Thông tin du lịch Bắc Giang

Du lịch Bắc Giang- tiềm năng đang được đánh thức

Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với đất và người vùng Kinh Bắc. Nơi đây từng ghi những dấu ấn đậm nét về các cuộc đấu tranh chống quân giặc xâm lược như chiến thắng Cần Trạm-Hố Cát-Xương Giang; cuộc khởi nghĩa Yên Thế…cùng với một số di tích tiêu biểu như: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đình Lỗ Hạnh, Lăng Dinh Hương, Lăng Họ Ngọ…Hơn nữa Bắc Giang  còn có một số khu, điểm du lịch sinh thái đặc trưng như: Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, Hồ Cấm Sơn… Với du lịch, đó thực sự là những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực du lịch văn hoá, lịch sử và du lịch sinh thái.

Ông Đỗ Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH - TT & DL) cho biết: Nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, thời gian qua ngành VH - TT & DL đã tiến hành kiểm kê, rà soát hệ thống các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định thế mạnh của tỉnh tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực: du lịch sinh thái và du lịch nhân văn (phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hoá tâm linh). Về du lịch sinh thái, Bắc Giang có diện tích đồi rừng chiếm 89,5% tổng diện tích tự nhiên. Những năm gần đây rừng được trồng và bảo vệ tốt, đồi trọc được phủ xanh bằng những trang trại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo ra hệ sinh thái phong phú. Cùng đó, địa hình chia cắt mạnh đã tạo nên một số thắng cảnh khá hấp dẫn, điển hình là suối Mỡ (Lục Nam). Ngoài đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, quần thể du lịch Suối Mỡ còn có thác Thùm Thùm, Đấu Đong Quân, chùa Hòn Trứng, Hồ Bắc, khu Ba Dinh Bẩy Nền, đền Trần, bãi Quần Ngựa... rất hấp dẫn du khách. Trên địa bàn huyện Lục Nam còn có những thắng cảnh đẹp như Thác Giót, suối nước Vàng, bãi đá Rạn, cây Trò nâu vợ chồng… Hay như hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn) được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp của hồ và những trang trại vườn đồi; là vùng đất lưu giữ nhiều nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, Cao Lan, Nùng, Tày với những điệu hát soong hao, si, lượn... rất thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chèo thuyền, lướt ván. Ngoài ra còn phải kể đến rừng nguyên sinh Khe Rỗ nằm trên địa phận xã An Lạc (Sơn Động) có diện tích 7.153ha, tiêu biểu cho cả vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, đã phát hiện giám định và lập danh mục 786 loài thực vật thuộc 176 họ, 501 chi, 5 ngành trong đó có 43 loài quý hiếm ghi trong Sách đỏ, chiếm 13% số loài quý hiếm của cả nước. Có 236 loài gỗ, phân bố từ 500 đến 800 cây/ha và 225 loài dược liệu như sa nhân, ba kích, hoàng tinh, mực hoa trắng... Các điểm du lịch hấp dẫn khác như: Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), thác Ba-tia, khe Chão (Sơn Động)… gắn liền với dãy Tây Yên Tử hùng vĩ cũng được coi là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Cùng đó, với hệ thống di tích lịch sử văn hoá dày đặc gồm khoảng 2 nghìn di tích, trong đó có hơn 300 di tích đã được xếp hạng cùng hàng trăm lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm cũng tạo cho Bắc Giang thế mạnh lớn về phát triển du lịch nhân văn gắn liền với văn hoá tâm linh. Nổi bật là dấu tích thành cổ Xương Giang - nơi diễn ra trận đánh tiêu diệt 10 vạn quân nhà Minh thế kỷ XV; khu di tích Cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; khu di tích cách mang Hoàng Vân - Y Sơn (Hiệp Hoà). Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh còn có nhiều đình, chùa cổ kính nổi tiếng cả nước như chùa Vĩnh Nghiêm- Trung tâm phật giáo do Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XVII; đình, chùa Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà) được mệnh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc” có từ thế kỷ XVI; đình chùa Thổ Hà (Việt Yên) xây dựng từ thế kỷ XVII; đình - chùa Tiên Lục (Lạng Giang) có cây Dã Hương nghìn tuổi… mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến thăm, lễ và vãn cảnh.

Như vậy, có thể nhận thấy, tiềm năng du lịch của tỉnh khá phong phú, đa dạng, từ đó có sức hút khá lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Qua thống kê của ngành VH- TT & DL năm 2009, chỉ tiêu lược khách đạt 120.000 lượt, tăng 12% so với năm 2008, trong đó có khoảng 2.600 khách quốc tế, doanh thu ước đạt hơn 48 tỷ đồng. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách với tổng số 1.600 phòng nghỉ. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng còn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế. Có thể kể tới việc tỉnh ta chưa xây dựng được một điểm du lịch thực sự mang nét đặc trưng của riêng Bắc Giang; các tua du lịch phục vụ nhu cầu của du khách còn khá nhỏ lẻ và manh mún. Ngoài ra, tại rất nhiều khu du lịch, cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông chưa thuận tiện; các dịch vụ ăn, nghỉ không nhiều và chưa đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó ở một số địa phương công tác quy hoạch, xây dựng dự án, quản lý và khai thác tiềm năng du lịch chưa được thường xuyên. Đặc biệt hơn một số cán bộ làm công tác du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn đổi mới hiện nay; các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp về du lịch, do vậy chất lượng phục vụ khách chưa cao…. Do vậy, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, cùng với sự chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua ngành VH - TT & DL đã đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển một số loại hình du lịch làng nghề với các sản phẩm nổi tiếng như gốm, quan họ Thổ Hà, bánh đa Kế, rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến, vải thiều - mỳ chũ Lục Ngạn, tằm tơ Hiệp Hoà…Cùng với việc khai thác, tỉnh cũng tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo nâng tầm các điểm du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi của du khách. Hàng năm ngoài tranh thủ các nguồn tài trợ theo chương trình mục tiêu văn hoá, căn cứ kinh phí dự toán, ngành văn hoá đã tích cực hỗ trợ các địa phương có nhu cầu tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh; thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích mới. Ngoài ra tăng cường tuyên truyền, huy động nguồn lực trong nhân dân vào việc đầu tư nâng cấp các cụm, điểm di tích lịch sử văn hoá. Cùng đó tăng cường quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh vào các khu du lịch. Điển hình như ở khu du lịch sinh thái suối Mỡ sau khi hoàn thành giai đoạn một, thực hiện giai đoạn 2 của dự án hiện đập thác Thùm Thùm cùng một số dịch vụ ăn, nghỉ khác đang được xây dựng. Tổ chức đi khảo sát và làm phim tư liệu tại một số khu, điểm du lịch như: suối Mỡ, hệ thống lăng đá ở Hiệp Hoà, khu sinh thái Tây Yên Tử, đình-chùa Thổ Hà… Đặc biệt, thời gian qua, tại hồ Cấm Sơn, doanh nghiệp Thép Hưng Thịnh Phát đã được tỉnh chấp thuận cho khảo sát và lập dự án đầu tư nhiều hạng mục như khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, nhà hàng ăn uống… với tổng giá trị dự kiến khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vào một số điểm du lịch trọng điểm như khe Rỗ, Khuôn Thần, suối Mỡ; dự án khu di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đồng thời bước đầu hình thành ý tưởng xây dựng một số tua, tuyến du lịch chính như: Suối Mỡ - suối nước Vàng - thị trấn An Châu (Sơn Động) - Cấm Sơn (Lục Ngạn); chùa Vĩnh Nghiêm - Suối Mỡ - thị trấn Chũ; Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hoà; Bắc Giang - khu di tích khởi nghĩa Yên Thế - Tiên Lục (Lạng Giang). Dự kiến đến năm 2014 mở ra liên kết vùng du lịch với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Lạng Sơn… Bên cạnh đó phát triển các doanh nghiệp lữ hành, phấn đấu sớm có khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thực hiện chương trình phát triển Quy hoạch Văn hoá Thể thao Du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, hiện ngành VH - TT và DL đã hoàn thiện quy hoạch của tỉnh, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được thực hiện khá tích cực là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá, mở rộng các loại hình du lịch, dịch vụ tại các điểm du lịch, qua đó từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói’ phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

                                                           Quốc Trường

Liên hệ quảng cáo

470 x 88

Liên hệ quảng cáo

350 x 250

Sự kiện văn hóa