Công Phát huy lợi thế giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, địa phương đã, đang chủ động tăng cường mở rộng liên kết tour, tuyến, hình thành không gian du lịch giữa các huyện, thành phố trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Trong đó, trọng tâm xây dựng và mở rộng các khu di tích trọng điểm như Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, sân Golf, đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa du lịch, quà lưu niệm đặc trưng của Yên Dũng như Cua Da, gạo Thơm, Tương, đồ gốm mĩ nghệ làng Ngòi…. Đồng thời, đầu tư tôn tạo, phát triển các cảnh quan, di tích, điểm vui chơi, giải trí nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách và đảm bảo du lịch địa phương phát triển bền vững. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tập trung nguồn nhân lực, huy động xã hội tham gia phát triển mới các sản phẩm, loại hình du lịch.
Bên cạnh đó Yên Dũng thường xuyên nâng cao nhận thức của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, hộ gia đình, người mua bán về việc xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự, xây dựng ý thức cộng đồng làm hài lòng du khách và tăng thu nhập từ du lịch. Trước mắt, địa phương hoàn thiện quy hoạch mở rộng chùa Vĩnh Nghiêm, xúc tiến nhanh các hạng mục đầu tư xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nội ngoại thất khu vực Chùa; đẩy nhanh dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, sân Golf và hạ tầng du lịch sinh thái tại xã Tiền Phong và các công trình giao thông trọng điểm của huyện…
Cùng với bảo tồn, khai thác di tích trong phát triển du lịch, công tác xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ thương mại ở các lễ hội, các điểm di tích được quan tâm. Không để xảy ra nạn trộm cắp, móc túi, mê tín dị đoan, hàng rong chèo kéo khách…đã để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, nhất là xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, an toàn cho du khách, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Tất cả điều đó nói lên rằng Yên Dũng đã và đang hứa hẹn sẽ là một điểm đến lý tưởng, thân thiện, ấn tượng với du khách thập phương./. Bài Nguyễn Văn Công
Ảnh Hà Yến, Văn Công