Thông tin du lịch Bắc Giang

LỊCH SỬ VĂN HÓA - LỄ HỘI BẮC GIANG

Bắc Giang là một tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 3.822km2, gồm 9 huyện và 01 thành phố, dân số trên 1,8 triệu người, gồm 26 dân tộc, trong đó các dân tộc chính là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Dao, Hoa... Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực riêng biệt, với bản sắc và truyền thống văn hoá khác nhau. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc sống xen canh, xen cư, ít có những bản làng chỉ có một dân tộc sống độc lập như trước. Chính yếu tố này đã tạo nên Bắc Giang có một nền văn hóa đan xen vừa phong phú vừa đa dạng.
Nghệ thuật thư pháp Thổ Hà
Nhìn lại tiến trình lịch sử cho thấy, con người cư trú ở Bắc Giang từ rất sớm, các công cụ bằng đá thời đại đồ đá cũ cách ngày nay chừng 2 vạn năm được tìm thấy ở Bắc Giang. Điều đó chứng tỏ Bắc Giang là một trong những điểm tụ cư sớm của loài người. Trải qua các thời đại, cộng đồng dân cư Bắc Giang đã tụ họp thành các làng xã và ổn định cuộc sống đến ngày nay. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Bắc Giang từng được coi là “phên dậu”, là một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước. Chính điều này đã tạo cho người dân Bắc Giang bản lĩnh kiên cường, anh dũng trong các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, tham gia vào các cuộc chiến tranh vệ quốc đánh đuổi kẻ thù dân tộc, như: Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Nhật, Mỹ… giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc.
Bên cạnh truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; Bắc Giang còn có truyền thống hiếu học và khoa cử; truyền thống đoàn kết thượng võ…Những truyền thống này bắt nguồn từ tình yêu nước, yêu quê hương và tinh thần ấy được thể hiện qua các di vật: Trống đồng, cung nỏ, đao, kiếm; qua các bức chạm ở đình, chùa, đền, miếu,…, qua các truyền tích, các lò võ…. Ngoài ra, Bắc Giang cũng nổi tiếng với những di tích lịch sử gắn với các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Theo số liệu thống kê năm 2007, Bắc Giang hiện có trên 2.237 di tích, các di tích đa dạng các loại hình (đền, nghè, đình, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ, từ chỉ, từ vũ, thành lũy, địa điểm lịch sử), với lối kiến trúc độc đáo, cùng với các pho tượng, các di vật thể hiện những dấu ấn đặc sắc về kiến trúc, nghệ thuật, hội họa và điêu khắc của người Bắc Giang được ghi dấu qua từng thời kỳ lịch sử. Mỗi di tích đều mang dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc. Cũng chính bởi số lượng di tích dày đặc và phong phú, Bắc Giang đã trở thành vùng đất văn vật, vùng đất của văn hóa dân gian, vùng đất của hội hè... Trong số trên 2237 di tích ấy, đã có 736 di tích và cụm di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 05 di tích quốc gia đặc biệt (bao gồm 34 di tích đơn lẻ), 94 di tích quốc gia, 608 di tích cấp tỉnh.

Vật cầu bùn làng Vân
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 779 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống. Lễ hội của Bắc Giang phổ biến ở hầu khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Phần lớn lễ hội có tính chất và quy mô hội làng, nhiều hội mang tầm cỡ của hội vùng, liên vùng. Nhiều lễ hội được tổ chức có quy mô lớn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự như: Lễ hội Xương Giang (thành phố Bắc Giang); Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); Lễ hội Tây Yên Tử (huyện Sơn Động); Lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên); lễ hội Đền Suối Mỡ (huyện Lục Nam); Lễ hội Thổ Hà, Lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên); Lễ hội Yên Thế (huyện Yên Thế); Lễ hội Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); Lễ hội Tiên Lục (huyện Lạng Giang)… Điều này đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, làm phong phú và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.
Ở Bắc Giang, lễ hội thường được diễn ra vào hai mùa quan trọng nhất của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp còn gọi là dịp Xuân-Thu nhị kỳ (đầu mùa khi gieo cấy và cuối mùa khi thu hoạch) phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của những cư dân trồng lúa nước. Lễ hội ở Bắc Giang là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, ra đời và gắn bó với cuộc sống của con người, trở thành một môi trường văn hóa vừa gần gũi, vừa thiêng liêng; nơi bảo lưu, nuôi dưỡng và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của con người, của cộng đồng làng xã và của dân tộc. Trong các lễ hội còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn hoá cộng đồng như các trò chơi dân gian và những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc khác nhau bao gồm: Quan họ, ca trù, chèo, then, sli, lượn, soong hao.Dù ở tầm cỡ nào, lễ hội ở Bắc Giang cũng đem đến cho người dân niềm tin và niềm vui sống.

Bắc Giang còn có những làng nghề truyền thống lâu đời như: Gốm Thổ Hà, rượu Làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến (huyện Việt Yên); bánh Đa Kế (thành phố Bắc Giang), rèn sắt Đức Thắng, Ninh Khánh... Những mặt hàng thủ công của Bắc Giang rất nổi tiếng, không chỉ cung cấp cho nhân dân trong vùng mà còn có mặt ở nhiều nơi trong cả nước. Văn hóa ẩm thực của Bắc Giang đã đi vào ngạn ngữ dân gian như: Bánh đa làng Kế, chả chó làng Dền, cải Tiếu Mai, bún Đa Mai, rượu Vân Hà... Ngày lễ, ngày hội, ngày tết còn có nhiều món ăn truyền thống: Bánh chưng, bánh mật, bánh dày, khâu nhục, gỏi cá... Những món ăn ấy mang đặc trưng rõ rệt của từng dân tộc. Văn hóa dân gian của Bắc Giang cũng rất phong phú, đa dạng. Loại hình văn hóa này được thể hiện trong các tập tục, lễ nghi tốt đẹp, trong các môn thể thao truyền thống; các trò chơi dân gian; trong văn hóa ẩm thực. Đó là các tập tục gọi gạo ở Phúc Lễ, thi nói khoác ở Hòa Làng, nói tức ở Đông Loan, thi dệt vải ở Song Khê thi làm bún ở Đa Mai; các lễ trình nghề ở Thắng, Thổ Hà; tục cướp cầu nước, cướp cầu gỗ ở các làng xã; tục thi cỗ, thi kéo lửa nấu cơm; đặc biệt là tục cướp chạ, kết giao, kết nghĩa giữa các làng với nhau... Đó là những nét đẹp cổ truyền có các làng xã trong tỉnh rất cần được quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát triển.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị; các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh; quan tâm bảo tồn di sản văn hoá, khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian đặc sắc, độc đáo trong các lễ hội truyền thống. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW gắn với thực hiện các Chỉ thị, Kết luận, nghị định, văn bản quản lý nhà nước về lễ hội của Trung ương, của tỉnh như: Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Quyết định số 74/2013/QĐ-UBND ngày 15/3/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang…; gắn với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại các lễ hội gắn với phát triển kinh tế, du lịch địa phương là một trong những nội dung quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trú trọng. Hằng năm, Sở VHTTDL lập hồ sơ di sản văn hóa tiêu biểu đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 07 lễ hội tiêu biểu đã được đưa vào danh mục, gồm: Lễ hội Thổ Hà (huyện Việt Yên), Lễ hội Yên Thế; Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng); Lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên); Lễ hội Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); Lễ hội Đền Suối Mỡ (huyện Lục Nam); Lễ hội chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên). Đã thực hiện 07 chương trình về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể: Bảo tồn lễ hội bơi chải làng Mai, xã Mai Đình; lễ hội Y Sơn (Hiệp Hoà); lễ hội Tòng Lệnh, lễ hội Đền Suối Mỡ (Lục Nam); lễ hội bơi chải An Châu (Sơn Động); lễ hội Đình Vồng (Tân Yên); lễ hội Từ Hả (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn). Việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của Nhân dân./.


Nguyễn Thị Thanh Huyền
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Liên hệ quảng cáo

470 x 88

Liên hệ quảng cáo

350 x 250

Sự kiện văn hóa